Có những đôi uyên ương luôn tạo trong mắt người khác hình ảnh của sự gắn bó, chan hòa hạnh phúc và lúc nào cũng tâm đầu hợp ý. Thiên hạ trầm trồ: “Chà, ông trời khéo se duyên quá, ước gì mình cũng được như họ”. Tuy nhiên, “có ở trong chăn mới bết chăn có rận”,đằng sau hình ảnh hạnh phúc đó là không ít nước mắt và lời lẽ chẳng hay ho gì họ dành cho nhau.
Cô bạn tôi nhờ “thông báo” giúp tình huống éo le này, ai có ý kiến gì tư vấn giúp chăng?
Rằng, trước đây cô có một mối tình đẹp với người bạn trai mà cô hoàn toàn tin cậy và tự hào. Vì thế, cô tự nguyện “cho nhau nụ hồng còn trinh nguyên phơi phới”. Thế nhưng, sau khi đã tận hưởng “trái cấm” anh chàng trở mặt quất mã truy phong. Chán chường tình đời, cô nhắm mắt cưới đại người đàn ông khác, chỉ mới gặp đôi lần và trong lòng chẳng hề yêu thương gì sất. Lúc ấy, do tự ái dồn dập nên quyết định đột ngột của cô không ngoài mục đích “trả thù” tình phụ.
Rồi cô cũng sinh con đẻ cái như nghĩa vụ, trách nhiệm. Bẵng đi một thời gian, trong chuyện làm ăn cô đã gặp người khác. Lạ thay, từ sâu thẳm tâm hồn mách bảo đây mới chính là mẫu người lý tưởng. Nếu được chung sống với người này thì hạnh phúc biết bao. Mà người đó cũng có tình ý với cô, cũng liếc ắt đưa tình, cũng buông lời hẹn hò đầu non cuối bể. Còn gì sung sướng hơn?
Thế nhưng do còn gia đình, con cái nên cô không thể thực hiện ước mơ thầm kín ấy. Trầm ngâm trải nỗi lòng, cô hỏi: “Em nên quyết định như thế nào?”.
Lại có những người đàn ông lâu nay được tiếng gương mẫu, yêu vợ thương con, đảm đang việc nhà không gì chê trách. Bỗng nhiên, ngày kia anh ta đâm ra trái tính trái nết. Cứ nhìn vào thời gian sinh hoạt là rõ ngay thôi: Đi sớm về trễ với thái độ lén lén lút lút. Đã thế, dạo này nửa đêm màn hình điện thoại lại còn nhấp nháy sáng, thay vì hiên ngang nằm đọc trên giường như mọi lần, anh ta lại cầm “cục gạch” chui tọt vào trong toilet.
Những hành động bất thường ấy, không thể lọt qua mắt vợ bởi phụ nữ nào cũng nhậy cảm và thừa sức “bắt giò” những biểu hiện khả nghi. Quả thật, sau vài ngày thăm dò, cô biết người tình thời sinh viên của chồng vừa từ nước ngoài về. Trước kia, do không đến với nhau nên cô này xuất cảnh đi Mỹ với người mà cô không yêu. Còn anh vì buồn tình nên cũng cưới vợ cho xong. Sau thời gian vật đổi sao dời, cô nàng ở Mỹ đã chia tay. Bây giờ, cô về nước và gặp lại chàng. Tình cũ không rũ cũng đến.
Có trường hợp, sự gặp gỡ ấy chỉ là tâm thế của hai người bạn cũ, nhưng cũng có người muốn đi xa hơn nữa. Họ lập luận rằng, đời sống vốn ngắn ngủi, tại sao cứ phải hy sinh, chịu đựng với một người dù là vợ/ chồng trên danh nghĩa nhưng trong lòng chẳng rung cảm gì? Tại sao không dám bứt phá “vượt lên chính mình”, sống thật với lòng mình? Hầu hết những sự cố trái khoáy này, do điểm xuất phát khi quyết định ký hợp đồng “chung thân dài hạn” không vì tình yêu mà chỉ “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”. Do đó, trong quá trình chung sống họ nhận ra nhiều bất cập, dù sự việc chẳng gì to tát, nếu thật lòng yêu thương thì giải quyết dễ dàng như lật bàn tay. Thế rồi, cũng ầm ĩ cả lên. Mệt cả đầu.
Vậy trong những tình huống vừa nêu, nên lựa chọn thế nào? Chấp nhận những gì đang có hay lao theo tiếng gọi ầm ĩ của con tim?
Lại nữa, còn có trường hợp cứ tưởng như trò chơi ú tim của con trẻ. Do cơm không lành canh không ngọt, anh chồng quyết định khăn gói ra khỏi nhà tìm đến một “bến bờ mới”. Anh tin rằng, người mới ấy mới chính là mẫu người lý tưởng, có thể sẻ chia tâm tình và góp phần thăng tiến địa vị của anh trong xã hội. Sau khi “no xôi chán chè”, anh ta lại mới biết mình nhầm và đến ngày nọ, không thể chịu đựng được nữa nên anh tìm cách tháo lui. Bây giờ đi về đâu? Anh lại quay về với vợ chăng? Than ôi, lúc ấy cô vợ cũng vừa nhen nhúm một cuộc tình mới. Phải lựa chọn giữa hai người, một bên vì nghĩa đã có con với mình; một bên đưa cánh tay vỗ về lúc tuyệt vọng đau buồn. Cô cảm thấy thật khó xử khi buộc phải lựa chọn.
Thật ra, trong hôn nhân có những tình huống mà người trong cuộc mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Thế nhưng dù quyết định thế nào cũng nên cân nhắc thấu đáo giữa lý và tình. Về lý có thể đúng nhưng về tình có khi lại chưa chắc. Thiết nghĩ khi đứng trước sự lựa chọn oái oăm ấy, cách khôn ngoan nhất là hãy nỗ lực để hoàn thiện những gì đang có. Đừng quên rằng, một khi đã quyết tâm dứt áo ra đi thì đường quay lại đã khép cửa. Nếu cửa có mở, sự việc có lúc lại còn tồi tệ hơn trước gấp bội lần.
“Đã dám đi thì đừng quay lại, đã quay lại thì đừng dại dột đi”. Nhắc thêm câu ấy cũng không thừa.
L.M.Q
(nguồn: tạp chí TGPN 5.5.2104)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|