THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Giữa “2 làn đạn”

LÊ MINH QUỐC: Giữa “2 làn đạn”


Chung sống một nhà, đôi khi lại có những tình huống khiến các thành viên như sống “giữa hai làn đạn”. Nghe thế ắt có người bật cười ha hả, bởi tưởng đang luận bàn chuyện giữa chốn sa trường. Mà đôi khi cũng có thể lắm chứ.

 

giua-2-lan-d-n

 

Trong nhà, cu cậu được mẹ cưng chiều “quá cỡ thợ mộc”, không việc gì của con mà mẹ không để mắt đến, cứ chăm bẵm từng ly từng chút. Từ chọn thức ăn sáng, mua sắm quần áo đến dỗ dành giấc ngủ hằng đêm cũng được mẹ giang tay che chở. Ngày nọ, nhà trường tổ chức cho các em học sinh đi chơi dã ngoại, cô vợ cương quyết không đồng ý: “Con mình con nhỏ, lúc gặp sự cố gì, nó biết kêu ai?”. Dù chồng giải thích hết lời về ích lợi của sinh hoạt cộng đồng, nhưng cô vẫn cương quyết “không là không”. Lại nữa, do nhà gần trường nên trẻ con hàng xóm vẫn tự đến đi học đó thôi, chú nhóc cũng muốn thế, nhưng cô nhất quyết buộc chồng phải đưa đón mỗi ngày, cứ sợ sểnh ra không khéo nó đi lạc ngay.

Dù cùng thương con nhưng do bố mẹ có cách thể hiện, biểu hiện khác nhau nên mới “rắc rối sự đời”. Có những người vợ cứng rắn trong việc dạy con, dù nó còn nhỏ nhưng vẫn tập tành làm quen dần với việc… trong khi đó người chồng cương quyết phản đối: “Nó ăn chưa no, lo chưa tới. Suốt cả ngày học hành mệt lả cả người, vậy mà ở nhà chẳng được nghỉ ngơi!”. Biết bố là “đồng minh”, lập tức cô nhóc cười khì khì, bỏ mặc lời mẹ dặn dò rồi lại nhoay nhoáy với IPad! Nếu không thế, dù có làm việc theo phân công của mẹ nhưng cô nhóc cũng ấm ức lắm. Mà những cô/ chú nhóc sống trong sự cưng chiều thái quá nên có lúc đứng trước nhiều tình huống không biết cách sử lý, cứ như từ trên trời rơi xuống đất.

Ngày mới cưới, đôi vợ chồng nào cũng ước mong có được “thiên thần nhỏ”. Nhờ vậy, tình chồng nghĩa vợ thêm gắn bó hơn. Nhưng rồi, do không đồng quan điểm trong cách dạy con nên mối quan hệ ấy có lúc “ông nói gà, bà nói vịt”, mặt nặng mày nhẹ khiến không khí trong nhà kém vui.

Có nhiều phụ huynh đã “ủm” con trong vòng tay một cách thái quá. Tất tần tật chuyện gì cũng giám sát chặt chẽ, sít sao từng centimet. Đi học về là buộc nó ở luôn trong nhà, đừng hòng có thể béng mảng qua nhà bạn bè, nếu muốn đi đâu phải người đưa kẻ đón, cứ như có vệ sĩ kè kè từng giây từng phút. Có cô/ cậu đã hơn mười tuổi rồi, lần nọ được bố mẹ dẫn đi theo ăn đám cưới. Do thiên hạ sử dụng giờ dây thun nên bữa tiệc diễn ra chậm hơn thời gian ấn định, cậu nhóc sụt sịt, mè nheo than đói cứ như đang ở nhà. Thay vì khuyên còn nhẫn nại ngồi chờ như mọi người, ông bố bèn bước ra ngoài mua ngay ổ bánh mì. Nhìn con ăn ngon lành, ông bố hả hê lắm nhưng người mẹ mắc cỡ hết sức bởi ánh mắt nhìn của người chung bàn. Đôi khi con cái đòi mua cái này cái kia, xét thấy không cần thiết nên người mẹ lắc đầu, trong khi đó ông bố lại hào phóng móc tiền đưa ngay.

Sự ỷ lại của đứa trẻ cũng từ đó mà ra bởi khi nói muốn cái gì, chỉ “ới” một tiếng là bố/mẹ giúp ngay thôi. Bằng không nó sẽ tha hồ làm mình làm mẩy, vòi vĩnh đến bao giờ người lớn răm rắp theo “lệnh” mới thôi.

Vì kỳ vọng vào con quá nhiều nên đã có không ít người ép buộc con bằng mọi giá phải trở thành thiên tài. Phải trở thành kỹ sư chế tạo máy bay, nhà soạn nhạc cỡ Chopin, nhà lập trình tin học ngang ngửa Bill Gates… nên đứa trẻ phải chấp hành thời gian biểu như trong trại lính, bị kiểm tra thời gian nghiêm ngặt! Trong khi đó, chẳng ai quan tâm đến sở thích, nguyện vọng của nó chỉ đơn giản muốn trở thành thầy, cô giáo hoặc công nhân chẳng hạn. Cũng có thể trước ước mơ đó, bố tán thành nhưng mẹ lại không.

Có khi cả bố lẫn mẹ đồng tình trong cách dạy con nhưng lại vướng phải “trở ngại” khác. Do cô nhóc đang phát phì nên hằng ngày phải ăn uống điều độ, vậy mà thời gian bà nội ở quê lên chơi, những lần cháu mè nheo là bà “động lòng trắc ẩn” bèn cho cháu xả láng, giờ giấc ngủ nghỉ cũng phá lệ, thậm chí còn dấm dúi tiền cho cháu ăn quà vặt. Vẫn biết bà thương cháu nhưng cô con dâu tỏ thái độ thế nào cho phải đạo? Lại nữa, do không thuận thảo nên mỗi lúc gặp cháu, bà cứ nhồi nhét vào đầu cháu biết bao tính xấu của “mẹ nó”. Nghe con méc lại, cô vợ cáu tiết rồi nỗi bực dọc ấy trút vào đâu?

Những tình huống này dần dà đã khiến đứa trẻ cảm thấy mình đứng “giữa 2 làn đạn”, chẳng biết phải nghiêng về “phe nào”. Điều này, chắc chắn có tác động xấu đến tâm lý của đứa trẻ, bởi nó không biết nên vâng lời ai, ý kiến nào là đúng?

Nuôi dạy con là trách nhiệm của vợ lẫn chồng. Tuy nhiên, nếu không đồng suy nghĩ ắt có thể xẩy ra những tình huống mà cả hai không ngờ đến. Nhà thơ Bảo Sinh có câu thơ thú vị: “Con ta không phải của ta/ Tai họa của nó mới là của ta”. Chẳng cha mẹ nào muốn chứng kiến “tai họa” này, thế nên việc dạy con ra sao phải có được sự đồng thuận của cha lẫn mẹ, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nếu không khi con va vấp sự cố nào đó trên đường đời, đổ lỗi cho ai?

L.M.Q

(nguồn: TGPN 21.4.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com