Lần nọ, một chị đang đi trên đường bỗng từ phía sau có người ngồi trên xe trờ tới, bảo: “Chị rớt cái gì đàng sau kìa”. Nói xong vụt chạy. Chị ngẫm nghĩ: “Ủa, mình có đánh rơi gì đâu?” nên phóng xe chạy tiếp. Không ngờ, ít phút sau, lại có người khác đuổi theo, nói câu tương tự. Lần này, chị chột dạ, biết đâu mình đánh rơi gì chăng? Chị quay đầu xe lại. Rồi chuyện gì xảy ra? Điều ai cũng biết, đó chỉ là một chiêu lừa gạt người cả tin. Nhưng, không ít người sập bẫy, bởi họ cứ tưởng ra đường gặp người tốt.
Thời buổi này, cáo già đội lốt nai tơ nhan nhản. Có gì nhẫn tâm hơn khi có người đánh mất giấy tờ, đăng thông tin trên báo, dán tờ rơi không quên lời khẩn cầu chu đáo “sẽ hậu tạ”, mong có người nhặt được sẽ trả lại mình. Lập tức có tin nhắn, điện thoại gọi đến, chưa kịp mừng, hóa ra chỉ là trò đùa của những kẻ rỗi hơi, cười trên nỗi đau của người khác. Cứ thế, dần dà người ta đâm ra cảnh giác với thế giới chung quanh. Ai cũng có cảm tưởng, dẫu có đốt đuốc thì cũng khó tìm ra được người tốt.
Ảnh: Ngọc Hồ (Phụ Nữ Online).
May quá, lòng tốt vẫn còn đâu đó trên dòng đời xuôi ngược. Có những điều không gì to tát, do đó, ít ai quan tâm nhưng ngẫm ngợi lại, vẫn gợi lên bao điều ấm áp. Nếu có ai đó ngồi xâu chuỗi lại những sự việc tưởng chừng như “cổ tích”, sẽ thấy có không ít những người bình dị đã viết lên những trang đời thật đẹp.
Tôi đã gặp người đàn ông, tên cha sinh mẹ đẻ là Hà Tư Phước, ở thôn Ia Rok, xã Chư H’Drong (Pleiku, Gia Lai) nhưng mọi người gọi anh là “Phước khùng” bởi anh tự nguyện đem vài chục người bệnh tâm thần về nhà nuôi! Em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7 Trường THPT Đô Lương 1 đã cứu được bốn học sinh bị đuối nước. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam kiệt sức, bị dòng nước cuốn trôi.
Cô gái Phan Thị Thu Hà, 18 tuổi, nhưng đã phải trải qua sáu năm chạy thận nhân tạo, chỉ còn chờ chết nếu không có một quả thận để thay. Bi kịch bệnh tật của Hà đã làm động lòng anh Vũ Quốc Tuấn ở xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), làm giữ xe tại bệnh viện. Anh có ý định hiến tặng một quả thận để cứu Hà. Việc hiến thận không đơn giản, anh phải qua 68 lần xét nghiệm, mệt mỏi và đau đớn, nhưng anh vẫn không ngại. Khi biết anh có ý định hiến thận cho Hà, có người đã đề nghị mua thận của anh với giá 50.000 USD nhưng anh từ chối: “Nếu ông có 50.000 USD thì ông có thể mua thận để ghép cho con, nhưng cô bé này không có quả thận của tôi thì sẽ chết”.
Những câu chuyện cảm động này còn nhiều. Trong một xã hội bình thường, có lẽ đó là những chuyện hiển nhiên, nhưng ở xứ ta, lập tức thành chuyện “lạ đời”. Có lẽ do lòng tốt, người tốt trong cộng đồng ngày càng hiếm hoi quá chăng? Không hẳn thế, bởi chúng ta không có thông tin đấy thôi. Những người làm việc thiện chỉ nghĩ đơn giản, đó là sự thôi thúc nội tâm, là một lẽ tự nhiên nên không có gì phải ầm ĩ.
Ai đó bảo người Việt xấu xí? Điều này không sai nhưng thật ra chỉ là một bộ phận nhỏ thoái hóa, lệch lạc.
Mỗi một ngày, gặp một thông tin thể hiện lòng nhân ái, tôi tin mỗi người sẽ thấy lòng vui hơn và càng tin, người Việt vẫn làm việc tốt một cách bình thường, bởi đó là điều vốn có từ trong máu thịt, trong tâm thức…
L.M.Q
(nguồn: Báo PN TP.HCM 2.4.2014/ http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/nguoi-viet-dau-xau-xi/a116840.html)
)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|