THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Một “ca” éo le

LÊ MINH QUỐC: Một “ca” éo le

 

Trong đời sống vợ chồng, bất kỳ chuyện gì dù gió to sóng lớn đến cỡ nào cũng có thể giải quyết êm thắm, không gì phải ầm ĩ. Thế nhưng lại có một “ca” cực kỳ khó giải quyết. Người trong cuộc rơi vào tình huống éo le đó, có những lúc họ nhăn mày nhíu mặt tự nhủ: “Muốn kêu một tiếng cho to lắm/ Rằng ối ai ôi nó thế nào?”. Nó thế nào? Chuyện này có nên làm ra ngô ra khoai không? Nếu làm ra mọi chuyện, liệu tình cảm vợ chông có còn êm đềm như trước, hay chỉ mặt nặng mày nhẹ rồi có thể “tan đàn xẻ nghé” dễ như không! Khó quá.

 

motcaeole

 

Chuyện rằng, ngày nọ, sau những chuyến du học ở nước ngoài, anh chồng quay về nhà thấy cả bốn thằng nhóc đùa vui trong nhà. Cô vợ vẫn “ngon cơm ngọt canh”, âu yếm tình tứ như ngày nào. Sau vui mừng trùng phùng hội ngộ, giây lát sau, anh định thần nhỏ nhẹ: “Mình có con rồi hả em?”. Cô vợ nguýt một cái rõ dài: “Thằng thứ nhất, bộ anh không nhớ là anh “tạm ứng” trước khi cưới nhau à? Thằng thứ hai, là ngay ngày anh lên đường dùi mài kinh sử; thằng thứ 3 là kết quả mỹ mãn của đợt anh nghỉ hè năm đó. Nhớ chưa?”. Anh chồng vỗ tay vào trán: “Nhớ rồi! Em nói đúng. Anh lú lẩn ghê”. Tất nhiên, là do mải mê đèn sách nên anh chẳng nhớ gì. Người đâu vô tâm vô tứ quá. Ngồi cà kê một lát, anh bật lên câu hỏi vụt hiện qua trong đầu: “Ủa? Vậy thằng thứ tư đang ngồi trên ghế, trông khôi ngô tợn, lúc nào nhỉ?”. Nghe hỏi, cô vợ sẵng giọng: “Anh nhiều chuyện quá đi thôi. Thằng nhóc ngồi ngoan, chẳng quậy phá gì, anh có để cho nó ngồi yên được không?”.

Tất nhiên, chuyện này… bịa. Dù vậy, ai dám nói trong đời không có những người rơi vào tình huống cực kỳ “nhậy cảm” đó?

Lâu nay, trên thuận dưới hòa, ngày nọ, anh dẫn vợ và con về thăm quê. Trong những lúc hỏi han, trò chuyện vui vẻ, có người cắc cớ dặt câu nghi vấn: “Cậu to con như voi nhưng thằng nhóc cứ như chuột nhắt ấy nhỉ?”; đã thế, dì kia, thím nọ lại phán: “Cái miệng cười của nó trông giống bố nhưng con mắt lại không. Lạ nhỉ?”. Những câu bình phẩm này đôi khi chỉ bâng quơ, vô thưởng vô phạt nhưng anh chồng yếu bóng vía là sinh chuyện. Không thể ầm ĩ lúc đó, nhưng lại khắc ghi trong lòng và âm thầm suy nghĩ đến nhức cả đầu.

Buồn cười thật, do lúc đến với nhau cả hai còn nghèo, lương công nhân mỗi tháng khác gì bọ chét nhét miệng hùm nên thằng cả ốm tong ốm teo; đến đứa thứ hai, gia cảnh khấm khá hơn nên nó cao nhồng, vạm vỡ gấp đôi thằng anh. Chuyện này chẳng có gì lạ. Vậy mà có những anh chồng lại nghĩ ngợi ghê lắm. Con cùng một cha, sao hai đứa lại “một trời một vực” thế kia? Đã thế, cô vợ lại luôn cưng chiều thằng anh hơn. Tại sao thế? Anh đâu biết sở dĩ như vậy, chỉ vì cô vợ muốn bù đắp lại ngày xưa thiếu thốn cho con, chứ nào phải vì lý do gì khác. Lại có trường hợp cả bố lẫn mẹ và các chị em đều dùng đũa tay trái, thằng nhóc này lại sử dụng tay phải; hoặc con gái dòng họ nhà mình từ nội đến ngoại đều cao như siêu mẫu chân dài, sao cái nhóc của mình lại thiếu thước tấc thế kia? Đại loại, những câu hỏi ấy khó có thể hỏi ai khác, dù là cô vợ xinh tươi mơn mởn vẫn cận kề chăn gối mỗi ngày.

Trước những thắc mắc cực kỳ qan trọng này, dù không nói ra, đã có những ông chồng nghĩ thầm trong bụng: “Có bao giờ cô nàng thủy chung đã léng phéng với ai khác không?”. Nghĩ thế, bèn ngồi bấm đốt ngón tay, nhẩm tỉnh lại ngày tháng đã “chung chạ” để xem thế nào? Nhiều người cho rằng, cách tốt nhất là cứ âm thầm thử ADN là biết có câu trả lời ngay thôi. Việc gì phải lao tâm khổ tứ đến thế? Nói thì nghe dễ, nhưng thật ra, trong cuộc sống chung không phải bất kỳ lúc nào cũng nên áp dụng phương pháp đó. Thử hỏi, nếu sau đó, biết chắc rằng không phải cùng máu thịt thì ta đối xử với đứa bé thế nào? Trong khi đó, từ thuở nó khóc oe oe đến nay đã vào nhà trẻ, cũng một tay vợ chồng mình lo toan từ miếng ăn đến giấc ngủ. Vậy biết thêm thông tin chính xác về “gốc tích” của nó liệu có giải quyết được vấn đề gì không? Trong trường hợp này, nếu có thật, đứa bé hoàn toàn không lỗi gì cả. Lại có ông chồng sau khi đi thử, mừng húm biết rằng chính xác “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Thế nhưng, từ đó chuyện vợ chồng lại eo sèo cãi cọ: “Bẽ mặt quá! Em đối sử với anh như bát nước đầy, vậy mà không tin nhau à?”.

Một đứa trẻ, khi được yêu thương, nuôi nấng chăm sóc thì tình cảm của nó tất nhiên dành cho người dưỡng dục. Do đó, dù con ruột nhưng bố mẹ bỏ bê, chắc gì nó lại yêu thương bằng yêu thương người đã nuôi nó, dù không ruột thịt.

Vậy thì, những trường hợp nghi ngờ ấy, thiết nghĩ không nên chăm bẳm đi tìm kết quả cuối cùng. Bởi sau khi có kết quả, chẳng hề có cách giải quyết nào xuôi chèo mái mái cả. Nếu có, nghĩ cho cùng cũng là sự thiệt thòi cho đứa bé. Cứ nghĩ là con mình, mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều lắm.

Chi bằng, cứ đối xử, nhìn nhận mọi quan hệ như đã diễn ra lâu nay. Theo tôi, vẫn là sự lựa chọn hợp lý hợp tình hơn cả. Việc gì phải tự đặt mình vào một tình huống éo le mà nếu biết rõ, mọi điều cũng không thể có cách giải quyết tốt nhất.


L.M.Q

(nguồn: TGPN 17.3.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com