THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Thấy người đau giống mình đau

LÊ MINH QUỐC: Thấy người đau giống mình đau

 

Tình cờ, tôi đọc được trên mạng xã hội nỗi lòng thầm kín của vị bác sĩ nọ. Ông đã nêu ra một vấn đề rất thật và cũng rất đời. Rằng tại sao các bác sĩ không nghĩ có lúc mình cũng trở thành người bệnh? Tôi hoàn toàn cảm thông khi đọc những dòng chân thật: “Khi chính mình phải đối diện với nó, chính mình trở thành bệnh nhân, tôi mới thực sự thấu hiểu và thông cảm với người bệnh. Những ngày đó thật đau đớn, căng thẳng, lo lắng, mặc cảm... Nằm trên giường bệnh, tôi suy nghĩ về chất lượng cuộc sống và cả về chất lượng cho chuyến du hành cuối cùng của cuộc đời. Thật xấu hổ tôi đã lo âu chỉ vì một viên sỏi bé tí... không là một cái gì so với hàng trăm ngàn bệnh nhân ở đây. Với tôi, bệnh viện là nhà, quanh tôi toàn là thầy, cô, bạn bè đồng nghiệp, gia đình... rất quen thuộc và thân thiện nhưng tôi vẫn lo lắng”. Trong khi đó, người bệnh bước vào bệnh viện lẻ loi hơn nhiều, họ chẳng được “gửi gắm” với bác sĩ nào, chỉ hoàn toàn tin cậy vào tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền”. Nếu may mắn được chăm sóc bởi bác sĩ có tấm lòng “thương người như thể thương thân”, bằng không, tự an ủi “trời kêu ai nấy dạ”.

 

thyanguoidau-giong-minhdau

 

Tự sự của vị bác sĩ trên khiến tôi nhớ đến tác phẩm Quy luật của muôn đời của nhà văn Nga Nodar Dumbatze rằng, ai trong đời cũng nên ốm nặng một lần, khi vào bệnh viện mới thấu hiểu nổi khổ lúc bệnh tật và sự sống đáng quý biết chừng nào. Chẳng lẽ phải đợi đến khi các bác sĩ trở thành bệnh nhân thì họ mới nhìn nhận lại việc làm, thái độ đã từng hành xử với bệnh nhân? Tôi không nghĩ thế! Bởi tôi tin ngay từ khi “hành hiệp” nghề y, hơn ai hết các thầy thuốc đã nằm lòng lời răn dạy của tiền nhân như nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu đã dạy: “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành”. Nhưng trước đó nữa, từ thế kỷ XVIII, lời cảnh báo của danh y Hải Thượng Lãn Ông đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự: “Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân cha mẹ người bệnh ốm ngặt, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được, thế là lập tâm bất lương, hơn nữa đối với người cao cấp thì ân cần để tính lợi, đối với người nghèo túng thời lạnh nhạt coi thường, cho việc làm thuốc như nghề buôn bán”. Thời buổi này, những thầy thuốc thiếu y đức ấy còn tồn tại không? Hình ảnh đáng quý, đáng trọng về thầy thuốc đã khác trước, cũng tựa như chiếc áo blouse trắng đã có những vết hoen ố. Tôi không quơ đũa cả nắm, chỉ xin dành câu tự vấn này cho người trong nghề.

Trong tâm thức của con người, từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời, bao giờ họ cũng luôn yêu dấu, nghĩ về người mẹ. Tình cảm ấy là một lẽ tự nhiên, một thuộc tính vốn có của con người. Một bác sĩ lâu năm trong nghề, đã gắn bó với ngành y gần nửa thế kỷ, có lần ông nói với tôi một điều lạ lùng: Các bệnh nhân trong phút giây âm dương nghìn trùng xa cách, câu hy vọng cuối cùng lúc xuôi tay nhắm mắt hầu như ai cũng thốt lên: “Mẹ ơi”. Phải chăng, lúc tuyệt vọng não nùng ấy, họ nghĩ rằng, chỉ có đức hy sinh, lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ mới có thể cứu được mình? Không phải ngẫu nhiên, từ nghìn xưa trong quan niệm người Á Đông, có một ngành nghề được xã hội tôn vinh sánh ngang công đức của người mẹ, đó chính nghề thuốc: “Lương y như từ mẫu”.

Từ sâu thẳm tâm hồn, mỗi chúng ta đều dành cho họ nhiều sự quý mến nhất. Không ai khác, chính họ bằng tài năng, chuyên môn, đức độ đã cứu chữa cho biết bao người thoát khỏi sự hành hạ của bệnh tật. Lúc còn trẻ, sức còn khỏe thì trong suy nghĩ của ta chỉ có tiền tài, danh vọng mới là mục tiêu vươn tới. Thế nhưng khi ngã bệnh, nằm lẻ loi hoặc có người thân chăm sóc, hẳn ai cũng thấy rằng, chỉ có sức khỏe mới quan trọng nhất. Ngay cả các bác sĩ cũng biết rõ điều này, vì thế họ càng thấy nghề làm thuốc là cao quý bởi có khả năng giành lại sự sống cho đồng loại.

Cả nước đang rầm rộ tôn vinh nghề nghiệp mà theo cụ Hải Thượng Lãn Ông, đó là “thuật thanh cao, thời phải có tiết thanh cao”, tôi không ước các thầy thuốc có dịp… nhập viện càng sớm tốt, để thấu hiểu nỗi đau hơn nỗi đau của bệnh nhân. Bởi tôi và rất nhiều người khác luôn tin rằng, “thương người như thể thương thân” vẫn là lời mà các thầy thuốc nằm lòng.

 

L.M.Q
(nguồn: báo PN 26.2.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com