THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Chơi nổi” ?

LÊ MINH QUỐC: “Chơi nổi” ?




Nhiều đấng mày râu thở ngắn than dài: “Trong một năm, người phụ nữ có biết bao ngày dành cho họ. Mới vừa Valentine, ngoắt một cái đã 8.3. Trong khi đó, đàn ông chẳng hề có ngày nào được xã hội “tuyên dương”. Bất công quá”. Lời than thân trách phận này có xác đáng không? Lại có nguồi đặt câu hỏi, phải chăng, ngoài những ngày kể trên, trong một năm các ngày còn lại đều… dành cho đàn ông!

Nghịch lý là ở chỗ đó.

CHOINOI3

 

Cứ nhìn xem, trong một ngày, có thời gian nào dành riêng cho người phụ nữ? Rạng sáng thức dậy, lúc vừa đặt chân xuống giường ngay lập tức trong đầu họ đã hiện lên rõ mồn một cái thời khóa biểu. Họ “ưu tiên” được nấu nướng thức ăn sáng cho cả nhà. Đâu vào đó mới đánh thức chồng con dậy. Rồi vội vội vàng vàng, thay quần áo cho con, dỗ chúng ăn để kịp giờ đi học; lại tranh thủ là (ủi)  thẳng thớm bộ cánh cho chồng. Dầu không ba đầu sáu tay, mọi việc này cũng phải chu toàn đâu ra đó.

Lúc chồng con cười toe toét, hài lòng, hớn hở ra khỏi nhà, bấy giờ họ bắt đầu nghỉ ngơi chăng? Không hề, họ cũng lao theo công việc của họ.

Thời buổi này, hầu hết cả vợ cùng chồng đều có tám giờ vàng ngọc mưu sinh ngoài xã hội. Dù thời gian lao động ngang nhau nhưng người phụ nữ thiệt thòi hơn. Có những công việc nặng nhọc, độc hại, không phù hợp với thể trạng, sức khỏe nhưng họ cũng chung vai. Đã thế, khi quay về nhà họ lại ít được nghỉ ngơi hơn. Chẳng hạn, mỗi trưa, vợ chồng, con cái có thể tạm thời ăn cơm bụi, cơm văn phòng nhưng buổi chiều thì không thể. Tan sở, việc đầu tiên họ phóng xe đến trường đón con. Chuyện này, nếu chồng gánh vác thì hay quá, bằng không họ phải ra tay. Về đến nhà, họ có quyền nằm dài chờ chồng cơm bưng nước rót chăng? Đúng rồi, nhưng chuyện này chỉ diễn ra… trong cổ tích. Lúc đó, họ vừa tranh thủ tắm rửa cho con, vừa đặt song nồi lên bếp; vừa lau nhà, vừa bấm điện thoại í ới gọi chồng “quay về tổ ấm”. Cơm nước xong, chưa kịp rửa thu dọn bếp núc họ lại “tiếp sức đến trường” cho con. Công việc chung riêng cả một ngày nghiến hết sức lực nhưng nào đã yên, có lúc, ông chồng cao hứng “dàn binh bố trận” thì nửa khuya lại tiếp tục “chiến đầu”!

Không cứ gì ngày thường, mà ngay cả những ngày lễ dành cho chị em, thật ra cũng là dịp thư giản của người đàn ông đó thôi. Ngày đó, anh chồng hí hửng, hào phóng mua tặng bó hoa hồng cùng lới chúc mừng rổn rảng nhưng rồi ai đảm đương chuyện bếp núc? Nghe hỏi thế, có anh chồng giật mình: “Chà, vậy gia đình mình kéo nhau ra ngoài quán đi em? Em sướng nha”. Sướng quá đi chứ nhưng cuối cùng, ai là người chọn quán mà mình ưa thích? Dù vợ đi nữa, mà một lẽ tự nhiên xưa nay, việc gọi món ăn nhằm đãi vợ đi nữa thì mặc nhiên người chồng cũng quyết định “giùm” luôn. Tâm tính người phụ nữ cao thượng là vậy, sao cũng được miễn là chồng con vui, dù đó ngày dành cho họ.

Từ bao đời nay đã tồn tại thâm căn cố đế nhiều quan niệm trái khoái. Chẳng hạn, có những việc nếu đàn ông thì chẳng sao nhưng phụ nữ lại khác, rất khác. Ví như có ông chồng đàng đúm, rượu chè bê tha, nhưng nếu vợ chỉ nấu bữa cơm khê, khét thì lại cho mình được cái quyền mắng xa xả khiến cả xóm đều nghe thấy! Trong đám giỗ chạp ở nhà, khi cánh đàn ông chén chú chén anh, ồn ào la lối thì chỗ ngồi của phụ nữ lúc ấy chỉ một một góc “khiêm tốn” nơi xó bếp. Ngay cả trong diễn đạt ngôn từ đã có sự phân biệt về giới tính. Cùng có chung một chuyên môn nhưng cách gọi đã khác. Nghe giới thiệu kỹ sư, nhà văn A, ai cũng mặc nhiên ngầm hiểu là nam nhưng để xác định phái yếu lại phải thêm “nữ”, “bà” hoặc “cô” kèm theo! Trong lúc người đàn ông vểnh râu bù khú bạn bè thâu đêm suốt sáng, cô vợ túi bụi công việc muốn xỉu, thiên hạ lại thấy bình thường!

Rõ ràng, sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ vẫn còn rơi rớt đến nay.

Ô hay! Nói gì lạ vậy. Giờ đã có ngày 8.3 rồi kia mà? Nhiều ông chồng giải thích rằng, ý nghĩa của ngày trọng đại này đánh dấu sự tiến bộ của nhân loại ở chỗ các Adam lo toan cho Eva từ A đến Z. Lo từ chuyện ăn mặc đến nhà cửa, mua sắm… mà phụ nữ không còn phải nhúng tay vào công việc nặng nhọc gì nữa. Đàn ông đã lo tất. Mà một khi làm được như vậy là đàn ông đã “hoàn thành nhiệm vụ” rồi. Vậy quý bà, quý cô còn kêu ca nữa? Ừ, cứu cho là đi thế nhưng thật ra sự suy nghĩ này đơn giản, một chiều.

Có nhiều phụ nữ dù sống sung túc trong vòng tay chở che, đùm bọc của chồng nhưng họ vẫn không hài lòng. Chẳng phải ham hố, “chơi nổi” mà cần phải thay đổi quan niệm lạc hậu một khi đã “yên bề gia thất”, mặc nhiên nữ giới tiêu thủ sự tiến thân. Liệu có thể tiến thân được không nếu chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường và hoàn toàn lệ thuộc kinh tế vào người đàn ông? Nghe vậy, có anh chồng quát lên: “Tôi không cần cô phải lao ra xã hội. Chỉ cần cô ở nhà lo con cái đầy đủ là được. Mọi chuyện đã có tôi gánh vác. Muốn ăn ngon, nhà cao của rộng, lên ngựa xuống xe thì tôi lo!”.

Dù cần “bánh mì” như thế nhưng nữ giới còn cần cả “hoa hồng” nữa. Nói một cách nôm na, họ cần cái quyền được đóng góp, thể hiện tài năng của mình nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Họ cần được tham dự với vai trò chủ thể trong cộng đồng như mọi đàn ông khác. Trong hành trình đó, do đặc thù của thể chất thì nữ giới còn phải được sự quan tâm, bảo vệ của cánh mày râu nữa. Thực tế cho thấy nữ giới không thua kém nam giới bất kỳ lãnh vực nào. Vậy lẽ gì cánh đàn ông không xóa bỏ quan niệm trọng nam khinh nữ đã lạc hậu kia?

 

L.M.Q
(nguồn: TGPN 3.3.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com