Khi yêu nhau, bao giờ người ta cũng có ý thức bảo vệ “người của mình”. Vì thế, trước đám đông dù lúc đó hài lòng hay bực bội, vợ/chồng cũng phải diễn một vai khác. Chỉ nghĩ đơn giản vì làm “đẹp mặt” người kia, phải nén lại nỗi bực dọc đang dậy sóng. Ví von, kể chuyện người khác dễ bị hiểu nhầm, sao không lấy ngay chuyện của chính mình? Ừ, thì chuyện của tôi đây.
Khuya nọ, tan cuộc cuộc nhậu, tôi say đến độ gục mặt ngủ tại bàn, cất tiếng ngáy khò khò. Sợ một mình đi về không an toàn, bạn bè dìu tôi ra taxi, hộ tống đến tận nhà. Trên đường đi, thoáng chốc tôi tỉnh ngủ. Trong lòng tự nhiên trỗi dậy cảm hứng muốn chứng tỏ “quyền lực” với bạn bè, tôi bấm điện thoại lè nhè: “Ngủ chưa? Rồi à? Không sao, vợ thức dậy chuẩn bị cho chồng vài món nhậu tiếp đãi bạn bè nha”. Mặc kệ nàng nhăn nhó lầu bầu. Mặc kệ đêm đã về khuya. Tôi vẫn cương quyết “chỉ đạo” nàng phải nghiêm túc thi hành nhiệm vụ. Lúc về đến nhà, chà, phải thế chứ, mọi việc đâu ra đó. Tôi hiên ngang bước vào nhà và cô vợ nhoẻn nụ cười tươi roi rói mời các chiến hữu của tôi vào nhà nhậu tiếp.
Trong trường hợp phổ biến ấy, lúc ngật ngừ chén cao chén thấp, anh chồng nào cũng lấy làm hãnh diện bởi được bạn bè phục sát đất. Phục vì trong căn nhà này, anh ta là “ông chủ”. “Phán” bất kỳ ý kiến nào, vợ con phải nghe theo một phép. Đố dám cãi. Vâng, lúc ấy có những người vợ không cãi một câu, tư thế “cứng đơ như cây cơ” dù đang ngáp dài “chịu trận”. Đã thế, khi nghe chồng gọi tiếp mồi nhậu, gương mặt họ lập tức chuyển sang rạng rỡ, bày tỏ sự thích thú dù chồng, các bạn chồng nhậu ầm ĩ đến tận hai giờ sáng!
Tàn cuộc nhậu, mọi việc sẽ thế nào? Một cuộc cãi vã giữa vợ và chồng? Hay sau khi tống tiễn mấy ông bạn quý của chồng, nàng âu yếm dìu chàng lên giường, thẽ thọt: “Đêm nay vui quá, lần sau tiếp tục mời bạn về nhà ăn nhậu nghen anh”?
Rõ ràng, có những tình huống khiến người trong cuộc “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Họ chỉ suy nghĩ, “xấu chàng hổ thiếp”, hay ho gì, chi bằng cắn răng chịu đựng vậy. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn, lâu nay vấn nạn bạo hành trong gia đình khó có thể giải quyết dứt điểm một phần cũng do tâm lý này. Có phụ nữ luôn bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đến độ “đo ván” trên sân nhà, “thuyền chìm tại bến” hoặc phải nhập viện. Vậy mà khi các đoàn thể, cơ quan chức năng đến can thiệp, tìm hỏi chứng cứ, họ lại nghĩ chẳng lẽ “vạch áo cho người xem lưng”? Chuyện gia đình mình thế này thế kia mà cả đầu làng cuối xóm đều biết, còn mặt mũi nào nhìn bà con thiên hạ? Do đó, dù đạt chuẩn “gia đình văn hóa mới”, nhưng nào có ai chia sẻ đêm đêm những giọt lệ khóc thầm? Cách giữ thể diện ấy có nên không?
Đừng nói đâu xa, cô vợ đảm đang, ngoan hiền của tôi đây có thú vui tao nhã là thích làm từ thiện. Thời khóa biểu như sau: Mỗi tối cơm nước xong, nàng xăng xái cùng bạn đi vận động quà cáp. Những ngày cuối tuần, nàng tranh thủ đóng gói quà hoặc tếch theo quý bà đi nơi này nơi kia. Có lúc xin nghỉ phép năm đến cả tuần, thay vì ở nhà với chồng con, nàng lại tham gia từ thiện nơi xa. Dù không ngăn cản nhưng có lúc anh chồng tự hỏi, những ngày ấy ai đứng ra gánh vác việc nhà, nuôi dạy con? Ấy thế, khi cha mẹ, bà con đến chơi nhà, anh chồng luôn khen vợ tháo vác, biết chăm sóc chồng từng ly từng tí, chẳng có gì đáng phàn nàn! Chẳng lẽ “nói toạt móng heo” bao nhiêu ấm ức lâu nay? Không bao giờ. Hóa ra tự “tố cáo” mình chẳng phải “ông chủ” trong nhà, là người không biết “dạy” vợ?
Thật lạ, có những người đàn ông “việc ở nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng”. Trong khu phố không gì có thể lọt qua mắt họ, chẳng hạn osin nhà kia hay xả rác, tạt nước ngoài đường; chú cẩu nhà nọ hay “oang tạc” bừa bãi làm ô uế môi trường; vợ chồng này hay đánh nhau… Những chuyện trái tai gai mắt ấy, họ đều có trách nhiệm chu toàn. Quý bà, quý cô nhìn anh ta bằng cặp mắt thán phục và nghĩ rằng, phụ nữ nào có được những ông chồng như thế là may mắn quá. Chuyện thiên hạ, họ còn có trách nhiệm, huống gì chuyện nhà. Có thật như thế không? Chị bạn tôi không trả lời, chỉ thở dài. Thở dài thì mặc thở dài. Trước mặt bà con xóm giềng, chị vẫn một mực khen ngợi: “Chà, trong nhà tôi tất tần tật mọi việc là do một tay anh ấy cả” - dù từ sửa ống nước, máy giặt đến thay bóng đèn đều phải thuê thợ bởi anh dành hết thời gian lo cho toàn khu phố! Cay đắng à thế, nhưng phải giữ thể diện cho chồng chứ?
Giũ thể diện - tâm lý phổ biến đó, xin đừng quên, tự nó đã ươm mầm bất hòa về sau. Không ai có thể che mắt thiên hạ mãi được. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Giữ thể diện người kia chính là cho mình ư? Nghĩ cho cùng chỉ là một cách ngụy biện, tự che mắt mà không dám thẳng thắn nhìn vào sự thật. Nếu ngay từ ban đầu, cô vợ dũng cảm trình bày với đoàn thể rằng mình bị chồng bạo hành thì mọi việc đã khác. Ai đời, dù bầm dập mỗi ngày nhưng vẫn ngọt ngào: “Dạ không, anh ấy yêu thương vợ con như bát nước đầy”. Khổ thế!
Ý nghĩa vợ chồng còn thiêng liêng ở chỗ, sự kết hợp đó còn duy trì đến thế hệ sau nữa, do đó, khi đã tự nguyện “ăn đời ở kiếp” cứ nên mạnh dạn trao đổi, thẳng thắn “đóng cửa bảo nhau”. Phải chấn chỉnh ngay, nếu không, nỗi ấm ức phải “diễn đi diễn lại” ắt cơ nguy cơ đẩy con thuyền hạnh phúc lao về phía vực thẳm.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 6.1.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|