THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: SỐNG VUI TỪNG NGÀY

Lê Minh Quốc: SỐNG VUI TỪNG NGÀY



Ngày đầu năm, nắng ngoài đường mơn mởn như thiếu nữ dậy thì. Lòng dạt dào cảm xúc. Nếu tĩnh tâm, ngồi một mình và nghĩ về năm tháng đã qua, lúc ấy, con người ta thường nghĩ về điều gì? Chẳng biết người khác ra sao, còn tôi, lại nghĩ đến một “nghịch lý” mà bất kỳ ai cũng có lúc ngồi thừ người, tặc lưỡi: “Thời trẻ, cái gì cũng có. Có từ nhan sắc, thời gian, sức khỏe đến khát vọng đội đá vá trời nhưng than ôi, điều quan trọng nhất là tiền thì trong túi không một xu teng nào. Ngược lại khi đã về già, có tất tần tần mọi thứ, tất nhiên có tiền, thậm chí có nhiều tiền, có từ vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng đến địa vị xã hội, chỉ oái oăm nhất là không có nhiều sức khỏe”.
Giữa tiền và sức khỏe, cái nào quan trọng hơn?

Thật khó trả lời.

songvuitiungngay

 

Chỉ biết rằng, khi cơ thể “trục trặc” gì đó, dù chỉ là cảm cúm nhức đầu sổ mũi, con người ta mới thấy sức khỏe là cái quý nhất. Nằm trên đống tiền, nhưng nói không ra hơi, đi đứng không nổi phải chờ người khác dìu từng bước quả là một cực hình. Những đồng tiền khi ấy chỉ có ý nghĩa khi nó đem lại sức khỏe. Rồi lúc ấy, người ta chợt “ngộ” ra có tiền chưa chắc đã “mua” được sức khỏe.

Thế thì, có được thân thể cường tráng, mạnh khỏe là mong muốn của nhiều người, kể cả ông Bành Tổ trong huyền thoại phương Đông trường thọ đến ngàn tuổi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca từ: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười”. Trong suy sâu xa của tôi, ấy là người biết tận hưởng cuộc đời này. Để tâm trí thư thái, phơi phới yêu thương ắt không thể chọn những tiếng cãi cã, đôi co tục tằn, ganh ghét, tị hiềm… Nhìn thấy một bông hoa tươi tắn, trong lòng vẫn gợi lên nhiều cảm xúc thẩm mỹ hơn là nhìn gương mặt yêu thương, dẫu là vợ mình nhưng lúc nào cũng nhăn nhó, cáu gắt.

Ông bà ta thường “ăn cục nói hòn” không văn vẻ, cầu kỳ nhưng chuẩn xác: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Ấy cũng là điều mà Phật dạy. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn mình bằng sự từ bi hỉ xả, có như thế, con người ta mới có thể cười vui với cuộc đời này. Sống trong đời, ai lại không có lúc thất bại, gặp những điều không như ý? Nhưng tôi nghĩ rằng, hơn nhau ở chỗ mỗi người đón nhận như thế nào. Có người u sầu, chìm đắm vào ảo não đó; có người mạnh dạn chấp nhận để tìm cách thay đổi.

Trong đời sống này, hãy nhìn vòm xanh kia, bông hoa nọ thì sẽ thấy cuộc đời mình cũng thế. Lá xanh rồi đến lúc vàng úa, rụng xuống. Rồi thời gian sau mầm xanh lại nhú lên. An nhiên ấy cũng là phẩm chất của người tự tin và chấp nhận quy luật thay đổi trong cuộc sống.

Các thầy thuốc thường khuyên nhủ chúng ta về sức khỏe. Họ cho chúng ta nhiều lời khuyên hữu ích, phải ăn như thế nào cho đủ chất đạm, mỗi ngày phải ngủ đúng mấy giờ đồng hồ, phải hạn chế bia rượu, phải bỏ thuốc lá, phải siêng tập thể dục v.v… Những lời khuyên ấy cần thiết lắm chứ. Nhưng rồi tất bật cuộc sống, lại có lúc chúng ta quên đi và tự biện hộ do không có thời gian, do ràng buộc của nhiều mối quan hệ xã hội v.v…Tôi có đọc đâu đó một mẩu chuyện có liên quan đến sự biện hộ trên.

Lúc ấy, có vị thiền sư gật gù bảo, nếu vì lý do này, lý do kia không thể thực hiện những lời khuyên trên, vậy cách tốt nhất ta hãy thực hiện ngay từ lời nói của mình. Nghe lạ tai và khó hiểu quá, phải không? Thử xem mỗi ngày ai lại không nói? Vậy mỗi lời nói ra phải như thế nào? Có những lời mà ta vừa thốt ra đã khiến người nghe buồn bã, thất vọng; ngược lại, ta vẫn vậy thôi. Có những lời khi nghe đã khiến tâm hồn ta thư thái, hăng hái; lại có những lời khiến ta nhụt chí tinh thần. Vậy thì, mỗi khi nói hãy cân nhắc thận trọng. Ngẫm nghĩ sâu xa, ta thấy rằng lời khuyên của vị thiền sư ấy có ý nghĩa rằng, lời nói cũng là một thực phẩm tinh thần. Có thể nuôi sống và cũng có thể đầu độc. Khi nói những lời nói đẹp, những lời yêu thương vẫn là cách tự tiếp nhận một giá trị dinh dưỡng cần thiết cho tâm hồn.

Ông bà ta dạy: “Học ăn, họ nói, học gói, học mở” là một triết lý sống. Sống là phải học, học ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. Nói thì ai không biết nói? Ấy mà cũng phải học. Học nói những lời yêu thương cho chính mình và dành cho người khác. Một công trình nghiên cứu y học cho biết, khi tức giận, hận thù, ganh ghét thì lúc ấy, sự già nua, tàn héo đã có cánh cửa để thâm nhập vào cơ thể con người. Nếu từ bi, hỉ, xã, vui vẻ, độ lượng thì sự phơi phới yêu đời như mưa nguồn đã làm cơ thể bừng lên sức sống.

Không riêng gì dân tộc Việt, mọi dân tộc trên thế giới đều tự “quy ước” là ngày năm mới không ai giận dữ, mắng nhiếc, cãi cọ… mà dành cho nhau nụ cười, trao cho nhau niềm vui. Nếu một năm, lúc nào, ngày nào con người ta cũng ứng xử với nhau như thế, có lẽ tuổi thọ sẽ tăng thêm nhiều lần. Sở dĩ câu thơ của Kahlil Gibran được yêu thích bởi nó đã nói đúng khát vọng thẳm trong tâm hồn con người:

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”

Gieo mầm yêu thương, nghĩ cho cùng, cũng là một cách để chúng ta tiếp nhận một nguôn thực phẩm “sạch và xanh” vậy. Theo phong tục Á Đông, ngày đầu năm người ta thường có những đồng tiền mừng tuổi chúc lành cho nhau. Có lẽ các bạn cũng đồng ý với tôi rằng, nhận và trao cho nhau lời nói chân thành “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cũng khiến chúng ta sống vui từng ngày.

 

L.M.Q

(nguồn: Chuyên đền Sức khỏe cuối tuần XUÂN 2014 của báo Khoa học phổ thông)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com