THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Ngộ chưa cái chuyện... trả tiền

LÊ MINH QUỐC: Ngộ chưa cái chuyện... trả tiền


Một trong những thói xấu của đàn ông khiến người phụ nữ ghét nhất là gì? Thói keo kiệt, bủn xỉn, xem đồng bạc to như núi. Hạng này, thời nào cũng có. Thế nhưng, khi mới cưa cẩm, tán tỉnh người đẹp chẳng ai dại gì để lộ “cái đuôi”.

Vào trong quán ăn, quan sát cặp nam nữ lúc ăn và nhất lúc trả tiền, thiên hạ có thể biết được mối quan hệ của họ. Nếu lúc tính tiền, người đàn ông cầm “biêu” (bill), chỉ liếc mắt xem con số và kín đáo móc ví, chắc chắn họ là đôi tình nhân. Nếu người này xem xong, chuyển người kia rồi móc tiền “cưa đôi”, chỉ có thể bạn bè. Nếu lúc ấy, người đàn ông ngồi ngửa lưng ra thành ghế, mắt ngó lên trần nhà, không thèm quan tâm, mặc cho người phụ nữ trả tiền, dứt khoát họ là vợ chồng.

 

ngochuacaichueyntratien

 

Xem các phim truyện nhan nhản trên truyền hình, ngoài rạp chiếu bóng… đố có thể tìm ra cảnh đôi uyên ương bước vào quán ăn mà lúc tính tiền, người phụ nữ phải móc ví ra. Lúc ấy, gã đàn ông trông dị hợm lắm. Nếu muốn xây dựng một tình huống còn kinh dị hơn, chỉ có thể lúc ăn xong, họ la toáng lên bỏ quên ví ở nhà và không còn cách nào khác, người phụ nữ phải trả tiền bữa ăn đó! Nói như thế để thấy rằng, từ trước đến nay đã có “luật” bất thành văn là khi đi chơi, đi ăn chung, người đàn ông phải chủ động trả tiền.

Đừng có tranh cãi lôi thôi.

Không những thế, lắm lúc đến chơi nhà, nhìn thấy những gì không ưng ý, chàng có thể chủ động mua sắm ngay cho cái khác. Săn đón mời đi ăn, mua sắm bất kể sáng, trưa, chiều, tối v.v… Rồi, dịp khác, chẳng hạn, dẫn nhau vào nhà sách, mặc ai nấy lựa sách theo “gu” nhưng lúc trả tiền, người đàn ông nào cũng ra tay nghĩa hiệp! Dù có tiếc tiền đi nữa, họ cũng phải thực hiện nghĩa cử ấy một cách tự giác. Mua sách còn đỡ, chứ nàng đòi đi sopping, siêu thị còn “oải” hơn nhiều.

Trong một cuộc thăm dò với câu hỏi: “Lúc dẫn người yêu đi chơi, bạn sợ nhất người yêu đòi dẫn vào đâu?”. Câu trả lời với kết quả đến 100% là đàn ông sợ nhất lúc phải vác xác vào các khu hàng hiệu như Hermes ở Vincom Eden, Milano ở Sheraton, LV ở Đồng Khởi... Chà, lúc ấy đi theo sau nàng, trái tim của bất kỳ chàng nào cũng đều đập thình thịch, lo sót vó. Dù vậy, lúc trả tiền, họ vẫn giữ bộ mặt tỉnh bơ, hiên ngang. Thậm chí, dù hậm hực đi nữa nhưng có người còn thòng thêm một câu rất đáng mặt nam nhi: “Ủa? Chỉ chừng này thôi hả em?”. Rõ ràng, họ đang “diễn” nhưng bù lại là lấy lòng được nàng.

Có được người tình hào phóng, rộng rãi cô nào cũng mừng nắc nỡm, tự nhủ “số mình hên”.

Có thật là hên không?

Chị bạn của tôi, có lúc nhỏ to tâm sự rằng, chưa thấy ai xài tiền kỹ như ông xã ở nhà. Bất kỳ khoản tiền nào vợ đòi chi cũng đều phải có “thuyết minh” rõ ràng. Ngay cả lúc đi ăn chung cũng rạch ròi.. Ổng bảo, tiền này, chồng lo; tiền, kia vợ lo. Cứ như người dưng nước lã. Sống chung mà chẳng lẽ thứ gì cũng phải chi li đến thế à?

Trường hợp này hoàn toàn không phải cá biệt. Trên đời này thiếu gì những đấng trượng phu có thái độ kỳ quặc ấy. Từ lúc đó, cái ví tiền của họ đã đóng vai trò khác. Nó không còn là chiến tướng tả xung hữu đột trong mọi tình huống như ngày trước mà đã trở thành ông lão lọm khọm, chẳng bao giờ thèm ló mặt ra ngoài.

Chán thế!

Còn gì chán hơn khi cùng vào quán ăn kỷ niệm ngày gặp nhau lần đầu tiên, lúc trả tiền, anh ta lại đánh trống lảng chuyện khác để “qua truông” một cách hợp lý. Lúc ấy, trong tâm tưởng của người đàn bà, họ có cảm giác đã gặp hai người đàn ông khác nhau. Tại sao trước kia nàng gặp và mê một người phóng khoáng “chịu chơi” cỡ Công tử Bạc Liêu, sao nay, người ấy lại hóa thành lão H’Arpagon của Molière, tệ hơn cứ như gã Grandet của H.Balzac?

Lý giải thế nào?

Có thể khi đã là của nhau, trong sâu thẳm của người đàn ông nghĩ rằng, nàng như “kiến trên miệng chén có bò đi đâu”? Vậy việc gì mà mình phải “rộng rãi”, “hoang phí” như trước? Dẫu có bủn xỉn, có hà tiện một chút cũng chẳng sao bởi nàng đã là “của mình” rồi kia mà! Cũng có thể, bây giờ, người đàn ông ấy còn phải đèo bòng thêm một (hoặc vài) mối quan hệ khác nữa. “Đạn dược”, hiểu theo nghĩa tình dục lẫn tiền bạc, cần phải chi nhiều hơn. Tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn hàng đầu.

Đành rằng, có những đôi vợ chồng dù có nhau vài mặt con nhưng chuyện tiền nong vẫn sòng phẳng. Ngoài chuyện đóng góp chung, mỗi người có quyền giữ khoảng riêng để chi phí cho những nhu cầu cá nhân. Cũng tốt thôi. Ấy vậy mà những lúc cả gia đình vui chơi chung, anh chồng vẫn không thèm đóng góp một xu teng nào! Có lần, cả hai đi sopping, thấy máy tập thể dục có lợi cho sức khỏe của ổng quá, chị đòi mua, ổng “OK” ngay và khen vợ thông minh đáo để nhưng khi trả tiền… lại ngó lơ chỗ khác!

Khi thương chồng, chẳng người vợ nào xem đó làm điều, nhưng dần dà trong mắt họ “giá trị” của người chồng ngày một “xuống giá”!

Tiền không làm nên hạnh phúc gia đình, nhưng nếu có tiền đầy đủ vẫn khoái hơn. Mà khoái nhất, dù là tiền của cả ai làm ra và cùng lo chung cho mái ấm, vậy mà lúc nào, người đàn ông ấy vẫn luôn chủ động trả tiền như thời mới quen nhau. Được như vậy, chắc chắn “hình tượng” của người đàn ông ngày càng “có giá”, thậm chí còn hơn cả lúc chàng nhập vai Roméo lò dò theo Juliet như thuở xưa…

 

L.M.Q

(nguồn: tạp chí TGPN 22.7.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com