Thời buổi nào cũng vậy, con gái trong nhà đến tuổi đôi mươi là các bậc phụ huynh đã lo sót vót. Cứ như trong nhà có… bom nổ chậm. Chi bằng, nó yêu đứa nào, gả phắt cho xong. Nói thì nói vậy, vì thương con, cha mẹ mình “nhỏ to tâm sự” vậy thôi, chứ nó đã “quyết” thì có ông trời có xuống đây cũng thua! Mà phải như thế thôi, còn hơn là vào một ngày đẹp trời, nó vác về nhà cái bụng lặc lè thì giấu cái mặt vào đâu?
Nỗi lo ấy ngày nay lại “trầm trọng” hơn nhiều, bởi có nhiều cô có quan niệm kỳ cục mà nhiều cha mẹ lắc đầu, tự hỏi: “Ủa, sao con lại không chịu lấy chồng?”. Câu hỏi ấy nghiêm túc như lúc vị đại sứ Mỹ hỏi người xin visa du lịch sang Mỹ, ấy vậy mà cô gái rượu trả lời bằng câu hỏi khác nhẹ tênh như lông ngỗng bay giữa trời: “Sao cứ phải “chống lầy?”. Lạ chưa? Phải chăng con gái không sợ ế à?”. Có lẽ vậy thật! Với họ, yêu thì yêu nhưng bảo cưới, bàn chuyện “góp gạo nâu cơm chung” liền cứ ậm à ậm ờ rồi “đánh trống lãng”...
Thử lý giải chuyện này như thế nào?
Có phải vì lý do sinh kế, kiếm sống mỗi ngày nên họ ngại phải “tính chuyện trăm năm” với kẻ khác? Câu tâm sự thường nghe, đại khái: “Thân mình lo chưa xong, vậy rước thêm một ngưởi nữa, sinh con đẻ cái để rồi.. cạp đất mà ăn à?”. Lý do này nghe qua thấy chính đáng. Vậy mà không hẳn. Cứ nhìn nhiều phụ nữ thành đạt, học thức có khối chàng bám đuôi tán tỉnh mọi lúc, mọi nơi nhưng cô ta vẫn “phớt tỉnh Ăng lê”.
Với một người phụ nữ, điều gì quan trọng nhất mà tự trong sâu thẳm tâm hồn, họ luôn có khát vọng phải đạt đến? Chỉ có thể là chuyện sinh con chăng? “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Xưa nay phụ nữ nào không nghĩ thế. Do vậy, họ cần một người đàn ông cùng ký “hợp đồng chung thân” cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, điều kiện cần và đủ ấy, thời buổi này không còn là một yếu tố quyết nữa. Với sự tiến bộ của y học họ có thể “tự mình sinh con” mà chẳng cần… gã đàn ông nào. Thậm chí có người còn muốn lấy “giống” của người đàn ông tài năng mà họ ngưỡng mộ, cho dù người đó đã yên ấm một mái gia đình cùng vợ con đùm đề. Quan niệm sống hiện đại khác trước nhiều lắm. Tôi biết, có những đám bạn bè trai gái sẳn sàng đáp ứng “nhu cầu” với thỏa thuận: “Xong việc là xong. Không có gì dính líu đâu nha”. Cả hai gật đầu cái rụp như bước vào quán ăn rồi chia tay nhau. Họ thực hiện theo đúng “hợp đồng”.
Lại có người không nuôi con mà nuôi lấy một “thu cưng” nào đó giải… sầu. Khi tôi hỏi nhiều người bạn gái, họ trả lời tự tin, không úp mở: “Đang độc thân sướng thế này, sao lại tra cùm vào chân? Ở một mình muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi chẳng phải xin phép ai. Nổi hứng muốn cuối tuần du lịch, đàn đúm với bạn bè ở resort nào đó, cứ việc vác ba lô lên đường. Ngày chủ nhật, muốn nướng một giấc đến mười giờ sáng cũng chẳng sao v.v… và v.v… Sướng quá, phải không?”.
Thực sự đó là một “phong cách sống” hiển nhiên đang tồn tại trog cuộc sống mà ta phải thừa nhận. Tuy vậy, chuyện gì cũng có hai mặt. Chọn cách sống này họ cũng có nhưng nỗi khổ tâm. Vậy nỗi khổ tâm lớn nhất của họ là gì? Là trong những dịp lễ tết, giỗ chạp có đông đủ bà con xa gần, chợt nghe câu hỏi: “Chớ chồng con đâu?”. Hay có những lúc sum họp bạn bè hoặc gia tộc, người ta có đôi có lứa thì mình vẫn lẻ loi. Chạnh lòng lắm chứ. Nhà thơ Hữu Thỉnh có thơ rằng:
Một mình một mâm cơm
ngồi bên nào cũng lệch
chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền
Ấy là chúng ta cám cảnh, đứng phía ngoài quan sát và thương cho họ nhưng chắc gì người trong cuộc đã đồng tình? Khó có thể khen hoặc chê một người phụ nữ đã không chịu bước lên xe hoa như bao bè bạn cùng trang lứa.
Tất nhiên theo quan niệm truyền thống hẳn không có bậc phụ huynh nào đồng tình với sự lựa chọn này. Nhưng biết làm sao? Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nghĩ cho cùng sự lựa chọn nào cũng có giá phải trả của nó, tùy mỗi chúng ta nhìn nhận từ góc độ nào.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 1.7.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|