"Làm gì có chuyện đàn ông khóc! Kỳ quặc!". Trong tâm thức nhiều người, nhất là phái nữ luôn có suy nghĩ này. Tại sao? Lâu nay cộng đồng mặc nhiên quy định bất thành văn, đã đàn ông thì phải đóng vai trò trụ cột, là cây tùng, cây bách vững chãi. “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”. Họ phải đứng đầu sóng ngọn gió, đủ sức bao bọc đào tơ liễu yếu.
Từ thuở khai thiên lập địa đến nay, dù ấm ức, dù nỗi niềm đến thế nào đi nữa thì họ cũng không có quyền được khóc. Đọc lại Kinh thánh, chắc rằng, lúc bị đày xuống hạ giới nếu có khóc chỉ là bà Eva, chứ ông Adam có lẽ… không! Họ không được sụt sùi khi va vào bất kỳ cảnh ngộ nào. Có mạnh mẽ, người phụ nữ mới có thể nương nhờ. Có cứng rắn, người phụ nữ mới có thể tin cậy ở sự bảo bọc, che chở.
Trong khi đó, một sự thật hiển nhiên, các yểu điệu thục nữ nếu muốn khóc là khóc. Khóc cũng là một cách tỉ tê, nhỏ to tâm sự, trải lòng như san sớt cho người khác. Vì thế, lúc khóc người phụ nữ cần, rất cần những lời âu yếm, chân tình, vỗ về. Cần một người “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” để tha hồ khóc cho đã nư. Tóm lại một câu chắc nịch rằng, khóc là biểu hiện của sự yếu đuối, là tính cách phổ biến của phụ nữ nên đàn ông không có quyền “bắt chước”. Khóc đã là… “độc quyền” của nữ giới.
Chính vì thế mới là nổi khổ của đàn ông.
Khổ quá đi chứ, dù có lúc muốn khóc rống lên một tiếng, khóc cho nhẹ nỗi lòng nhưng vẫn không dám. Ai cũng thừa biết, khi vui: cười; khi buồn: khóc vốn là thuộc tính của con người. Nhưng rồi, do quan niệm chung của xã hội nên người đàn ông phải tự “tiết chế” chính mình. Dù có nhiều bạn bè đàn đúm, bù khú thân thiết mà lúc buồn nhão ruột, muốn khóc lắm nhưng có cho vàng thì họ cũng không dám hu hu. Ấy là vì tự ái, vì sỉ diện. Còn gì bản lĩnh đàn ông?
Oái oăm thật, khi người phụ nữ dẫu òa lên chưa thành tiếng, chỉ vừa ngần ngật giọt vắn giọt dài đã có những cánh tay đưa ra an ủi, vỗ về, dỗ dành. Còn ở người đàn ông lại khác, dẫu có “ướt dầm như mưa” trước bàn dân thiên hạ thì nhiều người ái ngại, quay mặt nhìn nơi khác. Một phần vì tâm lý, họ không tin đàn ông có thể khóc, nhìn kỳ cục quá; một phần cũng có tính cách của giới mày râu. Ta hãy nghe nhà thơ Thu Bồn thổ lộ:
Ngày mai tôi khóc em đừng dỗ
Đừng dỗ khi nước mắt tôi rơi
Cơn mưa sẽ tạnh khi trời hửng
Đừng nói em ơi chỉ nửa lời
Tâm thế này khá phổ biến ở người đàn ông, lúc ấy, họ không cần ai khác thương hại, dỗ dành, an ủi bởi khóc là việc cực chẳng đã. Không có thể thốt thành lời nên họ phải dùng đến nước mắt.
Có người, nước mắt ấy phải chảy ngược vào lòng, nếu để lăn qua mí mắt chỉ bộc lộ sự mềm yếu đuối. Nhưng rồi, do yếu đuối nên nhiều người đàn ông cũng khóc như thường. Họ cũng khóc thút thít, khóc rống, khóc rổn rảng như đứa trẻ lên mười. Anh bạn tôi là võ sư, “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” dưới tay anh cả hàng trăm môn đệ sẵn sàng trả nghĩa cho thầy. Oái oăm có trường hợp, họ nhìn anh hu hu mà chẳng giúp được gì. Vậy ai giúp?
Đêm nọ, sau khi đi nhậu say về đến nhà, anh vật vã trên giường và úp mặt xuống gối khóc ngon lành. Chị vợ hoảng quá, vì trường hợp này chưa bao giờ xẩy ra nên gặng hỏi nhiều lần. Cớ sự ra làm sao mà chồng mình hôm nay lại yếu đuối như con cá chuối? Có chuyện “động trời” gì chăng? Gặng hỏi mãi, lúc vỗ về, khi an ủi, cuối cùng vì nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt của vợ, anh càng tấm tức, khóc rống lên như đứa trẻ bị đòn oan: “Em ơi! Bồ anh, nó bỏ anh rồi! Hu hu, sáng mai nó đi lấy chồng!”.
Trời đất! Lâu nay có mèo có mỡ à? Lập tức, một trận cuồng phong bão táp đùng đùng dậy sóng.
Vậy thì gặp một chuyện khó có thể chia sẻ với ai khác, người đàn ông cũng có thể khóc rất ngon! Hiểu thế, ta thấy rằng, đó là lẽ bình thường. Họ cũng có lúc yếu đuối, mềm lòng và cần nước mắt nói hộ lòng mình. Khi ấy, điều gì khiến họ cảm thấy bất hạnh nhất? Câu trả lời chính là sự dừng dưng, bàng quan của người chung quanh. Dù đàn ông hay đàn bà trong tâm trạng, tâm cảnh ấy cũng đều cần sự quan tâm, an ủi ở người khác. Nếu người phụ nữ có thể ngã vào bờ vai vừa khóc, vừa thút thít thì người đàn ông lại không. Tính cách mạnh mẽ và do sự ràng buộc của nhiều mối quan hệ xã hội, gia đình đã kịp thời ngăn cản hành động cần thiết ấy. Ta hãy nghe “người trong cuộc” là nhà thơ Thù Bồn tâm sự:
Rồi khi tôi nín cho tôi nín
Đừng tưởng là em đã dỗ tôi
Dỗ tôi sao được mà tôi nín
Tôi nín vì em khóc đó thôi
Đàn ông hay thật đấy chứ? Dẫu đang khóc nhưng nếu thấy một người yêu thương mình vì mình mà khóc theo, lập tức giọt nước mắt kia lại đánh thức trong sâu thẳm tâm hồn họ sự mạnh mẽ vốn có. Họ nín khe nay tắp lự.
Do đó, khi yêu một người,lúc nhìn thấy họ khóc thì vợ/ người tình đừng ngạc nhiên. Đừng chê bai họ yếu đuối. Ai lại không có lúc yếu đuối? Mà hãy dỗ họ nín khóc bằng tất cả sự yêu thương, cảm thông… Tùy vào tính cách, người phụ nữ nào cũng có cách khôn ngoan nhất để dỗ người đàn ông của mình. Điều này quan trọng. Mà còn thêm một quan trọng nữa là lúc ấy, hãy lắng nghe bằng trái tim để thấu hiểu lý trí của họ sắp mách bảo một điều. Lúc đàn ông khóc, chẳng gì họ có thể giấu mãi nữa. Họ đang cần được san sẻ một “bí mật”, nỗi niềm gì đấy.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí TGPN số 19.8.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|