THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tưởng "Hai" là "Một"

LÊ MINH QUỐC: Tưởng "Hai" là "Một"

 

Nhiều người quan niệm, một trong những yếu tố cần thiết xây dựng mái ấm là cả hai phải hiểu nhau. Càng hiểu rõ tính nết của nhau, càng dễ biết xoay sở, đối phó, hòa giải với nhiều tình huống có thể sẽ xẩy ra. Ai không tin, xin cứ hỏi các bậc phụ huynh sẽ rõ. Khi con cái đến tuổi cập kê, thường đôi lần bà mẹ/ ông bố nói xa nói gần: “Cô / cậu đó bố mẹ thấy được đó. Hai đứa con chơi thân với nhau từ nhỏ, hiểu rõ tính tình, nếu chung sống sẽ có nhiều thuận lợi lắm. Dễ làm lành lúc cơm không lành canh không ngọt. Già chọn làm gì nữa? Tiến tới đi con”. Những lời thủ thỉ, chân tình ấy không khác gì lúc gọi ĐT nghe chị Thanh Tâm tư vấn, ấy vậy mà nhiều người vẫn bỏ ngoài tai.

Tại sao kỳ cục vậy?

 

tuog2-ma-1

 

Có người cho rằng, hiểu nhau quá, hiểu nhau như hai người bạn chí cốt chưa hẳn tốt cho đời sống hôn nhân. Nói gì kỳ dzậy? Khi người này xem “đối tác” là bạn và ngược lại, tốt quá đi chứ? Không, quan hệ xã hội đặt trên cơ sở của tình bạn là tốt nhưng đời sống vợ chồng lại đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn sự khâm phục, ngưỡng mộ…

Với người phụ nữ, ý thức này rất rõ ràng, họ “nói thẳng ruột ngựa”: “Bạn bè thì OK. Chơi chung bao nhiêu năm nên biết rõ tính nết “hắn” lắm. Dù “hắn” tốt, quan tâm lo lắng, chăm sóc, chiều chuộng mỗi ngày nhưng gọi “chồng” sao được?”. Tôi ngạc nhiên quá bèn hỏi: “Ủa? Sao lại không?”. Câu trả lời thẳng thừng: “Ôi! Thời sinh viên “hắn” thuộc loại “sát gái” có tiếng, đã thế, chuyện học hành luôn “dưới cơ”!”.

Trong khi đó, chàng kia lại bảo: “Ối trời, chúa khóc nhè đó, hễ gặp chuyện nhỏ xíu như móng tay là đã bù lu bù loa. Mỗi dịp rủ đi chơi, trang điểm hàng tiếng đồng hồ! Ai chịu nổi?”.

Vì thế, dù cả hai cảm thấy “thích” nhau, được gia đình, bạn bè ủng hộ, khen xứng đôi vừa lứa nhưng họ cũng né xa dần, chỉ giữ lại ở mức độ tình bạn. Trong những trường hợp này, họ không đến với nhau, chỉ vì hiểu quá rõ về nhau. Có thể, gặp người khác chắc gì đã bằng người này nhưng trong tâm tâm họ lại tự nhủ: “Thế càng hay, chẳng ai biết gì về quá khứ của nhau. Đỡ phải suy nghĩ mệt đầu”.

Tuy nhiên, có những người vì quá hiểu nhau nên mạnh dạn “tiến tới”. Có “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp”, từ thời trung học lên đến đại học gắn bó như hình với bóng. Đừng hòng kẻ thứ ba có thể chen ngang. Ai cũng mừng cho mối tình này, bởi thân thiết đến thế, khi thành vợ  chồng sẽ hạnh phúc xiết bao. Anh bạn lớp trưởng của tôi là một mẫu người như vậy. Sau khi ra trường, cả hai làm đám cưới. Ai nấy cũng tưởng họ sẽ ăn ở đến bạc trắng tóc, lung lay răng. Thế mà dù có hai mặt con, cả hai ngán ngẩm “mạnh ai nấy đi”. Ngạc nhiên quá, hỏi tại sao, bạn tôi bảo: “Ai đời, hễ có tiền là vung tay quá trán khiến vợ chồng lục đục suốt, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau”. Chỉ có thế mà ly thân à? Cô bạn gái thút thít: “Chồng em nói đúng nhưng cái tình em thế. Em đã hứa “rút kinh nghiệm” mà ảnh có chịu nghe đâu”. Lúc tôi “tám” lại lời tâm sự của vợ bạn, anh ta cười ruồi: “Từ thời sinh viên đã vậy rồi. Cái tính nết cô ấy tôi rành quá mà!”

“Tôi rành quá mà”. Câu trả lời chắc nịch ấy cho thấy, anh chồng không cho vợ có cơ hội sửa sai. Nếu với người khác, lời hứa ấy có thể chấp thuận, còn do đã có thời gian quá dài “tìm hiểu” và “quá rành” nên khó có thể thay đổi một định kiến. Rõ ràng, không phải bất kỳ tình huống nào “hiểu rõ về nhau”, khắn khít như răng với môi cũng đem lại một kết quả tốt đẹp.

Tất nhiên cũng có những cuộc tình đẹp từ mối quan hệ thân thiết này, do hiểu nhau nên họ dễ dàng cảm thông cho nhau và thừa sức biết phải dàn xếp thế nào cho hợp lý. Mà dù có thực hiện bất kỳ biện pháp nào, nghĩ cho cùng, tương tự các cuộc hôn nhân khác là họ cũng không thể đi ra ngoài “công thức” của nhà hiền triết Socrate. Ngày nọ, các môn đệ hỏi: “Một đám cưới lý tưởng, một hôn nhân “trên cả tuyệt vời” thưa thầy, người trong cuộc phải thực hiện những điều kiện gì?”. Socrate thủng thẳng trả lời: “Chỉ cần hai điều kiện: Người chồng phải “điếc” và người vợ phải “mù”.

Với câu trả lời này, chúng ta có thể hiểu rằng, có những điều đã thuộc về quá khứ (thậm chí cả hiện  tại) thì cả hai phải biết quên đi. Mắt không thấy, tai không nghe thì lòng không đau.

Từ đó, ta thấy rằng, trong hôn nhân, cả hai đều sợ người kia đã biết tỏng về quá khứ của mình. Nếu đã nghe, đã thấy quá nhiều về quá khứ của đối tác thì cảm hứng của sự nao nức, khám phá dứt khoát sẽ lụn tàn dần.

Khi bàn về chuyện giới tính, nhiều người thường tự hỏi ma lực nào đã khiến cả hai phải chết mê chết mệt? Chỉ mỗi ngày không gặp đã bồn chồn thương nhớ, đi đứng không yên, điện thoại như điên, tin nhắn liên tục. Chỉ một ngày thôi, cả hai đã cảm thấy như nghìn trùng xa cách. Ma lực tạo nên sức hấp dẫn ấy ở đâu? Có nhiều cách lý giải nhưng ít ra đối tượng đó phải là người giấu những “bí mật” trong tính cách mà mình muốn chinh phục và khám phá. Càng khám phá, tìm hiểu lại gặp, phát hiện thêm những bất ngờ thú vị khác. Chính vì thế, trong quan hệ tình yêu và hôn nhân của cả hai lúc nào cũng cảm thấy mới mẻ và hào hứng.

Nếu thừa nhận điều này đúng và phổ biến, ta mới hiểu vì sao có những đôi lứa như “đi guốc trong bụng” của nhau nhưng cuối cùng “em mãi mãi là người tình trăm năm”! Thật ra, trong hôn nhân bất kỳ sự lựa chọn nào cũng có nguyên cớ của nó. Do đó, ta đừng ngạc nhiên khi thấy có những trường hợp thân thiết như “một”, cuối cùng lại trở thành “hai”. Điều này cũng bình thường thôi.

 

L.M.Q

(nguồn: tạp chí TGPN 5.8.2013) 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com