Trên đời này, cái gì con người cũng có thể giấu, có thể “sống để dạ, chết mang theo”, duy chỉ một điều không thể: Tình yêu. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Con người ta luôn có nhu cầu tâm sự, chia sẻ cảm xúc ấy cho người khác. Dù nhận lại sự thuận tình hay nghịch nhĩ cũng không cần thiết, chỉ cần nhiều người biết đến sự rạo rực thầm kín trong lòng: “Lòng anh như đại dương/ Đợi chờ một hạt muối/ Chỉ có mỗi mình em/ Đủ thẩm quyền đem tới/ Trăm năm trong cõi người/ Đã yêu thì phải gọi” (L.M.Q). Phải gọi, phải réo lên giữa trời cao đất rộng cho cả nhân loại biết đến chuyện tình của mình thì mới hả hê, sung sướng. Với họ, lúc giong buồm lao về chân trời tình ái, mọi ngăn cản cũng bỏ mặc ngoài tai. Không thèm phải bận tâm. Không thèm đếm xỉa tới.
Tranh sơn dầu của Lê Minh Quốc minh họa bài Đàn ông yếu bóng vía hơn đàn bà
Thế nhưng, không phải ai cũng vậy, nếu họ yếu bóng vía. Anh bạn tuyên bố quyết định thủ tiêu đời sống độc thân bằng cách rước một cô nàng về nhà góp gạo thổi cơm chung. Ngặt nổi, cô vợ tương lai của anh vốn bồ/ vợ cũ của người bạn. Thế là nhóm bạn của anh tranh luận chí chóe, hào hứng, bất phân thắng bại. Bản thân người “trong cuộc” cũng chao đảo tựa cánh diều hụt gió. Ai cũng có cái lý riêng và bảo vệ đến cùng.
Có lý lẽ đưa ra chắc nịch như dao chém chuối, bộ hết đàn bà con gái rồi hay sao lại “nhảy ”vô bồ/ vợ cũ của bạn? Lúc đang mây mưa, chỉ cần nghĩ đến bạn mình từng xxx với nàng thì đã sôi tiết, lộn gan lên đầu. Hay hớm gì cái trò vớt hương dưới đất, nhặt hoa cuối mùa? Mà vớt từ đâu? Nhặt từ đâu? Từ “hàng secondhand” của bạn mình! Vậy còn gì cảm hứng nữa? Chưa kể, lúc ăn nhậu lai rai, bạn lại đá giò lái móc họng, đại khái, cái nốt ruồi của ai đó nằm “chỗ đó”, “chỗ kia” xinh ơi là xinh. Dù nói vu vơ nhưng tự mình đã đỏ mặt tía tai, bị chạm nọc đau điếng. Nếu chỉ vì lo sợ ấy hoặc vì lời bàn tán lúc tiếu trà dư tửu hậu mà “bỏ của chạy lấy người”, hãy đặt tay lên ngực và tự hỏi: “Có thật sự yêu nàng?”. Nghe thế, ắt có người gân cổ lên:
- Yêu chứ sao không? Nhưng biết đâu khi đang “cao trào” trăng hoa tuyết nguyệt, nàng lại so sánh với bạn mình thì có nhục không, có bẽ bàng không?
Hỡi ôi, sự lo xa ấy rất trẻ con, bộc lộ sự ngốc nghếch bởi không hiểu gì về đàn bà. Lúc chăn gối, không bao giờ (nhấn mạnh lần nữa, không bao giờ) họ so sánh kẻ trước người sau. Cái thói so sánh ấy, nếu có, chỉ ở người đàn ông - kẻ luôn đóng vai kẻ mạnh dám há mồm ra, chứ với đàn bà lại không thể. Đơn giản, họ giữ lấy nhân cách, phẩm hạnh sau những lần gẫy đổ, “đi bước nữa” đã một hoặc vài lần. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, họ luôn nghĩ rằng, qua nhiều “lần đò” chẳng phải hay ho, vậy hà cớ gì phải nghĩ, phải so sánh “chuyện ấy” với người của quá khứ?
Tình dục đối với người đàn bà không phải là tất cả. Không tình yêu, họ vẫn có thể “nhập cuộc” nhưng nếu có tình yêu, vì tình yêu thì khoái cảm ấy mới chạm đến tận cùng của sự hoan lạc, sự thăng hoa của Nước và Lửa. Đừng quên rằng, khi yêu một người, chung sống với một người đang hạnh phúc thì trong sâu thẳm của họ đã không còn chỗ trú ẩn của quá khứ. Tục ngữ Việt Nam có một câu lạ lùng: “Mười mặt con chưa hẳn là chồng”. Tôi hiểu, khi đã không còn tình cảm, sự níu kéo dù bất kỳ lý do nào cũng không thể “cứu vãn tình thế”. Với đàn bà, con cái là số một, lúc ấy, dù người đàn ông có đưa ra như một “ách chủ bài” mặc cả, họ cũng “trơ như đá vững như đồng”. Họ sẵn sàng đơn thân độc mã “nuôi cái cùng con” bởi hình bóng của người chồng đã biến mất. Vậy họ so sánh làm gì?
Nghe nói thế, có người phùng mang trợn mắt vớt vát:
- Nhưng phải chi cô ấy không phải bồ/ vợ của bạn mình thì hay quá! Hay gì à? Là ở chỗ cô ta dù đã với nhiều người khác, nhưng mình không quen biết vẫn thấy lòng nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn, còn hơn gặp bạn mỗi ngày lại gợi đến chuyện đó, dù không muốn nghĩ đến!
Ủa, vậy hóa ra khi yêu một người đàn bà, chung sống với họ, quan trọng nhất chỉ là cái: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc” để dẫn đến “Con đường vô ngạn tối om om” (H.X.H) hay sao? Thử hỏi, đó có là tình yêu hay chỉ vì muốn tận hưởng cảm giác của nhục dục? Cảm giác của sự chiếm hữu, thỏa mãn chăn gối cho riêng mình không đồng hành cùng tình yêu. Tình yêu là sự chia sẻ, cảm thông kể cả dĩ vãng của họ. Từ Hải, Thúc Sinh đúng là mẫu người đàn ông biết yêu. Yêu là yêu. Không thèm quay lui soi mói, bình phẩm về quá khứ của người đàn bà. Tiếng gọi của tình yêu đích thực luôn âm vang tựa kèn đồng réo gọi mùa xuân đến, chứ không phải những lời thở than, tính toán cân đong đo đếm về quá khứ của người mà mình đang chọn. Tiếng gọi của tình yêu đích thực khi réo lên, cho dù phía trước là vực sâu thăm thẳm, con người ta vẫn sẵn sàng lao qua.
Nghe nói thế, có người vẫn cãi chày cãi cối:
- Biết đâu, còn biết bao tình huống oái oăm tương tự sẽ xẩy ra. Vậy “rút lui có trật tự” vẫn là lựa chọn khôn ngoan nhất.
Có phải khôn ngoan không? Chưa thể kết luận, nhưng điều chắc chắn ta có thể rút ra, đó không phải không phải tình yêu. Và cô nàng vốn là “người cũ” của bạn thì quan hệ ấy không hẳn là tình bạn. Tôi đơn cử vài mẩu chuyện tình của những người rất nổi tiếng, khi gặp trường hợp đó đã ứng xử ra sao?
Nhân vật Phan Bôi là một ví dụ. Vợ ông, bà Trịnh Thị Tuyến vốn là vợ cũ của ông Nguyễn Hới. Trước khi cùng Ngô Gia Tự vượt ngục Côn Đảo, Nguyễn Hới đã nói với bạn tù Phan Bôi: “Nếu chẳng may mình bỏ xác giữa biển khơi, sau này bạn về được đất liền nhớ đến chăm sóc vợ con mình”. Đúng như sự linh cảm, chuyến đi đó họ chìm giữa trùng khơi sóng vỗ. Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân, Phan Bôi được thả tự do. Ông đã ra Hà Nội tìm gặp vợ của bạn. Từ đó, hai người nẩy nở tình cảm và hôn nhân ấy được xây dựng từ tình bạn của người đã khuất.
Nhân vật Nguyễn Khắc Viện là một ví dụ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nhất vốn là vợ cũ của ông Trần Đức Thảo. Sau khi hai người chia tay, ông Nguyễn Khắc Viện đã cưới bà. Trường hợp bà Lê Thị Xuyến - vợ của ông Phan Thanh cũng tương tự. Sau khi ông mất, bạn cũ là ông Lê Văn Hiến đã “chắp nối tơ duyên”.
Đến với vợ cũ của bạn, họ đã có những tháng ngày chung sống hạnh phúc, cuộc hôn nhân ấy đã giúp cả hai thăng hoa sống và cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng. Sở dĩ, họ đã làm được điều đó, ngoài mối quan hệ tình bạn đúng nghĩa thì họ còn có một tình yêu thật sự. Chỉ có thể chọn người đó và yêu lấy người đó như một niềm xác tín mãnh liệt. Sự cao thượng của tình bạn ở những nhân cách lớn, tình yêu lớn là vậy.
Không việc gì phải nịnh, phải thừa nhận rằng, “tình yêu như trái phá con tim mù lòa” (T.C.S) ở phái yếu dữ dội hơn đàn ông gấp nhiều lần. Khi đã yêu, họ bất chấp. Khi đã hết yêu, họ cũng rạch ròi, dứt khoát, không à uôm, nửa nạc nửa mỡ, không tân cổ giao duyên. Với họ, “Đã yêu thì yêu cho chắc/ còn như trúc trắc thì trục trặc cho luôn”. Nếu họ còn “dây mơ rể má” chẳng qua chỉ vì nghĩa. Do vì nghĩa ấy, ta mới có được chuyện tình đầy nước mắt trong sự tích Táo quân. Do vì nghĩa ấy, Tám Bính trong Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng được nhiều sự thương cảm hơn.
Nếu biết được mọi chuyện tranh luận này, tôi tin chắc họ chỉ cười khẩy. Dù không nói ra, trong thâm tâm họ đã xem thường những mẫu đàn ông thiếu bóng vía, yếu bản lĩnh đó, không đáng “đội lên đầu”. Khi đã yêu với mọi sự tôn trọng, ngưỡng mộ, họ sẵn sàng xả thân và hy sinh vì người đó. Vậy hà cớ gì người đàn ông đó lại chi li tính toán từng đến từng tiểu tiết? Không thèm nói ra, thâm tâm họ đã nghĩ, tâm thế ấy, suy nghĩ ấy còn hẹp hòi, tủn mủn lắm. Tại sao người đàn ông được từ A đến Z với “tập 1”, vô số tập với bất kỳ giống cái nào; rồi khi “bước lên xe hoa” lại hất mặt lên trời với cái quyền được phán xét tất tần tật quá khứ của người đàn bà mà họ đã chọn và sẽ cưới?
Hãy trả lời đi?
Nói nhỏ thôi, đàn bà của thời đại này, khi đã được trang bị về học thức, tự tin về nhan sắc, kiêu hãnh về giới tính, ổn định về kinh tế, nếu biết những ai có suy nghĩ ấy thì chớ hòng rớ đến họ, dù là chỉ chạm đến cái váy. Thử hỏi tại sao cánh đàn ông lại có thói dò xét, tìm hiểu, đắn đo về quá khứ của người mà mình đang yêu? Câu trả lời chỉ có thể, hoặc họ chưa thật sự máu thịt với tình yêu ấy; hoặc họ chưa tự vượt qua khỏi rào cản,áp lực của dư luận xã hội. Vậy xem ra, trong chuyện này, họ còn thua xa đàn bà về tính cách biểu lộ, bảo vệ tình yêu nhiều lắm lắm…
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí DDVN số tháng 8.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|