THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tình vui trong phút giây thôi

LÊ MINH QUỐC: Tình vui trong phút giây thôi

 

Phải đầy kinh nghiệm “trường đời”, người xưa mới có thể viết được câu thơ “trúng chóc”: “Thiên lý tha hương ngộ cố tri”. Nhiều du học sinh đã sống và học tập ở nước ngoài, cảm nhận điều này rõ hơn ai hết. Mới mười tám đôi mươi, ăn chưa no lo chưa tới nhưng vì nhiều lý do mà có những cô cậu phải bước lên máy bay đến nơi quê người đất khách. Lúc ấy, câu văn trong Quốc văn giáo khoa thư hiện lên rõ mồn một: “Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”. Buồn thì buồn nhưng cũng phải nhớ lời dặn dò của bố mẹ: “Sang đó, cố gắng mà học nghen con. Đừng có bồ bịch lăng nhăng, ăn chơi đàn đúm mà xao nhãng học hành”.

 

tinhvuitrongphutgiaythoi

 

Thời gian đầu, các cô cậu nhớ như in trong óc. Hầu hết thời gian chỉ biết cắm đầu, chúi mũi xuống trang sách. Rồi bốn mùa lần lượt trôi qua, ai không có lúc cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo cần một người bạn để tâm sự lúc xa nhà? Đến trường, bạn bè thiếu gì nhưng về nhà lại thui thủi một mình một bóng trong căn phòng chật hẹp, tiện nghi thiếu thốn. Đã thế, có cô cậu không thể hòa nhập được vào môi trường mới nên luôn sống trong tâm trạng u uất, chán chường, cô độc...

Nhìn qua cửa sổ thấy vạn dặm đường dài, tuyết bay trắng xóa, nỗi nhớ nhà lại thổn thức, tràn ngập trong tim. Lúc ấy, những muốn ca lên một câu vọng cổ như Võ Đông Sơ giữa chốn sa trường: “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi! Đường dài mịt mùng em không đến nơi…”. Thế nhưng ai là người tri kỷ, tâm giao để thấu hiểu lòng mình? Họ có nhu cầu cần một bờ vai nương tựa, cần nghe giọng nói Việt ấm áp, quen thuộc giữa muôn trùng ngôn ngữ xa lạ. Nơi đất khách, chỉ cần nghe giọng nói “quê mình” là có thể kết bạn, huống gì người ấy học cùng trường; hoặc đồng hương. Hơn nữa sở thích về ẩm thực, tâm lý giao tế cũng khiến họ cảm thấy gần gủi, đáng tin cậy nhau hơn là một người bạn nước ngoài. Chính từ hoàn cảnh này, thực tế cho thấy đã có khá nhiều đôi bạn du học sinh dễ dàng đến với nhau.

Em gái tôi cũng vậy. Có lần bị ốm, anh chàng bạn người Tây đẹp trai ngời ngời đến thăm, dù có quà “nặng tay” nhưng cô lại không xao xuyến, cảm động bằng người bạn học đồng hương. Cảm động bởi lời nói và cách chăm sóc thân thiết như người trong một nhà. Anh bạn người Tây dẫu muốn “cạnh tranh” cũng khó, đơn giản vì không thể thấu hiểu tâm lý của người Việt. Vài ba lần thăm nom như vậy, cô em gái tôi đã “trên mức tình cảm”...

Nếu ở quê nhà, do ràng buộc gia đình, xã hội khiến họ phải đắn do, cân nhắc trước khi “trao thân gửi phận” thì ở đây, họ hoàn toàn có thể tự quyết định cảm xúc. Do đó, quan hệ tình cảm trở nên chóng vánh và dễ dàng hơn. Thậm chí, họ còn mạnh dạn “sống thử” mà cũng chẳng ngại ngần, bởi bạn bè chung quanh cũng có sự lựa chọn tương tự.

Dẫu cả hai nhiều lần đã chung thân đến độ “Nệm là hơi thở, da: chăn ấm /  Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?” (Huy Cận) - nhưng vẫn khó có thể nói đây là tình yêu. Bởi điểm xuất phát của họ không từ sự rung động của trái tim. Không khởi đầu bằng tâm trạng trộm nhớ thầm yêu mà chỉ từ nhu cầu có cần người lúc “tối lửa tắt đèn”. Lúc ấy, không A thì B, ai cũng được miễn người ấy cùng chung tâm trạng như mình. Sự việc “góp gạo nấu cơm chung” ở nhiều du học sinh thông thường diễn ra từ nhu cầu đó.

Và không ít cô cậu lúc quy cố hương đã “tay xách nách mang” đùm đề! Chuyện này nghĩ cho cùng vẫn không  có gì đáng lo, nếu sau đó cả hai cùng chung sống và tiếp tục giữ được mối quan hệ “tình sâu nghĩa nặng” như trước. Trước sự việc “động trời” này, không ít phụ huynh vò tai bứt tóc, tưởng như đất lún dưới chân: “Bố mẹ ăn làm sao, nói làm sao với người ta?” Con trai (gái) nhà kia bố mẹ đã tính toán cả rồi mà bây giờ lại như thế này hở trời? Vì không khởi đầu từ tình yêu, do đó, nếu va chạm trở ngại, thử thách là họ không có được thái độ “cố thủ” tới cùng.

Sự tan vỡ ấy còn do “người trong cuộc” thay lòng đổi dạ. Trở về nước như cá về sông, hổ về rừng nghĩa là họ được sống trong môi trường của chính mình. Một môi trường mà họ hoàn toàn chủ động mọi sở thích và khát vọng. Buồn vui cần người tâm sự à? Chỉ một cú “a lô” là bè bạn kéo đến xếp hàng ngang dọc trước nhà. Chẳng bù cho lúc ấy, chỉ có mỗi cô ấy (hoặc anh ta) mà thôi. Về nước, họ còn có thêm nhiều cơ hội cho sự lựa chọn khác, thậm chí còn có điều kiện thăm dò gia cảnh của “người ta” để có quyết định cuối cùng. Vậy mà lúc ở nước ngoài, họ dễ dàng chấp nhận chỉ vì thiếu người tâm sự, chia sẻ trong thời gian trống trải, cô đơn...

Lúc du học, đừng vì cần có người “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa” mà vội vàng với quyết định của mình. Sự quyết định nhất thời ấy còn kéo dài hệ lụy về sau, cho dù nhiều người muốn xóa ván cờ này để làm lại từ đầu nhưng không dễ dàng chút nào. Vậy vấn đề đặt ra cho các du học sinh là cần có sự chín chắn, trưởng thành hơn khi sống xa nhà để sau này khỏi phải hậm hực, tiếc nuối: “Tình vui trong phút giây thôi. Ý sầu nuôi suốt đời” (Vũ Thành An). Còn gì đáng thương hại hơn khi tuổi đời cả hai còn quá trẻ?

 

L.M.Q

(nguồn: báo PNVN số 28.6/2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com