THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: "Ở bển" mới về

LÊ MINH QUỐC: "Ở bển" mới về


Hồi sang Mỹ, thăm hỏi nhiều gia đình người Việt, nhiều phụ nữ cho biết, họ sợ nhất là thời gian chồng về Việt Nam. Nghe thật lạChị bạn tôi thẳng thừng: “Mấy ổng về nước chỉ thời gian ngắn, sang đây là thay đổi tính cách cái xoạch. Những gì đã được “giáo dục” thì nay quên béng hết. Cái thói gia trưởng đùng đùng nổi dậy như cuồng phong bão táp!”.

 

o-ben-moi-ve

 

Có thật vậy không? Nhiều anh bạn cười méo xệch: “Ở bên này, bọn tớ phải chu toàn tất tần tật mọi việc. Từ việc ra sức “cày” lo cho mái ấm đến việc cán đáng mọi sự trong nhà. Phải thực hiện các “nghĩa vụ” như hàng tuần đưa vợ shopping mua sắm; chủ nhật đưa con đi chơi công viên; ngày sinh nhật, ngày lễ tết phải nhớ nằm lòng, nếu quên tặng hoa, tặng quà cho vợ con là sinh chuyện ngay… Nhỡ không vừa ý chuyện gì, phải bình tĩnh, cấm lớn tiếng quát nạt lại càng không có thể thượng cẳng hạ tay, phu-lít đến tận nhà còng tay như chơi. Đã thế, lấy vợ rồi, khó có thể léng phéng chuyện “ngoài luồng”, ú a ú ớ là phải chia đôi tài sản ngay, nhiều lúc bước ra khỏi nhà không một xu teng”.

Lúc ấy, người đàn ông cảm thấy chịu quá nhiều “thiệt thòi”. Thế nhưng, mọi ràng buộc này đều được người đàn ông thực hiện tự giác, bởi môi trường xã hội và ý thức xã hội đã quy định như thế. Chẳng có gì phải phàn nàn “than thân trách phận”.

Ta biết rằng, chính môi trường sống góp phần tạo nên tính cách con người. Với người đàn ông lúc “ở bển”, họ phải chấp nhận chuyện này chuyện kia theo cộng đồng là lẽ thường tình. Ai cũng thế, mình cũng thế, chẳng việc gì phải so sánh.

Vậy mà lúc về nước cái nhìn của họ đã thay đổi bởi họ đã thoát khỏi môi trường cũ. Không ít người đàn ông mừng rỡ như được “giải phóng” nếu họ được chung sống với người đàn bà khác. Chưa cần phải giàu có hơn, xinh đẹp hơn nhưng ít ra họ cũng không phải thực hiện các “nghĩa vụ” như anh bạn tôi vừa kể. Mà chẳng bị một điều tiếng gì.

Đã thế, họ còn có nhiều cơ hội cho sự lựa chọn. Trong mắt họ có nhiều cô gái xinh đẹp, học thức, công việc ổn định, lại có thu nhập cao hơn đã khiến họ phân vân. Họ tự nhủ: Ủa? Sao lúc ấy mình lại ngốc dại và vội vã lựa chọn người này? Họ nhận thấy, chẳng phải bạn bè họ được vợ “đội trên đầu” đó sao? Người phụ nữ trong nước thường “lép vế” trước đàn ông, nhẫn nhục hơn, chịu đựng hơn, ít… đòi hỏi hơn. Thậm chí vừa có vợ nhưng họ lại vừa lén lút có “phòng nhì” cũng chả sao. Sướng thế cơ chứ!

Còn phụ nữ “ở bển” về có gì khác không?

Chị bạn tôi từng đi xuất khẩu lao động, ở nước ngoài đã hơn năm năm, không rõ do ảnh hưởng lối giáo dục xứ người thế nào mà lúc về nước, chị chán chồng như cơm nếp nhão. Lúc buồn bã, chị e dè tâm sự, đại loại, đàn ông đàn ang gì mà không biết ga-lant phụ nữ chút nào. Mình đi làm về mệt ứ hự còn phải lao xuống bếp cơm nước, tắm cho con, rồi vô số chuyện trong nhà xoay xở không kịp tay thì trong khi đó, “lão” lại nằm khèo xem ti vi lại cất giọng hỏi ông ổng: “Cơm nước xong chưa em?”. Nghe rất chối tai. Lại có lúc nửa đêm, con ốm sốt, mình phải tất tả đón xe ra hiệu thuốc còn “lão” ngáy khò khò vô sự! Chẳng bù với đàn ông “ở bển”, bất kỳ mình cần giúp một điều gì, họ xung phong ngay.

Chị nhấn mạnh, trước đây chị thấy chuyện này chỉ bình thường nhưng do sống ở nước ngoài nhiều năm chị đã ý thức rằng, không thể chấp nhận sự vô lý này mãi được. Và chị “vùng lên” với sự lựa chọn mới nhằm nâng cao chất lượng sống!

Về nước sinh sống, có nhiều người đàn bà không còn phù hợp với tính của chồng thuở “hàn vi” nữa. Xem kìa, chồng người biết phe phẩy, tung tẩy lách đầu này luồn kia, bắt tay này nắm tay nọ tạo mối quan hệ làm ăn nhằm tăng thêm thu nhập mà chồng mình cứ như đang… sống ở nước ngoài! Chỉ trông vào mỗi đồng lương. Môi trường xã hội đã khác thì mình cũng phải thích ứng chứ?

Chuyện mâu thuẫn do từ “ở bển” quay về nước có thiên hình vạn trạng, “mỗi hoa mỗi cây, mỗi nhà mỗi cảnh” khó có thể kể hết. Tuy nhiên, sự gẫy đổ này hầu hết là do môi trường sống đã khác biệt mà cả hai đều không có sự chuẩn bị trước, lường trước về tâm lý cũng như điều kiện vật chất. Với những người “trong cuộc”, chỉ xin nhấn mạnh rằng, đừng bao giờ “đứng núi này trông núi nọ” và cũng đừng quên có thể “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Hạnh phúc trong hôn nhân là gì vậy? Có thể chỉ đơn giản là ta hài lòng những gì đang có và cố gắng hoàn thiện dần để tự ý thức chấp nhận nó.

 

L.M.Q

(nguồn: tạp chí TGPN 17.6.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com