THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ QUỐC PHƯƠNG: A lô! À lố!

LÊ QUỐC PHƯƠNG: A lô! À lố!

 

1.

Trước đây chừng hai mươi năm, ai sở hữu được “con dế” cũng đều có thể hất mặt lên trời: “Em ơi đừng chê anh nghèo, điện thoại di động nó reo trong quần”! Oách lắm đấy nhé! Bây giờ mọi việc đã khác. Từ hoa hậu quý bà, chân dài siêu mẫu một bước lên ngựa xuống xe cho đến bà bán chuối chiên, chị hột vịt lộn, cô thu mua ve chai... cũng đều có “dế” cưng! Thậm chí, đứa nhóc còn nằm nôi cũng được mẹ sắm cho một chiếc để khi khát sữa có thể réo ầm ĩ hoặc lập tức nhắn tin ngay cho oshin. Cụ già mắt mũi kèm nhèm dẫu gần đất xa trời cũng lận lưng một chiếc, lúc nào yêu đời phơi phới cũng có thể “a lô” người “cõi trên” hỏi han chuyện “hậu sự” lúc viễn du về đến Suối vàng.

Tóm lại, từ khi có điện thoại, rõ ràng con người ta thuận lợi vô cùng trong giao tế, trao đổi thông tin. Chỉ trong nháy mắt là đã có thể connect, bất kể thời gian lẫn không gian. Thế nhưng nó cũng gây ra rất nhiều phiền toái...

viet-chung-voi-mai-phuong

 

2.

Vô quán cà phê nhâm nhi li trà sữa, thả hồn theo những giai điệu du dương của một bài “sến như con hến” nhưng mình cực thích. Bỗng có cuộc điện đàm như... xé nát không gian: Mày hả? Sao giờ chưa thấy mặt nữa? Cái gì? Nói lớn chút đi! Tao không có rảnh ngồi đồng chờ này đâu nha!...  Có nàng chân dài váy ngắn còn chỉ đạo “lính” ở đâu đó không biết mà cứ như sợ người chung quanh không nghe nên mở hết volume: Em không biết! Sinh nhật em là phải đi tàu ven sông cơ! A lô? Trong vòng thân mật cái gì, nội đại diện mấy hội bạn trên “phây” của em cũng đã trăm mạng rồi... Ôi trời, gặp phải cảnh này thì ba cái vụ vô rạp xem phim mà nghe điện thoại hét ông ổng “có điện thoại... kìa” là chuyện nhỏ nhé!

3.

Khổng Tử nói “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, vậy mà từ khi có chiếc điện thoại trong tay, nhiều người đã... làm ngược lại. Chỉ cần sắm một cái sim rác bằng giá tiền của một tô phở, là người ta có thể nằm khèo trong nhà mà “bắn” đi một loạt tin khủng bố để “trả thù” cái đứa làm mình... thấy ghét! Như cái vụ chàng Y, cô X nào đó lúc bị “bồ đá” bèn xả stress bằng cách nhắn tin mạt sát, vu khống hàng loạt người khác, dù họ chẳng “ân oán” gì! Cuối cùng chuyện gì xảy ra? Xin khỏi kể lại. Chỉ xin nhắc trò giấu mặt này, nếu sự việc trở nên trầm trọng, đừng quên là cơ năng chức năng vẫn có thể tìm ra manh mối đấy nhé! Nói đến giấu mặt, thì phải nhắc đến khả năng xây dựng “vũ khí bí mật” của điện thoại di động mới được. Bạn bè tin cậy nên “bà tám” thoải mái chuyện đang hẹn hò cùng lúc hai ba cô, hoặc phải xếp lịch cà phê cẩn thận để “sô chậu” với các chàng không đụng nhau... Nào ngờ, có đứa lén bật chế độ ghi âm, ghi lại tất tần tật. Rồi khi lên cơn giận hờn thì đem “vũ khí bí mật” ra để khẳng định “bạn đã nhìn lầm người”! Có những tin nhắn trong lúc bực bội có “nói xấu nói xí’ ai đó chút đình, thậm chí người nhắn cũng đã quên mất tiêu, vậy mà người nhận tin vẫn giữ gìn cẩn thận, để khi cần thì làm... chứng cứ! Sợ thật!

 

4.

Chuyện “vô tình bị hại vì xài điện thoại” đã đành, ở đây lại có chuyện người xài điện thoại... tự hại mới ghê! Cái này liên quan đến mấy “con dế” có chức năng quay phim “cực đỉnh”. Số là hai cô cậu sinh viên nọ “ăn cơm trước kẻng” mà lại muốn “lưu lại làm kỉ niệm” nên đồng tình quay phim bằng “dế”. Không cần phải có đầu óc tưởng tượng phong phú như thám tử lừng danh Conan, ta cũng có thể chuyện gì sẽ xảy ra nếu chẳng may chiếc điện thoại đó bị mất và rơi vào tay kẻ xấu, hoặc lúc đem đi sửa gặp phải chuyên viên tò mò tọc mạch… Tình huống có thế là “chuyện thắc mắc biết hỏi ai” bị tung lên mạng xã hội cho cả hành tinh này “rửa mắt”! Nếu không “xui tận mạng” như vậy thì cũng có thể bị đoạn phim “nóng” ấy đe dọa miết khi hai người phải chia tay hay khi có một người bỗng dưng... không thèm ở lại.

 

5.

Có những người xài điện thoại nhưng không muốn tốn tiền nên dùng chiêu “nhá máy”. Mình thấy có cuộc nhỡ nên lịch sự bấm phím gọi lại. Vậy là xong, mình cứ nghe còn người kia cứ nói thoải mái, nhiều khi  câu chuyện từ Sao Hỏa qua đến Sao Kim luôn!  Chuyện “2 giây không bị tính tiền” mới dzui nè! Có người gọi nhầm số, mình vừa a lô thì nghe một tràng lắp bắp “Gọi lại tao đi, tao hết tiền rồi”, xong cúp máy! Khoảng vài phút sau lại “Biểu gọi tao sao không gọi?”, “Gọi tao, tao hết tiền’! Cơ mà mình có biết “tao” là ai đâu để khi không tốn tiền “gọi lại tao đi”?

 

6.

“Đẳng cấp” của người sử dụng điện thoại di động, tôi cam đoan rằng, không nằm ở giá trị vật chật cụ thể mà tùy thuộc vào người sử dụng nó. Đang chìm trong giấc mộng êm đềm, đột nhiên “dế” reng khiến mình giật thót! Hoảng hồn, tưởng chuyện gì ghê gớm lắm, tim đập như trống chầu, căng tai lắng nghe, nào ngờ: “Ê! Ngủ chưa mày? Tâm sự chút được không”? Bực mình quá, mình hét: “Điên hả? Biết mấy giờ rồi không? Hai giờ sáng rồi đó”! Đầu dây bên kia xuôi xị: “Vậy hả? Thôi, chúc mày ngủ ngon”. Coi có “tức cành hông” không? Bởi vậy mới nói, dẫu điện thoại có nạm kim cương, hột xoàn mà cứ cao hứng là gọi búa xua, bất kể thời gian thì thà là “cục gạch” nhưng biết cách sử dụng theo phong cách người có học, điện thoại ấy vẫn có “giá trị” như thường.

Thật ra, kĩ năng sử dụng điện thoại ai ai cũng biết. Vấn đề đặt ra sử dụng như thế nào là người “sành điệu” có “văn hóa điện thoại”?

Tôi nghĩ điều này không khó, miễn là mình biết tôn trọng mình khi a lô hoặc gửi một cái tin… Tùy vào mỗi trường hợp cụ thể, ta sẽ có cách ứng xử phù hợp. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Bạn cho tôi biết, bạn của bạn là ai, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào”. Thời buổi này, từ “bạn” có thể thay đổi bằng “điện thoại di động”, nói thế để thấy rằng, có thể đánh giá tư cách của một người qua việc họ xử dụng “con dế” của họ ra sao.

Nếu bạn đồng tình, đọc xong bài phiếm luận này, bạn hãy ngồi yên lặng trong năm phút và hãy nhớ lại mỗi ngày cầm điện thoại trong tay, bạn đã sử dụng như thế nào, làm gì với nó?

 

LÊ QUỐC PHƯƠNG

(Nguồn: Báo Mực Tím số đặt biệt 6.2013)

Lê Minh Quốc & Mai Phương viết chung

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com