THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tâm linh Côn Đảo

LÊ MINH QUỐC: Tâm linh Côn Đảo

Chưa chuyến đi xa nào đã khiến tôi bồn chồn và hồi hộp như thế. Từ trong ký ức, tôi đã nhớ về mùa xuân năm 1968. Năm đó, sau khi bị chính quyền Sài Gòn khám phá kho vũ khí trong nhà, ba tôi đã bị đày đi Côn Đảo. Tôi luôn tâm niệm phải có mặt nơi đó một lần - một địa ngục trần gian đã tồn tại 113 năm tại Việt Nam.

2.-Ba--Yen-PhiRRR-

Tượng thờ Bà Phi Yến tại Côn Đảo. Ảnh: LMQ

 

Dù đã đọc khá nhiều tài liệu về Côn Đảo, nhưng chỉ khi đến tận nơi và được tham quan các khi nhà tù, tôi mới cảm nhận được hết sự khốc liệt và sức chịu đựng của con người. Phải có một niềm tin mãnh liệt nhất, con người mới có thể sống và tồn tại qua sự tột cùng của cái ác.

Khi nhìn chuồng cọp kinh khiếp của thời Pháp và được ‘cải tiến” qua thời Mỹ, thú thật tôi thấy ớn lạnh xương sống. Mồ hôi túa đầy lưng và cảm chừng như nghẹt thở. Đứng trong nhà tù, tôi nước nhìn một ô trời xanh hiếm hoi trên bức tường giăng đầy kẽm gai, bất chợt tôi lại nhớ đến nữ anh hùng Trần Thị Lý. Chị đã từng sống sót qua tra tấn dã man nhất của kẻ thù, có lần tôi hỏi: “Vì sao chị có thể chịu đựng được mà không một lời cung khai phản bội?”. Hỏi, vì không ai có thể lý giải được sức chịu đựng của chị đã hóa thành huyền thoại. “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên?” (Tố Hữu). Không một chút ngần ngừ, chị đáp: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ. Nếu mình đầu hàng, phản bội thì không xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”.

Câu nói nhẹ nhàng cứ như không. Vậy đó, có nhũng người phụ nữ Việt Nam bình dị đi qua cuộc đời này và trở thành huyền thoại.

Nữ anh hùng Võ Thị Sáu cũng đã trở thành một huyền thoại trong đời sống tâm linh. Chúng tôi đã đến Côn Đảo và đêm ấy mưa trút thác lũ từ trởi cao, lại cúp điện. Ngồi dưới ánh nến loe loét nghĩ đến nghĩa trang Hàng Dương, tôi thoáng rùng mình. Những ngôi mộ bạt ngàn đã hiện về như một ám ảnh. Vậy mà 0 giờ khuya hôm đó, khi chúng tôi ra thắp nén nhang cho chị Sáu lại gặp một hình ảnh lạ lùng. Nhiều đoàn đã có mặt và xếp hàng viếng mộ chị. Nến thơm và nhang khói chập chùng, lãng đãng trong không gian rộng lớn như cõi dương và âm đang hòa nhập… “Đêm càng khuya thì càng có sự linh ứng”. Ai đó đã nói nhỏ bên tai tôi. Tịnh không một tiếng ồn ào, chỉ là lời cầu nguyện thì thầm trước mộ chị Sáu.

Lạ lùng chưa, chưa một nhà lưu niệm nào trên trái đất này có nhiều áo dài thật đẹp, thật mới và nhiều son phấn, gương, lược như ở Nhà Lưu niệm chị Sáu ở Côn Đảo. Chị bất tử ở tuổi 17 lúc vừa dậy thì - người đời sau thương chị nên đã sắm cho chị những vật dụng rất yểu điệu thục nữ ấy. Tự lý giải như thế, tôi ứa nước mắt bùi ngùi thương cảm. Nhìn kỹ, tôi thấy chị Sáu đẹp và thánh thiện như gương mặt đẹp trong bức tranh Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn.

Nếu chị Sáu sống mãi và song hành cùng thế hệ chúng ta bởi lòng yêu nước thì bà Phi Yến lại là một  góc độ khác. Nhân dân Côn Đảo thờ bởi bà đã từng can ngăn vua Gia Long không nên cầu viện ngoại bang, nói nôm na là đừng “cõng rắn căn gà nhà” mà phải chịu án tù đày. Rõ ràng, nhân dân luôn đứng về phía của những ai biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên đầu.

Đến với Côn Đảo là đến với đời sống của tâm linh. Hầu hết các khu nghỉ dưỡng đều hướng mặt ra bờ biển. Phía sau khu nghỉ dưỡng lại các nhà tù. Mỗi bước chân ta đi trên mảnh đất này đều gặp các di tích lịch sử đầy máu. Vâng, máu khủng khiếp được tượng hình từ con số tù nhân đã chết. Chẳng hạn, cầu 914 xây dựng từ năm 1873 đến khi hoàn thành đã có đến 914 người tù bỏ xác v.v... Ngay cả trên các vách tường tù vẫn con loang lổ những vết máu. Câu thơ “Máu ta quý cả hơn vàng/ Tổ Quốc cần đến sẵn sàng ta dâng” viết bằng máu vẫn còn đó, đã là Tuyên ngôn của nhiều thế hệ cha ông ta đối đầu với sự tận cùng của cái ác.

Tôi lặng lẽ đi qua từng ngôi nhà tù và bừng lên cảm giác nghẹt thở, ngột ngạt. Bỗng nhiên, tôi lại nhớ đến một dòng chữ khốc  liệt “Nơi đây sắt thép chảy tan ra, chỉ con người đi qua được. Câu này do Hồng quân Liên Xô viết trên bức tường loang lổ ờ bức tường Stalingrat thời thế chiến II hay của nhà văn Erhenbourg? Nhà tù Côn Đảo là cũng là một nơi như thế. Nơi mà những người yêu nước Việt Nam đã chứng minh sức mạnh Việt Nam bằng Lòng Tin của chính mình, ngoài ra không có bất kỳ một vũ khí nào khác và đã chiến thắng.

Trong đời mỗi người, hãy một lần đến với Côn Đảo và tôi tin rằng tự mỗi người sẽ tìm ra một giá trị sống cho chính mình…

3.RRjpg

Cùng đồng nghiệp nữ ở cơ quan tại sân bay Côn Đảo (LMQ, Loan, Hà, Hạnh, Thủy)

LÊ MINH QUỐC

(7.2012)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com