TRỞ VỀ NHÀ của Võ Thị Như Mai - Biên độ của NỖI NHỚ

aVO-Thi-Nhu-Maixxxxxx

 

 

Biên độ của NỖI NHỚ
TRỞ VỀ NHÀ - Bài thơ của Như Mai –
Viết ngắn Nguyễn Đại Hoàng
**********************

 
Tôi đọc bài thơ của Như Mai. Thấy giản dị vô cùng. Đọc lại lần nữa trời ơi thấy càng giản dị hơn!
 

Một không gian rộng lớn thoáng đãng. Vâng đúng rồi, không gian dành cho NỖI NHỚ thì phải không có gì cả ngoài chính nó. Tất cả chỉ dành cho cảm xúc.
 

Nhà thơ cũng đứng ngoài luôn!

 

TRỞ VỀ NHÀ

Nỗi nhớ về anh như một ngôi nhà

Em khăn gói ra đi từ dạo ấy

Có một làn ranh mỏng manh sương khói

Vẽ lên đại dương xanh
-

Đại dương lặng yên em anh

Ngày bận rộn buồn vui đắm em và đuối

Líu ríu cơn gió nồm nông nổi

Mượt như tơ nắng mới thì thầm
-

Nếu chiều muộn quên ôm chầm hàng cây

Quên tô nét son ẩn sau tán lá

Thì kỷ niệm vẫn đong đầy mùa hạ

Đan trái tim nhau thổn thức một thời

-

Trong bóng đêm nỗi cô đơn rạng ngời

Nhắc chúng ta thế giới chừng rộng lớn

Ngôi sao trời lung linh em với tay mơn trớn

Có ngờ đâu sao vời vợi cách xa

-

Cơn gió hàng cây ú oà

Em tha thẩn gần nửa đời bối rối

Để yêu thương đong chặt lối về

Ngôi nhà cùng nỗi nhớ anh
-

Nhà thơ đứng ngoài.

Bởi thế bài thơ tuy chỉ có 5 khổ, nhưng dung lượng dành cho suy tư của người đọc lại vô cùng.

Bài thơ nào Như Mai dường như cũng đứng ngoài cả.

Anh, em, ngôi nhà, nỗi cô đơn, nỗi nhớ... dường như cũng là dành cho tất cả chúng ta! Và cụm từ TRỞ VỀ NHÀ cũng dành cho chúng ta nốt!

Bài thơ vì vậy ngay từ đầu đã gợi rất nhiều.
-
Chúng ta hãy xem thử khổ đầu nhé :

Nỗi nhớ về anh như một ngôi nhà

Em khăn gói ra đi từ dạo ấy

Có một làn ranh mỏng manh sương khói

Vẽ lên đại dương xanh

Nỗi Nhớ như Một Ngôi Nhà? Nỗi nhớ là vô hình, Ngôi nhà là hữu hình. Vô hình ví với hữu hình sao?

Không, chỉ là so sánh về độ lớn! Độ lớn của nỗi nhớ!

Triết học và vật lý học có một khái niệm về biên độ. Biên độ của nỗi nhớ. Lúc vơi lúc đầy. E là hay hơn, để nói về bài thơ này.

Vả chăng ngôi nhà đó cũng nằm trong tiềm thức. Bền vững vô cùng so với ngôi nhà vật chất của thế giới này.

“Em khăn gói ra đi từ dạo ấy“

Có một thứ cảm xúc không tên bật lên - khi hai từ “ khăn gói” được sử dụng, đã lâu không còn mấy người dùng từ đó nữa!

Xưa nhà nghèo, ba tôi đi thi Sơ Học Yếu Lược, bà nội chỉ gói áo quần trong một tay nải bằng vải.Nhớ nội và nhớ Ba. Rồi lan ra nhớ nhà nội và nhà mình.

Những ngôi nhà xưa của ngoại tôi nội tôi... giờ vẫn còn rõ như in trong ký ức tôi!

Nhưng mà từ khăn gói – đối với một người trẻ như NM hẳn là biểu lộ một sự dứt khoát của tuổi trẻ - quyết chí ra đi! Quyết chí xa nhà!

“Có một LÀN ranh mỏng manh sương khói

VẼ lên đại dương xanh“

Thường thì người ta hay dùng “ Lằn ranh” hơn, nhưng ở đây lại là “ làn ranh”. Thực sự tinh tế, khi sau đó từ này quá đắt với cụm từ “mỏng manh sương khói”.

Và chính làn ranh ấy lại xa xôi cách trở như một biển cả ngàn trùng. Đi dễ sao lại khó về? Có ai ngoài NM đã dùng chữ VẼ hay đến vậy?

Tại sao hay? Bởi nếu ta đã VẼ được, thì ta cũng xoá được! Không ai ngoài ta cả.
Ôi tiếng Việt nước tôi, theo suy tư và thực tế trải nghiệm của tôi – đúng là ngôn ngữ số 1 thế giới về sự đa dạng và đa …tình! Tôi yêu nước mình – bắt đầu từ tiếng Việt!
-
Khổ thơ thứ hai :

Đại dương lặng yên em anh

Ngày bận rộn buồn vui đắm em và đuối

Líu ríu cơn gió nồm nông nổi

Mượt như tơ nắng mới thì thầm

Đây là một đoạn trầm tư riêng biệt của nhà thơ. Nhưng nếu là tôi, thì tôi cũng thấy đại dương nhớ nhung cách trở ấy luôn “ lặng yên”, dù ngày xưa tôi rất động, làm việc hơn 18 tiếng một ngày!
-
Khổ thơ thứ ba:

Nếu chiều muộn quên ôm chầm hàng cây

Quên tô nét son ẩn sau tán lá

Thì kỷ niệm vẫn đong đầy mùa hạ

Đan trái tim nhau thổn thức một thời

Khổ thơ này cho thấy một hoàng hôn, tại sao không “ôm” mà “ ôm chầm” lấy hàng cây!

Động từ ấy thường dùng trong một cuộc hội ngộ bất ngờ, giữa người đi xa và người trở về.

Hoàng hôn là Mẹ ta, là Nhà ta, là gia đình, là người xưa ta đó.

Còn hàng cây xanh lá nào có ai khác hơn là chính ta – như tôi – là kẻ ngày xưa đã để mẹ già nơi quê nhà để đi HỌC. Để rồi sau bao năm trở lại vẫn thấy mình tiếp tục HỌC làm người.

Nhưng mỏi mòn chờ tôi về, giờ mẹ đã như chuối chín cây! Ân hận khôn cùng !

Nhưng cái sâu xa hơn là, chiều muộn ấy, hoàng hôn ấy, ở một vị trí khác, lại là trạng từ bổ nghĩa cho chủ từ ẩn là TA QUÊN ôm chầm hàng cây.

Quên TÔ một nét son ẩn sau tán lá.

Những nét duyên thuở ấy có bao giờ ta thấy. Như tôi cũng chưa bao giờ dám tô lại những “ kỷ niệm cũ” – kỷ niệm nào?

Đó là một cuộc tình mùa hạ chăng? Có lẽ đúng vậy! Tình mùa hạ thường phai khi mùa hè đi qua! Sau những mùa thi là chia ly!
Hạ và hè có khác nhau một chút đó!
-
Khổ thơ thứ tư :

Trong bóng đêm nỗi cô đơn rạng ngời

Nhắc chúng ta thế giới chừng rộng lớn

Ngôi sao trời lung linh em với tay mơn trớn

Có ngờ đâu sao vời vợi cách xa

-Trong bóng tối thì những ngôi sao trong vũ trụ đi đâu? Vẫn còn đó, nhưng không phát sáng. Tôi không biết những ngôi sao đó có cô đơn không? Nhưng trong bóng đêm của đời cô đơn, thì nỗi cô đơn đúng là “ sáng lên” là rạng ngời- một thứ ánh sáng lạnh, khắc khoải và âm thầm.

Những khoảng cách, độ lớn, những hằng số của vũ trụ vật chất không làm so sánh được với những kích thước trong tâm hồn người.

Tôi có một anh bạn sống ở Toronto, người xưa cũng ở cùng một con phố, vậy mà 50 năm sau mới tái hợp.

Nhà họ cách nhau có 1km, mà duyên họ cách nhau vạn dặm!
-
Khổ thơ cuối:

Cơn gió hàng cây ú oà

Em tha thẩn gần nửa đời bối rối

Để yêu thương đong chặt lối về

Ngôi nhà cùng nỗi nhớ anh

Những bà mẹ luôn biết chơi trò chơi “ ú oà” với trẻ sơ sinh, hiện ra rồi biến mất, rồi lại hiện ra ….cứ thế.

Thế nhưng cơn gió chơi ú oà với hàng cây, hay cả hai chơi ú oà với chính chúng ta – lại là một khái niệm không toàn ánh- như trong một phép ánh xạ.

Cái vụt hiện vụt mất ấy – đôi khi ĐÓNG CHẶT lối về mái nhà xưa, chứ không phải ĐONG CHẶT.

Nhưng nếu YÊU THƯƠNG đong chặt thì lối về cho “ ngôi nhà cùng nỗi nhớ anh” - thì lối về ấy sẽ mở!

Tình yêu mở được tất cả! Bởi bản chất TY là phép nhiệm mầu!

Nếu đây là một bài hát, thì hẳn là một trường hợp khó cho ca sỹ - khi phát âm phân biệt rõ “ đong chặt ” và “ đóng chặt” – nếu ca sỹ nào làm được, tôi đánh giá là một nghệ sỹ thượng hạng! Chắc chắn là như vậy!
-
Quý thân hữu và các bạn đọc tiếp nhé. Tôi cũng đang trở về nhà tôi, chiều nay :

Thôi nhé đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua.

(Phạm Duy – Trở Về Mái Nhà Xưa)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com