Nhà văn Nguyễn Văn Bổng sinh ở miền Trung, nhiều năm sống ở miền Bắc, nhưng sự nghiệp văn học của ông lại được nuôi dưỡng bởi con người và thiên nhiên miền Nam. Cuộc đời ông là minh chứng nổi bật về mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống và những câu chuyện trên trang viết. Chính phong cách sáng tác này đã tạo cho những đứa con tinh thần của nhà văn có sức sống mạnh mẽ. Và đặc biệt, bạn đọc trong nước và nước ngoài luôn có lòng tin vào những nhân vật cũng như những câu chuyện của ông. Đó là phần thưởng xứng đáng và trân trọng nhất đối với một nhà văn.
Khi tôi còn là một cậu bé học cấp II, tối tối, tôi thường la cà ở các Hiệu sách Nhân dân trên các phố Bạch Mai, Khâm Thiên và Tràng Tiền… để tìm mua sách mới. Một lần, tôi đã tìm được cuốn Rừng U Minh của tác giả Trần Hiếu Minh. Cuốn sách viết về phong trào đồng khởi ở Cà Mau. Chúng ta nói nhiều về đồng khởi, nhưng chủ yếu ở Bến Tre. Tại sao tác giả lại tìm về Cà Mau? Cuốn sách có bìa in sậm màu đất. Đặc biệt, chữ nhỏ li ti, nhưng rất hấp dẫn. Tôi rất thích những trang nhà văn tả cảnh vật và thiên nhiên Cà Mau. Chúng gợi lên trong tôi tình yêu đất nước, tình yêu cỏ cây ở xứ sở mà mình hằng mơ ước.
Tôi nhớ một đám ruộng gặt rồi chỉ còn trơ gốc rạ, một ánh lửa chiều hôm, một chân trời vần vụ, một con ong ve vãn bông tràm chiếu ánh mặt trời, một con cá đối quẫy sáng trên mặt nước mặn đêm khuya… Nhưng chiến tranh, hai miền còn chia cắt, song ước mơ càng thôi thúc. Mãi sau này, khi được biết, tác giả Trần Hiểu Minh chính là nhà văn Nguyễn Văn Bổng, người viết tiểu thuyết Con trâu mà chúng tôi được học ở trường phổ thông, tôi càng tìm yêu hơn. Sau này, được nghe ông kể, ông viết Rừng U Minh trong hoàn cảnh thế nào. Vừa đi vừa viết. Viết được bao trang, lại phải bọc bản thảo trong túi nilon, cất trong hòm đạn bằng sắt, đào hố, chôn dưới đất, trong rừng sâu. Đề phòng địch càn, bom ném… Rồi sau nữa, tôi được đọc bài thơ Bản thảo của nhà thơ nổi tiếng người Nga K. Simonov viết về cuốn sách và nhà văn:
Người miền Nam kể chuyện miền Nam
Đã bảy năm anh ở ngoài mặt trận
Đôi bàn tay cầm súng
Bản thảo trên lưng
Anh dưới đạn, bản thảo cũng dưới đạn
Và anh, và bản thảo trên lưng
Giấu ở rừng chăng?
Mối xông lên mất
Chôn dưới đất chăng?
Một tháng thôi đã nát
Như chả viết tí gì
Gửi ai chăng?
Chúng lùng chúng giết
Không phải anh
Mà người giữ giùm anh…
Cầm cuốn sách trên tay, tôi hiểu, mỗi dòng chữ này thấm đẫm mùi vị của đất đai, của sông nước, của “hương rừng Cà Mau”, của những cuộc trốn tránh, ẩn náu trước quân thù và thiên tai, liên quan đến bao số phận. Cuốn sách không còn là cuốn sách bình thường. Và nhà văn ở chiến trường miền Nam không chỉ là một nhà văn đơn thuần.
Được nghe tác giả kể chuyện những dòng nước kỳ lạ, sự quyến rũ đầy ẩn dụ của chúng, nhưng người viết cần giữ cái đầu lạnh để cảnh giác với trái tim nóng ra sao: “Chúng ta ở miền Bắc hay miền Trung thường quen nghĩ rằng nước sông chảy xuôi từ núi xuống biển: “Non xanh đã biết hay chưa / Nước đi ra biển lại mưa về nguồn” (Tản Đà). Nhưng trên đồng bằng châu thổ Cửu Long, sông rạch nước bồng bềnh. Nước xuôi ngược không theo chiều từ nguồn ra biển, mà theo cơn lớn ròng thủy triều. Vì ở đây có những con sông mà nước khúc xuôi, khúc ngược; trên những dòng kinh rạch chi chít, người ta chỉ nhớ đường bằng bao nhiêu khúc ngược, xuôi. Ngã ba sông có nơi thành chỗ “giáp nước”, nghĩa là chỗ mà các dòng nước ngả xuôi bên này ngả ngược bên kia. Tên “Giáp Nước” quyễn rũ đến nỗi lúc đầu tôi định chọn viết trong tiểu thuyết phong trào vùng Giáp Nước, thuộc xã Phú Mỹ. Nhưng sau, rừng U Minh và sông Cái Tàu càng quyến rũ tôi hơn, tôi về Khánh An”.
Nhưng hấp dẫn hơn đối với ông là con người. Những con người, dưới góc nhìn của nhà văn, được phân tích một cách thấu đáo, khoa học. Xưa nay, nông dân ta thuộc vào hạng những con người cùng cực nhất thế giới, vì vậy họ có thể chịu đựng tất cả để được quyền ăn nói, được nhìn thẳng vào mặt quân thù, được đánh trả lại chúng khi chúng hành hung mình. Được làm chủ một mái nhà, một khoảng vườn, một phần ruộng, điều mà trước họ mơ ước như người mù mơ thấy trời xanh. Được kêu bằng “ba, má, chú, bác cô, dì” chứ không chỉ là những “thằng nọ, thằng kia”… Và ông yêu, ông hiểu những người dân của vùng đất mới với cả trái tim.
“Đến đây chỉ có hai con đường: một là không đủ nghị lực sống nữa thì đâm đầu xuống biển mà chết, hai là cô bám lại đấu tranh để sống. Con người đến đây là con người liều, con người ngang tàng, nghĩa khí, coi tính mạng nhẹ tựa lông hồng, tiền tài coi khinh như rơm rác. Đối với họ, nghĩa khí là trọng. Họ không cần nhà đẹp, vì xưa nay có ở đâu được lâu. Nhà của họ là “nhà đạp”, “nhà đá” dựng lên đó, ở đó, nhưng nếu không chịu nổi áp bức thì họ lại đạp đi, đá đi, đến chỗ khác mà ở.
Họ chẳng cần mặc sang, và có thì ăn, cũng không cần lo ngày mai lắm. Vì trước đây họ có chắc gì được sống đến ngày mai; còn miễn sống được thì ngày mai ở trên hai cánh tay mình, dưới sông, trong rạch, trong rừng kia! Họ vồ vập hiếu khách, vì cuộc đời họ đã buồn lắm, heo hút, cô đơn lắm rồi. Họ chỉ có tình nghĩa là đậm đà với nhau. Họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, vì đã từng biết cái cực, cái nhục của đói khổ thế nào. Và trên hết họ rất căm thù. Đừng đụng đến họ. Họ không cần nhiều lý lẽ. Lý lẽ ở trOng bụng họ. Họ cần việc làm. Họ cần những cái thực tế để họ được sống, được làm người… Đó, nếu muốn tìm hiểu phong trào đồng khởi của miền Tây Nam bộ có khác gì phong trào đồng khởi ở miền Trung Nam bộ và các nơi khác, có gì khác những cuộc khởi nghĩa khác trên đất nước ta, phải tìm trong những người nông dân đó”.
Trong Rừng U Minh có đến bốn mươi nhân vật. Nhưng nhân vật nào cũng được ông quan tâm, chăm sóc kỹ càng. Ông quan niệm, nhân vật phải có thủy có chung. Trong gần bốn chục nhân vật có tên, hầu hết ông muốn họ có số phận rõ rệt, rất ít nhân vật chỉ đóng vai trò “cầm cờ”, “chạy hiệu”. Trong tiểu thuyết có một “nhân vật đặc biệt”, đó là con chó. Số phận của nó thật đáng thương. Nó sẽ bị chính ông chủ của nó đập đầu vì lợi ích chung. Ông kể, ông đã sống với nó từ đầu đến cuối, nơi nào có thể nghĩ đến ông đều nhớ đến nó. Nó tuy chết đi, nhưng nếu có dịp thì hình ảnh của nó vẫn sống trong tiểu thuyết. Không nên bạc bẽo với nhân vật của mình.
Ông bám trụ lâu ngày ở xã Khánh An nằm ở phía đông rừng U Minh. Nhưng cũng có những chuyến đi phát sinh ngoài ý muốn. Có một lần, một chiến sĩ cách mạng, ở tù lâu ngày, muốn về thăm quê ở vùng Hương Mai, phía tây U Minh. Anh này rủ nhà văn về cùng. Ông phân vân vì nhiều lý do. Nhưng cuối cùng vẫn quyết định đi. Không ngờ, sau này, khi viết, những cảnh phía tây U Minh đã giúp ông rất nhiều trong việc viết về phía đông. Công việc viết văn phải như vậy. Không có sự hiểu biết nào là phù phiếm.
Những năm đầu viết văn, Nguyễn Văn Bổng xuất bản hai tiểu thuyết thuộc dòng lãng mạn. Năm 1944, ông xuất bản hai tiểu thuyết Say nửa chừng, Dưới đáy sông Hương. Cả hai cuốn đều thể hiện tâm trạng bế tắc của những người trẻ tuổi trước thời thế. Nhưng sau đó, ông chuyển sang phong cách hiện thực. Tiêu biểu là tiểu thuyết Con trâu (1952).
Tại sao có bước chuyển này?
Ông thổ lộ: “Tôi thuộc thế hệ những người viết văn ở nước ta mà phần lớn đi từ chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện thực. Bước vào thời đại mới với những hiện thực vĩ đại, chúng tôi thường bị choáng ngợp một cách chính đáng. Chúng tôi thường dễ chép nguyên thực tế đời sống xung quanh, dễ xem thường trí tưởng tượng, vì thực tế thường vượt qua trí tưởng tượng của mình. Do đó dễ có một thứ văn học chỉ toàn là tài liệu, tình hình, thời sự, phong trào chung chung. Tình cảm và tư tưởng con người đáng lẽ là chất liệu của văn học lại nhường bước cho các tài liệu của các phong trào”.
Nhưng khác với đa phần các nhà văn cùng thế hệ, ông đã sớm tìm ra con đường riêng của mình. Ông nói thẳng về những công việc đằng sau trang viết: “Tiểu thuyết của tôi có động đến những vấn đề lớn của thời đại, hòa bình hay chiến tranh, chính trị hay vũ trang… Tôi cố gắng giải quyết các vấn đề ấy trong phạm vi diễn biến tư tưởng và tình cảm của nhân vật. Vì vậy, khi ghi chép tình hình, tôi ghi chép rất tỉ mỉ, chính xác từng ngày giờ, nhưng vào tiểu thuyết thì đã cố gắng chuyển tất cả vào tư tưởng, tình cảm của nhân vật”.
Quan điểm sáng tác đó đã giúp ông thành công với hai tiểu thuyết sau này là Sài Gòn 67 và Áo trắng. Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1963, ông vào Nam. Năm 1966, ông vào hoạt động ở Sài Gòn. Ông thường ở tại nhà của người bạn cũ là Nguyễn Đức Dũng (nhà văn Vũ Hạnh) và nhà văn Lưu Nghi. Ông chủ yếu tiếp xúc với đời sống Sài Gòn vào ban đêm, nhưng ban ngày, cuộc sống của đô thị thờ chiến vẫn thúc đẩy ông suy nghĩ, phân tích, nhận định và hy vọng.
Tiểu thuyết Áo trắng ra đời sau nhiều lần ông được nghe cô sinh viên Nguyễn Thị Châu kể lại mối tình với người bạn đời Lê Hồng Tư, một trí thức trẻ. Những gian khổ, những nghị lực của thế hệ trí thức dấn thân dưới chế độ độc tài và thực dân xâm lược là những chất liệu vàng ngọc, qua lao động sáng tạo của cây bút bậc thầy, đã tặng cho cuộc đời cuốn sách quý. Những năm đầu thập kỷ 70, tuổi trẻ miền Bắc say mê đọc.
Các bà chị tôi còn chép lại nhiều đoạn. Nó khác hẳn với tâm trạng của anh sinh viên ngày trước mà nhà văn miêu tả trong Dưới đáy sông Hương. Nhân vật giả chết, nằm đưới đáy sông thơ mộng, để quan sát thế thái nhân tình. Rồi Áo trắng được dịch sang tiếng Nga, tiếng Hàn… Tiểu thuyết Sài Gòn 67 cũng vậy. Những trăn trở của giới trẻ trước thời cuộc, trước nạn ngoại xâm, trước con đường tương lai… được nhà văn thể hiện đầy sâu sắc qua đối thoại, độc thoại và hành động của các nhân vật như anh sinh viên Huỳnh Thanh Hiệp, nữ sinh Diệu Thúy, luật sư Trần Thanh Phát… Nhà văn cũng thể hiện rất sắc nét nhân vật phản diện Lâm Đại Tân.
Cả một đời, nhà văn Nguyễn Văn Bổng luôn trăn trở với nghề văn và đội ngũ kế cận. Ông đọc nhiều các cây bút trẻ và thẳng thắn chỉ cho họ những cái được và những hạn chế. Ông phê bình các nhà văn trẻ, khi viết về Sài Gòn, thường chỉ có chuyện, ít thấy các mặt cuộc sống ở những nơi này. Họ chỉ gây được ấn tượng trong việc miêu tả các mặt tiêu cực của cuộc sống. Cần phải làm rõ phần ánh sáng, không phải hôm nay mới có, mà vẫn có, đã có, có nhiều… Hoặc khi dư luận hết lời khen một tác phẩm mới của một cây bút mới, ông vẫn phát biểu chính kiến của mình.
Đó là vấn đề người đọc không tin vào nhân vật. Ông dẫn câu chuyện, có người hỏi Banzac, sự khác nhau giữa một nhân vật tiểu thuyết và người thường là thế nào? Banzac trả lời: “Nhân vật tiểu thuyết là bất cứ người nào trên đường phố, khi người ấy đi tận cùng vào con người của mình”. Di sản của ông, những bài học kinh nghiệm sáng tạo văn học của ông thật lớn. Song rất tiếc, ít ai để ý. Và tiếc hơn, ít người biết cách học hỏi, khai thác.
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 162 tháng 7.2021)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|