Ngày 22.10.1921, vở kịch Chén thuốc độc’’ của ông Vũ Đình Long được biểu diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Thời đó, dân Hà Nội gọi là nhà hát Tây. Những diễn viên đều là thành viên của Hội Công thương đồng nghiệp. Mục đích của buổi diễn để lấy tiền giúp trẻ mồ côi. Năm ấy, tác giả vở kịch nói đầu tiên của nước ta, thời ấy còn mang tên An Nam, mới 25 tuổi.
Thời đó, văn chương viết bằng chữ quốc ngữ mới khởi động những bước đi đầu tiên với những tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Phạm Duy Tốn, Song An Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh… theo những thể loại chủ yếu là thơ và truyện ngắn, tiểu thuyết… Nhưng kịch thì chưa ai viết. Ông Vũ Đình Long là người đầu tiên dùng tiếng Việt sáng tác những vở kịch mới theo cấu trúc kịch của Pháp.
Một hôm, có nhà báo đến thăm ông, muốn hỏi chuyện một người viết kịch có công lớn đối với văn học nước nhà. Nhưng ông rất khiêm tốn. Ông đề nghị nhà báo nên hỏi chuyện các nhà văn đã cộng tác với ông trong việc xuất bản. Vì những vởi kịch đó, ông đã viết từ hơn mười năm trước, đã trở thành những “món đồ cổ”. Nhưng nhà báo cho rằng, đó là những món đồ cổ quý báu. Chỉ mười năm sau, chúng đã có giá trị lịch sử, xác định vị trí vững chắc trong văn chương Việt Nam cận đại. Ông kể cho nhà báo Lê Thanh về những động lực thúc đẩy ông quan tâm đến kịch.
Ông sinh ở Hà Nội. Hồi nhỏ, ông học ở một trường Pháp - Việt. Lên trung học, ông vào trường Pháp (College Paul Bert). Có nghĩa là, trong thời kỳ đi học, ông ít được rèn luyện quốc văn. Nhưng bù lại, ông rất thích đọc sách tiếng Việt. Đặc biệt, ông rất quý hai bộ tiểu thuyết Trung Hoa là Tam Quốc và Thuỷ Hử, do một người ở Nam Kỳ dịch, xuất bản ở Sài Gòn. Đọc xong, ông quan niệm, tiểu thuyết giúp người đọc, trong chốc lát, có thể thoát khỏi cái vòng thực tế, trong cái đời sống buồn tẻ lúc bấy giờ.
Và khi đã hiểu thế nào là văn chương, ông rất thích đọc Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí.
Đông Dương tạp chí là tờ tạp chí tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà Nội từ 1913 đến 1919 do một người Pháp gốc Đức tên là F. H. Schneider sáng lập kiêm chủ nhiệm, mục đích kinh doanh ngành in. Chủ bút là ông Nguyễn Văn Vĩnh. Trong tạp chí có hai phái cùng hoạt động. Phái cựu học có các ông Tản Đà, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc... Phái tân học có các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim…. Mục tiêu quan trọng của tạp chí này là phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng, thực hành lối văn rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn, diễn đạt tư tưởng, phê bình văn học, đả phá những thành kiến xưa, coi văn biền ngẫu mới là văn chương, truyền bá những tư tưởng tiến bộ của châu Âu, nhất là của Pháp… Còn tờ Nam Phong tạp chí, sau này do ông Phạm Quỳnh làm chủ biên và chủ bút, cũng chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ và xây dựng nền quốc học bằng chữ quốc ngữ. Tạp chí tồn tại từ 1917 đến 1934. Thế hệ nhà văn Việt Nam giai đoạn 1920-1930 như Thái Phỉ, Tam Lang, Song An, Đông Hồ… phần lớn đều được “đào tạo” bởi hai cái trường học này. Công lao của hai tạp chí trong việc vun đắp nền quốc văn là rất lớn.
Thời đi học, ông Vũ Đình Long đã đọc nhiều vở kịch Pháp nhưng chưa bao giờ dám hy vọng sau này trở thành nhà văn hay nhà viết kịch. Ra trường, dạy học, thày giáo Vũ Đình Long rất chú ý luyện tập quốc văn cho học trò. Thày coi học trò như những người thợ tương lai của cái lâu đài quốc văn. Nhưng ngoài những việc trên, tâm hồn Vũ Đình Long còn có đam mê nghệ thuật. Ông thích xem kịch hát dân tộc và phát hiện những khiếm khuyết.
Ông kể, hồi đó chỉ có tuồng, chèo, cải lương; nói là “cải lương” nhưng vẫn là những vở cũ, không biết có từ bao giờ, đã diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần, chỉ khác ở chỗ người ta cắt đi xếp lại làm bốn, năm cảnh… Mỗi cảnh có một bức phông vẽ sơn; cái thì vẽ một cảnh triều đình, cái thì rừng núi, đường đi... Nhưng một rạp hát chỉ có một số phông nhất định, không chịu thay đổi theo tuồng diễn, thành ra phông nhiều khi không hợp cảnh. Có khi diễn một tích tuồng mới bên ta, họ cho một chiếc phông hoạ một cảnh triều đình thượng cổ bên Tàu. Ông kể: “Tôi còn nhớ có lần họ diễn một tích Tàu mà cái phông lại là con đường làng Bưởi bên ta! Thứ nhất là lần nào mình đi xem cũng chỉ có những bức phông ấy, xem mãi hóa chán… Đó “cải lương hý kịch” hồi ấy là thế đấy! Giá cứ để nguyên những vở tuồng, chèo cổ mà diễn, xem còn thú hơn”.
Đối với kịch Pháp, Vũ Đình Long rất ấn tượng với vở Bệnh tưởng của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Vở kịch do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức vào ngày 25.4.1920. Ông Vũ Đình Long rất thích bản dịch tài tình, văn chương giản dị của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng khi xem, ông thấy người mình mặc trang phục cổ của người Pháp, nói tiếng ta, điệu bộ khi thì Tây, khi thì ta, ông không thấy thỏa mãn. Lúc ra về, ông ước ao được xem một buổi diễn kịch thuần Việt Nam: Việt Nam từ vở kịch đến ngôn ngữ, cử chỉ, trang phục.
Vậy ông sáng tác Chén thuốc độc như thế nào?
Ông Vũ Đình Long kể tiếp. Hồi đó, ông đang dạy học ở Hà Đông. Mấy ông giáo trong trường như ông Đốc Nguyễn Đình Thông, ông thầy Nguyễn Văn Hùng đều là những người yêu văn chương. Họ có cái lệ, mỗi tháng hai kỳ, vào hai buổi tối, hội họp tại Hồng hoa biệt thự (Villa des Roses) của ông Nguyễn Đình Thông, uống trà và nói chuyện văn chương. Ông Vũ Đình Long viết kịch Chén thuốc độc, đem đọc ở đó, được các bạn nhà giáo khen ngợi và khuyên nên gửi đăng ở tạp chí Hữu Thanh. Đó là một tạp chí của hội Nông Công thương do thi sĩ Tản Đà làm chủ bút.
Sau khi gửi đi được mấy hôm, thi sĩ Tản Đà cùng một ông tú, từ Hà Nội vào Hà Đông, mục đích chỉ để chỉ để thông báo cho tác giả biết là đã nhận được vở kịch. Đó là cái cớ. Thực ra là để “xem mặt” kịch sĩ Vũ Đình Long thế nào. Thi sĩ Tản Đà nói, toà báo đã nghe đọc và ai nấy đều hoan nghênh. Tạp chí sẽ đăng vở kịch. Hai ông ở lại chơi, đêm chuyện trò. Sáng hôm sau mới ra về.
Nội dung Chén thuốc độc kể về gia đình thầy Thông Thu - một công chức khá giả. Sống trong một xã hội nửa Tây nửa ta, mỗi người đều theo đuổi mục đich tầm thường của mình. Bà mẹ và vợ suốt ngày mê chuyện lên đồng, buôn thần bán thánh. Cô em gái thì ăn chơi đàn đúm, không chồng mà chửa. Bản thân thầy Thông Thu lại mê hát xướng, thích thư giãn nơi nhà thổ. Không những vậy, thầy còn tụ tập bọn du đãng ăn chơi phè phỡn. Cuộc sống gia đình rạn nứt, nợ nần khắp chốn. Thầy Thông Thu chợt tỉnh ngộ. Nhưng đã muộn. Tất cả tài sản trong nhà bị tịch thu. Trong cơn khốn quẫn, thày quyết định uống thuốc độc để giải thoát.
Trong giây phút cái chết cận kề, bỗng có người mang thư và giấy nhận tiền. Thì ra, người gửi là một người em, lưu lạc bên Ai-lao (Lào) từ lâu, nay gửi tiền về biếu mẹ và anh. Món quà đó giúp thầy thoát khỏi cái chết, trả được nợ, cứu được gia đình. Đồng thời nó cũng là lời cảnh tỉnh cho thầy và gia đình nên chọn lối sống khác.
Sau khi đăng vở kịch, Hội Nông Công thương đồng nghiệp đã tổ chức diễn tại Nhà hát Tây. Trước khi mở màn, ông Nguyễn Huy Hợi - Hội trưởng và ông Dương Như Tiếp thay mặt đoàn kịch, đã đọc diễn văn. Các ông nói về về sự cần thiết phải cải cách lối diễn kịch, phải đem những cảnh thực ở xã hội ta ra diễn, bổ ích cho phong hóa. Buổi diễn kịch thu hút rất đông người xem. Các tài tử luyện tập công phu nên luôn được khán giả vỗ tay hoan nghênh.
Ông Vũ Đình Long còn nhớ, bà Thịnh đóng cụ Thông, ông Nguyễn Đình Kao đóng thầy Thông Thu, ông Nguyễn Mạnh Bổng vai Giáo Xuân, anh Nguyễn Thống vai cậu ấm sứt… Trong các vai đó, ông Kao thủ vai thầy Thông Thu đóng hay nhất. Ông đóng rất tự nhiên. Khi ông khóc trên sân khấu, nước mắt chan hòa, làm cho nhiều người cũng khóc theo. Một người bạn Pháp nói với ông Long: “Tôi sang An Nam đã hai mươi năm. Khi tôi mới sang, chưa thấy gì là tiến bộ, mà nay thì hình như đã theo văn minh Âu châu nhiều lắm… Riêng về đóng kịch, như người đóng vai thầy Thông Thu thì chẳng kém gì bên Tây… Tôi tưởng cứ lấy tích An Nam như tích này mà diễn còn hơn những tích Tây vừa khó diễn vừa không hợp với phong hoá An Nam”. Tạp chí Hữu Thanh đã tường thuật buổi diễn.
Sau đó, Ban kịch xuóng diễn tại Nhà hát Tây Hải Phòng, rạp hát Hàng Rượu Nam Định. Lần nào ông Long cũng đi xem. Ở đâu cũng được hoan nghênh. Ban kịch còn diễn ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ, vào Trung Kỳ, sang cả Lào… Một dịch giả Pháp, ông G. Cordier, chánh văn phòng dịch tại tòa Thượng thẩm, một người có công với văn học nước ta, đã dịch Chén thuốc độc, đăng vào tập kỷ yếu của Hội Trí Tri và năm 1927 thì in thành sách.
Sau này, ông ấy in trong tập Khảo cứu về văn chương Việt Nam (Etude sur la littérature Annamite). Nhận được sự tán thưởng lớn, tác giả nghĩ: “Không ngờ tác phẩm đầu tay được hoan nghênh, khi ấy tôi còn ít tuổi, có lúc tưởng minh đã trở thành văn sĩ, kịch sĩ thật rồi”. Thế là ông cao hứng viết bi kịch Tòa án lương tâm, Tây sương tân kịch… Song xảy ra sự cố, ông cho biết: “Vì vở Tòa án lương tâm khó diễn, và có sự lôi thôi về tiền bạc nên tôi không muốn cho diễn vở này”.
Trở lại với thực tại, ông Vũ Đình Long sớm nhận ra sự hạn chế và hy vọng của kịch. Ông cho rằng, kịch khó đọc hơn tiểu thuyết, cho nên người mình ít chịu đọc. Vả lại, một vở kịch, soạn ra là để diễn chứ không phải để đọc, mà trong kịch trường còn hiếm nhân tài thì thể văn kịch thế nào cũng tiến chậm hơn các thể văn khác. Tuy vậy, ngay bây giờ, ta có thể nhìn thấy nó bằng con mắt lạc quan. Các ông Vi Huyền Đắc, Tương Huyền, Đoàn Phú Tứ… là những kịch sĩ có tài sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò này.
Về thể loại kịch, những nhận xét của ông Vũ Đình Long từ những năm 40 của thế kỷ trước, đến giờ, vẫn còn mới nguyên: “Thanh niên ta ưa xem chiếu bóng hơn xem kịch. Một đằng vì nhiều vở kịch diễn dở làm cho người xem chán, không muốn xem; một vở kịch hay mà diễn dở cũng không xem được huống hồ những vở kịch đã dở, người đem diễn lại dở lắm; một đằng thì nghệ thuật chiếu bóng tiến nhanh quá, tất cả những mánh khoé văn minh được ứng dụng để làm tăng cái giá trị của chiếu bóng. Trong những cuộc đàm luận, tôi cũng thường được nghe người ta nói chiếu bóng sẽ giết chết kịch, nhưng theo ý tôi thì mỗi lối có một cái hay; nói lúc nào số người xem kịch cũng ít hơn số người xem chiếu bóng có lẽ mới đúng sự thực”.
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 239 tháng 7.2021)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|