NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT - Hình ảnh con chó trong đời sống

Mục lục
NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT
Nuôi chó:
Hình ảnh con chó trong đời sống
Con chó trong ẩm thực
Tất cả các trang

 

Hình ảnh con chó trong đời sống

 

Con người nuôi chó, chó gần gũi với người, người sướng khổ, chó cũng như thế. Chó giúp con người rất nhiều, coi con vật thuộc loại trung thành, thông minh, quan tâm đến chủ… nhưng không hiểu như thế nào mà dân gian ta thường dùng hình ảnh con chó để đưa vào câu chửi, câu mắng. Nào là “đồ chó, đồ chó đẻ, đồ chó chết, đồ chó chết chủ, đồ chó hùa, đồ chó chạy rông, đồ chó ghẻ, đồ chó đói, đồ chó hoang, đồ chó vất, đồ chó má, đồ chó săn, đồ chó trâu, đồ chó đểu, đồ chó sủa bậy, đồ chó nhảy bàn độc, …”. Nào là “đồ hèn như chó, đồ ngu như chó, đồ ăn ở dơ như chó, đồ hỗn như chó, đồ tham ăn như chó, đồ lòng trâu dạ chó, đồ đâm heo thuốc chó, đồ chó cái bỏ con, chó cái cắn conđồ làm việc chó chê mèo mửa” v.v..  

Trong “Lục súc tranh công”, con trâu phê phán con chó “Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc?”, “Một ngày ba bữa chực ăn”, “Ăn thì cơm thừa canh cặn/ Ăn thì môn sượng, khoai sùng”, “Thấy đến việc, lén mình len lét/ Chưa rét đã phô rằng rét/ Xo ro đuôi quít vào trôn”, “Chưa sốt đà nằm dài thở dốc/ Le lưỡi ra phỏng ước dư gang/ Lại thấy người lơ đỉnh lơ hoang/ Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng” …

Hình ảnh con chó cũng được người đời đem ví von để phê phán, đả kích hay khuyên răn một bộ phận người trong xã hội, như trường hợp “chó săn” đã nói ở trên. Trong đời sống có những kẻ sống dựa, sống nhờ thì không bao giờ tồn tại, cũng như những con bọ chó sống trên mình chó, hút máu chó để sống, đến khi “chó chết, bọ chó cũng chết” mà thôi. Những kẻ giả dối, lừa người là những kẻ “treo đầu dê, bán thịt chó”. Những kẻ hèn kém, bất tài do tình thế rối ren, gặp thời mà chiếm được địa vị cao theo kiểu “chó ngồi bàn độc” thì cũng có ngày gặp cảnh “lên voi xuống chó”, tàn mạt cuộc đời.

Người ta thường gọi kẻ trộm hay chui ngạch như chó là “cẩu đạo”. Tên gọi này còn chỉ những kẻ cầu công danh một cách ti tiện nhất: chui lỗ sau. Khi những kẻ này đạt được mục đích rồi, họ luôn luôn thi hành đúng câu “cẩu mã chi trung”. Và khi nắm quyền thế, những kẻ đó có lúc lạm dụng quyền hà hiếp người, bóc lột người chẳng khác nào thiếu lông chim cài trên mũ, lấy đuôi chó nối vào, như lời người xưa nói “cẩu vĩ tục điêu” có nghĩa là quan tước quá lạm dụng quyền thế, không xứng đáng làm quan, bị người đời bêu xấu. Và những kẻ được gán cho là kẻ “lòng heo dạ chó” đã được chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền trong bài “Chiêu quốc hồn” có lời khuyên răn: “Chớ đừng thèm bắt chước những hạng người lòng heo dạ chó đành chôn vùi lương tâm, mà cam làm thân phận tôi đòi để chịu cảnh diệt vong nhục nhã”.

Có khi con người than thân trách phận cũng mượn hình ảnh con chó để tỏ bày tâm sự, như “sao khổ như chó vậy! Sao chó còn sướng hơn mình vậy!”… Nhà thơ Nguyễn Vỹ trong bài thơ “Gửi Trương Tửu” có câu: “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Nhà thơ “bị” nhà thơ Tản Đà phê phán: “Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư?”. Nguyễn Vỹ từ tốn trả lời: “Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn?”. Câu chuyện này được Nguyễn Vỹ kể lại trong tác phẩm “Văn thi sĩ tiền chiến”.

Lúc ghét thì “mắng chó chửi mèo”, không nói thẳng, nói thật nhau mà “đá mèo, quèo chó”, tỏ thái độ bất mãn. Lúc cãi vả nhau thì chẳng khác gì “gấu ó như chó với mèo”. Lại còn hay chê bai nhau như “chó chê mèo lắm lông”, đổ thừa cho nhau, hại nhau như trường hợp “con mèo xán vỡ nồi rang/ con chó chạy lại phải mang lấy đòn”,  “chó già ăn vụng cá khô/ ông chủ không thấy đổ hô cho mèo”, hay “chó đen ăn vụng, chó trắng chịu đòn”… Con người cũng có khi đổ thừa cho chó: “Nửa đêm trống trở sang canh/ Lỡ ăn vụng dại, đổ quanh chó mèo”.

Dân gian ta cũng có những bài học về cách sống qua hình ảnh con chó. Có câu truyền lại khuyên con người cần uốn lưỡi bảy lần trước khi nói là để suy nghĩ kỹ, chín chắn, phải cân nhắc, thận trọng trước khi nói để khỏi nói những điều sai trái, cũng như con chó: “Chó ba quanh mới nằm”, chó đi vòng quanh ba lần mới nằm, cũng như “gà ba lần vỗ cánh mới gáy”. Con người cần phải sống như thế nào để khỏi gán cho là loài “mèo đàng chó điếm”, đừng “ăn ở như chó với mèo”, “đồ chó mặc váy lĩnh” là những kẻ đua đòi lố lăng, không để người khác chửi mắng đã được liệt kê trên. Dân gian cũng khuyên con người không nên chê ai, kiểu “chó chê mèo lắm lông”, mình chưa chắc đã tốt lại còn chê kẻ khác là xấu, là tồi, là kém… Lại có câu “chó chực chuồng chồ”, chực nơi dơ bẩn, cũng như con người hám danh, hám lợi cam lòng chờ đợi để rình kiếm chút lợi lộc bẩn thỉu.

Dân gian ta đã có một nhận định thật sâu sắc: “Làm người thì khó, làm chó thì dễ” để thấy rằng con người ăn ở theo đạo lý mới khó, còn cư xử vô luân, không còn luân thường đạo lý với nhau thì dễ. Trong tình yêu, hôn nhân, đời sống vợ chồng, hình ảnh con chó cũng được ví von, ẩn dụ …

Đối với những chàng trai “ở vậy”, có những cô nàng phải “lên tiếng”:

Anh về kiếm chốn kẻo già

Măng mọc có lứa, người ta có thì

Người ta lấy vợ đông tây

Thân anh ở vậy như cau không buồng

Cau không buồng tháng Hai lại có

Anh ở vậy như chó cụt đuôi.

Anh chàng có muốn như thế đâu:

Ba bốn nơi gấp ghé

Chín mười nơi gập ghềnh

Lưa mô (còn đâu) đến phần mình…

Chàng cũng đã rày đây mai đó cố đi tìm “một nửa của đời mình”:

Chợ Sài Gòn bán chó

Chợ Thầy Phó bán heo

Thương em, anh bơi xuồng xuống, lúc đứng chèo

Cả ngày đường xa vắng

Nhưng em chê phận anh nghèo phải khổ tấm thân.    

Có lúc muốn gặp, muốn tặng quà, nhưng thật không may là tại… con chó:

Anh thương em đút bánh ít qua rào

Tai nghe con chó sủa, rớt xuống hào, lòi nhưn.

Gặp rồi, tán tỉnh không khéo thì thế nào cũng bị… ê mặt:

Trứng vịt đổ lộn trứng gà

Thấy em má đỏ anh đà muốn hôn

- Muốn hôn về nói mẹ cha

Tiền cheo, heo cưới tới nhà em hôn

- Muốn hôn má bậu mà chơi

Tiền cheo heo cưới đã thành đôi vợ chồng

- Má đâu có má hôn chơi

Anh ra ngoài đồi bắt… chó mà hôn

- Muốn hôn má bậu mà chơi

Hôn chi má chó lạ hơi, nó ngầu…

Khi chàng trai tỏ tình cũng không vừa gì:

Anh thương em như thương trái mít

Cái xơ mít con chó nó gặm, cái cùi mít cũng bị con ruồi nó bu,

như vậy thì cô nàng còn có giá trị gì nữa!

Trong tình trường cũng có những thách đố:

- Con gà không rang sao gọi là gà nổ

Con chó không nướng sao gọi là con chó vàng

Chàng mà giảng được rõ ràng

Thiếp đây xin phục, vội vàng theo không

- Lông gà chấm trắng đen gọi là lông gà nổ

Lông chó màu lửa gọi là lông chó vàng

Bậu thèm chi mà lại vội vàng

Trầu cau qua chưa kịp nạp mà nàng theo không?

… cũng có những chê bai:

- Anh là con cái nhà ai

Cái đầu bờm xợp, cái tai vật vờ

Cơm no rồi lại ngồi bờ

Con chó tưởng chuột nó vồ mất tai.

- Thôi thôi tôi biết anh rồi

Anh đi bốn cẳng, anh ngồi chực ăn.

- Dầu bông quế, dầu bông hường Hải Dương thơm thiệt là thơm

Tóc em như lông chó xồm

Xức dầu thì xức, ai thèm dòm, bớ em Hai!

Nhất là những cô gái “nỏ mồm”, “nỏ” là khô, những người nói quá nhiều, khô cả miệng:

Đồng nát thì về Cầu Nôm

Con gái nỏ mồm thì chó nó tha (hay “…về ở với cha”).

Trước tình cảm của người con trai, người con gái không ưa, đem … chó dữ ra dọa:

Nhà em có bụi mía mưng

Có con chó dữ xin đừng lại qua.

hay có những trách móc:

Nước chảy chó đá cũng nghiêng

Anh vui cùng bạn để em sầu riêng một mình.

Tuy thế cũng có lúc tình cảm chân thật được biểu lộ:

Ra tiệm tương mua đường, mua đậu,

Ba xị, đồ nhậu đãi bạn chung tình

Mấy khi em tiếp đãi mình

Làm thịt luôn con chó mực để dành bấy lâu.

Thật tội nghiệp cho những chàng phải đi ở rể:

Công anh làm rể đã lâu

Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô

Bao giờ anh lấy được cô

Cơm hớt phần chó, đầu rô … phần mèo,

anh chàng cũng không được gì cả, vẫn ăn “cơm hớt” là phần cơm ở trên mặt nồi đầy tro bụi do nấu bằng rơm, củi và ăn cái đầu con cá rô nướng chẳng có phần thịt cá nào. Đến khi lấy được vợ rồi, vì hoàn cảnh phải ở nhà vợ, thì cũng chẳng sung sướng gì: “Trai ở nhà vợ như chó nằm gầm chạn” (“chạn” là cái củi đựng chén bát, thức ăn) hay “Trai ở nhà vợ như chó nằm gầm giường”, nói lên thân phận người nương nhờ vào người khác, không chút quyền hành gì, phải cam chịu, nhẫn nhục mà sống.

Đời sống vợ chồng cũng có lúc “gấu ó nhau như chó với mèo”, “vợ với chồng như hồng với cốm”, nào ngờ như “chó đốm mèo khoanh”, tưởng đời sống vợ chồng ngon ngọt, nào ngờ cứ “cãi nhau như chó với mèo”. Hay có đêm:

Gái đâu có gái lạ lùng

Chồng chẳng nằm cùng, ném chó xuống ao

Đến đêm chồng lại lần vào

Vội vàng vác sọt đi chao chó về

Vợ giận chồng “chẳng nằm cùng” nên “giận mèo mắng chó”, xách con chó ném xuống ao. Thật là oan cho con chó. Đến khi “chồng lại lần vào” thì người vợ nghĩ lại thương cho con chó vì sự giận dữ của mình mà phải chịu lạnh lẽo dưới ao, nên “vội vàng vác sọt đi chao chó về” là như thế! Còn:

Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó liếm mặt

Vợ phải rẫy tiu ngỉu như mèo lành cắt tai.

Hay thảm thương hơn cho người chồng:

Nằm giường Lèo, lại đòi trèo trướng phượng

Dẫu ai trề nhún, nó cũng làm ngang

Một khi bị đạp xuống sàn

Ngủ chung với chó còn than nỗi gì!

Hình ảnh con chó gần gũi với con người nên trong đời sống tình cảm con người đã mang hình ảnh con vật thân thiết vào “điểm tô” như thế.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com