LÂM BÍCH THỦY: Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ba tôi - nhà thơ Yến Lan và Hàn Mặc Tử


hannamtu_va_cab_tio_1R

Tôi không tin tạo hóa sinh ra trái đất thì đấng thiêng liêng tối cao nào đó định chỗ này là địa linh nhân kiệt, chỗ kia là đất dữ. Nhưng tôi lại tin lời người xưa nói: “Nếu có duyên với nhau thì sẽ tụ lại”. Nói đâu xa; đấy chính Bình Định quê tôi là đất của sự tụ nhân, tụ thủy, là địa linh nhân kiệt với danh xưng là “Đất võ trời văn”.

Được như vậy người Bình Định luôn mang ơn sự đóng góp nhân tài từ các tỉnh bạn như Nghệ An với họ Hồ đã đưa người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung; quê Hà Tĩnh với duyên kỳ ngộ cha Đàng Ngoài mẹ ở Đàng Trong đã cho quê tôi nhà thơ tình Xuân Diệu”; và cảm ơn đất Quảng Trị đã đưa đến một Chế Lan Viên với những sáng tạo mới mẻ, hiện đại nhất trong bút pháp". Cảm ơn đất Quảng Bình đã tặng một Hàn Mặc Tử để rồi có cuộc gặp gỡ giữa ba tôi - nhà thơ Yến Lan và Hàn Mặc Tử định mệnh làm nên nhóm thơ “Bàn Thành tứ hữu” đã mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc làm rạng danh cho quê hương Bình Định…

Cuộc gặp mặt này được ba tôi kể lại:

LÂM BÍCH THỦY

te1baa3i-xue1bb91ngyenlan

"Một sáng chủ nhật, khoảng giữa năm 1930, tôi đang chép lại bài thơ mới làm hôm qua, nghe tiếng gọi ngoài cổng chính.

Tôi nghĩ: chắc là có khách lạ muốn đến thăm đền (vì người quen tất phải biết ngõ phụ luôn mở rộng ở phía Bắc của góc tường thành) Tôi bước ra, nghe tiếng của hai trang nam tử. Biết là người xa đến vãn cảnh, tôi chào, rồi chỉ hướng cho họ vào đền. Khách mặc âu phục sang trọng: Một, hơi lớn tuổi, nói giọng Bắc, rất chỉnh tề trong bộ Tropical, một là thanh niên mặc nguyên bộ tơ De-ligaon, đội mũ Panama. Đang đi, người trẻ tuổi bỗng ngoặc sang phải, lối hàng rào chè, rẽ sang một góc sân. Ở đó có cây lựu lớn đang nở hoa đỏ rực. Anh níu bẻ một nụ rồi tặng cho người bạn đồng hành, miệng đọc câu Kiều:

Ngoài hiên quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông

Rõ ràng là những vị khách thuộc loại hào hoa, ít gặp ở đây. Vừa lúc ấy cha tôi bước ra, hướng dẫn họ đến bên tấm bia đá và mở cửa mời vào chính điện. Tôi trở lại tràng kỷ, làm tiếp công việc bỏ dở.  Được một chốc hai người đi xuống. Cha tôi đưa họ vào nghĩa tự, mời ngồi trên tràng kỷ và đưa mắt bảo tôi xuống nhà lấy bộ bình trà bằng sứ chuyên dùng tiếp khách quí. Có lẽ tờ giấy mà tôi còn bỏ ngỏ trên bàn có những dòng chữ và cách trình bày giống dạng một bài thơ đã làm cho người trẻ tuổi chú ý. Anh hỏi tôi:

- Cậu đang chép thơ à?

Tôi bẽn lẽn gật đầu:

- Dạ, vâng.

- Thơ của bác hay thơ của cậu đấy?

- Dạ, thơ của tôi.

Im lặng một chốc, anh lại hỏi:

- Cậu làm thơ lâu chưa? Đã đăng ở đâu chưa?

- Tôi mới võ vẽ, cũng có bài được đăng báo.

- Cậu lấy bút danh là gì?

- Tôi ký Xuân Khai.

Người trẻ tuổi vui hẳn lên, anh cười:

- Vậy tôi với cậu là đồng nghiệp với nhau. Xin tự giới thiệu, tôi là Phong Trần, là Hàn Mặc Tử.

Anh quay sang người trung niên, vẻ quí trọng:

- Vị này là nhà văn, tác giả “Kép Tư Bền”, tập truyện ngắn vừa mới xuất bản đang được cả nước hoan nghênh. Tôi thốt lên một tiếng “À” vui vẻ:

- Hóa ra ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tôi đã đọc và đã biết nhiều về ông, nhất là trong cuộc bút chiến với báo Phong Hóa, Ngày Nay về tập chuyện dài “Lá ngọc cành vàng “của ông

Lúc ấy, nhà văn Nguyễn Công Hoan như tự nhiên có thêm những cảm xúc không ngờ. Ông nhìn tôi một cách triều mến.

Hàn Mặc Tử thì gật đầu thích thú, anh tiếp lời:

- Nhân đây ông làm một cuộc viễn du từ Bắc vào Nam để tạ lòng ủng hộ của tác giả mà mình hâm mộ. Hôm nay tôi đưa ông lên thăm một vài cảnh đẹp ở đây, rồi sẽ lên Phú Phong, mảnh đất lịch sử của quê ta. Nhân dịp này ta làm quen với nhau vậy. Tôi đang sống với gia đình tại 20 đường Khải Định - Qui Nhơn. Có đi Qui Nhơn mời cậu ghé chơi, chúng ta là đồng nghiệp với nhau mà.

Chúng tôi gắn bó với nhau từ buổi ấy. Tôi kể chuyện này với Chế. Chế cho biết đã quen với Tử rồi và cũng muốn có dịp nào đó sẽ giới thiệu tôi với anh.

Sống giữa lòng Bình Định, những chiều hiu hiu nắng quái, tôi và Chế Lan Viên thường lên lầu cửa Đông mà hai đứa tôi gọi là lầu tư tưởng, phóng tầm mắt nhìn bao quát thị trấn, rồi vọng đến những chân trời xa tắp, lòng ngậm ngùi cho mảnh đất quê hương đã trải qua lắm cuộc đổi thay. Có lúc chúng tôi nghĩ xa hơn đến các triều đại của quá khứ, từng nối tiếp nhau đến sự thăng trầm biến thiên của lịch sử, rồi bàn nhau cùng viết về cảnh điêu tàn, những cuộc đời dâu bể. Hoan đi sâu vào sự đau thương, tàn tạ, thịnh vượng, làm sống lại những lễ hội, sinh ca của các hệ tộc quyền quí, rồi binh biến máu lửa thay cho một thuở thanh bình. Tập thơ của Chế, tên “Điêu tàn”.

Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở

Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe    

Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ

Tan dần trong im lặng của đồng quê..

Tập thơ của tôi là “Giếng loạn”. Nghe tôi đôi lần đề cập đến “Giếng loạn”, Tử rất muốn xem (lúc này anh đang bệnh). Tôi mang xuống cho anh. Khoảng một tuần sau, Tử đưa trả bản thảo và nói:

- Tôi đã xem hết tập thơ rồi. Có một số xúc cảm nên cố làm một bài riêng tặng cậu. Anh lấy ở túi áo ra trao cho tôi và trân trọng nói:

- Đây cứ coi như một bài bạt sơ khảo; mà tôi thấy cái nhan đề không ổn. Sao cậu không viết là “Giếng lạng” lại viết là “Giếng loạn”?

Tôi đáp: “Có vấn đề về ngôn ngữ tôi muốn thảo luận với anh đấy.”

Rồi tôi và Tử bàn nhau hồi lâu, sau cùng thống nhất là “Giếng loạn”. Loạn ở đây là loạn lạc, đầy đủ ý nghĩa hơn, lạng là bỏ hoang. Bài thơ Tử tặng tôi chính là bài “Trăng tự tử” mang dáng dấp của một bài bạt cho cả tập thơ. Tôi đã có chủ ý sẽ in nó vào tập “Giếng loạn” khi xuất bản. Nhưng bản chép tay ấy với cả tập thơ bị thất lạc, lúc đi sơ tán, ngày Pháp mở chiến dịch Át-lăng đánh vào Qui Nhơn. Bản in trên các sách hiện nay là bản lưu từ trong xấp di cảo do anh Quách Tấn giữ.

Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ dường như sáng 28 Tết âm lịch, năm 1938. Tôi và Chế Lan Viên đến thăm anh. Khi ấy bệnh Tử đã nặng! Mới bước vào cổng nhà, tự dưng tôi có cảm giác căn nhà hiu quạnh quá. Thấy chúng tôi, mẹ Tử bước ra thềm hè, rơm rớm nước mắt:

- Trí đi rồi các anh à! Cò bót không cho nó ở nhà nữa, vì sợ lây bệnh, bắt phải đưa vào Qui Hòa, Tết nhất đến nơi rồi, nếu đưa nó vào trong ấy thì tội lắm. Nhà cập rập quá, nên lén gửi tạm nó vào trong xóm Động. Các anh có đi thăm thì em Hành đưa đi. Nó vừa chạy đâu đó.

Đợi lâu không gặp Hành, hai đứa tôi hỏi thăm vào xóm Động. Đấy là cái xóm nhỏ của những người lao động nghèo, nằm trên một bãi cát rộng mênh mông, khoảng khu VI Qui Nhơn bây giờ. Nhà ở chỉ là những túp lều dựng tạm bợ trên cát, không có nền. Đồ đạc, giường, tủ, bàn, ghế cứ đặt nguyên trên cát. Đường đi vào cũng quanh quất cơ hồ khó tìm ra.

Chúng tôi vào một cái chòi lợp tranh nhỏ hơn một cái chái bếp. Nóc chòi được chống lên bằng hai cây cột tre. Một tấm phên ngắn dọc theo chiều dài của nóc, ngăn chòi làm hai: nửa trước sinh hoạt bình thường, nửa sau hình như có đặt một chiếc chõng tre với lỉnh kỉnh những thúng mủng...

Trước tấm phên là cái bàn ọp ẹp, chỉ còn lại một chân trước nối với một khúc củi đẻo từ chảng ba, hai chân sau cột vào hai cọc tre chống mái nhà, Tử đang ở trong ấy (đây là nhà của một phu kéo xe). Nghe tiếng chúng tôi, Tử chậm rãi bước ra, vẻ mệt nhọc:

- Hai cậu vào tới đây sao…?

Hoan và tôi ngồi trên ngạch cửa làm bằng một khúc tre, xoay lưng ra ngoài, trò chuyện với anh. Tử gầy, trông hốc hác lắm. Anh không vui như mọi khi. Đang nói chuyện thì có bà cụ đem cho anh hai quả keo chín, Tử nhìn hai đứa tôi:

- Thứ này mình thích lắm. Mấy năm còn khỏe, mình thường xách ná cao su đi bắn. Có khi đạn rớt vào nhà Tây, mình ba chân bốn cẳng chạy nhanh như sóc. Thế mà bây giờ! Anh thở dài.

Chúng tôi nói chuyện cho tới giờ tan tầm, thì có một bé trai xách làn cơm vào (chắc là em Hành) Khi cái xách cơm đặt nghiêng nghiêng trên bàn, em lẫn ra phía sau. Tử vẫn giữ cái vẻ thản nhiên, gợi thêm một vài ý nhỏ về thi ca sách vở. Sợ anh mệt và cũng quá giờ chúng tôi đứng lên tạm biệt. Tử nhìn, đôi mắt anh buồn vời vợi.

Sau này, mới biết sau cái Tết ấy, gia đình còn cố giấu anh ở mấy nơi nữa rồi mới vào Qui Hòa.

Khi Tử mất, mỗi lần nhớ tới anh, tôi lại ngậm ngùi đọc “Những giọt lệ” của anh:

Trời hỡi! Bao giờ tôi chết đi

Bao giờ tôi hết được yêu vì


Bao giờ mặt nhật tan thành máu

Và khối lòng tôi cứng tựa si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại

Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa

Người đi, một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?


Ai đem tôi bỏ xuống trời sâu

Sao bông phượng nở trong màu huyết

Nhỏ xuông lòng tôi những giọt châu!

Tôi không biết anh viết bài thơ này để nói đến một tình huống nào. Có người bảo là anh viết để than thở về một mối tình trong bao nhiêu mối tình dang dở của mình. Nhưng tôi cứ nghĩ cảm xúc đó bắt nguồn từ buổi sáng hôm ấy, buổi sáng mà tôi và Hoan còn ngồi bên Tử, trong túp lều đơn sơ ở xóm Động…

Quả thật tôi không ngờ, lần chia tay ấy là lần vĩnh biệt”.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com