Ra đời năm 1912, mất năm 1940, qua một thời gian ngắn ngủi 28 năm, Hàn Mặc Tử - nhà thơ, mà tinh hoa đã phát triển đến độ vượt qua mực thước đương thời đi thẳng tới Tân kỳ, hiện đại.
Than ôi, anh chỉ được số phận 10 năm sáng tạo. Một thập kỷ nhào nặn tâm tư với máu lệ, hình tượng, ngôn từ. Mà đâu đã được trọn vẹn 10 năm. Mười năm vừa làm thơ, vừa chống chọi với nỗi đau thương tuyệt vọng trong cái thế của tấm cơ thể suy tàn vì bệnh tật. Thế mà, cũng là kỳ diệu, thu góp lại, Hàn Mạc Tử đã để cho chúng ta một gia tài thuộc loại cự phú, đếm thì không nhiều, cân thì giác bổng, nhưng vô giá, bất hủ.
Trong bài tựa đề cho “Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử” in năm 1987, do Sở Văn Hóa Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, Chế Lan Viên đã khẳng định: “Mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại ở thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.
Một câu nói đánh giá hệ trọng một tài năng có tính chất quyết định của thời đại cho đến nay cũng không nghe phản ứng, dường như được chấp thuận cao. Mà đúng như vậy. Hàn Mặc Tử là một ông khổng lồ, lướt qua một thời gian ngắn, gánh đi cả bãi phù sa lầy lội đắp thành những ngọn đồi. Thơ, án ngữ cả gió mây; ở trên đấy, một vầng trăng tuyệt luân làm nơi lặn, mọc.
Thưởng thức, nghiên cứu, soạn thảo thơ Hàn Mặc Tử nhiều người đã nêu bao nhiêu câu hỏi hầu tìm ra những điều giải đáp có tính khai phá những gì bí hiểm, huyền hoặc hay ma thuật do tiểu xảo tay thầy, nhưng đâu đã được thỏa mãn. Ở Hàn Mặc Tử có những logic cao hơn logic, tượng trưng hiện qua lăng kính của tượng trưng, lại xuất phát từ hiện thực.
Từ bắt đầu phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử đã là đỉnh cao, bây giờ anh vẫn độc chiếm vị trí đỉnh cao, tuy vẫn trầm mặc, cô đơn dưới một bầu trời riêng biệt. Hàn Mặc Tử vẫn sống, đang sống và tất nhiên sống lâu dài hơn nữa. Nói đến Hàn Mặc Tử có người vì thưởng thức vội vàng hoặc qua lời bàn luận về một cái trường thơ điên loạn nào đó đã cho rằng thơ của anh là loại thơ của người Điên. Nếu dùng từ thuộc lý trí để giải thích trạng thái tâm hồn con người thì ý nghĩa “Điên” ở trên kia gán cho thơ Hàn Mặc Tử chỉ có hạ thấp giá trị sáng tạo của anh mà thôi. Hàn Mặc Tử ít dùng đến lý trí để sáng tạo. Anh đã sử dụng đến phân khối cuối cùng tâm hồn anh. Đôi khi theo xúc cảm của chủ đề chất tâm hồn của bài thơ đang viết bùng lên hoảng loạn và chính ở cái ấy ta, độc giả, cảm nhận ra thơ.
Chưa ai hiểu hết Hàn Mặc Tử, dù đến người sinh ra anh, anh chị em cậc ruột, bè bạn thân thiết mặn nồng, cả những người yêu, đứt ruột mà yêu…
Trong cái hỗn loạn của cơ chế thị trường hiện nay một thực tế đau lòng là tác phẩm văn học cũng bị lợi dụng để biến thành một thứ hàng hóa thấp rẻ và cũng từ đó đã nảy sinh ra những mâu thuẩn về vật chất và tinh thần giữa những người đang sống, đã làm thương tổn đến công sức và giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ đã đi vào cõi nghìn thu.
Với tấm lòng biết ơn và trân trọng, chúng tôi xin kính chào anh, Hàn Mặc Tử ơi, anh còn mãi với chúng tôi trong những sinh hoạt Tao đàn.
Trăng Hàn Mặc Tử
Ngọc châu lệ nhỏ đã tan rồi
Còn tiếng Đau Thương vọng giữa đời
Gàng Ráng chiều nay hiu hắt gió
Trăng Hàn Mặc Tử hiện chơi vơi
Cùng lúc tàng thư khép cửa xanh
Xếp pho tình sử bụi lồng quanh
Phấn hương thời cũ thôi xao xuyến
Đây phút bâng khuâng chạnh bóng hình
Ta ngắm trăng này nhớ cố nhân
Nhớ quầng hương nguyện, tiếng thơ ngâm
Phút giây nhìn lặng, thương đành vậy
Ngoắc, gọi chừng e vội biến tan
Trăng vốn là trăng của tuổi hờn
Lấp mình liễu úa khóc cô đơn
Vùi thân Giếng Loạn đằm sương cỏ
Nữa khuyết tâm tư nữa chán chường
Đã bán rao mà ai dám mua
Vận vào mệnh số của người thơ
Cỗ xe quá tải đường cô quạnh
Lăn bánh vô hồi cõi mộng du
Giờ lại chùng chiềng bước trẻ thơ
Qua cầu ảo vọng hỏi thêm mơ
Ngậm ngùi Vĩ Dạ, sầu Phan Thiết
Đà Lạt phôi pha nét tỏ mờ
Muốn hỏi trăng xưa, giữa lặng thầm
Nuốt bao nhiêu lệ nghẹn hồn câm
Mà nay Mật Đắng thành giai điệu
Bướm dật dìu đôi dốc Mộng Cầm
Nhưng thôi, sự thế vốn đa đoan
Thiêu dệt ra thêm mộng tím vàng
Chỉ khổ hồn xưa thương tích nặng
Chưa ngừng máu rớm cả thời gian
Cù lao ngẫm nghĩ gợn âm ba
Eo ốc phương mai mấy tiếng gà
Thả bước sông ngân trăng lững thững
Luyến người luyến cảnh bớt bơ vơ
Giã từ trăng nhé - sẽ về đâu
Hay trở về nơi giấc mộng đầu
Ở đó yêu đương là hạnh ngộ
Lời tình mộc mạc tựa ca dao
22/6/1995
YẾN LAN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|