MÙA CHINH CHIẾN ẤY - NHỮNG TRANG SÁCH ĐƯỢC VIẾT RA TỪ CHIẾN HÀO

mua-chinh-chien-ay-bia2Rweb

 

MÙA CHINH CHIẾN ẤY - NHỮNG TRANG SÁCH ĐƯỢC VIẾT RA TỪ CHIẾN HÀO


Đọc Mùa chinh chiến ấy, có phụ đề Hồi ức chiến binh của Đoàn Tuấn, tôi cảm nhận rất rõ vị thế, góc nhìn và thái độ của người viết. Như lời đồng đội của anh ghi ở cuối sách, những câu chuyện của người lính, hơn 40 năm sau hiện về “như một giấc mơ khốc liệt nhưng tuyệt đẹp”. Còn nhà thơ Lê Minh Quốc - cũng là một đồng đội khác của anh, thì cho rằng Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn “là một trong những tập bút ký xuất sắc nhất và có vị trí quan trọng trong các tác phẩm viết về chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam” (tr.7).

Chúng ta đã có khá nhiều tác phẩm hay viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến của những người lính tình nguyện ởCampuchia nhưng dưới dạng tiểu thuyết, truyện và thơ. Không thể không nhắc đến một hiện tượng như Sương Nguyệt Minh trong văn xuôi, lê Minh Quốc trong thơ hay nhiều truyện ngắn hay của các tác giả khác nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là sự so sánh hơn kém, trong cách viết, trong cách tiếp cận hiện thực giữa các nhà văn mà điều tôi muốn nói ở đây là một hiện thực về một cuộc chiến mà ở đó những con người thực, sự việc thực được một người trong cuộc, từ vị thế của một binh nhì cảm nhận, đánh giá, ghi lại với những chi tiết không khác gì tiểu thuyết và sự sống động, ám ảnh sau khi đọc cuốn sách này cũng bắt đầu từ chỗ đó.

Người ta đã từng viết rất nhiều về chiến tranh. Đã có rất nhiều những tượng đài trong nghiệp viết về chiến tranh ở cả trong nước và nước ngoài. Cuộc chiến tranh nào xảy ra thì những mất mát, đau thương cũng là điều không thể tránh nhưng lại cũng không thể đánh đồng mọi cuộc chiến như nhau, mang ý nghĩa như nhau. Đoàn Tuấn có một cái nhìn rất mạch lạc của người trong cuộc. Anh không né tránh những gian khổ, những chuyện thường ngày của chiến tranh nhưng cũng không chỉ nhìn cuộc chiến này qua những biểu hiện cụ thể của nó. Rành mạch trong tình cảm, mạch lạc trong tư duy khi phải cắt nghĩa những sự việc bất thường trong chiến tranh, người lính trong cuộc chiến đã hiện ra với tất cả những hành vi, tình cảm, nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm, quan hệ với đồng đội, bạn bè, sống chết, đúng sai, cao cả và thấp hèn, dũng cảm và hèn nhát, sự thực và dối trá ở mỗi người lính. Và sức hấp dẫn của những trang hồi ký này cũng bắt đầu từ đấy.

Có độ lùi bốn mươi năm để đánh giá về cuộc chiến, có đủ cơ sở và những điều kiện văn hóa-lịch sử để nhìn về cuộc chiến ấy nhưng điều đó chỉ khẳng định thêm một điều là Đoàn Tuấn đã chọn cách tiếp cận hiện thực chiến tranh từ thái độ của một người lính làm nghĩa vụ quốc tế, một chàng trai vừa rời mái trường phổ thông, một thanh niên Hà Nội tài hoa, có đầu óc quan sát tinh tế, có nhân cách văn hóa biết đặt mình vào trong một hoàn cảnh bất thường, chịu sự chi phối của một thứ văn hóa đặc biệt mà có người gọi là văn hóa chiến tranh, để đánh giá sự vật, chọn lựa cách ứng xử.

Chiến tranh, một hoạt động không bình thường sẽ làm sản sinh ra những quan hệ bất thường, những tình cảm và hành vi không bình thường với mỗi người. Chàng lính trẻ tuổi vừa vào quân ngũ, được nghe phổ biến vào đóng quân ở Sài Gòn, đang náo nức với các dự định ở một thành phố lạ thì lại được lệnh hành quân lên Tây Nguyên, chiến đấu bảo vệ biên giới rồi tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia với tất cả gian khổ, chết chóc, phải chứng kiến cả những điều kinh dị cả trong đời thường, trong quân ngũ mà nếu bình thường sẽ không bao giờ được thấy.

Nhưng tất cả những thứ đó không làm thay đổi con người anh mà anh hiểu sâu sắc rằng đó là một phần của hiện thực, nếu con người bị ném vào trong cái hiện thực khốc liệt, dữ dội ấy mà không có bản lĩnh, không có tầm nhân cách để vượt lên thì dễ bị cuốn vào vòng xoáy của nó và có thể bị đánh mất mình. Như chuyện anh lính có thái độ sàm sỡ cô gái Khmer ở Stung Treng, bị quân pháp xử bắn ở ngay trên đường hành quân đi chiến dịch nhưng khi thủ trưởng thông báo bản án và quán triệt ý thức “không xâm phạm tài sản của dân, không được có hành vi gây ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế và danh dự người lính” thì “lính tráng im lặng. Chẳng ai trách thằng Mã. Tuổi hai mươi, những ngọn lửa rừng rực cháy ở nơi không có đàn bà”. Nhưng, “tối nay chẳng có gì ăn… Chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ. Ngày mai còn phải tiếp tục chiến đấu”  (tr.51).

Họ hiểu đồng đội mình sai, họ hiểu bản án dành cho anh là quá nặng nhưng kỷ luật chiến trường là thế, không ai có quyền đi ngược lại cả đoàn người đang đi. Đó là văn hóa chiến tranh, là những chuyện chỉ có thể xảy ra trong chiến tranh. Như chuyện bốc mộ cả một nghĩa trang các chiến sĩ tình nguyện chưa đủ thời gian để cải táng (tr.348,349), chuyện một người lính bị bệnh, hát cho đến lúc tắt thở mà cũng không ai hiểu được anh bị bệnh gì, không biết chữa chạy ra sao; chuyện những người lính làm lộ chiến dịch chỉ vì quá lâu họ không được hút thuốc. Biết là sẽ vào chiến dịch, phải xa dân, thế là họ đi mua thuốc rê để đem theo, phòng những cơn thèm thuốc trên đường hành quân. Thế là lộ hướng chiến dịch bởi những trao đổi vu vơ, những lời chia tay giữa người lính tình nguyện với những người dân có người thân là lính Pol Pot v.v…

Ba lần tấn công Along Veng thì hai lần thất bại. Cấp chỉ huy không hiểu vì sao chuẩn bị kỹ thế, bí mật đến thế nhưng khi đại quân tổ chức tấn công thì địch đã rút tự bao giờ. Nhưng khi quân mình rút lui theo những phân đội nhỏ lẻ lại bị tấn công, bị vấp mìn mà mới hôm trước đường đi qua còn an toàn, không mìn, không địch. Những chi tiết ấy, hiện thực ấy trước Đoàn Tuấn hầu như chưa có cuốn sách nào nói đến chi tiết, chân thật và giản dị đến vậy.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã có lần tâm sự: hồi ký của các tướng lĩnh, nhà văn viết về chiến tranh rất nhiều nhưng ở các tác phẩm ấy người ta chỉ bắt gặp những tư tưởng chiến lược, chiến thuật, những sự kiện, những chiến dịch. Dù ở đó có đủ các gương mặt, có rất nhiều người nhưng dường như các tác phẩm ấy chưa đụng được đến cái phần bùn đất nhất, sâu thẳm nhất của chiến tranh là những con người, những số phận người lính. Có người khi nói về những tác phẩm viết về chiến tranh có một đánh giá rất sai lạc là nếu cứ viết ngược lại với cái nhìn đậm tính lý tưởng, cảm hứng sử thi trước đây, cứ nói nhiều về chết chóc, sự vô nhân đạo của chiến cuộc là sẽ viết về chiến tranh một cách chân thực.

Không hẳn như thế. Đoàn Tuấn, trong cuốn hồi ký của mình đã tái hiện rất đậm nét cái sự thật khốn khó, chết chóc, những đày ải mà bất cứ cuộc chiến nào cũng gây ra cho con người nhưng không để cho những người lính bị chìm đi trong những chi tiết bề bộn, ngổn ngang ấy mà ở bất cứ đâu, hai mặt của cuộc chiến ấy vẫn hiện lên với tất cả sự khốc liệt của nó nhưng trên tất cả những chi tiết ngồn ngộn bùn và máu ấy vẫn là những con người ý thức rất rõ những việc mình phải làm, vẫn tỉnh táo soi xét mọi chuyện đúng sai, phải trái, lý trí và bản năng.

Hình ảnh những người thanh niên xung phong mình đầy xăm trổ trên chiến trường tham gia tải thương khiến những người lính như tác giả bất ngờ, chuyện những người lính không tham vàng và kim cương do những người dân Campuchia tự nguyện mang biếu hoặc đổi đồ ăn, chuyện đối xử với tù binh, quan hệ giữa đồng đội, chuyện chết khát ở rừng hoang, chuyện vấp mìn, chuyện sợ chết, chuyện hy sinh của người thủ trưởng vì những lý do không đáng có, chuyến báo tử người đồng đội bị kỷ luật ở chiến trường bất thành, chuyện đồng đội đối xử với “lính thất trận”, chuyện chia nhau cái chết v.v…xuyên suốt, đầy ắp hơn bốn trăm trang sách nhưng không gợi cho người đọc bất cứ ảo tưởng nào về một hiện thực mà nếu ai có một lần trải qua trong đời cũng sẽ hoặc là trưởng thành, hoặc là gục ngã. Nói như thế để thấy cuốn sách của Đoàn Tuấn đã kể về hiện thực chiến tranh một cách bình tĩnh, khách quan, từ những gì mình trải qua, từ chỗ đứng của một người lính trẻ về chiến tranh, con người chân thực, xúc động.

Cuốn sách là hồi ký nhưng được bố cục thành 7 chương, kể một cách lớp lang, bài bản từ ngày người lính trẻ vào chiến trường, sang Campuchia, tham gia suốt mấy chiến dịch ở Along Veng, về trung đoàn bộ rồi ra quân. Kể sơ qua bố cục thì như thế nhưng đi sâu vào những mẩu chuyện anh kể, có thể thấy rất rõ nhân vật người lính-như một tập thể, như một đội quân, trong đó có những con người cụ thể, là nhân vật chính của tập sách này. Như lời đề tặng của anh “kính tặng đồng đội tôi, những người đã chết và những người còn sống” thuộc các đơn vị thuộc Sư đoàn 307 mà anh đã có sáu năm gắn bó, sống chết cùng với họ.

Không hiểu sao cái tên Mùa chinh chiến ấy cứ gợi cho tôi nhớ về bài hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Dương. Có lẽ vì ở bài hát ấy có câu mùa chinh chiến ấy nhưng điều chủ yếu tạo cho tôi cảm giác này là vì cả cuốn hồi ký dù ghi lại những khoảnh khắc hoặc một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của hàng trăm số phận khác nhau, từ miền xuôi đến miền ngược, từ anh lính người Mường đến anh lính người Chăm, từ chàng trai Hà Nội đến người con của vùng cát bỏng Bình Thuận, dù là anh lính mới tò te hay những cựu binh đã đi qua hai cuộc kháng chiến nhưng cứ phảng phất chỗ này, chỗ kia hình bóng của chàng lính trẻ Hà thành, mơ mộng, tài hoa, thông minh, nhân hậu, rất có ý thức về việc mình làm, rất hiểu những thử thách đang chờ đợi một chiến binh, đã xác định rằng có thể trong cuộc chiến này, mình sẽ ngã xuống như một điều khó tránh nhưng đó là việc phải làm nên đã chọn những giải pháp thông minh nhất, hợp lý nhất và cộng với cả những may mắn nữa nên anh đã trở về.

Từ trong sâu thẳm tâm nguyện của những người lính, khát vọng kết thúc chiến tranh, khát vọng trở về để tiếp tục học hành, xây dựng một cuộc sống bình yên giữa những người thân luôn cháy bỏng. Chương cuối chỉ có ba chuyện nằm trong một chủ đề người lính chỉ mong một lối về nhà như một nhắn gửi, một thông điệp giản dị nhưng cao cả và cũng là ước nguyện chung cho mọi người.Một người lính, tên Bình, tổng kết: đời mình chỉ trải qua mấy năm trong quân ngũ mà sao nhớ lâu thế? Bao nhiêu bè bạn, bao nhiêu mối quan hệ “nhưng mình thấy gắn bó sâu sắc nhất đối với đời lính”. Và Cường, cũng là một chàng trai vốn phổi bò, đưa ra nhận định đơn giản mà sâu sắc: “Anh em mình có chung một tấm thẻ căn cước. Đó là đời lính”  (tr.444).

Mùa chinh chiến ấy là hồi ký nhưng hấp dẫn và giàu chất truyện như một cuốn tiểu thuyết. Bởi ở đây, chiều sâu của tâm hồn con người trước những tình huống, cảnh ngộ, thử thách tột cùng của sự sống chết, gian khổ đã được bộc lộ ra ở nhiều góc độ. Có thể nói, cuốn hồi ký của một chiến binh này đã dựng lại được một bức tranh khá toàn diện về một cuộc chiến tranh ngoài biên giới với tất cả những vấn đề của nó. Cuốn hồi ký đặt ra một vấn đề cho văn học đương đại: viết về chiến tranh, về con người trong và sau chiến tranh vẫn còn nhiều điều để nói lắm. Có nhiều cách để viết về sự thật, con người. Có nhiều con đường để đi đến với tâm hồn người đọc. Viết theo hình thức nào cũng được, miễn là để cho người đã đi qua chiến tranh và cả những người chỉ nghe nói về chiến tranh hiểu đúng về nó và hiểu được những con người đích thực, con người chân chính đã chấp nhận bước vào cuộc chiến và đi ra khỏi cuộc chiến ấy như thế nào.

Tháng 8 năm 2017

Phạm Quang Long


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com