NHÀ THƠ YẾN LAN ĐI THỰC TẾ SÁNG TÁC

Image-12YEN-LAN-DI-THUC-TEHàng ngồi- từ trái qua phải:Lan Lan (người thứ 2)

 


Những năm 60 của thế kỷ trước, văn nghệ sĩ được chủ trương cho đi thực tế về nông thôn, cơ sở để 3 cùng (làm, ăn, ở) với nông dân, công nhân, để tìm hiểu đời sống lao động và tình cảm của họ trong công cuộc xây dựng miền Bắc, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.  Qua những đợt thực tế này, ba tôi đã đặt chân trên khắp nẻo đường của Tổ quốc. Ông có mặt ở nhiều địa phương, viết được nhiều tác phẩm,ông cũng để lại nhiều tư liệu và ảnh chụp chung với nhiều đoàn, nhiều văn nghệ sĩ cùng thời.

Đợt đầu, lãnh đạo sắp xếp ba tôi ở cùng với nhà thơ Hoàng Minh Châu, nhà văn Anh Đức. Vì thích biển nên nhóm ba người chọn về một Tập đoàn đánh cá miền Nam ở Đồng Hới - Quảng Bình. Nhà văn Anh Đức mới 25 tuổi,  làm nhóm trưởng (lúc đó ba tôi 44 tuổi và nhà thơ Hoàng Minh Châu 30 tuổi). Nhà văn Anh Đức, tác giả “Một chuyện chép ở Bệnh viện” nhớ lại trong một bài viết trên tạp chí Kiến thức Ngày Nay số Xuân Giáp Thân:   

“Vì tôi viết về văn xuôi và không mấy am tường về thơ, cho nên thật tình những biểu hiện gì mà ngày ấy thơ anh Yến Lan bị qui là có sai lầm, thì tôi không biết rõ, chỉ nghe nói đại khái như thế mà thôi. Còn về bản thân anh, khi đó tôi chưa được gần gũi nhiều, tuy nhiên thấy có cảm tình trước một con người vóc dáng thanh gầy, hiền lành, khiêm tốn, nói năng nhỏ nhẹ.

Chúng tôi về làng cát, thuộc địa phận xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là nơi cư ngụ của Tập đoàn đánh cá của anh em Khu 5. Chúng tôi được đón tiếp thật nồng nhiệt. Tôi nghĩ tôi có phần được ăn theo anh Yến Lan, vì các anh em ở đây là đồng hương của anh… Chúng tôi đâu ngờ là bảy, tám năm sau đó, Ngư Thủy trở thành một pháo đài chiến đấu anh hùng, với đội nữ pháo binh gái nổi tiếng đã từng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắn chìm nhiều tàu chiến Mỹ”

Sau chuyến đi thực tế về, ba tôi đã viết được nhiều, gửi về đăng trên tuần báo Văn nghệ. Thơ ông được dư luận bạn đọc khen là có sức sống và hơi thở từ một vùng biển lạ. Trong bài viết trên, nhà văn Anh Đức cho biết: “Về phần tôi, thật sự càng ngày tôi càng quí mến anh. Là một nhà thơ tên tuổi, trước cách mạng đã có nhiều thơ hay, kịch thơ Bóng giai nhân, Gái Trữ La.. nhưng anh sống dản dị trong đời thường”.

Thơ ba tôi ở giai đoạn thực tế, chuyển biến rõ; lời thơ dễ hiểu hơn, thơ ông là tiếng nói thông thường của cuộc sống, giản dị, mộc mạc như cách nói của nông dân.

Đất ơi đừng gọi                      
Cánh buồm đang bay           
Ngựa - tôi từng cỡi             
Trâu - tôi đã cày                     
Thuyền - tôi mới lái

Người tôi say sóng
Hay thuyền say tôi
Tôi say cuộc sống
Thuyền say con người
Một ngày lao động.

(Đi khơi) 

Hết ra biển, ba lại ngược lên núi, rồi xuống đồng bằng. Lần này ông được bố trí vào ở với một gia đình có hai hộ khẩu (Ứng Hòa -Sơn Tây). Trên những chặng đường ba tôi đến, dù gian khổ, thiếu thốn, khó khăn đến mấy, ba cũng thông cảm và hòa nhập được với người dân nơi đó.

Mái vàng dưới bóng phi lao,

Bốn bên gió thổi rì rào nắng bay.

Chương trình sáng giữa liếp tre,

Vang vang tiếng kẻng đổ về thôn trên…

(Trường trên bãi biển)

để rồi khi ra về lại nhớ tiếc:

Tạm biệt, tạm biệt, này đồi hoa đỏ

Tạm biệt cánh đồng như con mắt biếc

Tôi đến, tôi yêu, tôi về tôi tiếc…   

(Bài ca tạm biệt)

Đi thực tế lao động, văn nghệ sĩ dễ nhận ra một điều: Gian khổ, khó khăn không phải là điều đáng sợ. Cái làm cho người ta không chịu được, lúc thì thế này, lúc thế kia; khiến họ nghĩ giữa nói và làm, giữa lý thuyết và thực hành không đồng nhất. Một ví dụ rất cụ thể: Để thực hiện kế hoạch “5 năm đầu Hợp tác hóa nông nghiệp” Trọng tâm của kế hoạch này là tập trung “đưa sản lượng lúa đạt năng suất 5 tấn/ha”. Chỉ vậy thôi mà có tới hai cách làm trái ngược nhau:

Lúc đầu, ông cán bộ khoa học sang Trung Quốc, về hướng dẫn cho nông dân: “Muốn tăng năng suất ta phải cấy thưa”, Và thế là chúng tôi ra rả: “Cấy thưa thì thừa thóc, cấy dày cóc được ăn”. Sau một thời gian không đem lai kết quả mong muốn, chính phủ cử ông cán bộ khác sang TQ; về lại chỉ đạo “Ta phải cấy dày thì mới có ăn”. Để bảo vệ luận điểm đó, người ta quảng cáo bức ảnh Mao Chủ tịch, khuôn mặt hồng hào, bự con, đứng trên ngọn lúa chín vàng, mẩy đều, dày đến độ không hề quằn dưới thân hình vĩ đại của chủ tịch Mao!

Thời gian này tôi hay nghe từ giáo điều. Tại sao lại có từ ấy. Đó là do việc nước ta sang nước bạn học kinh nghiệm làm nông, nhưng bê nguyên cách làm của họ, áp dụng vào ta. Chẳng phải, mỗi nước có phong thổ, địa lý, đất đai, khí hậu khác nhau, không cứ bạn làm sao ta làm vậy, như vậy là giáo điều. Ba tôi có bài “Tĩnh vật”:

Người  họa sĩ vô danh đã mất

Để lại tấm lòng

                             trong tranh
                                                      tĩnh vật        

Đã bao lâu thầm kín sống quanh tôi    

Với một chút trời     

                    vài song cửa
                                       góc tường vôi

Ánh sáng len vào tráng lên đĩa quả

Nhưng bao nhiêu mật hương mùa hạ

Lắng vào đây  

                             xây dựng một lâu đài

Trong màu vàng nghe rõ tiếng ong bay

Như những con người

                                 kề nhau môi má          

Những lứa quả tuy xa cành khác lá

Ôm chất tươi

               nhìn

                      muốn vắt ra ly

Hai quả roi trong trắng

                          mơn mởn nét xuân thì

Đêm mơ mộng vừa qua

                                 tưởng còn cầm hạnh phúc

He hé bàn tay cho trăng tràn lên ngực

Dưa

                   hiền lương

                              da lốm đốm vàng

Ai bổ vào lòng đôi nhát dở dang

Ngấn đau khổ đã đọng thành lựu ngọc

Mưa xế nắng chiều còn ngân tiếng khóc

Ổi

              ngây thơ

                          lăn lóc đôi nơi

Lạc vào đây làm những trẻ mồ côi

Tai còn lắng tiếng quê hương ly tán

Và quả táo

                nghiêng nghiêng

                                           trầm lặng

Mãi kê đầu nằm ngẫm nghĩ nơi đây

Hình ảnh nhà triết học mê say

Quầng lý tưởng hồng lên vành đĩa

Mỗi nét

                Mỗi màu

                                   tương tư tình nghĩa

Những phút lặng thinh

Những giọt tâm tình

Tưởng chợt vỡ

              thành nụ cười

                                    nước mắt

Dưới bụi thời gian sáng lên từng hạt

Loan dần ra

                                  điệu nhạc

                                                làn hương

Thức dậy trong người

                           thời  thơ ấu

                                         tuổi yêu thương          

Vị gian khổ lẫn mùi hạnh phúc

Khiến mong mỏi

Những bàn tay vuốt trôi mệt nhọc

Những giọt đường pha dịu chua cay

Những bình men rịn bốc rượu say

Những cánh quạt xua tan tủi hổ

Lòng mỗi lúc giá băng

                 áp vào tranh

                                         thấy lửa

gần nửa cuộc đời cặp theo cánh tôi bay…

*

Cũng trong quãng đời

                        đi đó

                             đi đây    

Tôi theo bước đôi người

                                    hì hục lao vào cuộc sống

Tay làm gió xoay  một chìu chong chóng

Tuông cỏ hoa chân vắt ngược bụi đàng

Những bước lê dài khua tiếng sắt, tiếng gang

Lấy cả giáo điều rán mỡ cho guồng máy nổ

Phút ương yếu lòng tôi luôn nhác sợ

Khi mỏi mê không biết tựa vào đâu

Từng bữa nghe như núi mọc lấn trong đầu

Đè nát xuống những nhớ thương ôm ấp

Chưa thử thịt da trước luồng bão táp

Nhưng lòng tôi dần lạnh tiếng chuông ngân

Giọng khóc

Câu cười

                    đời nói dưới chân

Bởi họ thiếu

                      Con tim

                                 Khối óc      

Luôn động đậy nhưng chỉ là tĩnh vật

Họ không bằng tĩnh vật sống trong tranh

Đã chiếm hồn tôi

                                  như chiếm một kinh thành

Không cần đến thanh gươm viên đạn.

Nội dung bài này, ông đã mạnh dạn phê phán chủ nghĩa giáo điều là: “Họ lấy cả giáo điều rán mỡ làm quay guồng máy nổ". Dịch giả Đào Xuân Quí, qua Hồi ký “Nhớ lại” xuất bản năm 2002, NXB Văn Hóa Thông tin; trang 142: “Sự thật không phải lúc nào cũng nên nói. Mà khi đã nói, còn phải xem nên nói với ai, nói vào lúc nào, và nói như thế nào nữa chứ! Chao ôi! chỉ việc nói sự thật không thôi, mà sao phiền phức, sao khó khăn, rắc rối đến thế nhỉ”.     

Nói tới nhà thơ Yến Lan, nhiều người bảo ông hiền. Tôi thấy ba hiền thật, song lập trường của ông rất kiên định, dứt khoát. Ông dạy tôi: “Chơi với người trên chớ nịnh / chơi với người dưới chớ kiêu”. Nhà văn Võ Văn Trực đã viết: "Yến Lan bao giờ cũng đĩnh đạt, bình tĩnh trong phong cách sống, và trong giọng điệu thơ. Đôi lúc ta có cảm giác anh bình tĩnh với nhịp đi của thơ, làm cho người đọc sốt ruột" (báo Văn nghệ ngày 7/ 6/1991”. Thực ra điều này, tôi ba chưa thức thời, thời này xuất hiện câu thành ngữ mới: “thật thà, thẳng thắn thì thua thiệt…”.

Tốt nghiệp phổ thông, bạn tôi rủ cùng nộp đơn vào Đại học Ngoại thương Ngoại giao (NTNG). Tôi chờ dài cổ để nhận thư báo, thì lại nhận thư của Trường Nông nghiệp! Cầm thư, đưa tôi ba xem; tưởng ông tìm cách tháo gỡ, nào ngờ cụ ca bài: "Tái Ông mất ngựa:, khuyên “Thôi con, được ngựa không nên mừng, mất ngựa không nên tiếc. Biết đâu ở lĩnh vực này con sẽ là nhà phát minh, là anh hùng ;ao động thì sao!.” Ôi! lúc nào ba tôi cũng gợi mở và hướng cho tôi chân trời rộng mở, lạc quan đến vậy!

 

LÂM BÍCH THỦY

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com