YẾN LAN: Kịch thơ GÁI TRỮ LA (I)

tc3a2y-thi1

Vài nét lịch sử của vở kịch thơ

Ngày ấy, Yến Lan dạy ở trường tư thục Mission Thanh Hóa. Nhà trường nhân muốn làm quỹ, nhờ đạo diễn cho diễn vỡ “Bóng giai nhân”. Kịch bản đã bị tên Mật thám trưởng T.Hóa người Pháp gạt bỏ; mặc dầu “Bóng giai nhân” đã được diễn rất nhiều đêm tại Hà Nội và Hải Phòng. Không thể bỏ lỡ công việc và đền bù các phí tổn chuẩn bị. Nhà trường đề nghị Yến Lan viết vở khác cho phù hợp với yêu cầu nội dung chính trị do tên Mật thám Pháp đề ra. Yến Lan đã viết vở “Gái Trử La” sau 3 ngày nghĩ dạy; viết tới đâu, đưa đánh máy và rã giao cho diễn viên học tới đó. Vở kịch thành công rực rỡ. Như thế là chỉ 3 ngày viết kịch bản và 10 ngày đạo diễn và diễn viên hoàn tất. Công việc luyện tập để biểu diễn cho nhân dân xem. 

Người đọc xem sẽ thấy được tác giả viết kịch bản này có “vâng” theo ý đề nghị của tên Mật thám Pháp hay không?

 

LÂM BÍCH THỦY

(Sưu tầm và giới thiệu)

Kịch thơ GÁI TRỮ LAN của YẾN LAN (hồi II)

Kịch thơ GÁI TRỮ LA của YẾN AN (hồi III)



Ba hồi - 6 cảnh

Tóm tắt câu chuyện: Nước phá nhà tan, lại bị bắt làm con tin, ở chăn ngựa trong một thôn trang vắng biệt, Việc Vương Câu Tiễn ngày đêm lo sự phục hưng. Hạ thần vàng ngọc vào những hành vi hèn hạ kết thân cùng nịnh thần nước nghịch: chính mình cũng nên luyện cho khổ tận toan cùng: nằm gai nếm mật. Lúc nào cũng nghĩ đến sự mưu cầu giải thoát. Giải thoát cho mình tức là giải thoát cho quốc gia khỏi vòng nhục nhã.

Một ngày kia chim lồng được bay về nơi cũ: Câu Tiễn Vương một mặt lo chiêu đãi binh mã, một mặt đưa Tây Thi sang nước Ngô làm mỹ nhân kế, nàng phá cho đồi bại nước Ngô, đã làm nao lòng Câu Tiễn và gây nên tình cảm cùng Phạm Lãi-tướng nước Việt. Nàng sang Ngô thì Cô Tô Đài biết bao nhiêu chuyện hùng tráng, bi thảm đã xảy ra và đã kết liễu bao nhiêu tâm trạng. Cho đến một ngày kia, Cô Tô Đài bị phá, Ngô tàn rụng mà lệ trăng xưa vẫn còn đọng trong nước non.

Cảnh:  Ban ngày

1/ Bích Liên Tiên                     
2/Cô Tô diễn biến

3/Ngô cung                     
4/Cô Tô Đài

Ban đêm    
Cô Tô Tàn Phá

Nhân Vật

1. Ngô Phù Sai       
2. Bá Hi            
3. Tử Tư           
4. Thái Tử            
5. Thị Tỳ          
6.  Phạm Lãi
7.  Việt Câu Tiễn
8.  Hề Đồng
9. Lão hành Khất
10. Người kỵ mã
Hai ngự lâm quân       
Nhiều quân linh

Tiếng đồng giao
Ngựa hí
Quạ kêu

HỒI THỨ NHẤT

Cảnh 1.  BÍCH LIÊN THÔN

Một lều cỏ xơ xác, cửa nửa khép nửa mở; qua khe cửa một ngọn đèn con leo lét cháy. Mây hồng ở chân trời. Trống vừa tan canh. Tiếng ngựa hí gần gần.

Nhân vật -  (Trong bốn lớp) :

Câu Tiễn Vương

Tên hề Đồng

Ông Lão hành khất

Một người kỵ mã


Lớp 1.

(Câu Tiễn Vương nhẹ tay mở cửa. Ánh đèn leo lét lộ ra giữa khung cửa âm thầm. Vương nhìn theo cho đến khi biến hẳn, rồi nhè nhẹ bước ra cúi đầu không nhìn, vẻ suy nghĩ, nhớ nhung. Có lẽ là nhớ lại lúc đi đày

Câu Tiễn Vương (Ngâm)

Có lẽ ngày xưa lúc bước đi,

Trời xanh, lầu trắng ướm phân ly.

Người ra tiễn biệt đầu chưa bạc,

Vời vợi rừng khan tiếng ý–nhi!

Mùa thu, mùa thu áo bạc rồi,

Đường thăm thẳm úa, nắng theo trôi.

Ngựa dồn bước chậm, tên xà ích,

Nón dấu, quai da, chẳng thốt lời !...

(Lắc đầu ảo não)

Lệ ngắn, sầu xa héo đất ngô,

Mây dài, cát rộng, núi hoang khô.

Nhìn lên có nhạn nào qua ải,

Chưa biết bao giờ tới cố-đô

(Nhìn quang quẩn)

Mùa thu, mùa thu ở xứ người,

Vườn hiu hắt lạnh, lá chưa rơi.

Những con chim nhỏ về phương Bắc,

Gió lạc Miền Nam mỏng sắc trời.

(Có tiếng gà gáy, Vương nhìn lên, hướng mặt

về phía Đông, rồi lại phía Tây)

(Nói). - Lệ ráo rồi, trăng đã khuất sau non,

Mây vạn kỷ vẫn lần khân đứng đấy.

(Nhìn một bên)

Chim nho nhỏ trên cành tơ đã dậy,

Chào bình minh lo líu điệu kêu thương.

(ảo não nhìn rồi chỉ)

Non sông người dần lộ bóng trong sương

(tức tối)

Non sông người.......(ngơ ngác nhìn xa)

Kìa chân mây vời vợi! (lắc đầu)

Đâu Việt-quốc, đâu ngai vàng chói lọi?

Đâu voi bầy, ngựa lũ, đầu âu-ca ?

Tan nát rồi xã tắc với sơn - hà !

Bụi bốn hướng ngập đầu thân chín bệ,

(căm giận chỉ một bên)

Đây núi nghịch tằng lăng tình ngạo nghễ

Đây sông Ngô bát ngát ý cô đơn,

(chỉ quanh)

Đây não nùng trăng gió Bích-Liên-Thôn!

(chặc lưỡi, rồi nắn mình mẩy)

Lưỡi đã mỏng trong bao lần mếm đắng,

Thịt gai xé thêm dầm sương giãi nắng.

Hận muôn đời không dám tỏ riêng ai,

(nghiến răng)

Không chung trời, người hỡi Ngô-Phù-Sai.

(Vào lều lấy ra một bó cỏ nhìn xa xa)

Chao, Hoàng-phi nàng hỡi, nước bên khe

Bây giờ đây, nước cũng lắng êm nghe.

Thời thổn thức của giai-nhân thời cũ!

(Ảo não, lắc đầu)

Vai ngà ngọc hóa làm thân kẻ nụ

Gót liên chi đành dẫm xuống bùn lầy

(Thất vọng, mơ màng)

Nhạc kinh thành thôi quyến gió theo mây.

(Ôm cỏ quăng vào một xó)

Bao giờ nữa tường-vân về đất Việt ?

Bao giờ nữa hay nghìn năm cách biệt ?

Hay nghìn năm làm một đứa sất-phu?

(Buông xuôi)

Sầu nghìn năm quạnh quẽ dưới sương thu!

(Ngâm).-   Ngoài kia trắng giã bạch đầu dương,

Những lá ngô bay khóc, lạnh đường.

(Nắn ngực)

Đây lúc bâng khuâng hồn nước cũ,

(Chỉ mông lung)

Lạc loài cánh nhạn đã qua sương!

(Tựa vách lều nhìn ra xa vời, sầu muộn)


LỚP II.-

Thêm hề Đồng:

Ăn mặc rách rưới, cỏ rác đầy mình

(Ngựa hí to)

Hề Đồng.-  Chuồng trong ngựa đua hí,

Trại ngoài ngựa dồn chân.

Cỏ non còn cắn chỉ,

Ai đâu vào Khe-Mân ?

Nhớ Hy, Hoằng chuyện cũ,

Đàn sáo trong dân gian

Nội Chu ca oanh – vũ,

Do, Sào vui lang thang.

(Chỉ về chân mây hồng, ngâm)

Gió lên trong bóng triều dương,

Gỗ giao đang úa, rừng rương điệu già

Mây về đồng, rộng xa xa,.

Chim oanh hót nguyệt, mái nhà vươn tơ.

Nhớ ai chín nẻo giang hồ,

Mười phương lận đận, chân mờ gót son

Nhớ ai:  trăng khuyết, nguyệt tròn,

Nhớ ai, ai nhớ, ai còn nhớ ai ?

Câu Tiễn:

Đồng ơi đồng, gà kia đã xao xác,

Vườn tây thông tàn tạ mấy bông hoa.

Ngươi có nhớ lòng ta đang bụi cát ?

Hề Đồng.-

Và lòng con cũng chấn dậy phong ba.

Câu Tiễn.-

Ngươi có nhớ cố-cung sầu ủ dột,

Bước trăm trăng ngoài hiên hòe nối gót.

Áo mão điếu qua sầu mộng buông tơ,

Nơi xa xôi sớm chực với trưa chờ;

(Lắc đầu)

Còn ở đây: nhìn nhau mà ảo não;

Còn ở đây: ngôi hàng thần lơ láo;

Còn ở đây: ngồi nhớ mộng hoàng-vương.

(Chỉ quanh, mỉa mai)

Ở đây trùng vang khóc, bốn bên tường.

(ủ dột, suy nghĩ)

Đồng ơi đồng, hôm qua ta mộng mị :

Rằng dân nước chưa yên trong binh trị.

Ta đau lòng cắn nhỏ máu trên tay...

Trong ác tà bóng quạ choán cung mây.

Hề Đồng.-

Túi mật đắng con đà treo cửa trước

Nệm giường gai con đã lót thêm chông.

Kinh nhật tụng và cơ màu cứu nước,

Đang đợi chờ kham khủng đến minh công.

Câu Tiễn.- (ngó nghiêng)

Trông thấy đó lòng thương triều-Cô-Trúc,

Học Di, Tề, bầy tôi cũ lao tư !!

Ta bỗng nhớ đến vườn văn họ Khúc, (chỉ lên)

Chương-hiến xưa còn một mái mao-lu.

(Ảo não, gục đầu)

Ta lại nhớ đến cung cao, vóc, gấm,

Con hoàng-oanh đưa tiễn trước loan xa.

Ta lại nhớ bước voi rung chuyển sấm,

Trong bình-minh nước cũ ánh nguy nga.

(Có vẻ tuyệt vọng)    

Ôi, ta nhớ, ta nhớ tình, nhớ cảnh,

Việt giang san thời-vũ tưới sinh linh.

Hề Đồng.-

Thôi còn đâu điện Cát ngọc lung linh,

Trong gan tất tường xiêu và ngói lở.

(dậm chân)

Thẹn chẳng đủ một tinh thần thượng võ,

Cờ Cần-vương, thù trả Ngô-Phù-Sai !

(nghiến răng)

Để chúa công mật đắng trên giường gai,

Hổ thân phận sô-phu và mã-hán !

Chí canh cải dần trôi theo ngày tháng !

Biết bao giờ hận trả, oán phôi phai ?

(nghiến răng, dáng hậm hực)

Biết bao giờ, ngươi hỡi Ngô-Phù Sai ?

Câu Tiễn.-

Đồng con ơi, muốn biết vó câu dòn,

Cần phải trải qua quãng đường diệu viễn.

Con tinh vệ nhỏ nhoi nguyền lấp biển,

Cũng có ngày xoay được thế thương tang

Chí thế-nhân không vốn nghiệp dã tràng.

Hề Đồng.-

(nhìn lá cây xào xạc, ánh nắng ua úa, mong manh trên mái rạ).

Chúa công ơi, tiếc thu phân gió nổi,

Mũ khinh bố xổ trâm chùm tóc rối.

(chỉ vào mình C.Tiễn)

Vạt hàn-y che hở vóc mình rồng,

Đôi thảo hài chỉ kết, mối dương long.

(chỉ vào lều cỏ)

Gian nhà hẹp, sương đêm heo hắc tạt,

Mái tranh xám, giọt tiêu rơi lác đác,

Lửa bình minh vờn khói lên chơi vơi.

Lạnh canh tàn bốn vách háp nỡi nơi!

(thất vọng, cung tay)

Lúa mấy đấu, làm sao, đành nhịn miếng?

Câu Tiễn.-   

(thương hại cho Đồng, cười tự đắc gượng gạo)

Đây chỉ là những mối lo cận-thiển,

Sao không buồn vì chung đỉnh gian san,

Vỡ rạn rồi, hay sớm tính liệu hàn ?

(chỉ về phía xa)

Bên kia Việt-thần dân đang ngơ ngác.

Hề Đồng.-     

Bên này Ngô, chúa tôi thân bệ rạc (nhìn trời)

Trời hỡi trời, xanh thẳm ở trên cao,

Tội tình chi khiến chúa phải huân lao ?

Câu Tiễn.-

Ta biết rồi, Đồng ơi, đừng nhắc nữa,

Vui ngon ngọt mà quên phòng gió lửa :

Cậy chí-tôn biến trễ đến âu-ca (tay giơ cao)

Trời công bình đã hành phạt cô-gia.

(dừng nói, lắng tai, nhìn Đồng ảo não)

Con có nghe kìa bình minh nắng chảy,

Từ Viễn-thôn tiếng vui ca vang dậy?

Ôi, thái bình hớn hở thở dân Ngô

Bầy con lành đất Việt sống bơ vơ.    

Hề Đồng.-

Chiều hôm qua lên Mao-sơn cắt cỏ :

Con thảm thấy những thân ve gầy vỏ,

Trên cành dương lã tã lá bay thu.

Nhớ Cối-Kê qua những lớp mây mù,

Con muốn nhắc đến tướng quân Phạm Lãi ?

CÂu Tiễn.-

(gật đầu, nét mặt vui, chỉ về phía Việt-xứ)

Chí thu góp trong tay muôn lũy ải.

Đấy là người mà Việt-quốc giang san

Đang âm thầm mong đến cứu nguy nan

Hề Đồng.

Và tể-tướng Bá-Hy triều nghịch quốc,

Hằng chăm sóc đến mình công chi chút,

Vốn Ngô gian?

Câu Tiễn.-     Con cá ở ao dơ :

Mồi đỉnh chung ta đã liệu bài cơ.

Hề Đồng

Nhưng tướng-quốc Tử-Tư ngời rạng đấy ?

Câu Tiễn.    (Cười khoái trá)

Trong bảo táp, rồi cũng làm thân sậy ?

(bâng khuân ngay)

Đồng con ơi, mưu mật của ngày mai,

Con nhớ gìn kín nhẹm cả ai ai :    

Hề Đồng

Thân có nát cũng nguyền thân khuyển mã,

Nợ cơm áo cỏn còn con quyết trả (qùy)

Huống chi là vong quốc hận ghi xương.

Câu Tiễn.

(cuối đở hề Đồng dậy, vỗ về thân mật)

Kìa bóng ai ngấp nghé ở bên đường

Hãy đứng dậy, xa rồi thời lễ cách.

Đây Ngô-quốc cùng chung thân biếm trích

Cùng chung sầu, chung lụy, chung đau thương.

Như cỏ cây chung ganh sống bên đường.

(Đồng riu riú dậy)

Lớp III    

(Thêm hành khất - Đó là ông lão già, gầy yếu. Áo quần rách, vừa bước vừa khụy, thỉnh thoảng ho và chống gậy rên nặng nhọc. Râu tóc bạc phơ. Mất hết tinh thần.

Hành Khất:

(chống gậy ho, rồi thủng thỉnh nói run run)  
Đến đây non nước lạ lùng,

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh.

Đường thu sông núi gập ghềnh,

Bãi dâu ráng lặn, ngọn gành sương tan.

Gió mây bạc, gót lang thang,

Ao lầy ai lấp, nội hoang ai cày!

Đài-mây, gác-khói ai xây ?

Nào tay mao-tiết ai gầy gian san? (chỉ xa)

Chân mây đã trống nắng vàng (chỉ mình)

Phong trần đã tấp bụi tràn mắt xuân.

(thẩn thơ, tâm sự)

Chực bến vắng hai chiều, chưa gặp khách,

Bụng đói lã, gió hằn lên áo rách

Đường năm trăng gót rỗ cát hai đò:

Khói Cối-Kê từ buổi khuất sương Ngô,

Hoa đào nụ nay chừng rơi lã tã !

Núi trùng điệp đôi phen chân yếu ngã,

Suối quanh co hằng bám víu đuôi rong.

(ôm bụng ho)

Miệng nếm rau mà nặng nợ bên lòng,

Đầu phủ lá mà thẹn ân vũ-lộ (bò lê)

Chân lập cập bò lê trên cổ-độ (nhìn quanh)

Hỡi hành nhân ai đó chạnh lòng thương,

Nửa lưng cơm thừa thí kẻ kêu đường...

(như kiệt lực, kéo dài giọng)

Một bát rau ..xin giúp..đứa kêu đường.

Hề Đồng.-  (Bước tới một bước, nhìn )

Ồ, khất-ai, một lẽ vụng của càn khôn,

Đang lạc loài kêu dậy Bích Liên Thôn!

Câu Tiễn.   (ảo não nhìn kẻ ăn xin, mơ màng)

Ta với khách có khác chi cảnh huống,

Cũng ăn gửi, cũng sống nhờ, thở gượng.

Như bọt bèo trên biển gió mênh mông.

Đó không nhà, đây gặp buổi lao lung,

Kẻ thiếu gạo, người tan tành châu báu.

Hành Khất.-  

Cây tuổi tác không một nghành con cháu,

Chống bảy mươi trên lóng trúc yếu đài.

Tôi...gọi lòng phúc.., đức của ai ai!

(phục xuống, lại kiệt sức)

Hề Đồng.- (bước lại gần, cuối xuống)

Lão trượng hỡi, từ phương nào, trăng, gió,

Mang lại góp trên áo sương, giày cỏ

Gắng vào đây, đây là một chòi tranh,

Nhưng vốn là vàng ngọc tấm chân thành.

Câu Tiễn.- (nghi ngại, dáng không bằng lòng )

Ôi; điện cát chỉ nằm trong bóng nước,

(nói như cho Đồng, xóc hành khất)

Chuyện thế thái không lường mưu ẩn ước,

(nói to cho hành khất nghe)

Lòng bạt đơn chỉ chờ sớt cơm canh!

Hành Khất.-

Ôi! tấm lòng vàng mới chia sẽ cơm canh.

Chao, phúc cả, tuổi cao nào nỡ phụ!

(im lặng tất cả, rồi hành khất nhìn quanh)

Từng nghe nói dân Ngô thôi viễn thú,

Vui thái bình, ngọn lửa trổ hoa đôi.

Mà làm sao tịch mịch dặm đường côi; (chỉ xa)

Trời cháy nắng... thôn trang hiu một mái,

Cảnh lặng lẽ...như sầu vương, giặc ải,

Như ... ngậm ngùi hoa lá... buổi tang thương.

Như...như  (ho đến ngất)

Hề Đồng.-

vâng, vâng, vì nơi đây là mất dấu thiên đường.

(nhìn CT dò ý, buồn ảo não)

Câu Tiễn.-

Vì nơi đây, nhẹ quay giòng Bắc-đẩu,

Ánh sao lạc không tìm ra vết dấu.

Ôm lòng xanh chờ đỏ ánh triều dương.

Học thánh hiền mà noi dấu cưu thương,

Xích gần đây, gần thêm, chao lão trượng!

Hành Khất.-

(Cố lê vào, trấn tĩnh, nhìn quanh)

Đây xứ nào, nơi sương mai phủ vướng,

Nơi thân này quằn quại dưới than đau,

Mệt lắm rồi!..bụi cát bạt thân lau...

Tôi chết mất...cho tôi xin...giọt nước!

(hề-đồng chạy lấy nước, ông lão vồ vập uống,

dáng như tỉnh một ít, trừng trừng nhìn CT)

Câu Tiễn.-

Từ phương nào lạc về đây hành cước?

Mà tả tơi áo vải trải thu đông?

Mà bạc phơ râu tóc, gập lưng còng?

(nhìn quanh, xa xa)

Thân cô độc hay còn ai trễ gót;

Chán nhân thế, hay cơ hàn đắng đót?

(nghi ngờ)

Định đến đây rồi sẽ lại đi đâu?

Gượng phong trần qua những nấm cỏ khân.

(quay sang hề -đồng)

Lại đông-trù rồi ra mau hậu-trại,

Bưng vào gấp cơm ngô và canh cải,

Bưng vào đây với một tấm lòng vàng,

Với một trời đầy thương mến chứa chan.

(hề đồng đi, đưa vào đủ, trong khi đó thì

Hành khất lặng nhìn)

Hành khất.-

Đây xứ nào là nơi tôi lạc nẻo,

Nung tuyệt vọng ở trong lòng khô héo?

Câu Tiễn.-

Đây là nơi mây trắng đậm sầu thương

Đây là nơi đã lạc đến thiên đường!    

Hề đồng.-

Đây đến chết những phồn hoa lạc cảnh

Đây thiếu nhạc vì cung cầm đã lạnh!

Hành khất.-

Mã tôn-công, kìa nghĩa bộc, là ai?

Câu Tiễn.-

Là hai người trích giáng của thiên thai!

(Cười mà đau thương)

Hành khất.-

(Riu ríu chống dậy, rồi phịch xuống)

Không, tôi thấy... lửa trong đầu sầu não,

Cháy mặt ấy và chân tay dáng mạo.

Dù cát lầm cũng không mất dung, ngôn.

Phải đây là... là...Bích Liên Thôn ?

Hề đồng.-  (vội chối, vừa nhìn Câu Tiễn)

Không, không, còn xa nữa Bích Liên Thôn.

(chỉ xa xa, bâng khuâng)

Câu Tiễn.-    (cúi sát, chậm rãi)

Phải, đây vẫn là sông núi Bích Liên Thôn,

Mà lão trượng hỏi chi nơi tuyệt lộ,

Nơi hạc vàng, lẫn khuất dấu mây xanh!

Hành khất.-

Nhưng là nơi đã mọc hết ngọn nghành,

Mà nhiệt huyết bầu nung cơn hấp hối,

Mà mạch sống, thân tàn đưa đến tưới!

Câu Tiễn.-  (sững sốt, ngạc nhiên)

Lão là ai ?

Hành khất.-

Nhưng ngài vốn là ai ?

Vẫn là người chua xót mất thiên-nhai !

(Hai người nhìn nhau. Hành khất bỗng gượng

dậy, giơ tay cao lên, nói to)

Chúa công hỡi (nhìn quanh)

Ôi! quả đây là Việt Chúa! (Lịm xuống, ngất đi)

Câu Tiễn.-    (Cúi xuống, đỡ dậy)

Ngươi là ai, là ai mà những thủa

Gió hòe reo xe ngựa dạo thành đô,

Trong sáu cung như giữa chín giác–đồ,

Ta chưa gặp, cũng chưa hề biết mặt !...

(Lắc lay, đắp nước vào mặt)

Hãy tỉnh dậy, gánh non sông trên tuổi tác,

Khởi vinh quang lên những ngọn cờ nhung.

Hãy xông lên trong bảo táp hãi hùng,

Hãy giữ vững đỉnh chung nhà nước Việt.

(Quay lại hỏi Đồng)

Đồng con hởi, nằm đây, con có biết ?

Là khách khanh, hay kẻ sĩ Cối-Kê ?

Hành khất.-    (mở mắt ra...hổn hển)

Tôi chỉ là...là một kẻ chăn dê !

Câu Tiễn.-

Ồ, là,  chỉ là một kẻ chăn dê !

Hành khất.-

Nhưng là tất cả lòng thần dân đất Việt,

Nguyện lòng son đem sơn hà điểm xuyết,

Đã ..mưu cùng một nghĩa cả cần vương,

Để cùng Việt dành lại... mối cang thương

(nín thở, rồi hùng hồn)

Bao cay đắng, băm thân qua hoạn hải,

Dìu tới đây trên thiên-sơn vạn ải,

Tháng ngày qua ôm giữ...

(ôm ngực, nhìn quanh dò xét)

.. một dư đồ

Và chương trình của một cuộc chinh Ngô.

Câu Tiễn.-

Ôi, quí hóa, lòng ưa, dân tưởng vọng,

Hổ lòng đây mà ngày xưa đã sống,

Đã từng quên nghĩ tưởng kẻ xa ngai ;

Đem chí-tôn khen nở gót lương hài,

Đâu có biết...

Hành khất.-

Giờ đây thân quê lụy,

Nhưng hồn đây vẫn còn phương yên ủy !

(ráng chắp tay)

Lạy chúa công tạm ở chốn lao lung...

Câu Tiễn.-

Ráng đi khanh, kìa, sắc diện khách anh hùng

Đang biến đổi, (nắm tay, vuốt mặt)

chân tay đương chuyển dựt.(quay lại hề đồng)

Đồng con hỡi, lòng ta trằn thổn thức !

Hành khất.-

Phút cuối cùng... còn thẹn... chửa nên công

(run chân tay, rồi lịm chết luôn)

Câu Tiễn.-

Khóc than sao cho vơi hết lệ lòng ? (vỗ thây)

Khanh, khanh hỡi, sống thêm, cho tạn mặt,

Sẽ âu sầu tuôn chảy đến hư vô!

Hề đồng.

-(lắng tai nghe rồi nhìn ra phía xa)

Sao cao thấp ầm vang tiếng lạc, (nhìn kỹ)

Mà bụi bốc trên nẻo đàng lăng lắc (chăm chú)

Ồ, ngựa gần bay qua cù-đạo tha-ma

Câu Tiễn.-

(Đứng dậy, chống vai đồng, ngơ ngác)

Họ sắp lại ?

Hề đồng.-    Từ hàng cây xơ xác,

Tế ngựa mạnh chạy dài qua nẻo tắt,

Sẽ qua đây, và sẽ thấy... ba thân...

Câu Tiễn.-     (chỉ mình và hề đồng)

Hai đang sầu  (chỉ thây hành khất)

và một giả gian-trần!

Làm sao hỡi?

Hề Đồng.-

Ẩn mau trong vựa cỏ,

Con sẽ dấu thi hài thôi bộc-lộ.

(Hề đồng đem thây chết vào lều)


Lớp IV      

(Vắng hề đồng, thêm người kỵ mã)

(Người này ăn mặc áo xanh gọn gàng.

Còn trẻ, có dáng kiêu hãnh, gian hùng.

Nhìn quanh tỏ ý tìm tòi)

Người kỵ mã.

- Đây Cữu-thôn vừa mở dậu bìm leo,

Nắng bình minh chưa đuổi tận cơn heo.

Trăm dặm ngựa, vó câu qua một thoáng,

Thật uy-vũ đã làm nên chớp nhoáng...

(nhìn thấy Câu Tiễn thẫn thơ)

Kìa trích-vương, tôi gửi tiếng chào ngài,

Câu Tiễn.-

Ồ, tướng quân ! ngài vốn ?..

Kỵ mã.-       .. Một khâm sai !

Câu Tiễn.-

Xin cho biết có điều chi gấp rút,

Lành hay dữ mà vó câu vùn vụt,

Mà hoàng hôn đường còn dính lưng bào,

Để nhọc lòng bôn bả khách anh hào.

Người kỵ mã.-

Tôi là kẻ đã phá, xưa, thành nước Việt !...

(Câu Tiễn biến sắc, nhưng gượng vui ngay)

Câu Tiễn.-

Chao hám hở chí trai gương tuấn kiệt.

Kỵ mã.-

Tận lòng trung hầu hạ dưới cung Ngô.

(Câu Tiễn dáng khép nép, vẫn sợ hãi)

Thân ngang tàng tướng phủ với khanh đô.

Đã biết rõ đời vương sầu cát-lũy.

Nên về đây muốn cứu tình yên-ủy !

Và mang theo bí mật một ....

Câu Tiễn.-       (sợ hải)

Một, ồ, một....

Kỵ mã.-  (hóm hỉnh)

...một phong thư!

Câu Tiễn.-    (đưa tay run run đón lấy)

Hạnh ngộ này lòng tưởng giữa cơn mơ.

(nhìn quanh, hồi họp, bâng khuâng)

Nhưng tiện-xá là một lều chứa cỏ,

Mùi ẩm mục xông qua nền đất đổ,

Giường là gai, ghế là bục...ẩm thầm,

Biết làm sao đủ lễ tiếp giai-ân !

Kỵ mã.-

Thôi, chẳng ngại, vã mình hùm nơi trướng lửa,

Trắng đêm sáng để chăm tròn việc chúa,

Tôi đến đây giây phút giáp lời vương,

Rồi còn mau thúc ngựa cướp đường.

Câu Tiễn-    Để trở lại ?

Kỵ mã.-    Nơi xa xăm nhan ải,

Dưới trời huyết, để tưng bừng hạ trại.

Câu Tiễn.-   (lạ lùng , khó hiểu)

Ôi, nghe đến tâm thần bao vọng tưởng,

(nắn tay áo người kỵ mã)

Huân công này xin khắc cốt ghi tâm,

Vui sướng kia khiến lệ ứa đầm đầm

(chùi nước mắt)

Kỵ mã.-    (Chỉ vào thư)

Vương hãy đọc và hiểu mưu huyền diệu,

Bao phương pháp Bá-gia ngài định liệu

Đây, vương nghe những lời dặn cuối cùng,

Rằng ngày mai khi nắng chửa ráng hồng,

Vương hãy chực nơi Ngọ-môn cẩm dịch.

Vương hãy khóc cho lệ nhòa áo trích ;

Vương hãy sầu hơn liễu úa trời thu ;

Vương chớ quên vương là một tội tù...

Để cho lệnh trên cao thương tưởng xuống.


Câu Tiễn.-

Ôi, tuyệt thánh, ngài Bá Hi tể tướng !

Kỵ mã.-

Vì ngày mai triều điện thả rèm châu

Dưới trăm quan thanh thả buổi đi chầu,

Chỉ tể tướng cùng vua chơi ngự uyển,

Rồi tâm huyết, Bá gia ngài bịa chuyện,

Rồi...rồi ....(lại chỉ vào thư)

những điều chép cả trong thư,

Thôi chào vương tạm ghé dưới mao-lư

Tôi trở gót  (chào đi ngay)

Câu Tiễn.-

Ôi, ân vàng đã rãi !

(vui reo gọi hề-đồng, chỉ ngoài xa)

Đồng ơi đồng, nắng đào đang nhẹ giải,

Con kíp ra bến suối đìu hiu.

Cùng hoàng phi con hãy kể thật nhiều,

Và hãy dặn: rũ cát lầm cho giòng nước

Trôi lam lũ, gột áo khăn ô nhục,

Cho đêm nay mộng thấy dáng phi-hùng,

Mặt trời xưa sắp mộc giữa ngai rồng :

Màn hạ nhanh

Cảnh II   : Ngô cung

Ngai rồng trong xa. Vài cành liễu vương qua phía trước.

Những nhân vật ở bực thềm, giữa mấy cột rồng.

Nhân vật .- (Trong bốn lớp)

-   Ngô Phù Sai

-   Việt Câu Tiễn

-   Bá Hi. Và một tên quân.

Lớp 1

Phù Sai  và Bá Hi

Phù Sai.-

Qua chín bệ gấm phong nền Vũ, Hạ,

Thái bình trôi trên nước trí non nhân.

Nay tư cung thanh thản việc triều thần,

Hồi tưởng lại lúc thâm vi ngoại bệnh!

Bá Hi.-

Việt Câu Tiễn đã bao phen trí mệnh,

Cùng ngự-y chầu chực dưới chân đôn

Phơi gan vàng nâng đỡ ngọc chí tôn (chỉ vua)

Trãi mật đá khuông phò châu phụng thể.

(suy nghĩ, ngao ngán)

Bẩn ấy nếm xưa nay ai hầu đệ ?

Lửa ấy nhen, nước mắt ấy chảy quanh.

Tựa gió thâu thổn thức phục bên mành,

Quỳ dưới bệ âm thầm run giữa tuyết.

Phù Sai.-    

(Gật đầu, suy nghĩ như cố nhớ )

Quỳ dưới bệ âm thầm run giữa tuyết!

Bá Hi.-    

Tâu bệ hạ,

Ngày đao kích đã xây xong bất diệt.

Bây giờ đây trôi biến gió cung bay;

Bây giờ đây sóng lặng, đỉnh trầm xây,

Lầu túc-điễn gió lành phe phảy quạt.

(khoát tay chỉ quanh)

Sân-Thái-miếu tung reo theo vóc hạc,

Nền-Vũ-vu oanh hót gơt nai tơ,

Thể Kim thang vững chắc đã bay cờ

Thần trộm nghĩ (nhìn vua chờ đợi)

Phù Sai:

Tướng quân tường tỏ ý:

Bá Hy:

Văn vương trước sầu thương trong đủ lý,

Kìa Tây–châu không oán nhép Ân Thương.

Vẫn một nghì tôn kính mệnh quân vương,

Lúc về nước vẫn thần dân giữ thói.

Sầu trăm ải cách chí – tôn vòi vọi…

(nhìn vua dò ý)

Huống chi nay Câu Tiễn đã trung thành,

Chịu cát lầm, thần trộm nghĩ sao đành.

Phù Sai   (nghờ hoặc)

Rừng với bể như lòng người ẩn ước,

Tình thế thái vốn là hồ mưu chước.

Bá Hy  (chống chế)

Can tràng neo trong một nét chân son

Thần thấy người luôn giữ đạo tôi con

(đăm chiu rồi cười)

Vũ-Việt quốc đà đá tan ngọc nát,

Giờ suối cạn nghiêng triễng trơn lượng cát,

Đỉnh non mòn, thành lũy chất xương khô

Về tứ phương lâm lụy khách Tam – mô

Đêm nghe vượn ở trên nền Thái –Miếu.

Chim yến lại làm hang trên quốc hiệu

(giọng quả quyết)

Còn gì đâu mà trở tráo xâm lăng!

Còn gì đâu mà ngạo mạn lăng tằng?

Rêu cung viện, mưa dầm tuôn xối xả!

Thần trộm nghĩ, trong bốn phương cát hạ

Nhìn mây lành, nhạc trổi khắp cung ngô,

Chim Việt đành dụm cẳng nhánh cây khô.

Phù Sai

Nhưng cây héo có khi tàn rễ chiếc,

Mạch phục tang chảy trong lòng đất kiệt.

Con chích-oanh khôn nhảy giữa lồng son

Lúc gặp bầy sẽ ca hát vang non

(nói nhẹ như phân bua)

Ta vốn biết tù-đồ là mạc Hán

Nhưng cựu thuộc phải toàn trí cạn.

(chỉ ra xa xa, nói lảng)

Bên thủy đình khanh có thấy bơi nga,

Liễu mơ màng đang chực rước long xa

Hãy cùng trẫm tâm phương trong chốc lát

Bá Hy-

Mùa rụng quế lá rơi nghe xào xạc,

Bỗng khiến thần động nhớ một tin thơ.

Phù Sai.-

Chuyện làm sao đừng     để trẩm mong chờ.

Bá Hi .-

Vừa hôm nào thất-tinh,

Nghĩ đến buồn sông Ngân

Cởi lừa qua quán khách,

Thần vương sầu ly-nhân (nhăn mặt, ảo não)

Lời sao mà ai oán,

Lời sao mà nĩ non ?

Thơ sầu không than vãn,

Âm thầm chuyện nước non:...

Phù Sai.-

Thơ quán khách sầu thương tình cách viễn,

Có can chi đến việc người Câu-Tiễn?

Bá Hi.-    

Xin chúa công rộng mở lượng hải hà...

Phù Sai.-    Đây vui lòng :...

Bá Hi.-

Thần mới giám tâu qua:

Lệ chan chứa trong bài thơ tứ tuyệt,

Của một kẻ năm năm rời đế khuyết,

Năm năm trời khô héo chỉ xuân thu,

Đã than dài “Ngô quốc kém Nghiêu-Ngu”;

Bỏ buổi dạo quay về trong tiện thất,

Năm canh trắng nằm khan khôn chợp giấc;

Nghĩ rằng: Sao đức cả đến minh công,

Minh chính kia ban bố khắp ba cung,

Qua chín bệ và ra cùng thiên hạ,

Sao chí-sĩ còn người chưa hả dạ,

(dò ý và bâng khuâng)

Lạy thánh-quả, thần bỗng nghĩ đến điều:

Đả giam cầm Câu Tiễn chốn hoang liêu.

Phù Sai .-

Nhưng từ lúc trên giường đau, cởi ý,

Ta đã lệnh cho ngon ăn, khỏe nghỉ;

Cấp cho người bao gấm với quân lương

Để cho người thấy rõ ý cưu mang

Có lẽ người đã thấy ý ta yêu thương!!...

Bá Hi .-

Mà người vẫn ở bên này Ngô-quốc,

Không giam cầm nhưng vẫn là bó buộc.

Thần e rằng: vì đó lũ thi -  nhân,

Đa bay thơ khóc nguyệt, oán phong trần.

Phù Sai .-

Cốt tây giác vốn không cầy cỏ mượt,

Ta là kẻ đã cầm cân mối nước,

Có lẽ nào không nghĩ chuyện thi-ân,

Nhưng sợ chưng quả xấu, bởi gieo nhân.

Bá Hi.-    (vui sướng gượng)

Tâu bệ ngọc, vậy muốn tòan độ lượng,

Rưới thụy vũ cho nhân gian khắp hướng !

Phù Sai.-

Rạng triều mai sẽ bàn lại trăm quan.

Bá Hi .-

(Bá Hi ngao ngán, thất vọng; có tên quân vào)

Tên quân.-

Ngưỡng trông chờ nơi ngọc chảy hàng hàng,

Tù Câu Tiễn xin một mình bái yết.

Bá Hi .-

Hãy lui ra và cho người được biết

Rằng ngôi cao... (nhìn, chờ đợi)

Phù Sai .-    Cho phép được tôn chiêm!

Tên quân .-

Xin cuối đầu phủ xuống thảm nhung êm.

Lớp III    

Tên quân ra, Câu Tiễn vào

(Câu Tiễn ăn mặc lam lũ, nhưng sach sẽ nghiêm chỉnh hơn một ít)

Câu Tiễn.-    (quỳ, nói)

Mưa một giọt trộm rơi vào điện cát,

Ngưởng long thể trên chín trũng gấm khoát.

Chợt sụt sùi nhớ lại dấu sơn tô,

Thân cát lầm đỏ thắm nhuộm ân Ngô.

Phù Sai.-

Thu tịch mịch có điều chi lảnh nõn,

Lòng cô-gia khi lá cành thơn mỏn,

Bỗng nhớ người sầu hận, chốn lao lung,

Không yên lòng riêng ấm ở cao cung.

Câu Tiễn.-

Đêm càng tối, ánh trăng càng vằng vặc,

Đứa phước mỏng nay rõ mình lăng tặc;

Nhẽ ngừa đao số đáng phải phân thây,

Được sống còn, đâu dám những riêng tây.

Tơ tưởng đến tiết thu phân ấm lạnh!

Tội trộm sống nơi tuyết sương hẻo lánh

Hằng rầu lòng xa cách gió vương tôn;

Tội trộm nghe rụng xuống gót hoàng hôn,

Sao Tam-thái rạng trời tung ánh sáng,

Tội trộm hổ thời qua toàn hung hản;

Mà chí-tôn vẫn mở ý khoan dung,

Nên khấu đầu mãi tạ gót minh công.

(cúi lạy rồi đứng dậy)

Bá Hi.-        (nhắc nhỡ)

Non nước cũ có, còn chi nhắc nhở,

Đã còn chi khởi sầu thương nức nở.

Câu Tiễn .-

Cảnh hoang vu miếu vũ của tiều nhân,

Đôi phút giây đó não đa tù thần (làm vui)

Nhưng hảo nguyện, không tiếc mong gì nữa.

Vì thảo lư vẫn đươc vầy hương lửa.

(nhìn vua tỏ vẻ âu yếm)

Bao lâu rồi mộng tưởng đã pha phôi

Thề một lòng chết hả ở Ngô thôi!

Phù Sai .-

Nếu ngày nào gió mây duyên bậu bạn,

Cánh bằng điểu được trôi về bể ráng?

Câu tiễn .-        (quì tâu)

Thì đêm đêm chầu ngưỡng ánh triêu dương,

(vừa dậy vừa ngao ngán)

Nhưng than ôi! đâu dám ước phi thường.

Bá Hi .-

(nhìn trộm vua, rồi Câu Tiễn, vẻ đắc ý nói xa)

Sương cữu-ngu muốn hoàn hương rũ mộng,

Nhưng, ngươi có chắc tròn thành tôi lương đống?

Phù Sai .-    (chỉ ra nhìn xa, nói lửng)

Ở ngoài kia: nga trắng, nước hồ xanh,

Gió so le, trêu dáng liễu buông mành.

Ngô đạo lá trên lan-can uốn đỏ!...

(quay lại phí Bá Hi)

Bá tể tướng cùng quả-nhân dạo đó,

(Quay lại Câu Tiễn)

Việt thường nhân được phép lại mao-lư,

Để trẫm cùng non nước giải tâm tư.

Câu Tiễn .-     (quy xuống)

Phụng vàng ngọc reo vang từ chín bệ,

Thẹn hèn mọn khôn cạnh phò long thể.

Đành đêm đến ngồi nơi Bích Liên Thôn.

Để trộm nhìn ánh sáng tỏa cung môn.

(lạy rồi lui ra)

Lớp IV  

(thiếu Câu Tiễn)

(Phù sai bước rồi dừng lại, bâng khuâng)

Phù Sai.-  (Nắm tay Bá Hi, rồi chỉ quanh)

Bá khanh hỡi, lầu cung kia mái vút,

Dạng Câu-Tiễn đang thẩn thờ mất hút,

Lòng quả-nhân buồn rộn nếp lăng-vân;

Giây phút này bỗng nhớ đến muôn dân.

Bá Hi .-

Ôi, con đỏ đang Chu, Thang nếm ngọt,

Đua oanh, yến trên cành tơ ca hót.

Mà giao long, kinh ngạc lắng ao sâu.

Mà trăng tròn, gió vẹn rải ba châu!

Lũ man mọi chốn non xanh ngưởng vọng,

Bầy phiền nô nơi nước lầm, tưởng ngóng,

Sắc quốc-kỳ bay giải ánh nguy nga,

Nhạc thái-bình nhẹ trổi chân mây xa.

(nhìn vua có vẻ âu lo)

Sao bệ hạ còn cưu chi phiền muộn,

Hay nước nghịch buồn thương trong cảnh luống.

Hay ân vàng muốn giải hết sầu đen!

(Chẩm rải, sung sướng)

Cho Việt-Câu thay được áo quê hèn (quì)

Ôi, được thế thì thơ văn thủa thủa,

Reo châu ngọc trong từ chương rở rở;

Tung muôn đời bên cõi Việt nang mang   

Rằng: long cao đầy rẩy ý cưu thương.

(đứng dậy, chờ đợi)

Phù Sai.-

Trẫm vì động từ tâm lời thiết-thiển!

Khanh hãy khiến tin theo tìm Câu Tiển,

Trở lại đây để cùng trẫm ôn lương,

Cùng vui vầy...

Bá Hi .-  (quì nói mau, rất vui vẻ)

Xin phụng mệnh quân-vương.

Màn hạ nhanh

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com