Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: SÀI GÒN - MỘT GIÁ TRỊ NHÂN VĂN

BAC-SI-NGUYEN-NGOC-PHUONG-1R

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng

SÀI GÒN - MỘT GIÁ TRỊ NHÂN VĂN

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng


Một khi có ai hỏi về Sài Gòn - TP.HCM, tôi luôn nghĩ đến những cụm từ: thành phố nghĩa tình, con người bao dung. Thật khó có thể quên, lúc thực hiện ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức ngày 4.10.1988 - được xem như một cuộc "tranh tài đọ sức" với tạo hóa mà các y bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản đã thành công. Sự kiện này, người dân Sài Gòn cũng đã tiếp sức, động viên bằng cả tấm lòng thành.

Khi biết được thông tin qua truyền hình, báo chí, ngay sau ca mổ, tại Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi đã nhận được rất nhiều tấm lòng thiện nguyện cùng đến chia sẻ niềm vui. Lúc ấy, đất nước còn nghèo đời sống còn khó khăn nhưng tấm lòng của người Sài Gòn cao thượng xiết bao. Người tặng chục cam, người cho trứng gà, rau, củ, quả… Ai có gì tặng nấy, dù giàu dù nghèo cũng đều thể hiện đạo lý “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thật bất ngờ và cũng rất ngạc nhiên, trước tình cảm dạt dào chân tình ấy, Ban Giám đốc chúng tôi thành lập ngay ban tiếp nhận. Rõ ràng, người dân Sài Gòn luôn ý thức về những làm tình nghĩa.

Tôi lại nhớ đến thời điểm ngay sau năm 1975, từ lời hô hào, kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt lập tức hàng ngàn thanh niên đã gia nhập lực lượng TNXP. Khi xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, có câu chuyện thật cảm động mà tôi được biết: một đại úy của chế độ cũ sau khi học tập cải tạo đã viết tâm thư xin đi bộ đội. Ông Kiệt có cho mời lên và ân cần hỏi rõ lý do, người này trả lời là muốn sau này con cái tự hào, vì người cha đã có đóng góp cho đất nước. Ước nguyện này dù chưa có tiền lệ, nhưng người đó vẫn được chấp nhận, điều này cho thấy lãnh đạo của thành phố mình làm việc năng động, linh hoạt, sáng tạo…

Tôi còn nhớ lúc chị Minh Thu của Đài Truyền hình TP.HCM làm phóng sự về hoàn cảnh khó khăn của các gia đình liệt sĩ ở Củ Chi, lập tức bà con đã cùng chia sẻ, giúp đỡ, thấy việc nghĩa là cùng chung tay, chung sức. Tinh thần “đền ơn đáp nghĩa” ấy thật đáng quý. Người dân Sài Gòn là vậy, bên cạnh đó họ còn hiếu khách nữa. Nhiều người bạn nước ngoài của tôi khi đến đây, đều có chung nhận xét đi đâu cũng gặp nụ cười. Người dân cởi mở, dễ làm quen. Luôn tươi cười thân thiện.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ làm công nhân đồn điền cao su tại Chup thuộc Kongpong Cham - Kampuchia, thời nhỏ tôi ở chung với bà ngoại. Năm 1956, tôi thi đậu vào trường Gia Long và năm tháng đèn sách này, với tôi là những kỷ niệm êm đềm, thơ mộng, dáng nhớ. Hằng năm, đến ngày 9.1, chúng tôi lại tổ chức lễ kỷ niệm tưởng nhớ anh Trần Văn Ơn - học sinh trường Pétrus Ký đã bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết trong phong trào biểu tình của học sinh sinh viên Sài Gòn đầu năm 1950. Bài học về lòng yêu nước đã nẩy nở trong tâm hồn tôi từ đó.

Còn nhớ lúc bà Nhu “cải tiến” chiếc áo dài truyền thống bằng cách… khoét rộng cổ. Cô hiệu trưởng Huỳnh Hữu Hội không đồng tình áp dụng cho nữ sinh của trường. Lập tức, cô bị bà Nhu nhắc nhở, phê bình nên đành phải chấp nhận. Tuy nhiên, cô đưa thợ may vào trường để đo áo cho nữ sinh, chỉ khoét cổ hở một chút thôi chỉ như cổ áo bà ba, chứ không “quá đà”. Mà thật ra nữ sinh Gia Long ngày ấy cũng không mấy ai mặc chiếc áo dài theo “sáng chế” của bà Nhu. Chúng tôi mặc áo dài còn phải có áo lót bên trong, may rộng, chứ không mặc bó sát người.

Các bạn học của tôi ngày ấy nền nã, hiền lành và rất sợ thầy cô giáo. Kỷ luật học đường nghiêm khắc lắm. Tôi còn nhớ cô Trần Thị Mỹ dạy Toán, cô Võ Thành Duyên dạy Địa lý v.v… vì sợ mà phải ráng học cho thật giỏi. Sau khi tốt nghiệp bậc trung học, tôi thi đậu vào trường Y, đậu hạng 6 toàn miền Nam. Từ chương trình Việt ngữ bước một bước vào trường y chỉ đào tạo sinh viên thông qua Pháp ngữ, tôi bắt đầu tìm đọc các cuốn sách dạy tiếng Pháp. Tôi miệt mài phiên âm, chú thích chi chít trong các cuốn sách tiếng Pháp, học ngày học đêm…

Lúc ấy, tại Bệnh viện Pasteur có phòng khám miễn phí dành cho người cùi, tôi tự nguyện đi thực tập, mỗi tuần hai ngày. Do quan niệm về bệnh tật, người bệnh rất mặc cảm nên có lúc chúng tôi phải tìm đến tận nơi để điều trị, phát thuốc. Rồi những lúc đồng bào miền Trung lũ lụt, các bạn sinh viên chúng tôi đã mang thùng lạc quyên, vận động tiền cứu giúp. Người dân Sài Gòn luôn nhiệt tình đóng góp với tình cảm tha thiết “lá lành đùm lá rách”.

Thêm một việc nữa thời học Y khoa mà tôi còn nhớ: khoảng thập niên 1960, sinh viên yêu cầu được học tiếng Việt, vì trước đó chỉ học bằng tiếng Pháp. Lại có ý kiến cho rằng phải được học bắng tiếng Anh, vì thời điểm đó, quân đội Mỹ đã vào miền Nam. Từ những ý kiến khác nhau, và cũng nhằm phục vụ tốt nhất cho các bạn sinh viên sau này, tôi bắt tay vào làm Từ điển Y khoa Anh - Pháp - Việt. Đây cũng chính là luận văn tốt nghiệp của tôi. Bấy giờ, tôi có người cậu đang công tác tại Ban Trí vận của cách mạng, ông có cho tôi quyển tự điển chuyên đề in tại miền Bắc. Trên cơ sở đó, cùng nhiều tài liệu khác, tôi đã thực hiện công trình của mình theo cách diễn đạt của người miền Nam.

Lúc ra trường, tôi chọn công tác tại Bảo Sanh viện Từ Dũ - một bệnh viện dành cho người nghèo, thời đó, mọi người hay gọi là “nhà thương thí”. Mỗi lần được đến BV phụ đỡ đẻ nhìn đứa trẻ được sinh ra đời tôi thấy mê quá. Từ trứng chút xíu, tinh trùng chút xíu mà tạo thành tế bào rồi sau 9 tháng 10 ngày thì một sinh linh chào đời khóc oe oe, sau đó bé cứ lớn lên từng ngày thấy kỳ diệu lắm! Tôi mê sản khoa cũng từ điều kỳ diệu ấy. Chính vì vậy, khi nhìn cảnh những gia đình hiếm muộn trông chờ đứa con của họ đến mòn mỏi mà tôi bứt rứt vô cùng. Phải làm sao để giúp họ? Suy nghĩ đó luôn thường trực trong tôi.

Từ nhiều nghiên cứu, học tập kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài tôi cùng các cộng sự đã thực hiện thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Các đình hiếm muộn hạnh phúc, có cho bao nhiêu vàng bạc, kim cương cũng không thể đổi được. Bản thân tôi cũng vậy, càng vui hơn khi Việt Nam mình vẫn tiến kịp với thế giới một bước trong y học.

Bệnh viện Từ Dũ với tôi như một ngôi nhà, một người thân. Nơi đó tôi đã làm một bác sĩ sống bằng niềm đam mê đúng như mơ ước ngày trẻ của mình. Sống và làm việc tại quê nhà, bao giờ tôi cũng cảm thấy hài lòng, vì được nỗ lực làm việc nhiều hơn theo quan niệm: “Y học phải hướng đến cộng đồng”.

Còn nhớ, ngày 30.4.1975, tôi đem theo ba đứa con tình nguyện túc trực trong Bệnh viện Từ Dũ. Lúc đó, chồng tôi đang tu nghiệp tại Pháp,  muốn đón mấy mẹ con sang đó định cư. Nhưng tôi nghĩ suốt thời gian học nghề y, tôi đã thực hành trên biết bao xác người Việt, giờ thành nghề lẽ nào lại đem toàn bộ kiến thức chữa bệnh cho người nước ngoài? Hơn nữa, ở đây dân mình còn đói khổ. Tôi không nỡ. Vợ chồng chia tay. Tôi và các con không đi theo sự bảo lãnh của chồng tôi vì tôi nghĩ các con tôi ở lại Việt Nam sẽ có một tương lai tốt hơn, trong một xã hội công bằng hơn và tôn trọng giá trị thực của con người hơn. Tôi chưa lúc nào trăn trở vì quyết định ở lại Việt Nam, chỉ trăn trở vì mình chưa đóng góp nhiều cho đất nước.

Thực tế của cuộc sống hiện nay, đã có nhiều thay đổi. Làm sao có thể quên được những ngày khốn khó, lãnh đạo thành phố như ông Võ Văn Kiệt, bà Ba Thi, ông Lữ Minh Châu cùng nhiều vị khác đã chạy gạo, kiếm từng hạt gạo, lon sữa… cho dân lúc đời sống còn nghèo, chật vật, vất vã. Cuộc sống ngày một tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vùng đất này là nơi giao lưu của các tình thành đổ xô về, mật độ dân cư đông đúc nên dễ xẩy ra nhiều tệ nạn. Chỉ va chạm xe cộ có thể dẫn đến dâm chém nhau, rồi nạn hút xách, trộm cướp… tôi nghĩ rằng, thành phố đã quản lý chặt hơn, nhờ thế tội phạm giảm hơn so với trước. Nỗ lực của người lãnh đạo TP.HCM qua nhiều thế hệ rất đáng ghi nhận.

Cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày nhưng tinh thần nghĩa khí, tính cách hào hiệp của vùng đất phương Nam vẫn không thay đổi. Giá trị nhân văn ấy đã làm nên tính cách của của người Sài Gòn - TP.HCM.

N.T.N.P

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 22.6.2016)

(LÊ VĂN NGHỆ ghi)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com