LÊ MINH QUỐC: “Lo xa” quá mức

 

loxa-quamuc-1R

 

Có những chuyện bé tẹo tèo teo, chẳng hề ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới” nhưng rồi lại “lớn chuyện”. Bởi lẽ, thông tin đó bị người vợ/ chồng “hình sự hóa vấn đề”. Thế mới gay go. Nếu cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi chỉ cần y, bác sĩ kê đơn, dùng một hai liều thuốc ắt bệnh tật “đứt đuôi con chuồn chuồn”. Lại khỏe khoắn. Lại phơi phới yêu đời. Còn những chuyện đã thuộc về “quan điểm” lại không hề đơn giản, phải tranh cãi kịch liệt, lập luận, lý lẽ hầm bà lằng nhưng chắc gì đã xong?

Thì đây, tôi vừa chứng kiến một vụ bất hòa của vợ chồng Giảng. Do bạn học cùng lớp thời đại học, lại sống gần nhà nên bạn bè gặp nhau luôn. Giảng kể, đại khái, qua Facebook, Giảng có “bắt liên lạc” được nhóm bạn học cũ, trong đó có Ngọc. Ai thì tôi không rành, chứ Ngọc thì tôi biết ngày trước cũng ít nhiều có “tình cảm” với Giảng. Ối dào, chuyện tình cảm thời đi học có là gì đâu, hơn nữa, ai cũng lập gia đình thì việc thăm hỏi là lẽ thường tình.

Ngày nọ, Giảng viết một cái status là đang bị gai cột sống. Nào ngờ, tử nước ngoài, Ngọc gửi tặng thuốc. Không chỉ một mà đến những vài ba lần. Giảng cảm động lắm và tất nhiên, chẳng việc gì phải giấu vợ. “Vàng thật sợ gì lửa”. Việc chủ động “khai báo”, chắc vợ Giảng sẽ vui ra mặt chứ gì? Giảng nghĩ thế, tôi nghĩ thế, ai ai cũng nghĩ thế, không ngờ chuyện đời đâu đơn giản như thế.

“Anh có biết, việc nhận quà của anh có thể phá hạnh phúc gia đình người ta không? Chắc gì người chồng đồng tình cho vợ làm việc ấy?”. Giảng cười xòa: “Em khéo lo xa. Bạn bè giúp nhau chỉ “đơn giản” như “đang giỡn” thôi mà. Lo xa quá, không tốt đâu nhá em”. Vợ Giảng vẫn thao thao: “Xin hỏi, có ai rỗi hơi bỏ tiền mua thuốc gửi tặng bạn học cách đây đã chừng 20 năm? Nếu chồng cô ta đặt vấn đề như vậy thì sao?”. Giảng lại cười toáng lên: “Ơ kìa, chuyện ấy có xẩy ra đâu? Em cứ “trầm trọng hóa vấn đề” chi vậy?”. Dù đuối lý, không trả lời được nhưng mỗi lần thấy chồng sử dụng thuốc của Ngọc tặng, y như rằng, cô vợ lại nói bóng gió xa gần. Cứ như thể mình đang làm một việc gì rất mờ ám. Mệt cả đầu.

Tại sao nhiều người phụ nữ có tâm lý như vợ của Giảng? Có phải do “ghen ngầm”, nhưng chẳng có chứng cứ gì nên mới “nâng quan điểm” ngăn chận trước? Do họ có “tầm nhìn chiến lược”, “tư duy nhạy bén”, thấu đáo, biết trước sự việc sắp xẩy ra? Thú thật, câu hỏi này, dù chưa thể kết luận nhưng tôi nghĩ có lẽ do tính cách thì đúng hơn.

Trong đám bạn tôi, Hường được phong danh hiệu rất oách: “Anh Hai thời sự”. Ai phong? Thì vợ của anh ta chứ ai. Có lần, chúng tôi không thể nín cười khi nghe câu chuyện cứ tưởng như đùa do vợ Hường kể lại. Ngày kia, nhà trường của con gái anh đang theo học có tổ chức cho học sinh nghỉ hè tại thành phố biển. Mọi kế hoạch nghỉ ngơi, chương trình vui chơi đều được hội phụ huynh “duyệt” và thông qua. Sự chu đáo này khiến vợ chồng anh yên tâm. Mua sắm mọi thứ cho con đi chơi xa cùng thầy cô, bè bạn, họ cũng sắm xong. Nào ngờ, đến “phút 89”, Hường lại đổi ý cái xoẹt. Cô con gái dù sắp tốt nghiệp trung học nhưng vẫn còn mau nước mắt, giẫy nẫy, khóc tấm tức. Không những thế, vợ Hường cũng ngạc nhiên không thốt nên lời.

Nguyên cớ gì đây?

Hường bảo: “Mẹ con em biết một mà không biết mười. Báo chí vừa mới đưa tin đoạn đường đi đến nơi đó vừa xảy ra tai nạn giao thông. Ai dám bảo chuyến đi của cái Tún “an toàn trên xa lộ”? Ai dám bảo xe cộ không trục trặc dọc đường? Ai dám bảo ăn uống ở nơi đó an toàn thực phẩm. Nói cho mà biết nè, báo chí vừa đưa tin ở nhà máy nọ cả hàng trăm công nhân nhập viện vì thức ăn thiu, mốc đó. Lo xa vẫn hơn chứ?”. Nghe chồng nói một hơi như đinh đóng cột, vợ Hường cười ruồi mà rằng: “Chẳng lẽ, cái Tún ru rú ở nhà, trong khi các bạn của nó được tung tăng đây đó. Bộ anh quên câu: “Đi cho biết đó, biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”. Không cho nó đi chơi đợt này, em áy náy quá”. Nghe vợ nói đâu ra đó, có lý quá nhưng Hường “phản biện” lại phải thế nào?

À, phải nói thật, có nhiều người đàn ông cảm thấy vui vẻ, hào hứng khi hay tin vợ đi xa đâu đó một vài ngày. Thời gian đó, mình có thể “tự do” tùy thích miễn không bỏ bê việc nhà, vẫn chăm sóc con cái chu đáo. Thế nhưng với Nghĩa - cậu bạn tôi lại khác hẳn. Những lúc ấy, Nghĩa thườngtâm sự: “Trước kia, lúc chưa quen nhau, vợ tớ có yêu một người ở Hà Nội. Bây giờ, vợ tớ ra đó những tuần lễ, lại vào dịp mùa thu trăng thanh gió mát, Thủ đô phong cảnh hữu tình, biết đâu “tình xưa” có cơ hội thức dậy dù bấy lâu đã như tro tàn nguội lạnh?”. Nghe câu nói rầu rầu mà nhịp nhàng, du dương ấy khiến tôi cười toáng lên: “Thôi đi cha nội, sao không trở thành nhà thơ đi? Tưởng tượng gì mà khéo thế?”.

Ai đó đã bảo, dời núi dời non cực kỳ khó khăn nhưng thay đổi một suy nghĩ đã định hình trong đầu còn khó hơn bội phần. Với Nghĩa cũng thế. Trong những ngày vợ đi công tác, hắn ta liên tục điện thoại, nhắn tin dù “ngụy trang” dưới hỉnh thức thăm hỏi nhớ nhung, thông báo việc nhà nhưng cô vợ thừa thông minh để biết chỉ là một trò “kiểm tra từ xa”. Thử hỏi, ai lại không bực mình? Với gia đình khác, khi có người đi xa về thì trong nhà lại náo nhiệt, rôm rã chuyện trò, hỏi han tíu tít, còn với Nghĩa lạ khác. Phải mất vài ngày sau mới xóa tan đi không khí “hình sự” giữa vợ và chồng.

Vẫn biết rằng, lo lắng cho “người của mình”, tự thân của nó không có gì sai, thậm chí còn khuyến khích nữa là khác. Nhưng nếu lúc nào cũng lo mà “lo xa” quá sức ắt sự việc “nhỏ như cái móng tay” bỗng dưng trở nên to đùng đoàng như trái núi. Buồn cười thật, tự dưng lại vác “cục lo” chình ình ấy vào người. Để làm gì vậy ta? Không chỉ khổ tâm cho mình mà ngay cả người thân cũng… khổ!

L.M.Q
(nguồn: TGPN 13.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com