LÊ CUNG BẮC: SÀI GÒN - Dễ gì có thể quên...

 

SÀI GÒN - Dễ gì có thể quên...

LÊ CUNG BẮC

 

le_cung_bac_1_R

 

Dù sinh ra tại một vùng quê nghèo ở Quảng Trị, nhưng tôi đã gắn bó với Sài Gòn từ thuở bé.

Từ năm 1954, tôi học tiểu học tại trường Lê Bá Cang. Ngày đó, học chung lớp với tôi còn có con trai của ông chủ rạp chiếu bóng Việt Long trên đường Cao Thắng (nay rạp Thăng Long). Thỉnh thoảng những lúc rạp chiếu phim hay, tôi thường được con trai ông chủ rạp dẫn vào xem. Tôi nhớ mãi lúc xem phim Phật Bà Quan Âm, xem đến cảnh Thị Kính bị đánh đập, vì lòng thương cảm mà tôi khóc òa lên. Không ngờ, chính những thước phim ngày ấy đã gieo vào đầu cậu bé lên mười niềm ham thích, say mê về nghệ thuật.

Kỷ niệm tuổi thơ êm đềm của tôi còn là những ngày cuối tuần được gia đình dẫn đi chơi trong Sở Thú, Tao Đàn... Tôi còn nhớ mãi vòm cây xanh râm ran tiếng ve mùa hè. Bây giờ, dù đi nơi đâu, hễ nghe được tiếng ve, tôi lại nhớ về ngày tháng đó. Thích nhất với tôi còn là những lúc được ra bến bạch Đằng nhìn tàu bè qua lại. Nghe tiếng sóng vỗ, tiếng còi tàu là niềm vui, sự lạ lẫm của đứa nhóc sinh ra ở vùng đất miền Trung nghèo

Những tháng ngày tuổi trẻ, tôi đã viết báo, thành lập Ban kịch Thụ Nhân… rồi được bước chân chính thức vào làng nghệ thuật.

Từ những năm cuối thập niên 1960, do thời cuộc, chiến tranh nên tuổi trẻ Sài Gòn suy tư, suy nghĩ nhiều về quê hương đất nước và thân phận của mình. Nhịp sống dẫu có nhiều thay đổi nhưng tình cảm dành cho nhau vẫn vậy. Người Sài Gòn vẫn thuần hậu, mộc mạc, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ngày nọ, tôi tình cờ được gặp được ông Vũ Đức Duy - một người đang hoạt động kịch nghệ sôi nổi, có tiếng tăm trên đài truyền hình Sài Gòn. Đó chính là cơ hội giúp tôi có điều kiện gia nhập vào thoại kịch, sân khấu.

Năm 1970, tôi đã viết vở kịch Những kẻ có lòng - cũng là một cách tri ân những tấm lòng hào hiệp mà tôi đã gặp. Mà cũng nhờ những tấm lòng  đó, bốn năm sau, tôi được cử đi nghiên cứu ngành kịch nói tại Pháp và Canada.

Sau năm 1975, tôi tham gia Đoàn kịch nói Bông Hồng. Đời sống còn nhiều thiếu thốn, cũng như thế hệ tôi thuở ấy, không ít người hoang mang và có nhiều lựa chọn. Tôi vẫn ở lại. Có thời điểm gia đình bên vợ được bảo lãnh đi nước ngoài, nhưng tôi vẫn từ chối. Bởi lẽ, hơn ai hết, chính tôi ý thức rằng, không dễ gì có thể quên được Sài Gòn mà mình đã gắn bó dài lâu.

Xin nhắc lại khoảng thời gian ở Pháp và Canada, tôi đã tiếp đón đạo diễn Lê Dân từ nước nhà sang. Nhắc lại chuyện này vì sau đó, lại nẫy thêm một “cơ duyên” khác. Vào buổi chiều, tôi đang đạp xe đi ngang qua đường Bùi Thị Xuân, bỗng nghe có ai đó gọi tên. Người đó là Lê Dân, bấy giờ ông đang viết phân cảnh bộ phim Pho tượng. Lúc gặp nhau, ông cho biết rất thích xem những vở kịch do tôi thủ vai: “Sao Lê Cug Bắc không thử đóng phim?”. Từ gợi ý chân tình này, không ngờ tôi đã đóng một lèo… cả hàng trăm bộ phim.

Với tôi, đạo diễn Lê Dân là một mẫu tiêu biểu cho tính cách của người Sài Gòn: một khi đã quyết làm việc gì, không bao giờ bỏ cuộc. Bên cạnh đó, còn phải kể thêm một người khác mà tôi cũng rất kính trọng, đó là nhà văn Sơn Nam. Khi làm đạo điễn bộ phim Người đẹp Tây Đô -  bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của hãng phim TFS, tôi có mời ông cố vấn, góp ý cho vài chi tiết về Nam Bộ xưa. Người đàn ông có bề ngoài thô ráp, dân dã ấy nhưng đó là người có tâm hồn cao đẹp. Sự hiểu biết, kiến thức của ông không chê vào đâu được. Không màu mè, khách sáo, rào trước đón sau, nhà văn Sơn Nam tận tình giúp đỡ cho đoàn làm phim, không nề hà, đòi hỏi gì.

Tính cách ấy nào phải của riêng ai, tôi nghĩ đã là người sống tại Sài Gòn, dù sinh quán nơi đâu nhưng dần dần tính cách ấy cũng hình thành. Bởi lẽ, nơi này từ thổ nhưỡng, đất đai, thời tiết, kiếm sống... đều thuận lợi. Đất lành chim đậu. Mưa thuận gió hòa. Vì thế, lòng người cũng rộng mở, phóng khoáng như mưa nắng Sài Gòn. Mưa rồi nắng, chứ không dầm dề kéo dài lê thê ngày này qua ngày nọ. Dù giàu, dù nghèo nhưng ai cũng tự trọng, sống có tư cách và nhất là… ít dành dụm.

Tôi còn biết có những người lao động nghèo, lúc kiếm được tiền, dù chi xài bia bọt lai rai, xem hát, mua vé số nhưng vẫn không quên mua sách báo. Một hình ảnh trở thành ấn tượng đẹp trong tôi, từ thuở lên mười, mỗi lần đi xuống đường Catinat (nay Đồng Khởi), tôi đã thấy những người đạp xích lô lúc vắng khách nằm khễnh trên xe đọc báo say sưa.

Nói đến Sài Gòn, tôi luôn nghĩ đến cái tình người dành cho nhau. Vì cái tình, cái nghĩa mà có: “Có người mẹ Bàn cờ/ Tay gầy tóc bạc phơ/ Chuyền cơm qua vách cấm/ Khi ngoài trời đổ mưa” (thơ Nguyễn Kim Ngân). Khi làm việc với các đồng nghiệp tại Sài Gòn, tôi cũng đã được nhận những tình cảm quý báu ấy. Anh em chơi với nhau, quý nhau vì tài năng nhưng quan trọng hơn là tin nhau. Cuối năm 1992, tôi được Hãng phim Giải Phóng giao làm một số phim truyện video đầu tiên như một sự tin cậy. Sau đó, năm 1994, với bộ phim Nhịp đập trái tim, tôi đã được Hội Điện ảnh VN trao giải thưởng "Đạo diễn phim nhựa đầu tay".

Đến nay, nếu liệt kê ra các giải thưởng nghệ thuật đã nhận, có thể tôi không nhớ hết. Tuy nhiên, có một điều tôi không thể quên là tình cảm, tấm lòng của cộng sự, đồng nghiệp... Tính cách của người Sài Gòn là sự thuận lợi lớn nhất mà tôi đã cảm nhận được. Làm ra làm, chơi ra chơi. Chẳng ai thèm để bụng, có gì không ưng ý cứ nói toạt ra, không úp mở mở mở, dò xét, nghi ngờ. Anh em giận nhau, có thể ồn ào, ngậu xị nhưng sau đó, qua vài chai bia, ly rượu cởi mở tấm lòng, hiểu nhau thì mọi sự lại gắn kết hòa đồng, vui vẻ.

Ca dao Việt Nam có câu: “Đò dọc phải tránh đò ngang/ Ngụ cư phải tránh dân làng cho xa”. Ở Sài Gòn lại khác hẳn, không ai bị người bản địa nhìn nhận, đánh giá là dân “ngụ cư”. Mọi người cùng bình đẳng, không phân biệt gốc gác xuất thân miễn là “chơi được”, hợp tính, hợp tình. Có lần ông Sơn Nam bảo, dân Sài Gòn, nói rộng ra là dân Nam Bộ hầu như ít có gia đình nào giữ lại gia phả. Dân tứ xứ đến cùng đất “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, để tồn tại, họ phải chống lại nghịch cảnh, muốn thế phải đoàn kết, hợp quần nên sức mạnh, không phân biệt gốc tích của nhau là vậy.

Sau thành công của Người đẹp Tây Đô, rồi bộ phim Không thể rẽ trái được nhận Huy chương Vàng LHP Truyền hình toàn quốc năm 1996, tôi tiếp tục làm bộ phim truyền hình Dòng đời (52 tập). Dòng đời là một trong những bộ phim mà tôi tâm đắc nhất. Với bộ phim này, cho phép tôi được tái hiện lại Sài Gòn của từ trước năm 1975 đến thời gian gần đây. Không chỉ là sự tái hiện vì nghệ thuật mà còn là dịp sống lại trong tôi những kỷ niệm thời hoa niên mà mình đã trải qua, đã cảm nhận với tất cả sự thân thương, trìu mến. Bộ phim này đã mang lại 3 giải thưởng cho đạo diễn Lê Cung Bắc, quay phim Đồng Anh Quốc và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Võ Sông Hương trong cuộc bình chọn của khán giả của  HTV năm 2001. Cũng trong năm đó, tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Tôi rất thích câu “Ăn bát cơn dẻo nhở nẻo đường đi”. Sự đóng góp của người làm nghệ thuật dành cho vùng đất đã cưu mang mình, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Và tôi, với những gì đã làm được, dù lớn lao, dù nhỏ bé nhưng tôi vẫn luôn tự hào đã được cống hiến với tư cách là “người của Sài Gòn”.

Lê Văn Nghệ (ghi)
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HM 10.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com