PHAN HOÀNG: Sài Gòn - Đất học, sáng tạo và cống hiến

PH-LMQ_truoc_2000

Ảnh: Từ trái sang: Phan Hoàng, Lê Minh Quốc, Phùng Quý Nhâm, Hàn Tấn Quang năm 2000

 

Sài Gòn - Đất học, sáng tạo và cống hiến

PHAN HOÀNG
(Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM)

 

Gần tròn 30 năm trở thành người Sài Gòn, có một điều mà tôi lấy làm lạ là không hiểu vì sao thành phố này gần như là địa phương duy nhất trên cả nước thu hút cư dân hầu khắp các tỉnh thành về đây sinh sống, lập nghiệp. Càng về sau người về càng đông. Không chỉ từ những vùng nghèo khó mà ngay cả Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… là những đô thị lớn và phát triển nhưng cũng có nhiều người rời quê “bay” vào “đậu” ở thành phố phương Nam.

 

Đất học cho dân tỉnh lẻ

Nhiều nhà nghiên cứu đã lý giải sức thu hút kỳ lạ của Sài Gòn - TP.HCM, nhưng tôi cảm thấy vẫn chưa thoả mãn, như chính sự hấp dẫn của thành phố này chưa bao giờ ngừng quyến rũ đối với tôi. Quyến rũ như nàng tiên trong giấc mơ cậu bé. Quyến rũ như hoàng tử trong mộng cô gái tuổi dậy thì. Và đó là một bí ẩn thú vị mà chỉ có bản thân mỗi người Sài Gòn sinh trưởng ở đây hoặc nơi khác đến, tự khám phá, tìm lời giải ngay chính cuộc sống bộn bề của mình tại thành phố này.

Thời giao thông còn khó khăn, đối với người dân miền Trung nắng gió, nhất là ở những vùng quê hẻo lánh, Sài Gòn - TP.TP.HCM là chốn phồn hoa cao xa vời vợi. Dân miền Trung vốn nổi tiếng chịu khó và hiếu học, tôi lại là học sinh lớp chuyên văn toàn tỉnh, vậy mà khi nghe tôi muốn nộp đơn thi vào Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.TP.HCM, từ gia đình đến thầy cô giáo đều khuyên không nên. Vì sao? Cô giáo dạy văn bảo rằng tôi khó có thể “đấu” lại dân Sài Gòn! Họ có nhiều điều kiện học tập, thí sinh tỉnh xa khó mà chen chân!

Tôi nghe người lớn khuyên giải cũng e ngại nhưng vẫn… liều nộp hồ sơ thi. Tôi thủ thỉ với má rằng: “Má cho con đi thi, đậu thì con học, không đậu cũng một lần được biết Sài Gòn, về con đi làm dành dụm trả tiền lại cho má”. Má tôi cười: “Đời má không được học nhiều. Nhà mình không giàu nhưng cũng đủ tiền cho con đi Sài Gòn. Con khỏi phải lo. Nhưng đã thi thì phải đậu”! Tôi không dám hứa với má, mà chỉ lao vào học ngày học đêm và… đậu thật.

Cả tỉnh Phú Khánh năm ấy chỉ mình tôi đậu Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.TP.HCM. Nhiều bạn khác có thể học còn giỏi hơn tôi nhưng ngại không “đấu” nổi dân Sài Gòn nên thi vào các trường đại học “nhẹ ký” hơn ở Đà Lạt, Quy Nhơn, Huế. Lớp tôi khoảng 45 sinh viên có hộ khẩu từ Bắc chí Nam, riêng dân gốc Sài Gòn chưa tới 10 bạn. Điều đó cho tôi sự trải nghiệm đầu tiên: người Sài Gòn “chính hiệu” có nhiều điều kiện nhưng không phải ai cũng học giỏi và thành phố này vẫn có “đất học” dành cho dân tỉnh lẻ như tôi.

 

Đất yêu, đất sống

Hai năm đầu chúng tôi học ở Thủ Đức. Thời ấy sinh viên được Nhà nước nuôi “trọn gói”, từ chuyện ăn ở đến học hành. Vì ở xa trung tâm, ít có phương tiện đi lại, nên sinh viên chủ yếu quẩn quanh trong ký túc xá hoặc dắt díu nhau xuống cái hồ hoang sơ khá rộng mà chúng tôi quen gọi là “hồ than thở”. Nhiều mối tình sinh viên đã nảy nở từ cái hồ này. Tôi cũng có những chuyện tình lãng đãng với các “nàng triết”, “nàng mỹ thuật”, tất nhiên không thiếu “nàng thơ” nhờ những hoàng hôn cùng bạn bè dạo quanh hồ. Với chúng tôi, Thủ Đức - nơi “nương thân” đầu tiên này ở Sài Gòn đã trở thành “đất yêu” đầy kỷ niệm đẹp của một thời mơ mộng.

Trong hoàn cảnh đất nước rất khó khăn vào thập niên 1980, dù được Nhà nước bao cấp, gia đình hỗ trợ, nhưng đời sống sinh viên vẫn rất thiếu thốn. Cơm hẩm xen cát sạn với “nước chấm đại dương, canh toàn quốc”. Ăn đói phải mua thêm khoai mì ngoài hàng quán. Hết tiền, thay nhau ký nợ. Ai chưa ký nợ chưa phải sinh viên. Có bạn ký nợ nhiều quá đến nỗi chủ quán không cho ký nữa. Có bạn rụt rè xin ký nợ, chủ quán nhìn mặt “nghi gian” bảo: Mặt mũi lem nhem, miệng mồm lép nhép, đầu đuôi có một khúc, làm gì có tiền trả mà… ký! Đúng là “Ăn như tu/ Ở như tù/ Chữ ký đẹp bởi nhiều lần ký nợ” - thơ của cựu sinh viên khoa văn Lê Minh Quốc để lại mà ai cũng thuộc, khi năm anh ấy ra trường thì chúng tôi nhập học.

Ban ngày học hoặc đi thư viện. Chiều về đá bóng, đánh bóng chuyền, chơi bóng bàn, cầu lông. Buổi tôi chụm lại xem tivi ở bãi cỏ trước nhà ăn. Cả ký túc xá Thủ Đức rộng lớn, gồm sinh viên bốn trường, nhưng chỉ có một chiếc tivi trắng đen. Hết chương trình tivi thì tủa ra rủ nhau ngồi quán hay quay về phòng đọc sách, sáng tác. Bấy giờ cả lớp tôi đều làm thơ viết văn. Ở nhà ăn ký túc xá có một bảng tin chuyên dán bài viết của sinh viên. Tôi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác nên có trách nhiệm hàng ngày dán báo cho sinh viên đọc và chọn thơ văn dán lên bảng tin hàng tuần. Không có nhuận bút nhưng các bạn rất hăng say sáng tác. Niềm say mê của sinh viên ngữ văn lan sang các khoa khác, trường khác. Nhiều bạn sinh viên nông lâm, sư phạm kỹ thuật cũng viết khá hay.

Dù say mê viết, nhưng bấy giờ có một câu hỏi luôn ám ảnh chúng tôi: học tổng hợp Văn ra trường làm gì? Không học chuyên môn sư phạm nên không thể dạy học. Làm công tác nghiên cứu văn học thì chẳng có mấy cơ quan để xin việc. Ngay cả đi làm báo thì lúc ấy chúng tôi cũng không được học về nghiệp vụ báo chí. Vậy học tổng hợp văn sẽ làm gì?

Chưa biết học rồi sẽ làm gì nhưng chúng tôi vẫn say mê học, đọc và viết. Chính từ những sáng tác đầu tay ở ký túc xá, tôi cùng một số bạn bắt đầu thử gửi các báo trong thành phố và thi thoảng được đăng. Mỗi lần bài đăng, đi lãnh nhuận bút về thì vui như hội. Có khi khao nhuận bút thâm thêm tiền túi. Từ năm sinh viên thứ ba trở đi, tôi đã có thể tự sống bằng nhuận bút, ít xin tiền gia đình.

 

Thành phố tiềm ẩn nhiều nhân vật tài năng

Khi đi làm báo, viết chủ yếu chuyên mục “Mỗi kỳ một nhân vật” trên Kiến Thức Ngày Nay, thường xuyên đi phỏng vấn, tôi phát hiện ở thành phố này có nhiều nhân vật tài năng và độc đáo. Có những người sinh trưởng ở Sài Gòn hoặc từ nơi khác đến, làm nên một sự nghiệp đáng tự hào, cuối đời vẫn gắn bó với đất này.

Nhân vật đầu tiên phải kể đến là danh tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, một chiến binh tài ba và nho nhã, nếu không có chiến tranh thì ông có thể trở thành một nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh hay sử học. Một danh tướng khác là Tô Ký, biểu tượng kiên trung và nghĩa hiệp của Mười tám thôn vườn trầu. Và nhiều chiến tướng đáng quý khác sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử đã lui về ở ẩn tại thành phố này như Trần Nam Trung, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Xuyến, Nguyễn Minh Châu, Lê Văn Tưởng, Trần Văn Danh, Bùi Cát Vũ, Lê Văn Tri, Dương Cự Tẩm…

Tôi cũng rất ấn tượng với những nhà giáo, nhà khoa học. Một con người tài hoa lận đận là Cao Xuân Hạo đã rời Hà Nội vào đây tiếp tục sự nghiệp dạy học, nghiên cứu và dịch thuật, trở thành một nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới. Một bác sĩ anh hùng Nguyễn Văn Hưởng vẫn say mê nghiên cứu Đông y chữa bệnh cứu người cho đến giây phút cuối cùng ở tuổi cửu tuần. Một “ông phật làm vũ khí” Trần Đại Nghĩa trí tuệ hơn người trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn canh cánh những nỗi niềm với đất nước. Và những trí thức của Sài Gòn trước năm 1975 vẫn tiếp tục ở lại cống hiến về giáo dục và khoa học như Nguyễn Chung Tú, Ngô Gia Hy, Nguyễn Tri Tài, Nguyễn Chấn Hùng, Nguyễn Khuê, Nguyễn Đức Dụ, Nguyễn Quảng Tuân, Trần Phò… Đặc biệt, thành phố này còn tiềm ẩn những con người không có học hàm học vị nhưng say mê làm việc và có những cống hiến đáng nể mà học giả An Chi là điển hình tiêu biểu.

Nhờ những cuộc tiếp xúc với họ mà tôi đã thực hiện bộ sách Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam được bạn đọc đón nhận.

Có thể nói, đông đảo nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ nhiều thế hệ khác nhau hội tụ về thành phố sinh sống và tiếp tục sáng tác, để lại nhiều dấu ấn. Có người gốc Sài Gòn và Nam bộ, từ chiến khu hay tập kết ở miền Bắc trở về như Diệp Minh Châu, Nguyễn Sáng, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Viễn Phương, Trần Bạch Đằng, Bảo Định Giang, Lý Văn Sâm, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Mai Văn Tạo, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Nam, Diệp Minh Tuyền,… Có người từ miền Trung, miền Bắc vào thành phố sau ngày đất nước thống nhất như Chế Lan Viên, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Thương,… Và nhiều người từng gắn bó với Sài Gòn trước năm 1975 như Nguyễn Hiến Lê, Vũ Bằng, Vũ Hạnh, Thẩm Thệ Hà, Bùi Giáng, Ngọc Linh, Kiên Giang, Nguyên Hùng, Lê Thương, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Phạm Cung, Huỳnh Bá Thành, Choé…

Tôi đã may mắn gặp gỡ phỏng vấn nhiều người trong số họ, viết nên các bộ sách Phỏng vấn Người Sài Gòn, Dạ thưa thầy và mới nhất là Sài Gòn đất lành chim đậu ấn hành đầu năm 2016. Có thể nói đất và người Sài Gòn luôn tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ, nhiều “quái kiệt” tài năng, đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho tôi trên trang báo lẫn thi ca. Không chỉ là quê hương thứ hai cưu mang, nâng cánh cho mình mà tôi yêu thành phố này còn vì những con người tài năng, hào hiệp, nghĩa tình mà thế hệ nào cũng nổi lên những hình ảnh đáng trân trọng.

Và cũng xin nói thật rằng, với Sài Gòn - vùng đất không phân biệt gốc tích xuất thân, nếu chịu khó làm việc, sống nghĩa tình với nhau thì ai ai cũng  có thể làm tốt công việc mà mình yêu thích. Và tôi, một trong số người đó. Xin được tri ân Sài Gòn -TP.HCM.

P.H

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 8.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com