ĐOÀN TUẤN: Sài Gòn - một phần đời trong ký ức tươi đẹp…

 

motpyhandoitrog-ju-uc-tuoi-dep-1-R

 

ĐOÀN TUẤN: Sài Gòn - một phần đời trong ký ức tươi đẹp…

Nhà Biên kịch Đoàn Tuấn


Đối với tôi, Sài Gòn - TP.HCM là một địa danh vừa xa xôi, vừa gần gũi. Xa xôi vì tôi lớn lên giữa những tháng năm đất nước còn bị chia cắt hai miền. Hàng ngày tại Hà Nội, đọc báo, nghe đài, thấy âm vang hai tiếng “Sài Gòn” mà lòng tự hỏi, không biết bao giờ đất nước thống nhất, mình mới đến được đó? Ngày còn đi học, đọc tập thơ Hoa dừa của Lê Anh Xuân, tôi thích nhất tứ thơ từ vùng ven nhìn về Sài Gòn: “Cái vầng sáng bồn chồn  thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về’’.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, từ những ngày ấy, Sài Gòn đã rất gần gũi. Bởi ngay trong nhà tôi, bố tôi vẫn giữ giọng Sài Gòn. Ông quê ở Hà Nam. Nhưng thời tuổi trẻ, năm 1946, ông đã đi đã theo lời kêu gọi của Tướng Giáp, vào Sài Gòn theo đoàn quân Nam tiến, hoạt động trong đơn vị của ông Huỳnh Văn Nghệ. Rồi năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Giọng nói của bố tôi, nhiều lúc vẫn pha chút âm sắc của con người vùng đất phương Nam chói chang nắng ấm.

Trong những câu chuyện kể cho đàn con, bố tôi vẫn thường bắt đầu bằng câu: “Dạo ở Sài Gòn…”. Nhớ nhất là lúc ông kể tên một loạt trái cây như vú sữa, măng cụt, sầu riêng… khiến chúng tôi vừa thèm thuồng, vừa ngỡ ngàng. Khi bố tôi già, những ngày Hà Nội giá lạnh, ông thường kêu đau khớp, đau xương. Nhưng nếu được trốn lạnh ấy, vào Sài Gòn thì bệnh của ông lui hẳn. Các cụ già sống thêm được nhiều năm nữa. Thời tiết Sài Gòn cũng ân tình với người có tuổi.

Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với Sài Gòn là sách. Tôi có cảm tưởng như lạc vào một đất nước khác nhưng ở đó người dân nói bằng tiếng Việt. Mặc dù ở Hà Nội, tôi cũng có rất nhiều sách. Nhưng khi vào Sài Gòn, tôi kinh ngạc, choáng ngợp trước rừng sách nơi này. Bìa cũng trình bày khác. Hiện đại hơn. Đa dạng hơn. Giấy cũng khác. Một mầu vàng dễ chịu. Lại còn bao tên nhà xuất bản khác, nghe như tiếng vọng tự lòng mình. Nào là Đồng Dao, nào là An Tiêm, nào là Lá Bối v.v… Rừng sách ấy đã khiến tôi ngạc nhiên về người Sài Gòn. Họ đọc nhiều, chịu khó tiếp cận văn hóa từ nhiều nguồn thông tin. Trước kia, cứ tưởng người Sài Gòn khoái “ăn nhậu xả láng sáng về sớm”, có vào Sài Gòn mới thấy câu nói ấy tầm xàm, không đúng đâu.

Và những tên sách, nhất là những tác phẩm văn học và triết học dịch của phương Tây, đối với một chàng trai đang học trung học phổ thông như tôi - đó chính là những chân trời mới lạ và có sức hút thật mãnh liệt. Những bộ tạp chí giá trị như Văn, Bách khoa, Phổ thông… tôi cất giữ trong nhà như báu vật. Lại còn những bộ “truyện chưởng” nữa, thời đó ở Hà Nội có bói mỏi mắt cũng không thể tìm thấy. Loại truyện này, tôi làm quà cho bọn bạn trong lớp để nhờ chúng nó soạn bài giúp mới cho mượn. Người ta bảo, sau 1975, “người miền Nam nhận họ, người miền Bắc nhận hàng’’. Dù “họ” hay “hàng” thì sau này cũng đều có lắm chuyện nảy sinh, song những cuốn sách mãi mãi vẫn là những người thật tốt, thật uyên thâm, càng ngày càng giá trị.

Những năm tháng xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi đã có dịp trò chuyện gặp gỡ với người Sài Gòn rồi. Trong một đêm hành quân, tôi gặp đơn vị TNXP. Họ tải thương, gùi đạn trong đêm mưa, đầy nhẫn nại mà không thở than một lời. Sao con gái Sài Gòn lại có mặt ở nơi ác liệt này? Một cô gái ghi cho tôi địa chỉ. Bỏ trong ba lô. Rồi những cơn lốc cuộc chiến cuốn đi. Tờ giấy nhỏ không nhớ đã nhòe trong cơn mưa nào. Tôi chỉ nhớ cô ấy tên Huyền. Nhà ở quận 3. Không biết cô có còn sống sót để trở lại Sài Gòn được không? Trong tập bút ký văn học Những người không gặp lại nữa (NXB Trẻ) - một trong những chương ngậm ngùi nhất là lúc tôi viết lại kỷ niệm ở chiến trường đã gặp các nữ TNXP của Sài Gòn. Gặp thời trai trẻ và không gặp nữa. Họ đã ngã xuống tại chiến trường vì Tổ Quốc. Những con người bình dị ấy, đến nay vẫn còn là sự ám ảnh trong tôi - ký ức của thế hệ “một thời đi giữ nước”. Làm sao có thể quên?

Rồi một lần khác, từ chiến trường K, tôi may mắn được ngồi trực thăng áp tải thương binh, liệt sĩ từ Prech Via-hia về Sài Gòn. Ngày ấy, được ở lại Sài Gòn đúng một đêm. Chẳng có xu nào. Từ Quân y viện, tôi bước ra ngoài đường.  Đường phố những năm đầu thập kỷ 80 còn ít đèn đường. Đang đứng xớ rớ, lạ lẫm, bỗng đâu một bà má thương tình mời vào quán uống nước rau má. Tôi từ chối: “Dạ, con vừa uống xong”. Nào ngờ, bà má nói luôn: “Nhìn mặt, biết con mới từ bên K về, chưa kịp nhận lương đâu. Má đãi. Con của má cũng đang ở bên đó”. Tôi nhớ mãi trong âm điệu ấy còn có tiếng thở dài nhè nhẹ… Rồi sáng sớm hôm sau, tôi phải lên trực thăng, trở lại chiến trường K. Hơn mười năm sau, trở lại tìm, vật đổi sao dời. Nhưng xe nước rau má năm xưa vẫn không bao giờ đi khỏi tâm trí tôi.

Sau khi học về điện ảnh ở Nga, loanh quanh thế nào, tôi vẫn dính đến nghề báo. Người Sài Gòn đầu tiên dạy cho tôi nghề báo thật đúng nghĩa là nhà báo Lâm Quốc Trung, nay đã mất. Ngày đó, anh bảo tôi: “Ông mới chỉ viết báo chứ chưa làm báo”. Tôi ngớ người. Rồi anh dạy tôi từ cách trình bày, cách biên tập, cách đi nhà in, cách tính tiền giấy, tiền công in, tiền quảng cao, tiền đại lý, tiền bán báo v.v… Hóa ra làm báo là phải tính trăm thứ bà rằn như vậy. Chứ đâu như mình. Chỉ viết bài, đưa ban biên tập, in hay không in cũng chẳng sao. Nhờ bài dạy của người Sài Gòn ngày ấy mà tôi đã tự tin bước  chân vào làng báo cho đến nay.

Tôi nhớ mãi câu anh nói: “Tôi ở Sài Gòn 50 năm, nhưng chưa bao giờ kiếm tiền dễ”. Tôi biết, kiếm tiền, đối với anh, là phải nuôi được cả gia đình. Nghĩa là phải giúp được những người thân còn ở dưới quê, là phải lo gây dựng được cơ ngơi cho mỗi thành viên trong gia đình. Anh có cách giáo dục con thật hiệu quả. Anh bày việc ra nhà, làm từ sáng sớm đến tận khuya. Anh nói: “Mình làm việc thế này, để những đứa con, chúng đi qua lại, thấu hiểu dần. Tự chúng sẽ biết suy nghĩ”.

Tính cách giáo dục con cái của người Sài Gòn đấy chăng? Sở dĩ đặt câu hỏi ấy vì sau này, m trong những điều khiến tôi nhớ mãi là các bạn sinh viên học lớp tại chức ngành điện ảnh mà tôi đã giảng dạy. Các sinh viên ấy đã có tuổi, có nghề, nhưng vẫn ham học và đối xử với thầy cô thật chân tình. Các thầy giáo cũ của tôi dạy ở Đại học KHXH và NV Hà Nội cũng chia sẻ nhận xét và đồng tình với tôi: “Càng đi về phương Nam, sinh viên càng lễ phép”. Nề nếp ấy có phải do giáo dục từ gia đình của họ mà có, hay còn do lý do gì nữa? Là một người sinh ra tại Hà Nội, tôi luôn suy nghĩ về điều tưởng chừng như rất đơn giản ấy.

Tôi cũng có một người anh nữa. Anh Nông Hải Sơn. Anh thuê khu vườn của Tạp chí Điện Ảnh bán cà phê. Anh thuộc diện được đi Mỹ theo diện HO. Nhưng anh yêu Sài Gòn, không đi. Một dạo, nhiều quán cà phê của tập đoàn nước ngoài mở đầy Sài Gòn. Tôi hỏi, anh không lo lắng, không sợ bị cạnh tranh sao? Anh trả lời: “Quán cà phê thì ai cũng có thể mở được, nhưng không phải ai cũng bán được cà phê”. Đúng thật. Tôi thấy quán cà phê của anh có một chàng trai chuyên “chăm sóc”… nhạc. Nói vắt tắt là quán của anh chọn ca khúc, giai điệu tùy thuộc vào thời gian và tâm trạng người đến quán. Và khi quán đóng cửa, anh Sơn lại quét dọn quán sạch sẽ. Tự tay anh thắp hương, khấn vái khắp bốn phương tám hướng.

Tôi hiểu, anh chăm sóc cái quán như cơ nghiệp của mình. Đấy là cách kinh doanh của người Sài Gòn. Làm mọi chuyện xong đâu đấy, anh mới sang chỗ tôi, trò chuyện. Tôi là một người lính miền Bắc. Còn anh, một người lính thuộc “chế độ cũ”. Nhưng chúng tôi thân thiết như anh em một nhà. Ngày anh mất, tôi cùng anh Đinh Trọng Tuấn, Tổng Biên tập tạp chí Thế giới Điện ảnh, bay từ Hà Nội và Sài Gòn, đưa tiễn anh.

Ôi, Sài Gòn, còn bao câu chuyện khác. Có thể nói, trời đất ưu đãi người Việt, tặng cho một vùng đất trù phú đầy nghĩa tình. Và tôi, đã đến nơi ấy, Sài Gòn để rồi địa danh ấy đã trở thành một phần hồn, một phần đời trong ký ức tươi đẹp khó quên.

Đ.T
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM 15.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com