NGUYỄN VĂN MỸ: SÀI GÒN - NHƯ NGƯỜI THÂN YÊU NHẤT

 

nguyen-vanmy-sai-gon-11RR

 SÀI GÒN - NHƯ NGƯỜI THÂN YÊU NHẤT

Nguyễn Văn Mỹ
(Công ty Lửa Việt Tours)

Bạn bè hỏi quê quán, tôi thường bảo: “Quê gốc Nghệ An, quê sinh Quảng Trị, quê sống Bình Thuận, quê lập nghiệp Sài Gòn”. Nếu nước Mỹ là Hợp chủng quốc của thế giới thì Sài Gòn là “Hợp chủng tỉnh” của Việt Nam. Là vùng đất mới (năm 1698), Sài Gòn là “đất lành” của dân nhập cư tứ xứ.

Thủa bé, tôi chỉ biết Sài Gòn qua lời kể của người lớn. Mỗi lần có người Sài Gòn về là có quà, khoái nhất là món “Bánh mì Sài Gòn”, thơm ngon đặc biệt, vừa rẻ vừa quí. Để lâu, nướng lại vẫn dòn thơm. Tôi vào Sài Gòn lần đầu (1971) mới biết Sài Gòn có Sở Thú to đùng, nhà cửa phố xá nhộn nhịp, gấp mấy lần tỉnh lẻ. Hè 1974, sau khi tốt nghiệp Tú Tài IBM (thi trắc nghiệm), tôi vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhớ mãi lần đi tìm chọn trường, tự dưng chột bụng. Bí qua, mua vé vào rạp Rex xem phim để "giải quyết". Lần đầu thấy bồn cầu trắng tinh, sạch sẽ, tôi phát hoảng.

Tôi chọn Luật Khoa vì có thể vừa học, vừa làm; vừa nuôi ước mơ “bênh vực người nghèo, thấp cổ bé miệng”.  Sài Gòn lúc nào cũng là nơi dễ kiếm sống nhất. Chỉ cần chút lanh lợi, chịu khó, không sĩ diện ảo là có tiền để sống và thực hiện ước mơ. Tôi mang gạo từ quê vào và làm thêm đủ thứ, ai nhờ gì làm nấy. Từ ôsin trong nhà trọ, dạy kèm hàng xóm, bán báo đến thồ đường táng từ Lái Thiêu ra chợ bỏ mối… Vùng đất này không phân biệt quê quán, thành phần tuổi tác, chỉ cần chịu khó. Chẳng sợ không có việc, chỉ sợ không chịu làm. Từ phát tờ rơi, phụ bán hàng, khuân vác, chạy xe ôm, cho đến buôn bán lặt vặt kiểu truyền thống lẫn online, ai cũng có thể sống “ngon lành”.

Sài Gòn thời đó, chúng tôi đến trường học như bước vào thánh đường. Cả thầy và trò đều ăn mặc lịch sự, xe không cần gởi, túi xách và nón có thể treo trước giỏ xe… Có buổi cả ngàn sinh viên học chung giảng đường nhưng không hề chen lấn. Mấy “Việt cộng nằm vùng”  trong sinh viên toàn “đẹp trai, xinh gái”, học giỏi, ăn nói hoạt bát rủ rê. Ban đầu là học nhóm, sau bàn chuyện thời sự; tham gia cứu trợ hỏa hoạn, bão lụt và giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, đòi hòa bình. Tôi trở thành Việt cộng lúc nào không hay. Sinh viên các tỉnh thời đó, nhờ những quán cơm xã hội nên tôi và nhiều bạn bè qua cơn đói ngặt.

Từ một thanh niên mặc cảm, nhút nhát (hồi nhỏ còn nói cà lăm) vào Sài Gòn, 10 năm sau, tôi trở thành một cán bộ Đoàn tự tin, năng động. Tôi đã đi khắp tất cả các phường xã trong thành phố, chủ yếu là xe đạp (mấy xã ở Cần Giờ phải đi ghe); cùng ăn ở và làm việc với cán bộ cơ sở và cả với dân. Từ các chuyến đi thực tế, tập tành viết tin bài cho báo đài. Nhớ những lần đi công tác từ ấp này qua ấp khác về khuya. Đi đến đâu cũng gặp sự thân tình, thân thiết đầy tình người, dù lạ, nhưng đôi ba lần gặp gỡ đã xem như người nhà. Có lần, biết tôi đói, sẵn cơm nguội, mấy má ở Vĩnh Lộc (Bình Chánh), ra lu bắt con cá lóc cá rô nướng trui, dằm nước mắm ớt. Ngon không thể tả. Biết bao nhiêu là kỷ niệm. Lúc thì xe bể bánh, túi rỗng, bác sửa xe vá dùm miễn phí. Có nhiều người cho quá giang xe những lúc đi công tác về trễ xe buýt. Khi ốm đau, mấy má và cả các em thiếu nhi chăm sóc cho tôi như người thân.

Người Sài Gòn bộc trực, thương ghét rạch ròi. Thương thì thương chết bỏ. Ghét nhất là sự dối trá và nịnh bợ, gặp nhau, mặt không thèm nhìn. Dân Sài Gòn phóng khoáng, gặp bữa là chung mâm thân thiện, không mời lơi, đẩy đưa, mời có lệ. Đám ma, đám giỗ càng đông càng vui, dù là chưa quen biết, hễ có khách là niềm nở tiếp đón. Hỏi thăm để biết cách xưng hô, không có khái niệm chủ - khách. Người Sài Gòn nghĩa tình, giúp ai cũng hết lòng. Họ xem đó là cách trả ơn đời vì ai cũng từng được người khác giúp đỡ. Phải chăng nhờ vậy mà Sài Gòn bao giờ cũng tấp nập dân nhập cư, dù lắm kẻ từng bôn ba khắp chốn, gần cuối đời mới lạc nghiệp ở Sài Gòn.

Do sống ân tình, có trước có sau nên Sài Gòn-TP.HCM luôn tiên phong trong nhiều hoạt động. Người lớn thì có “Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo”; các phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương”. Rồi các “Quán cơm nụ cười”, “Quán cơm 2.000 đồng”, “Thùng trà đá miễn phí’, “Gạo, bánh mì miễn phí, “Quần áo 2.000 đồng”… Trẻ em thì có “Về với cội nguồn dân tộc”, “Kế hoạch nhỏ”, ”Giúp bạn vùng biên giới”, “Giúp bạn vượt khó”… Với tôi, đây vùng đất lành cho những ai kiên gan, bền chí, dám  thể hiện khát vọng vươn lên để khởi nghiệp. Tôi vẫn là dân Hai Lúa nhưng là Hai Lúa Sài Gòn - như một ISO đầy tự hào.

Gần nửa thế kỷ làm dân Sài Gòn, tôi hiểu và càng yêu thêm muôn mặt cuộc sống thành phố. Cái gì cũng “hết mình”. Từ ăn chơi đến làm việc. Từ học hành đến giải trí. Từ kinh doanh đến từ thiện. Thương ghét tột cùng nhưng dễ tha thứ và bao dung đến kinh ngạc. Giận thì mắng rồi thôi chứ không để bụng hay buồn bực vì “Buồn thì hại thận, giận thì hại gan. Cười nói lạc quan, sống lâu mạnh khỏe”… Qua những năm tháng đã sống, tôi nhận ra người Sài Gòn phóng khoáng, bộc trực và hào hiệp là “thương hiệu” nổi bật. Không chỉ trong hành vi giúp đỡ những mảnh đời cơ cực mà hào hiệp cả trong đối nhân xử thế và dùng người. Nhiều người không sống nổi ở quê, bị phân biệt đối xử nhưng Sài Gòn đều mở rộng vòng tay cưu mang đón nhận.

Năm 1999, tôi thành lập công ty Dã ngoại Lửa Việt một phần vì biết vùng đất này luôn đi đầu, ủng hộ cái mới. Là công ty do mình sáng lập và làm chủ nên không bị gò bó, tha hồ mà sáng tạo. Mình làm mình chịu, không đổ “tại” và “bị”. Nghĩ là mần liền như tính cách mà tôi đã học của người Sài Gòn. Từng được vùng đất này cưu mang lúc khó khăn, tôi như người mắc nợ, dù không ai nhắc nên tôi luôn cố gắng làm những việc có ích cho cộng đồng.

Do đó, thương hiệu Lửa Việt gắn liền với các hoạt động xã hội hoặc hướng về cộng đồng. Tôi xem đó là niềm vui và là hạnh phúc. Nhiều bạn bè bảo “Nếu bớt làm từ thiện, anh sẽ giàu hơn”. Tôi bảo tôi đang là người giàu có, cả nghĩa tình lẫn kiến thức thực tiễn và được quí mến. Tôi đi dạy và viết lách thêm cũng không ngoài mục đích đó. Cần mẫn như con tằm nhả tơ, cho đến lúc không còn tơ để nhả. Tôi nhận ra là mình trở nên tốt hơn sau những hoạt động xã hội, cái mình nhận lớn gấp nhiều lần thứ mình cho.

Tôi đã nhiều nơi, nhiều chốn, mỗi nơi đều có cái hay, cái đẹp riêng nhưng với tôi, không đâu như Sài Gòn. Sài Gòn có lúc cũng làm ta bực mình, chán nản, thậm chí làm ta tổn thương nhưng vượt lên tất cả làm tấm lòng bao dung, chân thực. Cũng giống như những người thân yêu nhất của mình, có khi làm ta khó chịu nhưng luôn mong muốn ta thành đạt, hạnh phúc. Sài Gòn cũng vậy.

Với tôi, đó là thành phố đáng sống nhất trên đời này. Cho tới lúc chết ở đây, tôi sẽ làm hết sức mình vì nó, từ những việc nhỏ nhất. Bởi nếu không có Sài Gòn, tôi không thể là tôi như bây giờ.

Xin ngàn lần cám ơn Sài Gòn - TP.HCM đáng yêu.

N.V.M
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM 17.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com