LÊ VĂN NGHĨA: Sài Gòn - Có trong tôi như một mạch sống ngầm

1-196LEVAN-NGHIA_1R

Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA

Sài Gòn của tôi là Con đường nhỏ Phạm Văn Chí. Là Trường Tiểu học Bình Tây (nay là trường Nguyễn Huệ). Là bến Bình Đông với những cái ‘chành’ (kho)  chứa gạo thương hồ đầy mồ hôi  những người làm nghề vác gạo. Đi ngang đó, bây giờ là đại lộ Đông Tây. Một khoảng không gian rộng lớn của hiện nay như khoảng trống lớn của ký ức khi tôi bồi hồi nhớ lại những căn nhà của người Hoa nhưng có kiến trúc theo kiểu Pháp. Những ngôi nhà có kiến trúc dạng nầy nầy còn xót lại một vài căn ở đường Gò công, Trần Bình, Bãi Sậy.

Tuổi thơ của tôi trôi theo những rạp hát nhỏ như  rạp Vĩnh Khánh cũ kỹ  khu Cầu Bót, rạp Tân Lạc, Tân Bình. Khu thị tứ Sài gòn với những chiếc xe hơi Renault, De chauveaux…những cao ốc, những anh, những chị ăn mặc  xinh đẹp vô cùng xa lạ với thằng nhỏ xóm nghèo. Họa hoằn lắm, tôi mới được theo má đi xem cải lương ở rạp Quốc Thanh, Hưng Đạo.  Sài gòn lúc ấy thật hào nhoáng, như là một thế giới khác bước ra từ trong cổ tích.

Khoảng năm 64, khi tôi được 11 tuổi , ba tôi, một viên cảnh sát quèn, được nhận nhiệm vụ gác trước cửa ngân hàng BFC trong thương xá TAX, tôi mới biết được thế nào là thế giới của ‘văn minh’. Thi thoảng, tôi được ba tôi chở ra thương xa Tax để nhìn người đi qua, đi lại trong ánh điện sáng choang, trong mùi dầu thơm sực nức. Những của hàng bán băng,  dĩa hát có giọng ca Bạch Yến, Tini Young, hàng hóa, quần áo , nước hoa sang trọng. Những quán ăn hột gà lộn 11 ngày, la de 33 sủi bọt …đập vào mắt, mùi thơm của thức ăn ngào ngạt xộc vào mũi tôi đầy nghiêng ngữa và thèm muốn.

Nhiều lúc chán khi phải đi qua, đi lại trong khu thương xá ánh đèn rực rỡ ban ngày tôi đi bộ lon ton, vuợt qua con đường Nguyễn Huệ đầy những ki-ốt bán hoa, bán báo đi dọc theo con đường Lê Lợi hướng về Nhà hát lớn. Thi thoảng, tại đây có những buổi triển lãm tranh của các họa sĩ với những bức tranh treo đầy trên tường. Chẳng có người xem tranh nào nhỏ bằng tôi. Và có lẽ cũng chẳng ai để ý vì tưởng tôi là con, em của một khách xem tranh nào đó. Thằng nhỏ tha hồ thơ thẩn nhìn những bức tranh loáng thoáng, mơ hồ về màu sắc, mù tịt về đường nét; tự hỏi tại sao người ta không vẽ tranh theo kiểu của những họa sĩ Lê Trung, Lê Minh, Hoàng Lương với những thiếu nữ mặc áo bà ba, gương mặt bầu bĩnh trong các  bức tranh tứ bình về những câu chuyện cổ tích Trầu Cau, Lưu Bình, Dương Lễ  hay những bức tranh trên bìa các tờ báo xuân Sài gòn mới, Tiếng Chuông, Đuốc Nhà Nam…mà ba tôi hay mua. Tôi được vỡ lòng về nghệ thuật hội họa từ lúc đó để lớn lên tôi mới biết mình đã gặp họa sĩ tài danh Văn Đen hay các họa sĩ Nguyễn Trung, Trịnh Thanh Tùng, Nghiêu Đề , Hiếu Đệ… từ thời các ông còn trẻ. Hạnh phúc thay những gương mặt đã đi qua trong đời mình từ sự hồi tưởng.

Lớn lên một chút, và thời may, tôi thi đậu vào đệ thất trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, tôi mới dần dần được bước chân vào ‘lãnh địa’ Sài gòn và bắt đầu bước chân rong chơi như thơ Bùi Giáng “Sài gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”. Tôi đi lên, đi xuống Sàì gòn-Chợ Lớn bằng con đường Trần Hưng Đạo và Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B). Từ đầu bến xe buýt Sài Gòn, ngay nhà ga xe lửa, tôi đạp xe một mạch đến đường Học lạc, tận cùng của đường Đồng Khánh nơi có nhà thờ nổi tiếng về lịch sử tôn giáo, kiến trúc cũng như lịch sử chính trị: nơi ẩn náu của Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Cố vấn Ngô Đình Nhu trước khi bị giết bởi tay Nguyễn Văn Nhung.  Suốt con đường Sài gòn-Chợ Lớn rong chơi này là nhũng rạp chiếu phim, cải lương ‘khét tiếng’ như Đại Nam, Nguyễn Văn Hảo, Hưng Đạo, Oscar, vũ trường Tháp Ngà một thời  nức tiếng ăn chơi …đã làm cho bước chân tôi gần hơn, nhẹ hơn trên chiếc xe đạp cà tàng thời Bảo Đại…

Khi vào trung học Petrus Ký, tôi được mở mang về văn hóa khi có những buổi chiều ‘cúp cua’ (trốn học) đạp xe vào thư viện Abraham Lincoln ở công trường Lam Sơn (đối diện thương xá Tax) để tìm đọc thêm  những quyển sách bổ sung cho chương trình học. Nếu có tiền thì hai, ba thằng bạn chạy qua góc Pasteur-Lê Lợi để ăn bánh mì phá lấu chế tương đen của  bà già người Tàu rồi uống nước mía Viễn Đông, ngon không thể tả. Sau đó, tiếp tục đi dọc theo con đường Lê Lợi, đến khu hàng sách lộ thiên - bên hông Bộ công chánh, nơi mà những cuốn sách đúng đắn như triết, văn học nằm chung với những quyển Playboy, Penthouse đầy hấp dẫn và ma mị đối với những thằng nhỏ như tôi.

Thoát khỏi sự cám dỗ nầy chỉ còn cách vào một nhà sách lớn nhất Sài Gòn: Khai Trí (Bây giờ là nhà sách Fahasa). Vừa bước vào nhà sách, từ trên trần nhà, ông Nguyễn Hùng Trương đã cho treo một tấm bản với những giòng chữ được viết to bản: ‘Để lại cho con một rương vàng không bằng để lại một rương sách’ đập vào mắt những ai bước vào tiệm sách của ông. Đây là tiêm sách lớn nhất Sai gòn thời ấy. Trong nhà sách Khai Trí người ta có thể tìm được tất cả những loại sách đứng đắn về học thuật, học làm người, rèn luyện kỹ năng để bước vào đời, sách giáo khoa. Những loại sách độc hại  không thể nào có mặt trên nhà sách này. Bên cạnh nhà sách Khai Trí là  một loạt các nhà sách như Dân Trí, Vinh Bảo, Thanh Tuân, Phúc Thành, Văn Hữu, Nguyễn Trung… Ấy là chưa kể đến trung tâm phát hành nhạc Diên Hồng. Nơi đây đã cho ra đời những tờ nhạc lá gấp 4 trang, khổ A 4.

Trên đại lộ Lê Lợi chen chúc cùng các cửa hàng đồng hồ, quần áo tạo nên một bộ mặt văn hóa cho con đường lớn và tiêu biểu nhất cho Sài gòn lúc ấy. Đường Lê Lợi không phải là con đường chỉ có ăn uống như kem Bạch Đằng, lai rai buổi chiều như nhà hàng Thanh Thế mà còn có cả thức ăn cho những người có nhu cầu nuôi dưỡng tâm hồn. Tạo nên sắc thái pha trộn giữa ‘hình nhi thượng và hình nhi hạ’.

Đã có rất nhiều người viết về Sài gòn. Đã có rất nhiều sách ảnh về Sài gòn. Và sẽ còn rất nhiều, nhiều người nữa sẽ viết về sài gòn.  Viết theo cách của họ. Theo cảm tình của họ. Theo ký ức của họ. Và bài viết nào cũng hay. Cũng đẹp. Cũng lung linh. Vì, Sài gòn là như vậy. Không thể khác hơn.

Từ khi TP.HCM bắt đầu  tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng ‘Sài gòn 300 năm’ đã có rất nhiều biên khảo công phu, những tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bài hát, tranh vẽ, những bộ sưu tập ảnh về Sài gòn rất có giá trị. Và đến bây giờ, tần suất những bài viết, nghiên cứu về Sài gòn - với mọi mặt đời sống - con người thị dân của nó ngày càng nhiều và được bạn đọc đón nhận. Những quyển sách có hai chữ ‘Sài Gòn…’ ngày càng xuất hiện trong các tiệm sách. Sài Gòn xưa, Sài Gòn nay, Sài Gòn hoài niệm khi đi xa… Nói chung là rất nhiều thể loại về Sài Gòn.

Vùng đất này, với bề dày văn hóa và lịch sử cũng như có rất nhà nghiên cứu, nhà văn, họa, nhạc sĩ trong và ngoài nước… với nhiều tác phẩm giá trị đã và đang công bố về “thành phố rực rỡ tên vàng” thế mà vẫn chưa có giải thưởng riêng nào cho riêng tên như ‘Vì Tình Yêu Sài Gòn - TP.HCM’. Chắc chắn rằng không phải vì giải thưởng là mục đích mà những nhà nghiên cứu, những người đã, đang và sẽ viết về Sài Gòn - TP.HCM quan tâm. Tuy nhiên, nó sẽ là nguồn động lực để chứng nhận cũng như phát huy thêm nguồn lực cho nhiều nhà nghiên cứu và cây bút khác trong và ngoài nước đang tiềm ẩn lòng thiết tha trân quý cái hồn của thành phố nầy.

Chỉ tiếc rằng, trong hai quyển ‘Mùa hè năm Petrus’ và ‘Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh vài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy’, tôi chưa tải được hết những ký ức về Sài Gòn qua dòng sông tuổi thơ...  Dòng sông mà-  khi lớn lên- tôi hiểu rằng  mình không đứng từ ngoài để nhìn ngắm vì nó vốn tự có trong tôi như một mạch sống ngầm. Tôi không hề biết đến nó cho đến khi lớn lên, tách xa và nhìn lại mới hiểu rằng tôi lớn lên và như thế nầy đây là nhờ đã đắm mình trong dòng nước êm ả, ngọt dịu của nó. À ra thế. Sài gòn của tôi là như thế đấy!

L.V.N

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM  24.6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com