Tập sách KÝ GIẢ của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN:
BỘ SƯU TẬP QUÝ VỀ NGƯỜI VÀ NGHỀ
TRẦN THẾ TUYỂN
Nhà báo Phạm Quốc Toàn, đương kim Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo vừa trình làng tập sách thứ 6 của ông mang tên KÝ GIẢ. Sách dày trên 400 trang do NXB Thanh niên ấn hành.
KÝ GIẢ là một tập hợp chân dung nhà báo, dưới nhiều góc nhìn khác nhau của tác giả, từ những nhà báo bậc thầy đến những nhà báo lớp sau - thế hệ đàn em. Đặc biệt, đó là những cảm nhận, tình cảm về người và nghề mà Phạm Quốc Toàn đã "thu hoạch" trong chặng đường gần nửa thế kỷ làm báo của ông.
BẢN LĨNH VÀ TRÁCH NHIỆM
Với 40 bài viết, Phạm Quốc Toàn không chủ định khắc họa chân dung 40 ký giả như chính tên của tập sách mà thực sự là tình cảm và tâm huyết của ông với đồng đội, đồng nghiệp trên nhiều lĩnh vực của nghề báo. Không chỉ giới thiệu những nhà báo gạo cội, cả đời theo Đảng, Bác Hồ - nhà báo cách mạng đầu tiên, cống hiến cả tâm huyết, tài năng cho dân, cho nước, mà còn có cả những con người thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.
Ta gặp ở đây các ký giả Trần Công Mân, Nguyễn Đình Ước (TBT báo QĐND) - những vị tướng đầy bản lĩnh và trách nhiệm với đời, với người. Sự nhạy cảm nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị của người thuyền trưởng gần như là điều kiện tiên quyết của mỗi TBT. Nhà báo Trần Công Mân, Nguyễn Đình Ước được các thế hệ làm báo và bạn đọc kính trọng không chỉ ở chức vụ và quân hàm của các ông mà cái chính là nhân cách và bản lĩnh, tính quyết đoán của người thuyền trưởng. "Vào những năm 80 của thế kỷ trước, công cuộc cải tổ ở Liên Xô bùng phát, không ít tờ báo cổ xuý, ca ngợi thần tượng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Gooc-ba-chốp lúc bấy giờ. Người ta say sưa với ý tưởng "Cải tổ để có CNXH nhiều hơn" " dân chủ nhiều hơn "... Riêng Thiếu tướng, TBT Trần Công Mân, với sự nhạy bén chính trị, có cách nhìn thận trọng. Trong chỉ đạo tuyên truyền, ông hạn chế cho đăng những bài viết ca ngợi, cổ xuý về công cuộc cải tổ ở Liên Xô; tin tức cải tổ được ông chọn lọc và có lời bình đúng mực" ...( trang 19) . Trung tướng Nguyễn Đình Ước không chỉ là một TBT sắc sảo về nghiệp vụ mà còn là một vị tướng cầm quân quyết đoán và sáng tạo. Phạm Quốc Toàn viết: "Phong cách làm báo của TBT Nguyễn Đình Ước cụ thể đến từng chi tiết nhỏ. Ông có tài phán đoán ý đồ chiến thuật, chiến lược của cấp trên sau mỗi lần dự giao ban tác chiến. Vì vậy ông đã điều động phóng viên đến các hướng chiến trường rất trúng. ..." ( trang 29).
Và, quan điểm làm báo, làm nghề (kể cả nghề TBT) đối với các ông thật rõ ràng. Có gì mới? Có gì mới không? là câu hỏi thường ngày của TBT Nguyễn Đình Ước và Trần Công Mân đối với cộng sự. "Tờ báo chính là hình bóng của TBT" (Trần Công Mân) ; "TBT là một nghề, là linh hồn của cả một tòa soạn, là người thực tài và có quyền uy chính trị, nghiệp vụ, lúc nào cũng có chính kiến rõ ràng... Nếu không đạt mấy tiêu chí đó, xin bạn đừng bao giờ làm tổng biên tập"... ( Nguyễn Đình Ước - trang 30)
Phẩm chất, nhân cách ấy của người đứng đầu, thuyền trưởng, không chỉ được đề cập khi nói tới các vị tướng - TBT, thủ trưởng trực tiếp của Phạm Quốc Toàn một thời mà còn dành để khắc hoạ các ký giả - thuyền trưởng - TBT khác. Đó là các nhà báo lừng danh mà cuộc đời và trang viết, cơ quan báo chí các ông là người đứng đầu đã được tô đậm trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Một nhà báo Hữu Thọ "học Bác suốt đời", một ký giả Phan Quang ngòi bút thông tuệ", một Tổng giám đốc Phạm Khắc Lãm "để gió cuốn đi"... đến các thế hệ nối tiếp: Tạ Ngọc Tấn "Thầy giỏi, nghề hay", Lê Quốc Trung "Đức độ - Nghĩa tình" , Võ Như Lanh "Cương trực, quyết đoán", Mai Đức Lộc Đổi mới lan tỏa", Mai Sông Bé "Người con cù lao Rùa" ...; Và, các " nữ tướng "TBT báo Đảng địa phương Miền Tây: Nguyễn Thị Bạch Vân ( báo Ấp Bắc- Tiền Giang), Lê Minh Khanh (báo Trà Vinh), Huỳnh Ngọc Minh (báo Kiên Giang), Ngô Hồng Đào (báo Hậu Giang )...;
Tất cả, tất cả đều là những ký giả tâm huyết với nghề, hết lòng với người, đầy bản lĩnh, trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; như lời ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì...để gió cuốn đi ..." ( trang 105) .
NGƯỜI CÙNG THỜI
Phần lớn trang viết trong KÝ GIẢ , Phạm Quốc Toàn dành cho đồng đội, đồng nghiệp và những người bạn học với ông một thời. Nếu khi khắc họa chân dung các nhà báo lão thành, gạo cội có phần chỉn chu, thận trọng, thì khi viết về những người cùng thời ngòi bút của ông có phần bay bổng, phóng khoáng hơn. Đó là những người anh, người bạn thuở hàn vi, nghèo khó, đã tận tâm, tận lực giúp đỡ, sẻ chia để Phạm Quốc Toàn có được ngày hôm nay. Và chính họ là nguồn cảm hứng dạt dào để ông không ngừng sáng tạo, vươn lên trong nghiệp cầm viết và quản lý báo chí cao cả mà khắc nghiệt này.
Chân dung những nhà báo mặc áo lính hiện lên mồn một trong KÝ GIẢ của Phạm Quốc Toàn. Đó là các nhà báo: Trần Quang Huy đã trả xong cái món nợ đời"; Hồ Quang Lợi với "Mắt nhìn và Chuyện tình bế em qua suối; Trần Thế Tuyển với "viết về đồng đội, món nợ không bao giờ trả hết"; Hồng Phương với "nối nghề, nối bạn"; Trương Quang Châu với "giấc mơ trang trại"... Đó là những bạn họ: Nhà báo, nhà văn Nguyễn Đức Thiện "Thợ cày lặng lẽ đã ra đi", Phan Ngọc Long "Chào em cô gái Lam Hồng"... Đặc biệt khi viết về các nhà báo quân đội ở "Phố nhà binh", "Hội đồng trung uý", "Hội hoa quỳnh"... ngòi bút Phạm Quốc Toàn có vẻ hài hước, tươi trẻ hơn .
Nhà báo Trần Quang Huy, nguyên TBT báo Bà Rịa - Vũng Tàu là người đàn anh có một thời cùng Phạm Quốc Toàn làm báo QĐND. Ông chính là người đề xuất để đưa PQT về báo BRVT; để sau này có một người con trai quê hương Hà Tĩnh làm TBT 3 tờ báo và là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN nhiều nhiệm kỳ. Tri ân đồng đội, đồng nghiệp, ngòi bút của PQT da diết khi kể về họ. Phạm Quốc Toàn kể rằng, trước ngày nhà báo Trần Quang Huy đi xa về cõi vĩnh hằng, ông vào thăm: "Tôi và anh nhắc lại một vài kỷ niệm không thể nào quên. Anh rất tỉnh táo, nhớ vanh vách mọi chuyện và anh đã khóc hu hu thành tiếng như trẻ lên ba. Anh nắm chặt tay tôi, nước mắt ràn rụa : " Nếu anh không về nhà được nữa, chú viết tin buồn trên báo Trung ương cho anh, để báo tin cho bạn bè ở xa biết. Chú viết cho anh một bài báo đăng trên báo QĐND, tờ báo mà anh đã gắn bó nhiều năm. Như vậy là coi như anh đã về Hà Nội". Và tôi đã làm đúng những điều anh dặn. Vĩnh biệt anh, nhớ anh khôn nguôi - một tấm lòng, một nhân cách Trần Quang Huy!" (trang 122).
Nhà báo Bùi Hữu Giao, cựu phóng viên báo QĐND được Phạm Quốc Toàn giới thiệu trong bài "Vác tù và hàng tổng" với bút pháp gần gụi, dung dị. Sinh ra trên đất Cố đô Hoa Lư - đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Chính trị viên Đại đội pháo cao xạ trong thời chống Mỹ trên chiến trường Khu 4, Bùi Hữu Giao về làm phóng viên, biên tập viên Phòng Biên tập Thời sự báo QĐND. Một thầy giáo giỏi tiếng Pháp, một sỹ quan chỉ huy từ chiến trường về làm báo, ông say mê với nghề báo, nghề sách. "Nghỉ hưu, Bùi Hữu Giao viết sách và cả cuộc đời ông chỉ viết duy nhất một cuốn có tựa đề: Hành trang đời người. Đến nay, cuốn sách đã tái bản đến lần thứ 9, có sửa chữa và bổ sung. Ông dành hết tâm trí nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và cả những đồng tiền dành dụm được để chỉ dạy, hướng dẫn bạn trẻ học tập, rèn luyện, tu dưỡng và cống hiến trong mối quan hệ tổng hòa xã hội" ( trang 334).
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN
Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã có hơn 40 năm viết báo và quản lý báo chí, trong đó ông có hơn 30 năm làm Tổng Biên tập 3 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Người ta cứ nghĩ cuốn hút bởi các công việc vừa "thuyền trưởng" vừa "bếp núc" ấy, Phạm Quốc Toàn đâu còn thời giờ viết sách. Nhưng "đùng một cái", từ khi xác định "sân bay mờ trước mặt", Phạm Quốc Toàn "nhấn ga" xông lên. Như con tằm đến kỳ nhả tơ, chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm ( 2012 - 2015), Phạm Quốc Toàn đã trình làng 6 đầu sách. Từ "Tản mạn về Đời" ,"Đời và Nghề " ( NXB Văn Học - 2012 - 2013) ; "Đi một ngày đàng", "Tôi nói bằng mồm tôi" (NXB Hội Nhà văn - 2014) , "Xứ sở Chùa Vàng" ( NXB Văn hoá - Văn nghệ - 2015) đến Ký giả (NXB Thanh niên -2015), cho thấy bút lực của Phạm Quốc Toàn thật dồi dào, mạnh mẽ.
Văn tức là người. Đọc các tác phẩm của Phạm Quốc Toàn ta thấy đậm đà chất nhân văn, nghĩa tình; giàu lượng thông tin, dung dị và đặc biệt tươi nguyên hơi thở cuộc sống. Các bài viết ngắn gọn, xúc tích như lát cắt trong bức tranh toàn cảnh của nền báo chí cách mạng nước nhà; vừa dễ đọc, vừa khơi gợi cho ta những kinh nghiệm trong công việc làm báo cao cả nhưng cũng lắm gian nan, thách thức này. Phải chăng, đó là món quà quý nhà báo Phạm Quốc Toàn gửi đến những người làm báo, những ai yêu nghề báo, sắp làm báo và tất cả chúng ta trước thềm Đại hội lần thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam .
Chúc mừng nhà báo - Ký giả Phạm Quốc Toàn và mong được đón đọc các tác phẩm mới về người,về nghề và về đời của ông .
TP Hồ Chí Minh, 5 tháng 8 năm 2015
T.T.T
Cùng một chủ đề
PHAN QUANG đọc tập sách TÔI NÓI BẰNG MỒM TÔI của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN
Tập sách TÔI NÓI BẰNG MỒM TÔIcủa nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN
PHAN QUANG đọc tập sách ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN
PHAN QUANG đọc tập sách XỨ SỞ CHÙA VÀNG của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN
Phó GS-TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG: Nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN và XỨ SỞ CHÙA VÀNG
PHẠM QUỐC TOÀN: Nhớ anh LÂM QUỐC TRUNG
Đọc tập sách KÝ GIẢ của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN: Một tấm lòng tri ân
< Lùi | Tiếp theo > |
---|