THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc Tập sách VE VÃN SÀI GÒN của CHỊ ĐẸP đã phát hành

Tập sách VE VÃN SÀI GÒN của CHỊ ĐẸP đã phát hành

Mục lục
Tập sách VE VÃN SÀI GÒN của CHỊ ĐẸP đã phát hành
* VE VÃN SÀI GÒN: LỜI GIỚI THIỆU
* TỰ BẠCH CỦA TÁC GIẢ CHỊ ĐẸP
* Thông tin giao lưu ra mắt VE VÃN SÀI GÒN
* Ve vãn Sài Gòn (báo Phụ Nữ TP.HCM)
* Người Sài Gòn “Ve vãn Sài Gòn” (báo Người Lao Động)
* Ve vãn Sài Gòn (báo Thể thao TP.HCM)
* Cùng Chị Đẹp Ve vãn Sài Gòn (báo Đất Việt)
* Chị Đẹp - Ve vãn Sài Gòn (vietwebradio.net)
* 'Ve vãn Sài Gòn' - cuốn sách có… 'comment' (Thể thao & văn hóa)
* Có gì ở Sài Gòn để mà ve vãn...? (Lao động cuối tuần)
* Ngút ngàn mắt nhớ (dtphorum.com)
“Tác giả Chị Đẹp: Sách tái bản mà mình không có
* VÀI HÌNH ẢNH RA MẮT SÁCH Ve vãn Sài Gòn
Tất cả các trang

 

 

Tập tùy bút Ve vãn Sài Gòn của tác giả CHỊ ĐẸP (NXB Trẻ & Tủ sách Tuổi Trẻ) đã chính thức phát hành.

ra-sach-ve-van-R-1

Ra mắt sách Ve vãn Sài Gòn ngày 22.6.2013 (từ phải: Nhà văn Nguyễn Đông Thức, tác giả Chị Đẹp, nhà thơ Lê Minh Quốc)

 

Đặc biệt,"Sau mỗi chương viết, có mấy dòng bình luận của một người Sài Gòn khác nhà văn Nguyễn Đông Thức), sống đủ 62 năm ở đây. Như bổ sung thêm một góc nhìn nhỏ khác cho một Sài Gòn muôn mặt" (trích Lời giới thiệu).

Ve-van-SaigonRR

Buổi ra mắt sách do đơn vị làm sách tổ chức lúc 9 giờ ngày thứ Bảy (22.6.2013) tại cà phê Trung Nguyên (6A Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM).

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC là MC làm “cầu nối” giao lưu giữa bạn đọc với tác giả CHỊ ĐẸP & nhà văn NGUYỄN ĐÔNG THỨC - người trực tiếp biên tập sách.

Sau đây là những thông tin của trang web www.leminhquoc.vn về tập tùy bút VE VÃN SÀI GÒN.

standee-1R


 

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TỦ SÁCH TUỔI TRẺ

 

Mãi mãi sẽ là một người tình

để mình ve vãn…

Sẽ có nhiều người đọc cuốn sách này và thấy không đủ cho một Sài Gòn rộng lớn mênh mông. Lẽ dĩ nhiên, vì đây là góc nhìn của chỉ một người, với tình cảm và trải nghiệm riêng trong cuộc sống. Sài Gòn ở đây như chỉ quẩn quanh trong vài con đường, quán xá ở quận Một, với các nhân vật quá ư lụa là thanh lịch…

Nhưng như chính tác giả đã viết:

 

nhavan-NDT

Nhà văn NGUYỄN ĐÔNG THỨC - người trực tiếp biên tập VE VÃN SÀI GÒN, trong chương trình giao lưu với bạn đọc về tác phẩm SÓNG ĐƯA NƯỚC  của Chị Đẹp do Công ty sách Phương Nam tổ chức ngày 10.12.2012.

 

“Xem bản đồ thì Saigon bao trùm cả 19 quận, nhưng nếu leo lên taxi từ bất cứ một quận nào, bảo tài xế “cho tôi ra Saigon”, thì tài xế cứ thế mà đâm thẳng một lèo ra trung tâm quận Một. Những buổi tối nóng bức, mọi người nhắn tin rủ rê nhau đi ra Saigon dạo một vòng đi… Có nghĩa là xe sẽ chạy lang thang ra đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và loanh quanh khu nhà thờ Đức Bà…

Nếu lấy một cái compass và dùng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố làm một cái tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng 1 cây số, đó có lẽ là Saigon trong suy nghĩ của rất nhiều người...”.

Ve-van-SaigonRR

Hãy tạm đón nhận Sài Gòn trong phạm vi giới hạn này, từ cảm nhận của một người từng là người Sài Gòn, đi xa, rồi lại trở về, cuộc sống có vẻ phong lưu, điệu đàng. Đọc để biết thêm nhiều điều cũng thú vị về một Sài Gòn sang trọng và hào nhoáng với một hậu trường nhiều chuyện bi hài (cho thấy tác giả cũng thuộc loại… bà Tám có hạng!).

Sau mỗi chương viết, có mấy dòng bình luận của một người Sài Gòn khác (nhà văn Nguyễn Đông Thức), sống đủ 62 năm ở đây. Như bổ sung thêm một góc nhìn nhỏ khác cho một Sài Gòn muôn mặt. Lẽ dĩ nhiên, sẽ vẫn chưa đủ. Bởi, sẽ không có ai có thể hiểu hết được Sài Gòn - kể cả chính tác giả cũng tự nhận - như câu nói của một nhân vật ở cuối sách: “Có những thứ không để tìm hiểu, chỉ để chấp nhận và hòa mình vào. Saigon là như thế. Mãi mãi sẽ là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về…”.

Mời bạn đọc hãy cùng… Ve vãn Sài Gòn!

TỦ SÁCH TUỔI TRẺ


 

* "TỰ BẠCH" CỦA TÁC GIẢ CHỊ ĐẸP


Có thể có những người sẽ bĩu môi cho rằng “ không sinh đẻ ở Saigon thì chưa đủ tư cách viết về Saigon”. Có những người sẽ hô lên “bộ Saigon chỉ là những con đường này thôi sao, còn biết bao nhiêu con đường khác với những sự kiện những kỷ niệm những vui những buồn sờ sờ ra đó nữa”. Cũng sẽ có những người lắc đầu nói rằng “ ôi, kinh nghiệm ẩm thực còn kém quá, cả một trăm nhà hàng quán ăn tiệm nước mà chỉ viết có thế”. Có những người sẽ đập bàn và nghĩ rằng “cớ sao lại dám viết về tôi như thế này”.

Cũng sẽ có những người ước gì chuyện của mình có trong một cuốn sách nói về Saigon như thế đó.

Tôi chỉ viết về những gì tôi biết, tri thức qua trải nghiệm và sự quen thuộc chỉ đến bấy nhiêu. Tình yêu và đam mê chỉ dành cho chừng đấy nơi chốn. Tò mò tìm hiểu giao thiệp cũng chỉ chừng đấy con người qua tâm tính hành động. Chủ quan yêu, chủ quan nhớ và dĩ nhiên rất chủ quan viết.

Tôi viết về Saigon như tôi đã nhìn thấy, đã chụp lại, đã quay film, và viết như tôi muốn Saigon sẽ ra sao trong những thước film tới.

Tôi sống ở Saigon không như một khách du lịch cần khám phá cho bằng hết những thắng cảnh những địa phương những đặc sản rồi vội vội vàng vàng chụp hình viết note post lên facebook để làm dấu rằng mình đã ở đó, như một hình thức “check in”.

Ve-van-SaigonRR-XP

Bìa 4 tập sách VE VÃN SÀI GÒN

 

Cũng không có nhu cầu tìm hiểu về Saigon như một dự án nghiên cứu miệt mài mệt mõi và phân tích rặt ròi cặn kẻ.

Tôi cũng không sống ở Saigon như một  Saigonnaise được hay bị thế hệ cha ông quẳng cho/hay để lại một sự đã rồi là tấm khai sinh quê quán Saigon và hiển nhiên mặc dù chả hề hiểu biết, tự xem mình là người Saigon chính hiệu.

Tôi sống ở Saigon chỉ vì tôi không thấy mình muốn/ hoặc có thể sống ở bất kỳ nơi nào trên đất nước ngoại trừ thành phố này. Và cũng với tâm thế đấy, tôi viết về Saigon chỉ vì tôi không muốn/ hoặc có thể viết về một nơi chốn nào khác nữa cả.

Và cũng như cái tựa tôi chọn. Tôi sống và viết về Saigon như đang ve vãn một người tình. Vẫn chưa có được chắc chắn, vẫn cứ mơ hồ lãng mạn gợi thèm, vẫn đeo đuổi thong dong mãi miết. Vẫn còn những ngoe nguẩy khúc mắc bắt tìm tòi.

Tình sẽ đẹp khi còn ve vãn.

Biết đâu, khi ve vãn xong rồi, tôi lại có thể viết về Saigon với một vóc dáng nếp da môi mắt rất khác đi. Sẽ lại còn chủ quan hơn thế nữa khi viết về một sự tưởng “đã thuộc về”.

CHỊ ĐẸP


  

standee-1R

 

* “VE VÃN SÀI GÒN”

Chị Đẹp “sanh con rạ”, Ve Vãn Sài Gòn, chỉ cái tựa sách thôi cũng đủ cho người  gắn bó với Sài Gòn thích rồi.

“Có những thứ không để tìm hiểu, chỉ để chấp nhận và hòa vào. Sài Gòn là như thế. Mãi mãi là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về mình.

Vì Sài Gòn có ký độc quyền cho một ai đâu”.

Chị Đẹp đã ve vãn Sài Gòn thế đấy.

Luôn bị cuốn hút bởi lời văn ma mị và hình ảnh mờ ảo của Nàng Đẹp thì dễ gì ngồi yên với đứa con rạ này, nhất định cuối tuần này sẽ đến chia vui chúc mừng Nàng và rước em nó về. Lần trước là tâm trạng nôn nao háo hức đón “con so” Sóng Đưa Nước của Nàng, còn lần này mình chờ “em rạ” ra đời với tình yêu sâu đậm dành cho Sài Gòn, một nơi đầy nhớ đầy thương, đầy gắn bó với cả đời mình.

Đặc biệt là event ra mắt kỳ này lại tổ chức tại nơi có ly café mình thích nhất, trên con đường mình yêu nhất Sài Gòn, đường Đồng Khởi Tự Do. Đã từng ngồi lê la ở Đồng Khởi nhâm nhi café, nhất là không khí sau cơn mưa, ngắm ông đi qua bà đi lại, nghe “tri kỷ” nói chuyện Sài Gòn xa xưa, ta nói sao mà nó đã con mắt và sướng lỗ tai gì đâu!!! Mai này có thêm Ve Vãn Sài Gòn trên tay, nghe Nàng Đẹp “tám” về Sài Gòn nắng, Sài Gòn mưa, Sài Gòn xưa, Sài Gòn nay… Trời ạ, chắc là tê cả người!!!

Mới đọc có vài câu chữ và bài viết của Lê Minh Quốc mà đã nôn nóng, chỉ mong chờ cho mau đến cuối tuần…

MPL – 21/6/2013

(nguồn: http://dangthanhvan.wordpress.com/2013/06/21/ve-van-sai-gon/)

 

* Giao lưu - ra mắt tùy bút Ve vãn Sài Gòn


(PL) - Vào lúc 9 giờ sáng 22-6, tại quán cà phê Trung Nguyên số 6A Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM sẽ diễn ra buổi giao lưu với Chị Đẹp - tác giả tùy bút Ve vãn Sài Gòn do Nhà xuất bản Trẻ và Tủ sách Tuổi Trẻ vừa mới ấn hành.

Cho đến tận ngày giao lưu, những quyển sách đầu tiên mới ra mắt công chúng nhưng theo lời giới thiệu của nhà xuất bản thì: “Sẽ có nhiều người đọc cuốn sách này và thấy không đủ cho một Sài Gòn rộng lớn mênh mông. Lẽ dĩ nhiên, vì đây là góc nhìn của chỉ một người, với tình cảm và trải nghiệm riêng trong cuộc sống… Hãy tạm đón nhận Sài Gòn trong phạm vi giới hạn này, từ cảm nhận của một người từng là người Sài Gòn, đi xa, rồi lại trở về. Đọc để biết thêm nhiều điều cũng thú vị về một Sài Gòn sang trọng và hào nhoáng với một hậu trường nhiều chuyện bi hài”.

Được biết Chị Đẹp là blogger Lê Phương Thảo, đã ra mắt tập tản văn Sóng đưa nước viết về những tình cảm, cảm xúc phức tạp của một người phụ nữ hiện đại. Chị Đẹp sống tại Sài Gòn, là nhà thiết kế thời trang. Chị thường xuyên đi về giữa Hà Nội - Sài Gòn - Mỹ và nhiều nước khác, nhiều nơi khác ở Việt Nam.

HÒA BÌNH

(nguồn: http://phapluattp.vn/20130620114358123p0c1021/giao-luu-ra-mat-tuy-but-ve-van-sai-gon.htm)

 

* Giao lưu ra mắt tùy bút Ve vãn Sài Gòn

SGTT.VN - “Nếu lấy một cái compass và dùng Ủy ban nhân dân Thành phố làm một cái tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng một cây số, đó có lẽ là Sài Gòn trong suy nghĩ của rất nhiều người...

Hãy tạm đón nhận Sài Gòn trong phạm vi giới hạn này, từ cảm nhận của một người từng là người Sài Gòn, đi xa, rồi lại trở về, cuộc sống có vẻ phong lưu, điệu đàng. Đọc để biết thêm nhiều điều cũng thú vị về một Sài Gòn sang trọng và hào nhoáng với một hậu trường nhiều chuyện bi hài cho thấy tác giả cũng thuộc loại… bà Tám có hạng!”

Tập tùy bút Ve vãn Sài Gòn do NXB Trẻ & Tủ sách Tuổi Trẻ ấn hành sẽ có buổi ra mắt sách diễn ra lúc 9 giờ ngày thứ bảy 22.6, tại cà phê Trung Nguyên (6A Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM). Dịp mắt sách này, nhà thơ Lê Minh Quốc là MC làm “cầu nối” giữa bạn đọc giao lưu với Chị Đẹp và nhà văn Nguyễn Đông Thức. Bạn đọc mua sách sẽ có chữ ký tác giả và được giảm đến 30%.

PV

(http://sgtt.vn/Van-hoa/178768/Giao-luu-ra-mat-tuy-but-Ve-van-Sai-Gon.html)

 

* Chị Đẹp “Ve vãn Sài Gòn”

Tập tùy bút Ve vãn Sài Gòn do NXB Trẻ ấn hành của nữ tác giả bút danh Chị Đẹp giúp “biết thêm nhiều điều thú vị về một Sài Gòn sang trọng hào nhoáng với hậu trường nhiều chuyện bi hài”. Ra mắt sách lúc 9 giờ 22/6 tại cà phê Trung Nguyên (6A Đồng Khởi, Q.1, TPHCM).

NGUYÊN ANH

(nguồn: http://www.tienphong.vn/van-nghe/632836/Tin-van-van)

 

nhan-vevan-saigon

(nguồn: Báo Thể thao & văn hóa ngày 22.6.2013)

 

* Hai nhà văn nữ cùng ra sách

Hầu như cùng một lúc NXB Trẻ tung ra 2 đầu sách của hai tác giả được ưa thích hiện nay: Ve vãn Sài Gòn (của Chị Đẹp) và Cái đầu siêu định vị (của Bích Ngân).

Cuối năm 2012, Chị Đẹp từng được bạn đọc yêu thích qua tác phẩm Sóng đưa nước, nay qua tùy bút Ve vãn Sài gòn, chị sẽ khiến cho cư dân Sài Gòn phải giật mình bởi góc nhìn “rất lạ” về một Sài Gòn ít người biết đến, và cả những hoài niệm về Sài Gòn những năm 1960…

Còn Cái đầu siêu định vị là những tiểu phẩm hài hước của Bích Ngân - nhà văn nữ hiếm hoi viết tiểu phẩm hài (cũng là nhà văn nữ từng có những tác phẩm người đọc phải rưng rưng) về “đủ mọi hỉ nộ ái ố của trò đời cùng xoay quanh cái giường, liên quan đến cái giường, từ đó mà ra, từ đâu cũng về đó, đảo điên, quay cuồng trong một cơn lốc không ngừng khiến ai cũng phải biến hình…” (nhà văn Duyên Trường).

H.Đ.N

(Nguồn: báo Thanh Niên 23.6.2013)


 

VE VÃN SÀI GÒN

Ve vãn Sài Gòn (NXB Trẻ & Tủ sách Tuổi Trẻ) của tác giả Chị Đẹp là một hàng ngàn trang sách góp phần lý giải sự quyến rũ của Sài Gòn.

Ở tập tùy bút này, tác giả chỉ nhìn Sài Gòn từ không gian của trung tâm: “Nếu lấy một cái compass và dùng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố làm một cái tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng 1 cây số, đó có lẽ là Saigon trong suy nghĩ của rất nhiều người...”. Chỉ trong phạm vi ấy mà đã có biết bao chuyện để nói, để bàn từ Nhớ Sài Gòn, Vẽ Sài Gòn, Sài Gòn ở, Tiếng Sài Gòn, Xuống phố, Sài Gòn ăn, Đêm Sài Gòn, Noel Sài Gòn đến Đàn ông Sài Gòn…

ve-van-1

 

Thú thật, tôi đã tìm thấy trong tập sách này có nhiều chi tiết về Sài Gòn mà tôi chưa được biết, “Trên đường Hai Bà Trưng, đối diện Khách sạn Park Hyatt có một ngõ nhỏ, bề ngang độ bốn mét”, vào đó, ở dãy nhà hàng phía bên tay trái “thực chất trước đây là một nhà máy chế biến thuốc phiện từ thời Pháp” (tr.114); Thông tin này, đọc Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển ta không tìm thấy. Trong phần comment, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết thêm: “Khu này ngày xưa là cư xá của dân quan thuế (Hải quan)”.

La cà đến các quán ăn, quán cà phê, những đường phố quanh quẩn ở quận 1, tất nhiên không thể thiếu con đường Nguyễn Thiệp “là con đường ngắn và hẹp nhất Sài Gòn, tôi nghĩ thế” (tr.60). Hầu như nơi nào chị cũng có cái nhìn “soi mói” để tìm kiếm những điều còn ẩn khuất đâu đó. Chẳng hạn, khi nhận xét về đàn ông Sài Gòn, chị viết: “Đàn ông Sài Gòn cũng thích cứu vớt những số phận, những bóng hồng lạc loài hay lận dận. Đôi khi vào nhũng quán bia ôm nghe chuyện đời trôi nổi của các cô gai ở đây, lòng hào hiệp bổi lên, móc tiền ra cho và sau đấy thu xếp cho cô ta quay về đời sống lương thiện sạch sẽ. Hỏi vì sao, có khi đàn ông đấy chỉ nói ngắn gọn là “tôi có con gái, làm như vậy để phúc cho con mình:” (tr.177)

Lang thang qua từng con chữ trong Ve vãn Sài Gòn hẳn những ai yêu Sài Gòn sẽ có cảm giác song hành về một Sài Gòn hôm nay và Sài Gòn của thập niên 1960 thế kỷ trước. Sài Gòn của hiện tại và Sài Gòn của ký ức. Và có lẽ, người đọc cũng muốn được gặp tác giả để tranh cãi thêm chuyện này, chuyện nọ cho đỡ ấm ức hoặc cho rõ thêm những điều tác giả bàn chưa rõ. Nhưng dù thế nào thì hẳn người đọc cũng hài lòng vì cò người viết về Sài Gòn chạm đến những gì mình nghĩ.

Tác giả sẽ tiếp tục “bà Tám” về chuyện Sài Gòn trong cuộc giao lưu với bạn đọc vào lúc 9 giờ ngày thứ Bảy (22.6.2013) tại cà phê Trung Nguyên (6A Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) do NXB Trẻ tổ chức.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 21.6.2013)



 

Người Sài Gòn “Ve vãn Sài Gòn”

So với Hà Nội, Huế… đến nay vẫn chưa có nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn. Gần đây nhất NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi Trẻ (báo Tuổi Trẻ) vừa phối hợp ấn hành thêm tập sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp - tác giả của quyển Sóng đưa nước cũng vừa xuất bản.

 

nld-ve-van-sg

 

“Tôi chỉ viết về những gì tôi biết, tri thức qua trải nghiệm và sự quen thuộc chỉ đến bấy nhiêu. Tình yêu và đam mê chỉ dành cho chừng đấy nơi chốn. Tò mò tìm hiểu giao thiệp cũng chỉ chừng đấy con người qua tâm tính hành động. Chủ quan yêu, chủ quan nhớ và dĩ nhiên rất chủ quan viết. Tôi viết về Saigon như tôi đã nhìn thấy, đã chụp lại, đã quay film, và viết như tôi muốn Saigon sẽ ra sao trong những thước film tới”. Tác giả tâm sự.

Chính vì điều ấy, khi trực tiếp biên tập bản thảo Ve vãn Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã có comment thêm vài suy nghĩ của mình, như một góc nhìn khác, nhằm bổ sung cho thấy sự đa dạng hơn, phong phú hơn của vùng đất khá đặc trưng: “Con đường có lá me bay / Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” (Diệp Minh Tuyền).

Viết về Sài Gòn vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì ai ai cũng có thể cảm nhận theo chủ quan của mình, nhưng lại khó ở chỗ Sài Gòn quá rộng lớn vì thế, tác giả khôn ngoan chọn chỉ một góc của trung tâm: “Xem bản đồ thì Sài Gòn bao trùm cả 19 quận, nhưng nếu leo lên taxi từ bất cứ một quận nào, bảo tài xế “cho tôi ra Sài Gòn”, thì tài xế cứ thế mà đâm thẳng một lèo ra trung tâm quận Một. Những buổi tối nóng bức, mọi người nhắn tin rủ rê nhau đi ra Sài Gòn dạo một vòng đi… Có nghĩa là xe sẽ chạy lang thang ra đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và loanh quanh khu nhà thờ Đức Bà… Nếu lấy một cái compass và dùng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố làm một cái tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng 1 cây số, đó có lẽ là Sài Gòn trong suy nghĩ của rất nhiều người...”.

NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi Trẻ sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Ve vãn Sài Gòn vào lúc 9 giờ ngày thứ bảy (22.6.2013) tại cà phê Trung Nguyên (6A Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM). Dịp mắt sách này, bạn đọc giao lưu cùng Chị Đẹp, nhà văn Nguyễn Đông Thức. Khi bạn đọc mua sách có chữ ký tác giả và được giảm đến 30%.

Khi yêu một thành phố mà ta đang sống là bao giờ ta cũng muốn sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố ấy. Để hiểu và thêm yêu Sài Gòn, công chúng cần có nhiều hơn nữa tác phẩm viết về vùng đất này. Tập sách Ve vãn Sài Gòn là một bằng chứng sinh động.

 

ANH NGỌC

(nguồn: Báo Người Lao Động 21.6.2013)



 

* VE VÃN SÀI GÒN

Untitledvevan1

(nguồn: báo Thể thao TP.HCM ngày 25.6.2013)


 


Cùng "Chị Đẹp" "Ve vãn Sài Gòn"


Dân Việt - Sẽ có nhiều người đọc cuốn sách này và thấy không đủ cho một Sài Gòn rộng lớn mênh mông. Lẽ dĩ nhiên, vì đây là góc nhìn của chỉ một người, với tình cảm và trải nghiệm riêng trong cuộc sống. Sài Gòn ở đây như chỉ quẩn quanh trong vài con đường, quán xá ở quận Một, với các nhân vật quá ư lụa là thanh lịch…

Mãi mãi sẽ là một người tình

để mình ve vãn…

Sẽ có nhiều người đọc cuốn sách này và thấy không đủ cho một Sài Gòn rộng lớn mênh mông. Lẽ dĩ nhiên, vì đây là góc nhìn của chỉ một người, với tình cảm và trải nghiệm riêng trong cuộc sống. Sài Gòn ở đây như chỉ quẩn quanh trong vài con đường, quán xá ở quận Một, với các nhân vật quá ư lụa là thanh lịch…

Nhưng như chính tác giả đã viết:

“Xem bản đồ thì Saigon bao trùm cả 19 quận, nhưng nếu leo lên taxi từ bất cứ một quận nào, bảo tài xế “cho tôi ra Saigon”, thì tài xế cứ thế mà đâm thẳng một lèo ra trung tâm quận Một. Những buổi tối nóng bức, mọi người nhắn tin rủ rê nhau đi ra Saigon dạo một vòng đi… Có nghĩa là xe sẽ chạy lang thang ra đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và loanh quanh khu nhà thờ Đức Bà…

Nếu lấy một cái compass và dùng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố làm một cái tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng 1 cây số, đó có lẽ là Saigon trong suy nghĩ của rất nhiều người...”.

Hãy tạm đón nhận Sài Gòn trong phạm vi giới hạn này, từ cảm nhận của một người từng là người Sài Gòn, đi xa, rồi lại trở về, cuộc sống có vẻ phong lưu, điệu đàng. Đọc để biết thêm nhiều điều cũng thú vị về một Sài Gòn sang trọng và hào nhoáng với một hậu trường nhiều chuyện bi hài (cho thấy tác giả cũng thuộc loại… bà Tám có hạng!)

Ve-van-SaigonRR

"Có thể có những người sẽ bĩu môi cho rằng “không sinh đẻ ở Saigon thì chưa đủ tư cách viết về Saigon”. Có những người sẽ hô lên “bộ Saigon chỉ là những con đường này thôi sao, còn biết bao nhiêu con đường khác với những sự kiện những kỷ niệm những vui những buồn sờ sờ ra đó nữa”. Cũng sẽ có những người lắc đầu nói rằng “ôi, kinh nghiệm ẩm thực còn kém quá, cả một trăm nhà hàng quán ăn tiệm nước mà chỉ viết có thế”. Có những người sẽ đập bàn và nghĩ rằng “cớ sao lại dám viết về tôi như thế này”.

Cũng sẽ có những người ước gì chuyện của mình có trong một cuốn sách nói về Saigon như thế đó.

Tôi chỉ viết về những gì tôi biết, tri thức qua trải nghiệm và sự quen thuộc chỉ đến bấy nhiêu. Tình yêu và đam mê chỉ dành cho chừng đấy nơi chốn. Tò mò tìm hiểu giao thiệp cũng chỉ chừng đấy con người qua tâm tính hành động. Chủ quan yêu, chủ quan nhớ và dĩ nhiên rất chủ quan viết.

Tôi viết về Saigon như tôi đã nhìn thấy, đã chụp lại, đã quay film, và viết như tôi muốn Saigon sẽ ra sao trong những thước film tới.

Tôi sống ở Saigon không như một khách du lịch cần khám phá cho bằng hết những thắng cảnh những địa phương những đặc sản rồi vội vội vàng vàng chụp hình viết note post lên facebook để làm dấu rằng mình đã ở đó, như một hình thức “check in”. " (Tác giả: Chị Đẹp)

Sau mỗi chương viết, có mấy dòng bình luận của một người Sài Gòn khác (nhà văn Nguyễn Đông Thức), sống đủ 62 năm ở đây. Như bổ sung thêm một góc nhìn nhỏ khác cho một Sài Gòn muôn mặt. Lẽ dĩ nhiên, sẽ vẫn chưa đủ. Bởi, sẽ không có ai có thể hiểu hết được Sài Gòn - kể cả chính tác giả cũng tự nhận - như câu nói của một nhân vật ở cuối sách: “Có những thứ không để tìm hiểu, chỉ để chấp nhận và hòa mình vào. Saigon là như thế. Mãi mãi sẽ là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về…”.

"Chị Đẹp" là bút danh của Lê Phương Thảo, một blogger nổi tiếng lâu nay. Giới thiệu về mình, Chị Đẹp bảo làm nghề thiết kế thời trang, nhưng cũng chưa nổi tiếng lắm, bởi không thích đua chen lắm trong giới showbiz vốn ồn ào náo nhiệt. Bởi vậy, tên Chị Đẹp hẳn sẽ không thể gây tò mò dư luận khi so sánh với những người đẹp viết sách khác…

Thế nhưng, Chị Đẹp lại có một lợi thế khác. Hơn ba năm làm cộng tác viên chuyên mục “Ăn chơi nghỉ ở đâu?” cho một số tờ báo đã giúp Chị Đẹp rèn kỹ năng viết lách.

Trước đó, chị đã cho ra mắt "Sóng đưa nước" và nhận được sự yêu thích của bạn đọc.

Tập tùy bút "Ve vãn Sài Gòn" do NXB Trẻ & Tủ sách Tuổi Trẻ ấn hành. Buổi ra mắt sách do đơn vị làm sách tổ chức sẽ diễn ra lúc 9 giờ ngày thứ Bảy (22.6.2013) tại cà phê Trung Nguyên (6A Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM). Dịp mắt sách này, nhà thơ Lê Minh Quốc là MC làm “cầu nối” giữa bạn đọc giao lưu với Chị Đẹp và nhà văn Nguyễn Đông Thức

Còn bạn, hãy cùng… "Ve vãn Sài Gòn" để có những cảm nhận riêng của mình!

 

Minh Minh

(nguồn: http://danviet.vn/143494p1c30/cung-chi-dep-ve-van-sai-gon.htm)


 

Chị Đẹp - Ve vãn Sài Gòn

Một cô bạn thân ở Sài gòn đi dự buổi ra mắt cuốn sách hồi hơn tuần trước hứa sẽ gởi cho tôi tác phẩm với cái tên hết sức “gợi cảm”. Tác giả là một bạn nữ tôi chưa hề biết, dù có nghe nói là cô cũng là tác giả cuốn “Sóng Đưa Nước” và là cây bút tạp ghi được nhiều tờ báo săn đón.

 

20130630_211117

Nhận được cuốn Chị Đẹp - Ve vãn Sài Gòn, tôi đã đọc ngấu nghiến trong hai ngày cốt chỉ để tìm xem “chị” là ai, và đã “ve vãn” Sài gòn của tôi như thế nào. Sở dĩ nói “Sài gòn của tôi” vì tận sâu thẳm, tôi là người Sài Gòn.

Sau năm 1975, nhà văn Sơn Nam từng nhận xét: “Nên khẳng định hộ khẩu ở Sài Gòn, ông bà đến Sài Gòn từ đôi ba đời là tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Nhiều người ở vùng Sài gòn từ nhiều đời, nhưng con cháu lần hồi suy thoái, không theo kịp thời cuộc đã trở nên "xơ cứng", chỉ là dân Sài Gòn về thể xác. Ngược lại, người tuy mới cư ngụ ở Sài Gòn từ năm, bảy năm nhưng đã là "dân Sài Gòn”, vì đã kịp thời thích ứng, ngày càng hiểu thêm về vùng đất mình đang sống và ra sức tô điểm thêm".

Vậy bạn, cũng như tôi là người từ nơi khác nhập cư Sài Gòn chưa bao lâu, những đã thấm được cái hồn, hiểu được cái tâm, và học được cái nết của Sài Gòn, thì chúng ta đã là người Sài Gòn rồi.

Thế rồi chỉ chừng hơn chục năm sau, trong cuốn “Người Sài Gòn” do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1992 và được viện đại học Michigan số hóa năm 2008, Sơn Nam lại viết “đó là người nay không còn cư ngụ ở Sài Gòn, đã đi lưu tán ở khắp các vùng đồng bằng sông Cửu Long, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới, hoặc đã trở thành Việt kiều ở một nước nào đó.”

Vì sao Sơn Nam trong những năm thuộc thập niên 80, 90 mà đã có nhận định bi quan về Sài Gòn như vậy? Giọng nói ít nhiều đã bớt giọng Sài Gòn, cách đối nhân xử thế đã hết theo lối Sài Gòn. Người ta đã hết yêu nhau, ghét nhau, đày đọa nhau, giúp đỡ nhau....theo kiểu "hồi trước" ? Sơn Nam đã  chua chát và đơn giản cho rằng những người Sài Gòn đích thực của ông đã không còn sống trong thành phố này nữa. Họ đã đi tứ tán hết rồi, cũng như tôi, cũng như tác giả cuốn “Chị Đẹp - Ve vãn Sài Gòn”.

Cả một thời gian khá dài, tôi vẫn giữ nhận xét của Sơn Nam một cách đau đớn. Elle est morte, ma perle de l'Extrême - Orient. Đôi lần trở về vội vã, những nhận xét thoáng qua, vài cọ xát không đáng có....cho đến hôm nay, cầm trong tay cuốn tản văn của Lê Phương Thảo, tôi mơ hồ hy vọng Sài Gòn vẫn còn đó, nguyên khôi như ngày chúng tôi rời bỏ nó.

Tác giả cũng đã đi khỏi thành phố yêu dấu này để rồi trở về và.... ve vãn nó ? muốn tìm hiểu, chinh phục nó, và nâng nó trở lại ngôi vị ngày xưa trong lòng con người Sài Gòn.

Cô đã trở về từ những năm Việt Nam mới mở cửa một cách rụt rè, đã ăn, ngủ, vui chơi, và làm việc ở Sài Gòn. Công trình “ve vãn” đó kéo dài đến tận bây giờ, được tác giả ghi lại thành nhiều tiểu mục, nhớ Sài Gòn, vẽ Sài Gòn, tiếng Sài Gòn, ăn Sài Gòn....và cả....đàn ông Sài Gòn. Cặn kẽ, từng góc phố, từng quán ăn bình dân và thời thượng. Cặn kẽ đến cả từng....lời đồn về các mối tình, những cuộc hợp tan trong kinh doanh và tình ái. Đặc biệt là về làn sóng Việt kiều về làm ăn trong những năm mới mở cửa.

Những quán xá, cửa hiệu một thời của người Sài Gòn nay ra sao, vật đổi sao dời như thế nào, tóm gọn chỉ trong vòng khu phố xá trung tâm Sài Gòn, đã cho tôi, người Sài Gòn lưu tán của nhà văn Sơn Nam, vơi bớt nỗi niềm.

Thêm vào đó, mỗi cuối tiểu mục của sách, lại có sự góp mặt của nhà văn Nguyễn Đông Thức, người Sài Gòn liên tục 62 năm qua, điểm xuyết thêm những chi tiết đối chiếu với thời trước mà Lê Phương Thảo khó nhớ do còn quá trẻ.

Nói chung, cuốn “Chị Đẹp- Ve vãn Sài Gòn” đã giúp tôi xác quyết rằng Sài Gòn của tôi vẫn còn đó, người Sài Gòn vẫn còn đó, và tôi....vẫn là người Sài Gòn.

NAM CƯƠNG

(nguồn: http://www.vietwebradio.net/2013/07/nam-cuong-oc-sach-chi-ep-ve-van-sai-gon.html)


 

'Ve vãn Sài Gòn' - cuốn sách có… 'comment'

 

(Thethaovanhoa.vn) -Ve vãn Sài Gòn (NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ) của tác giả Chị Đẹp - bút danh của blogger Lê Phương Thảo - chứa trong mình nhiều thể loại: khảo cứu, tạp văn, hồi ức và cả truyện ngắn. Điều đặc biệt ở cuốn sách này là những “comment” (bình luận) của nhà văn Nguyễn Đông Thức sau mỗi bài viết.

1. Tác giả Chị Đẹp cất công khảo cứu qua các tư liệu kết hợp với hồi ức của mình để phác thảo lại một Sài Gòn xưa và nay. Theo Chị Đẹp, Sài Gòn trên bản đồ hành chính gồm 19 quận nhưng nếu leo lên taxi từ bất cứ một quận nào, bảo tài xế “cho tôi ra Sài Gòn”, thì mặc định tài xế cứ thế mà đâm thẳng ra trung tâm quận 1. Với người Sài Gòn, dù ở bất cứ quận, huyện nào, hễ nói đến Sài Gòn là mặc nhiên họ nghĩ ngay đến trung tâm quận 1 hoa lệ.

Sài Gòn trong Ve vãn Sài Gòn được khu biệt từ quan niệm đó nên tác giả viết về những thay đổi xung quanh các con đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi...  Chỉ loanh quanh mấy con đường mà diễn ra bao nhiêu là chuyện “vật đổi sao dời”, có nhiều đổi thay khiến người hoài niệm không khỏi nhớ tiếc. Người Sài Gòn đi xa nhớ về Sài Gòn đủ chuyện, như: chuyện nhà ở, chuyện giọng nói, chuyện dạo phố, chuyện ăn, chuyện cà phê, chuyện chơi đêm và cả chuyện đàn ông Sài Gòn.

 

ve-vanresize

 

Tác giả Chị Đẹp sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn, dù định cư bên Mỹ với gia đình hàng chục năm ròng nhưng lòng vẫn không nguôi nhớ về Sài Gòn. Đến độ, trong hơn 10 năm nay, Chị Đẹp đã về sống với Sài Gòn như “một người tình”, một mối tình luôn luôn hấp dẫn nhau vì luôn trong tư thế “ve vãn” nhau.

Trong Ve vãn Sài Gòn, ngoài tài liệu và vốn sống của mình, Chị Đẹp xây dựng nhân vật là một phụ nữ Mỹ lấy chồng người Sài Gòn. Người phụ nữ Mỹ này là bạn của tác giả đã có nhiều nhận xét thú vị về lối sống, con người Sài Gòn. Số phận người phụ nữ Mỹ này xuất hiện trong Ve vãn Sài Gòn như một nhân vật truyện ngắn và tạo nên cảm giác khách quan cho những nhận định về Sài Gòn. Cũng chính nhân vật này giúp tác giả khép lại câu chuyện về Sài Gòn của mình: “Sài Gòn là như thế. Mãi mãi sẽ là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về mình”.

2. Lâu nay, các cuốn sách văn chương, ngoài nội dung chính của tác giả thường có “lời tựa” và “lời bạt” do những người khác viết giống như những “lời bình” về tác phẩm. Ve vãn Sài Gòn cũng có vài dòng giới thiệu của NXB, nhưng quan trọng hơn là những “comment” của nhà văn Nguyễn Đông Thức - với tư cách người đọc - dưới những bài viết của Chị Đẹp.

Những “comment” của nhà văn Nguyễn Đông Thức vừa cung cấp thêm thông tin về Sài Gòn xưa và nay, đồng thời đưa ra những nhận định bổ sung vào các góc nhìn của Chị Đẹp, giúp cho nội dung cuốn sách hoàn thiện hơn.

Có lẽ, đây là một trong những cuốn sách “giấy trắng mực đen” có sự tương tác giữa người viết (Chị Đẹp) và bạn đọc (Nguyễn Đông Thức). Lâu nay, hình thức “comment” này chỉ dành cho những tác phẩm được “xuất bản online”, ví như in trên mạng xã hội facebook chẳng hạn.

 

Thanh Kiều

(nguồn: Thể thao & Văn hóa http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/ve-van-sai-gon-cuon-sach-co-comment-n20130804082157283.htm)


Có gì ở Sài Gòn để mà ve vãn...?

 

Quả là e ngại, thậm chí thấy mình bất thường khi vào hiệu sách rồi chỉ mua đúng một cuốn sách này. (“Ve vãn Sài Gòn” của Chị Đẹp, Tủ sách Tuổi trẻ và NXB Trẻ xuất bản 2013, 184 trang).

Lúc đầu tôi thấy cái tên tác giả hơi buồn cười và quê quê, cải lương. Chị Đẹp! Hẳn là người rất tự tin, hoặc người biết tự giễu mình, ấy cũng là sự tự tin. Nhưng dẫu sao giữa bao cái bí danh/nickname/bút danh/nghệ danh… hay giả danh gì gì đi nữa: Kiểu choang choang những tên kiểu Tàu - Hương Cảng, có kèm tí Mỹ, có chút tây hoặc mập mờ, giả nai… có lẽ cái tên Chị Đẹp lại thân mật, dễ thương giàu tinh thần dân tộc, đề cao sự bình đẳng giới…

Tất nhiên tôi chưa được đọc gì của/về Chị Đẹp, nhưng nhìn vào bìa gập biết đấy chỉ là bút danh của một blogger và tác giả đã đưa đến bạn một cuốn trước đó là Sóng đưa nước”. Vả lại cái tên sách “Ve vãn Sài Gòn” cũng khiêu khích, mời gọi tôi mua, dù đã lâu nay từ ve vãn có cái gì đó không đẹp, mục đích không thật “đàng hoàng”. Bìa sách với định kiến của tôi cũng “tầm thường”, “tỉnh lẻ”, dù hình vẽ cô gái ở bìa về sau mới biết đích thị là tác giả, nhờ cái ảnh nhỏ giới thiệu bên trong…

Thật sự tôi chưa thích gì lắm với loại văn chương, dù mạng đang là bệ phóng đưa bao người thành người viết (writer lẽ nào chỉ nên hiểu là nhà văn cho oai, hẳn cũng bởi dân mình thích nhà/gia, nên mấy tay máy quèn cũng được/tự gọi là nhiếp ảnh gia chẳng hạn). Đã có không ít cuốn tạp văn, truyện ngắn, truyện dài và cả tiểu thuyết nữa được “xuất bản” trên mạng trước, sau đó mới sang bản in giấy. Với hầu hết các tác phẩm như thế, có lẽ nhiều bạn đọc lớp già như chúng tôi chỉ dám trân trọng và không dễ đến gần.

Nhưng với “Ve vãn Sài Gòn” tôi có sự tin và thích thú để đọc hết. Có lẽ là sự khác lạ của cuốn sách. Nó cũng là một sự “tổng hợp” để lôi cuốn người đọc, nhất là khi văn hóa đọc (sách) đang xuống dốc như hiện nay. Chị Đẹp đã đưa vào sách những hình ảnh đen trắng cũ về Sài Gòn của tạp chí Mỹ danh tiếng “Life” rồi từ các nguồn (không rõ) của Google và của vài tác giả người Việt cũng như cả ảnh đen trắng chụp chính mình (?).

Ở đầu mỗi chương đều lấy thơ (hoặc ca từ của bài hát) làm đề từ, có cái hợp, có cái không (như trước chương “Sài Gòn ăn” dùng thơ Hàn Mặc Tử có lẽ không hợp lý, dù hai câu có ăn và đói). Trong tập tạp văn này - tôi mạnh dạn gọi thế - Chị Đẹp còn trích dẫn nhiều tác giả. Có nhà văn (và tất nhiên có nhiều blogger khác nữa…) để có thêm cái nhìn đa chiều, cái nhìn khác và đó là một cách làm sách gây được hiệu quả nhất định.

Viết về một thành phố lớn nhất cả nước như Sài Gòn vậy mà không dễ. Từ xưa đến nay hình như không có nhiều cuốn sách (không hư cấu - nonfiction) về cuộc sống và con người Sài Gòn. (Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đáng chú ý gần hai mươi năm trở lại đây chỉ có tác giả Minh Hương với hai tập “Nhớ… Sài Gòn” (tập 1 - 1994, tập 2 - 1998). Có lẽ cũng như ca khúc, sách về Hà Nội là vô địch chăng?).

Đọc “Ve vãn Sài Gòn”, tôi thấy Chị Đẹp đã khôn ngoan chỉ chọn một góc nhỏ Sài Gòn, nhưng rất nổi tiếng, một số nơi như là những biểu tượng của thành phố này và đã có mặt trong nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh trong và ngoài nước.

Sự lựa chọn của tác giả “lấy một cái compass và dùng UBND thành phố làm trung tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng một cây số, đó có lẽ là Sài Gòn trong suy nghĩ của rất nhiều người” là thực tế trong cuốn sách này. (Hình như dân (ở) Hà Nội (như chúng tôi) cũng thường nghĩ thế. Lấy Bờ Hồ làm tâm - nhưng bán kính có lẽ phải là hơn một cây số - thì sẽ ra Hà Nội chăng?).

Từ đây, Chị Đẹp trải lòng ra với nỗi niềm nhung nhớ với những mảnh nhỏ của ký ức: Vẽ Sài Gòn, Sài Gòn ở, Tiếng Sài Gòn, Sài Gòn ăn, rồi đêm, giọt, Noel… ở Sài Gòn; là phụ nữ nên tác giả còn có hẳn một chương Đàn ông Sài Gòn và cuối cùng là cảm nhận của một cô bạn Mỹ vừa chia tay người chồng Sài Gòn về Sài Gòn, chương cùng tên cuốn sách “Ve vãn Sài Gòn”.

Tôi không biết tác giả có tên là Chị Đẹp kia có đẹp thật không, nhưng tin một điều văn chương khá… đẹp. Chắc chắn rồi, những nơi chốn tác giả nhập cuộc, những suy nghĩ, tâm hồn và sự đồng điệu của tác giả về Sài Gòn cho bạn đọc thấy đó là một người từng trải, có điều kiện để so sánh, để thể hiện và có phong thái của một người đàn bà có “đẳng cấp”, “sành điệu” hay nói một cách khác hơn, thuộc tầng lớp trung lưu (trở lên), một người quý phái mới trong thời buổi nhìn đâu cũng thấy hỗn loạn giá trị như chuyển động Brown…

Chị Đẹp viết tinh tế, sắc sảo và không thiếu nụ cười giễu nhại nhỏ nhẹ nhưng đầy cay đắng, chua chát. Tác giả có cách yêu Sài Gòn rất riêng: “Từ đấy tôi yêu Sài Gòn hơn. Sài Gòn đã đi trong bụng tôi bằng một cách ngọt ngào như thế đấy. Sài Gòn thơm ngát mùi kẹo của một thời tuổi thơ. Sài Gòn dài hay ngắn, to hay nhỏ tùy thuộc vào hình thù thỏi kẹo và thời gian tôi ngậm những hạt đường cô kết lại với nhau rồi tan chảy thật nhiều màu sắc trong miệng…”. Sau này tác giả xa Sài Gòn, sang Mỹ nhiều năm, rồi lại trở về Sài Gòn, nhưng tình yêu Sài Gòn thì vẫn thế, có thể chỉ màu sắc và độ ngọt ngào ngắn dài khác nhau.

Nếu là một người đọc khó tính, dù ở Sài Gòn hay ở thành phố khác, có thể cho rằng tác giả có phần cực đoan khi nhận định hay trích dẫn các tác giả (là nhà văn có tiếng, hay là những đoạn viết trên Facebook nào đó) về (thế nào là) người Sài Gòn, hoặc so sánh Sài Gòn với Hà Nội.

Hoặc giả, đi vào một chỗ toilet sạch sẽ thơm tho và thú vị nữa, đúng là thích thật thì đâu phải là điều đặc biệt để mà khó quên Sài Gòn (tr.65 và tr.125). Điều đó cũng không sao, bởi tác giả có quyền nói thẳng những gì mình yêu, ghét, thích và không thích. Tôi cũng không cho rằng: “Elizabeth Gilbert (1) nếu có dịp về thăm thành phố này, sẽ viết được cuốn Eat Pray Sex”.

Nhưng có lẽ nhiều bạn đọc sẽ đồng cảm với nỗi niềm tiếc nuối của tác giả về Sài Gòn: “… chung quanh cái rốn của Sài Gòn có rất nhiều căn nhà chờ đập. Đập một cách thản nhiên không thương tiếc. Chả có gì gọi là kỷ niệm của người này là sự phiền toái của người khác. Quá khứ của một lớp người này là một thời xa lạ của một lớp người khác. Con người tạo nên kỷ niệm cho chính họ và chẳng ai quan tâm đến chuyện xót xa của người khác cả”.

Đọc “Ve vãn Sài Gòn” thấy tác giả luôn là người hoài cổ, hay chính xác hơn là người tân  hoài cổ. Sài Gòn biến đổi nhanh quá, mà nhiều thay đổi ấy khó có thể gọi là phát triển, chưa nói đến sự “phát triển bền vững”. Tác giả đã nhớ tiếc ngay cả những gì đẹp đẽ chỉ mới đây thôi đã lại bị cuốn đi bởi cơn lốc kinh doanh đất vàng - nhà mặt phố, cũng như sự tha hóa của không ít người ở nơi thành phố này. Không thể không suy nghĩ khi tác giả chua chát nhận xét: “Có lẽ cô bạn Mỹ của tôi nói đúng, Sài Gòn không còn là một nơi để người ta trụ lại. Sài Gòn bây giờ chỉ là một nơi tụ lại mà thôi”.

Nhân đây, tôi muốn nói rằng, tôi thích cách tác giả đưa cô bạn Mỹ của mình vào trong sách. Cô bạn Mỹ có thật hay chỉ là cái tôi khác của tác giả thì cũng không quan trọng. Chỉ biết, tác giả đưa vào rất khéo léo ở nhiều chương, mỗi khi cần “đối thoại”, “tranh luận” để kiểm nghiệm chính mình, nhiều khi chỉ là trò chơi tâm lý nước đôi. Và tác giả đã rất khôn ngoan khi cho cô gái Mỹ “nói” những lời/viết cuối kỳ cho cuốn sách, dù có thể có người phản đối rằng, “một người Sài Gòn đâu phải là Sài Gòn”, vì thế hai câu nói ấy hình như không là cùng một vấn đề để kết luận.

Theo tôi, cuốn sách này có phần đóng góp của nhà văn Nguyễn Đông Thức - một nhà văn tôi quý mến. Anh không làm “nhiệm vụ” như Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương và cũng không chỉ làm việc còmmen (comment) tùy hứng và đã đưa ra những nhận xét, đóng góp, gợi mở cho từng chương sách, thậm chí có cả những lời khuyên chân tình, rất có lý cho người viết. Đến nỗi tôi thấy anh viết khéo, nhưng thẳng thắn như… người đàn ông Sài Gòn.

(1) Tác giả Mỹ Elizabeth Gilbert là tác giả cuốn tự truyện “Eat, Pray, Love” đã được dịch sang tiếng Việt “Ăn, cầu nguyện và yêu” (Nhã Nam và NXB Phụ nữ 2009, tái bản 2011). Chị Đẹp “nghĩ” bà sẽ viết tác phẩm ''Ăn, cầu nguyện, tính dục'' khi đến Sài Gòn.

(2) Có lẽ như nhiều bạn đọc, tôi hơi ngại cuốn sách này vì tác giả dùng tiếng tây nhiều quá, mà không chú giải gì hết. Ngoài ra, cũng có chỗ tôi nghĩ người viết (hay người đánh máy) sai, thí dụ như tr.135 Grivral (viết đến 4 lần) có phải là Givral? Nhưng tôi không dám chắc, vì có khi tác giả chơi chữ chăng? Cũng như tác giả đã chơi chữ rất thú vị: Karaoke thành karaOK!

Y TRANG

(nguồn: báo LĐCT -  Số 31 - Thứ năm 01/08/2013/  http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Co-gi-o-Sai-Gon-de-ma-ve-van/130398.bld)


Ngút ngàn mắt nhớ


Đêm qua mưa, ánh chớp của cơn bão sấm cứ như từ ánh đèn lóe lên từ góc máy chụp hình. Giông bão thế này cứ ngỡ rằng sẽ mình sẽ thức trắng nhưng ngược lại tôi đã có một giấc ngủ thật ngon. Sáng thứ bảy, tự thưởng cho mình một chút thảnh thơi, tôi với tay tìm Ve Vãn Sài Gòn* đọc tiếp.

Tôi biết Ve Vãn Sài Gòn từ những sợi dây liên kết bạn bè trên Facebook. Sau những tin nhắn trao đổi sách với tác giả, tôi nhận được sách từ chị. Sống ở ngoại quốc hơn hai mươi năm, tôi thèm đọc tiếng Việt nên sách tiếng Việt đối với tôi rất quý. Thế nên khi nhận được sách từ chị, tôi đã mân mê đã con mắt từ bìa sách, đến gáy sách, rồi mới lật từng trang sách. Trang đầu tiên dưới tựa đề là nét chữ viết tay thật đẹp: "Bản tặng...., Springfield, VA 1/7/13 kèm theo một chữ chữ đẹp không kém, đẹp như bút danh của chị - Chị Đẹp.

Ve Vãn Sài Gòn được viết theo dạng tùy bút. Mỗi tản văn sẽ dẫn dắt độc giả vào những ngõ ngách, tâm trạng của Saigon như Sài Gòn ăn, Sài Gòn ở, Xuống phố, Giọt Sài Gòn, Đàn ông Sài Gòn, Nhớ Sài Gòn... Sách được viết bằng một giọng văn gần gũi và dễ hiểu nhưng cũng rất đàn bà (vu vơ nhưng đầy gợi ý, chuyện quà vặt, chuyện hậu trường, chuyện đàn bà, đàn ông...). Mỗi bài viết được mở bằng một trích đoạn thơ và khép lại bằng lời thủ thỉ của nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Buông sách xuống, tôi hy vọng có một ngày mình sẽ đọc lại Ve Vãn Sài Gòn ở một quán cà phê hoặc một ngõ ngách nào đó giữa Saigon và biết đâu tôi cũng sẽ thai nghén một tựa sách nào đó. Biết đâu...

* Ve Vãn Sài Gòn - Chị Đẹp - Nhà Xuất Bản Trẻ

08.10.2013
EG

(nguồn: http://dtphorum.com/pr4/showthread.php?2402-ng%C3%BAt-ng%C3%A0n-m%E1%BA%AFt-nh%E1%BB%9B&p=98642)


“Tác giả Chị Đẹp: Sách tái bản mà mình không có

Cuốn sách Ve vãn Sài Gòn của tác giả Chị Đẹp - bút danh của blogger Lê Phương Thảo - vừa được NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ tái bản lần thứ nhất. Cuốn sách này viết về Sài Gòn loanh quanh trong các con đường ở trung tâm Q.1, TP.HCM.

Ve vãn Sài Gòn ra mắt vào ngày 22/6 vừa qua và chỉ mới hơn một tháng đã tái bản chứng minh rằng: sách viết về Sài Gòn xưa và nay thu hút người đọc không kém gì sách viết về những địa danh nổi tiếng khác.

Ve vãn Sài Gòn tái bản nhưng tác giả Chị Đẹp “không có cuốn sách nào trong tay”. Lý do blogger Lê Phương Thảo đang ở Mỹ vì chị là Việt kiều định cư ở đây. Tuy sống ở Mỹ, nhưng mỗi năm Lê Phương Thảo về Sài Gòn làm việc trong ngành thiết kế thời trang nhiều tháng ròng. Được biết, do nôn nóng muốn cầm trên tay cuốn sách của mình vừa được tái bản, đầu tháng 9 này Chị Đẹp sẽ bay về Sài Gòn trước dự định”.

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/tac-gia-chi-dep-sach-tai-ban-ma-minh-khong-co-n20130810063334648.htm)


VÀI HÌNH ẢNH RA MẮT SÁCH Ve vãn Sài Gòn


ra-sach-ve-van-R-1

  Từ phải: Nhà văn Nguyễn Đông Thức - người biên tập VE VÃN SÀI GÒN ; tác giả Chị Đẹp và nhà thơ Lê Minh Quốc - dẫn chương trình buổi giao lưu


RA-MAT-SACH-13

"Dăm ly bia bọt trên phố xá

Cũng đủ choàng vai ngó xuống đời" (tr.169)

 

RA-MAT-SACH-1

"Có lẽ chỉ cần biết, Sài Gòn, với nhiều người, là nơi chưa đi đã nhớ" (tr.23)

 

RA-MAT-SACH-2

"Chắc chắn là  có những mối tình đã bắt đầu hay chấm dứt cũng từ ly cà phê" (tr. 132)

 

ramatvevansaigon-1

"Cũng có những người buổi sáng đang còn lờ đờ, nhưng chỉ cần nốc hết một ly đầy ngụm nhỏ bóng tối này vào thì họ lại sáng rạng mặt trời lên ngay, lạ lùng thật" (tr. 128)

 

RA-MAT-SACH-3

"Quá khứ của lớp người này là một trời xa lạ của lớp người khác. Con người tạo nên kỷ niệm cho chính họ, và chẳng ai quan tâm đến chuyện xót xa của người khác cả" (tr. 67)

 

RA-MAT-SACH-5

"...Nghe như một mẩu tin dự báo thời tiết đẹp và lãng mạn bằng thơ" (tr. 8)

 

RA-MAT-SACH-6

"Có khi đấy chỉ là mùi của một sự hoài niệm. Có khi là màu của tàn phai" (tr. 30)

 

RA-MAT-SACH-7

"Khi con người ta hạnh phúc, có thì giờ rảnh rỗi đâu mà ca ngợi cái hạnh phúc đấy, chỉ cần nhìn vào mắt sáng long loanh, môi tươi thắm, tóc mượt mà là đủ biết" (tr. 136)

 

RA-MAT-SACH-8

"Sài Gòn cứ thản nhiên đón người đến và đưa người đi" (tr. 12)

 

RA-MAT-SACH-9

"Tất cả trong lòng bàn tay, tất cả trong vài bước chân. Băng qua một con đường là chạm ngõ niềm vui" (tr. 40)

 

RA-MAT-SACH-10

"Và họ nhớ về cảm giác mà họ đã yêu thành phố này như thế nào. Kiểu như nếu không có Sài Gòn thì họ cũng mờ nhạt mất đi. Vô hình" (tr. 46)

 

RA-MAT-SACH-11

"Sài Gòn thật ra phức tạp theo một cách vô cùng đơn giản. Cũng như đàn bà, đàn bà phức tạp một  cách vô cùng đơn giản hay ngược lại?" (tr. 45)

 

RA-MAT-SACH-12

"Những người này, họ cố gắng nắm níu lại được chút gì hay chút đấy sắc thái của Sài Gòn" (tr.48)

 

 

(nguồn: Ảnh của NGHĨA PHẠM)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com