Mục lục |
---|
Vài tài liệu về nhân vật NGUYỄN DUY - em ruột NGUYỄN TRI PHƯƠNG |
1. NGUYỄN DUY và BUỔI ĐẦU CHỐNG PHÁP XÂM LƯỢC |
2. NGUYỄN DUY - LẶNG LẼ MỘT NỖI NIỀM |
Tất cả các trang |
NGUYỄN DUY và BUỔI ĐẦU CHỐNG PHÁP XÂM LƯỢC
Trên tạp chí XƯA & NAY số 76B, tháng 6 năm 2000 của Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh có bài viết: “Tiến sĩ NGUYỄN DUY – nhân vật bị lãng quên” của ông Đinh Văn Liên.Mục đích của bài viết đã được tác giả nói rõ ở phần mở đầu: “Nguyễn Duy là em ruột của danh tướng Nguyễn Tri Phương, ông đã có một cuộc đời thật sôi nổi, là một học giả Hàn lâm uyên bác, một vị quan cai trị thanh liêm mẫu mực, hết lòng vì dân và là một chí sĩ yêu nước, một Định Biên Tán Lý đã vị quốc vong thân ở đại đồn Chí Hòa. Song có lẽ vì công nghiệp và danh tiếng của Nguyễn Tri Phương quá lớn, nên ông chưa được sử sách đề cập đến một cách đúng mực, công bằng như những danh nhân khác, mà thường chỉ đề cập sơ qua khi nói về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tri Phương. Mong muốn của chúng tôi là gom góp tư liệu từ sử sách để trả lại cho Nguyễn Duy những gì thuộc về Nguyễn Duy”.
Cùng với mục đích ấy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ trưng dẫn một số tư liệu về buổi đầu chống Pháp của Nguyễn Duy, để xin trưng cầu quảng kiến của độc giả.
- Xin đơn cử một số việc làm tiêu biểu: Biên chép “Đồ hội thi tập” (1842) (1). Chấm phúc khảo trường thi Gia Định khoa Quý Mão (1843). Xin mở trường và tổ chức học phủ ở Tân An, dạy hai anh em Nguyễn Thông, Nguyễn Hài học (trong thời gian ông làm Tri phủ tại đây từ năm 1845 đến năm 1847) (2). Được cử làm Ất phó sứ sang Trung Hoa vào năm 1852 (3) .v..v… Làm việc gì cũng được ban khen tưởng thưởng (3 lần kỷ lục có gia cấp hoặc kỷ lục hai thứ, một Kim khánh hạng nhì ghi 4 chữ “Cần Lao Khả Lục” kèm theo một bài thơ ngự chế.
Đường công danh như đã rộng mở để ông thênh thang tiến bước, nhưng với Nguyễn Duy - con người lâu nay vốn nổi tiếng Trung Nghĩa, hầu như chẳng bao giờ ông màng tới. Giữa lúc đất nước ngả nghiêng, nhân dân bị bắn giết bởi tàu đồng súng thép của giặc, ông đã quên mình vì nghĩa cả - ơn nước nghĩa dân phải lo đền đáp.
NGUYỄN DUY TRÊN MẶT TRẬN QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG
- Ngày 15/04/1856 hai chiến hạm Victorieuse và Gloire vô cớ pháo kích các đồn trại của ta ở cửa biển Sơn Trà.
- Ngày 16/09/1856, họ lại ngang nhiên cho một trung đội đổ bộ lên bờ. Thuyền trưởng tàu Catinat là Lelieur de Ville Sur Arce đã ném thư lên cát, đòi ta đàm phán thương lượng.
Trước tình hình đen tối và để đối đầu với cuộc ngoại giao khá căng thẳng ấy, vua Tự Đức đã giao trọng trách này cho Nguyễn Duy. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ, quyển XX trang 277 chép rõ : “Tháng 9 sai Hồng Lô tự khanh sung làm việc nội các là Nguyễn Duy đi kíp đến đồn cửa biển Đà Nẵng, hội cùng Đào Trí bàn làm việc Trấn dương… Án sát sứ là Tôn Thất Dũng, Lãnh binh quan là Phạm Truật cũng vì tội sơ phòng… chuẩn cho trước hãy cách chức, tạm giao cho Đào Trí, Nguyễn Duy tuỳ việc sai phái, nếu có một chút sợ lùi, lập tức đem chém ở trước quân để răn bảo mọi người…
Xuống sắc khẩu đòi viên Quản đạo Phú Yên là Trần Đình Túc (nguyên xin về chung dưỡng) chuẩn cho đi theo Nguyễn Duy làm việc quân thứ”.
Trước thái độ xấc xược xem thường kỷ cương phép nước của ta của viên thuyền trưởng tàu Catinat, Nguyễn Duy đã cứng rắn cương quyết không thương nghị, buộc người Pháp phải xin lỗi và sửa chữa đồn luỹ của tan do y bắn phá trước khi đến lập điều ước.
Ngày 24/10/1856, Hải phòng hạm Capricieuse – một trong hai chiếc tàu của sứ đoàn Montigny đến Đà Nẵng, chính viên thuyền trưởng Colier đã sửa lại những lời lẽ trong thư cho được lễ phép hơn. Qua việc này đã nói lên tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo toàn quốc thể của Nguyễn Duy.
Sau nhiều lần khiêu khích, gây hấn và yêu sách này nọ không đạt được kết quả. Ngày 01/09/1858 quân xâm lược Pháp do Rigault de Genouilly chỉ huy đã đánh Đà Nẵng. Lực lượng của y chia làm hai cánh, cánh thứ nhất triệt hạ các pháo đài của ta dọc ven biển, cánh thứ hai đánh các đồn Điện Hải, An Hải. Hai đồn này đã nhanh chóng rơi vào tay giặc. Làng Mỹ Thị nằm sâu trong đất liền cũng bị địch chiếm, họ đã nhổ rào đồn phá núi đất..v..v… Trần Hoằng, Phan Khắc Thận, Lê Đình Lý lần lượt bị thua trận. Lúc bấy giờ tình hình quân ta hết sức hoảng loạn, lớp trốn tránh lớp đào nhiệm bỏ ngũ đã quá hơn phân nửa. Quân số cộng là 7000 chỉ còn lại 3200 tại ngũ. Sa sút, tệ hại đến nỗi vua Tự Đức phải ra lệnh: “Không cứ quân hay là tướng, ai nhút nhát rút lui đều lập tức chém đầu”. Đương lúc như thế “Hồng Lô tự khanh Tham biện việc nội các Nguyễn Duy xin đi quân thứ Quảng Nam, vua cho đi sung làm Tán lý quân vụ” (Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ quyển XIX trang 441)
Ngay trong những trận đầu Nguyễn Duy đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ: “Thuyền của quân Tây dương vào sông Hàn, sông Nại Hiên (Quảng Nam) Đào Trí, Nguyễn Duy chia quân phục kích đánh được thắng” (Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ quyển XIX trang 456).
“Thuyền binh của Tây dương (8 chiếc) tiến vào sông nại Hiên, Nguyễn Tri Phương phái Chu Phúc Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy đem quân chia phái đi đồn mới, bắn phá được thuyền của giặc (thuyền có cái bị gãy cánh buồm, cái thì bị thủng vỡ, rỉ nước vào). Vua khen và thưởng cho”. (Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ quyển XIX trang 460)
“Đào Trí đem quân sang đóng ở làng Mỹ Thị, Chu Phúc Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy mỗi ngày chia nhau đi các đồn, gặp (quân Tây dương bốn trăm tên) ở quãng giữa hai đồn Nại Hiên, Hoá Khuê liền bắn vào giặc phải lui” (Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ quyển XIX trang 465)
“Quân của Tây dương chia toán (ước 700) đột nhiên lại đến, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy đánh nhầu với quân Tây dương một trận thật to ở quãng đồn Hoá Khê, Thạc Gián. Nguyễn Duy suýt chút nữa bị giặc bắt sống được. Nguyễn Tri Phương lúc ấy bận đi khám đồn Chân Sảng vắng, Đào Trí, Chu Phúc Minh cũng không kịp đến cứu viện” (Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ quyển XIX trang 465)
“Ngày hôm sau, quân của Tây dương tiến vào 3 đồn ở bãi biển… Nguyễn Duy chia quân mai phục để chận đánh. Quân của Tây dương đánh vỡ Hạ đồn, Hiệp quản là Nguyễn Tĩnh Lương cố sức đánh bị chết trận. Quân của Tây dương vây cả 3 đồn, Phúc Minh chạy vào đồn cố giữ. Nguyễn Duy đem bọn Phan Gia Vinh (Phó quản cơ sung Phó vệ uý) đến cứu, đánh giết quân Tây dương phải lui”. Theo Đại nam thực lục, đây là trận đánh lớn nhất, xảy ra vào tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1859), công đầu thuộc về Nguyễn Duy, ông được thăng Quang Lộc tự khanh ” (Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ quyển XX trang 7 và 8).
Nhận xét về các tướng lãnh của ta ở mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng, ông Nguyễn Khắc Đạm trong tác phẩm “Nguyễn Tri Phương đánh Pháp” đã có lời bình: “Đặc biệt là Nguyễn Duy đã tỏ ra rất linh hoạt vì không những đã làm đầy đủ bổn phận trên trận địa do mình phụ trách, mà có lần còn kịp thời đem quân ứng cứu Chu Phúc Minh, khiến cho thế trận chung vẫn được giữ vững” (4). Chỉ một trận đánh mà hiệu quả lớn lao đến vậy, việc nhắc nhở đề cao cũng là lẽ đương nhiên. Cùng với những lời nhận xét vừa nêu, ông Nguyễn Huyền Anh trong “Tiểu tự điển Nhân vật lịch sử Việt Nam” trang 120 đã tổng kết về Nguyễn Duy như sau: “Thắng liên quân Pháp Y Pha Nho ở Đà Nẵng (1858). Đánh lui quân địch cứu thành Hải Châu”.
NGUYỄN DUY TRÊN MẶT TRẬN GIA ĐỊNH
Dù đã tận dụng hết sức người (các đơn vị thiện chiến) và sức mạnh của hoả lực (tàu đồng súng thép), quân Pháp vẫn không chiếm nổi Đà Nẵng, buộc họ phải chuyển hướng tấn công vào Nam. Ngày 17/02/1859, quân Pháp tiến bức thành Gia Định. Tướng lãnh ta kẻ thì rút chạy như Bố chính Võ Thực, Lãnh binh Tôn Thất Năng, người thì tuẫn tiết như Hộ đốc Võ Duy Ninh, Án sát Lê Tứ. Triều đình Huế họp khẩn bàn cách đối phó, Viện Cơ Mật tâu xin cần người đi gấp vào Nam lo ứng cứu. Lại Nguyễn Duy lần nữa xin đi.
Trước khi trích dẫn tiếp những dòng tư liệu từ Đại Nam thực lục, chúng tôi chính thức xin giới thiệu hai bài thơ có giá trị cao về mặt tư liệu lịch sử: Bài “Vãn Nguyễn Duy Định Biên Tán lý” của Nguyễn Thông và bài “Vãn Cửu Tư Tán lý công nhị thập vận” (Khóc ông Tán Lý Nguyễn Duy 20 vần 40 câu). Tiếc rằng lâu nay hai bài thơ này đã không sử dụng có hiệu quả để làm sáng tỏ lòng yêu nước và ý chí cương quyết đánh Pháp của ông :
“Nhất tự kiêu Hồ mã
Tướng khan nghị Hán đình
Dĩ cam tiên khí thạch
Khởi vọng hậu đan thanh
Nhiệt huyết cô thần biểu
Hàn tâm nội các linh”
(Tùng Thiện Vương Miên Thẩm)
Lương An dịch thơ :
“Kể từ khi quân thù ngạo nghễ
Triều thần đang bàn kế chống ngăn
Chiến trường đã nguyện dấn thân
Màng chi vẽ cảnh công thần mai sau
Tờ biểu tấu tràn đầy nhiệt huyết
Kẻng cơ quan chẳng thiết tha lòng”
Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ quyển XX trang 13 chép: “Nguyễn Duy đổi sung chức Tán lý quân vụ đạo Định Biên. Quản đạo Phú Yên là Nguyễn Hữu Hương, Hộ khoa chưởng ấn là Phạm Hoằng Đạt theo làm việc quân”. Vào đến Biên Hòa, Nguyễn Duy đã khẩn trương tổ chức vùng đất này thành một trung tâm kháng chiến vững mạnh, nghĩa dân theo ông rất đông. Trước trận đại đồn, các ông Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị và nhiều nghĩa sĩ yêu nước khác đã hoạt động dưới quyền Nguyễn Duy.
Ở mặt trận Gia Định, ông cũng là người lập được nhiều công trận: “Thuyền của Tây dương đến đánh đồn Phú Nhuận, quan quân ta bắn ra giặc phải lui (bắn chết 1 quan Tây, 5 lính Tây)… Thưởng các hạng kim tiền lớn nhỏ cho Nguyễn Tri Phương, và Tham tán Tán lý cũng đều kỷ lục”. (Đại Nam thực lục chính biên quyển XX III trang 147). “Quân của Tây dương đến đánh luỹ mới Gia Định, quan quân đánh cho họ bị thua, bắn chết và đâm 132 tên… Vua liền thưởng cho Lê Tố, Nguyễn Duy, Hồ Hóa, Tôn Thất Trĩ đều kỷ lục hai thứ” (Đại Nam thực lục chính biên quyển XX III trang 167).
Chiến tranh Trung Quốc sớm kết liễu, người Pháp hoàn toàn rảnh tay để tính việc chiếm Nam Kỳ. Ngày 07/02/1861, họ đã đưa hết lực lượng quân viễn chinh về Gia Định. Ngày 24/02/1861 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Tân Dậu), Charner chỉ huy quân công phá đại đồn Chí Hòa. Quân ta dù đã chiến đấu hết sức gan dạ, nhưng trước ưu thế tuyệt đối về hỏa lực, giáo mác gươm trần cùng với lòng yêu nước đem đọ sức với tàu đồng súng thép và dã tâm xâm lược !!! Tối 25/02/1861 (tức 16 tháng Giêng năm Tân Dậu), đại đồn tan vỡ. Trong một trận quyết chiến với kẻ thù ở Trung và Hậu đồn (tức đại đồn Phú Thọ - vị trí chỉ huy và trung tâm của cả phòng tuyến Chí Hòa), Nguyễn Duy đã bị trúng đạn đại bác của Pháp và hy sinh ngay ở cửa chính đại đồn. Nhà thơ Miên Thẩm đã khóc ông bằng những dòng thơ thương cảm u uất:
“Cùng đồ tao yết dũ
Mãnh thế hãi lôi đình
Phó nghĩa thân hoàng cố
Toàn trung mục tức minh”
Lương An đã dịch là :
“Đường cùng gặp lũ thú người
Bất ngờ chúng cũng khiếp oai lôi đình
Phút tựu nghĩa thân mình sá quản
Giữ lòng trung thanh thản lìa đời”
Và xin hãy nặng lòng suy nghĩ về những dòng đã ghi trong Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ quyển XX IV trang 193 về trận Chí Hòa: “Ngày 15 đánh nhau chưa quyết được thua. Đến ngày 16 lại đánh nhau, biền binh tự nhiên tan vỡ, phụ trách đồn ấy là Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Tôn Thất Cáp ngăn không nổi bèn cùng với các viên ở tiền đồn là Lê Tố, Hồ Hóa cùng dẫn quân rút lui. Nguyễn Duy, Tôn Thất Trĩ bị đạn chết”. Cùng với những dòng sử nêu trên là lời dẫn của Nguyễn Thông trong bài “Vãn Nguyễn Duy Định Biên Tán lý”: “… Phú binh công Phú Thọ đại đồn, quân hợp lực chiến tử, thi biến bất năng biện. Hữu thực kỳ y đới giả, nãi thu thảo táng Biên Hòa thành Đông môn ngoại”. Tạm dịch là : Quân Pháp đánh đại đồn Phú Thọ, quân ta tan vỡ, ông ra sức chiến đấu, tử trận, thi thể biến dạng không nhận ra được. Có người biết được dấu áo và đai của ông, bèn lượm xác đưa về chôn tạm ở ngoài cửa Đông thành Biên Hòa".
Sử sách đã rạch ròi ghi chép. Dù là chính sử, dù là những bài thơ đã có ít nhiều cách điệu, nếu đem đối chiếu, chẳng những đã không có một chút sai biệt mà còn làm nổi bật lòng yêu nước và cái chết vì nghĩa cả rất can trường của ông. Là một trong số hiếm hoi những người đã tham gia sớm nhất, từ đầu cho đến cuối trên cả hai mặt trận lớn và ác liệt nhất trong toàn cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Pháp trên đất nước ta. Và những lần ra trận mạc của Nguyễn Duy đều hoàn toàn do tự nguyện. Xin mượn hai vần thơ cuối trong bài “Khóc Nguyễn Duy” của Miên Thẩm để thay cho lời kết :
“Chiếc sắt đa thời vũ
Nhung công kỷ nhật minh
Ai chương chương thực trạng
Vĩnh thán ủy tiềm hinh”
Lương An đã dịch là :
“Bẻ giáo múa bao phen vì nước
Chiến công nay sắp tạc nét vàng
Sự tình tỏ một vài chương
Dài than mong thỏa chút hương hồn người”
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2002
Nguyễn Tri Hoàng - Nguyễn Tri Thứ
Chú thích :
(1) Đại nam liệt truyện, quyển 24 mục thứ XIV, NXB Thuận Hóa - Huế 1993, trang 466.
(2) “Nguyễn Thông – Con người và tác phẩm” của Ca Văn Thỉnh – Bảo Định Giang, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1984, trang 22, 23.
(3) Đại Nam liệt truyện quyển 24 mục thứ XIV, NXB Thuận Hóa – Huế 1993, trang 466.
(4) “Nguyễn Tri Phương đánh Pháp” của Nguyễn Khắc Đạm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Hà Nội 1998, trang 12, 13.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|