Đúng ngày Rằm trung thu năm Quí Tỵ - 2013, tròn ¼ thế kỷ; cha tôi - nhà thơ YẾN LAN trong cõi vĩnh hằng - mười lăm năm ấy là một quãng thời gian không dài so với hàng ngàn năm dâu bể. Nhưng, với chúng tôi - con cháu Ông thì quá dài, bởi người cha thân yêu của minh vắng bóng! Dẫu cha không còn, chúng tô dù xa quê từ nhỏ và cơ hồ như mất gốc, nhưng vẫn luôn nhớ về nơi cha sinh; vì ngoài tình ruột thịt, máu mủ, đã hơn 60 năm rồi mà vẻ đẹp lãng mạng kỳ bí của ánh trăng “Rơi vàng trên mặt sách” và tiếng gọi đò của chàng kỵ mã áo xanh “run rẫy cả ngành trăng” trên con sông Côn của quê hương trong đêm khuya thuở nào vẫn văng vẵng bên tai chúng tôi.
Thi sĩ Yến Lan
Thủ bút nhà thơ Yến Lan
Chúng tôi tôn trọng quyền lựa chọn của cha - quê hương là nơi để Ông sống cuối đời khi nước nhà thống nhất hoàn toàn. Nhưng vậy thì rất lạ, bởi không có thi sĩ nào như cha, họ đều nghĩ như nhà văn người Mỹ - John Steinbeck nói: ”Một khi ta đã rời quê về kế sinh nhai thì ta khó trở lại cố hương, vì quê hương chỉ là ký ức nhẹ nhàng như mùi thơm của lớp băng phiến. Thực tế không giống những gì ta mong đợi”. Còn cha, dù quê nghèo khó, bảo lụt liên miên, ông vẫn không chối bỏ mà luôn khao khát được sống để tôn vinh, vun vén bằng cả tâm hồn và tình yêu thương của mình. Ông đã viết:
Nhưng quê hương...? Con biết chửa? Quê hương
Có những mối giây quấn quýt, buộc ràng
Gút chặt trong ta những thầm kín nhất
Cho đến cả những vật xưa đã mất
Cứ còn truyền trong hơi ấm tim gan!
Tình yêu luôn hướng về cội nguồn của cha mãnh liệt đến độ đã làm cho nhà thơ Tế Hanh phải thốt lên “Ông Yến Lan lạ lắm. Cả đời không muốn đi đâu xa, không mơ nhà cao cửa rộng, không thích sống ở đô thành ồn ả. Hơn 60 năm Yến Lan thích quanh quẩn ở thị trấn. Không có ai làm thơ ở lại đó đâu. Ông ấy là người sống chết với quê hương”. Vâng! Điều này dễ nhận ra lắm. Ai đã từng tiếp xúc và đọc thơ cha tôi viết về mọi góc khuất của quê đều nhận ra, Ông là một nhà thơ rất biệt lạ, yêu quê hương xứ sở đến độ cuồng si:
Hồn làng ngập cả nắng hanh
dẫu vàng sơn tạc bóng hình thuở xưa
Khôn ngoan lẫn với dại khờ
Đa mang thành những bao giờ thành si
Nếu ai chưa đặt chân đến thành Bình Định trước năm 1945 thì khó có thể cảm nhận được tình cha qua các bài thơ về Bình Định. Không ai có thể tự chọn cho mình nơi sinh, chính vì thế, đời cha như có sự sắp đặt của số phận để sinh ra rồi tử tại mảnh đất này, với cha, quê hương An Nhơn Bình Định là nguồn cảm hứng để ông sống và chết vì nó. Trong hơn 60 năm cầm bút bằng tài năng, năng động, ông đã lặn hụp, tìm tòi để cho bút pháp của mình đa dạng, mang đậm khí phách của cha ông thuở trước, vậy nên thơ Ông vừa giàu lý tưởng, ý chí cách mạng cao. Bài Bình Định 1947, cha viết:
Một viên sỏi cũng cộm thành ý nghĩ
sáng trên đường chờ chặn bước giặc hôi tanh
quyết không hở dù một giòng nước nhỏ
một vỏ dừa cho lũ giặc hôi tanh
Và cả điều này nữa - người ta thường nói: “Cả cuộc đời một thi nhân chỉ cần để lại cho đời một bài thơ hoặc một câu thơ hay là đủ. Nhưng, với cha tôi, giới yêu thơ đều biết; mỗi giai đọan lịch sử Ông đều để lại dấu ấn. Đây, trong bài “Từ Bến My Lăng", nhà nghiên cứu văn học hiện đại Nguyễn Bao viết: “Năm 20 tuổi nhà thơ Yến Lan đã có những câu thơ điêu luyện, tài hoa, những câu thơ có thể xếp vào lọai đặc sắc “Trống xa mái ngẫn ngơ thơ đá chạm / Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang / Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ / Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi”. Đó là những tìm tòi táo bạo, phát hiện tân kỳ vừa kết hợp nhuần nhị tính dân tộc và phong cách hiện đại, vừa mang vẻ đẹp phương Đông truyền thống kết hợp thủ pháp nghệ thuật phương Tây".
Nhà thơ YẾN LAN và con gái Lâm Bích Thủy (ảnh chụp trên sân thượng nhà 37 Hàng Quạt - Hà Nội)
Nhân sắp đến ngày giỗ thứ 15 của cha, tôi vào mạng tìm: “Nhà thơ Yến Lan" trên Goole thử xem lời tâm sự thầm kín của cha trước khi mất: “Cái chết không làm ba sợ, ba chỉ sợ mình mất đi trong lòng người..”. Ôi, tôi rất vui và tự hào vì người đời chưa dễ quên cha mặc dù có những điều khó nói, mà theo thời gian, tấm lòng của cha cũng được chuyển tải vào tìm thức bao thế hệ; khi vô vàn bài viết và hình ảnh về Yến Lan kèm theo là những xúc cảm dạt dào đối với bài thơ Bến My Lăng. Trong đó có blog viết (tôi quên tên): “Về An Nhơn mới thấy, bàng bạc cảnh vật - lòng người là hình bóng Yến Lan. Nhất là ở những bến nước dọc bờ sông Côn ở An Nhơn, người đa cảm một chút rất dễ nhận ra nơi nào cũng là... bến My Lăng, và một bến sông nào trong tâm tưởng cũng là bến My Lăng! Có lẽ "cái bóng" của ông quá lớn đối với mảnh đất này, bên cạnh những vị vua, những nhà yêu nước hoạt động trên mảnh đất này)".
Hình ảnh con sông, bến nước trên Bến My Lăng ấy đã ám ảnh mãnh liệt tận sâu thẳm nơi con tim họ; chứng tỏ, những vần thơ cháy bỏng tình quê của cha đã thấm sâu, trải rộng trong tâm thức hậu thế rồi. Bỗng trong tôi liên tưởng đến giá trị những vần thơ lưu của cha thật là lớn, Nó đã níu kéo và giữ cái tình quê từ những đứa con xa quê hương Bình Định hay Tổ quốc Việt Nam đang sống nơi đất khách quê người đều hướng về cội nguồn của mình để tự hào và để đóng góp công sức xây dựng cho quê hương giàu đẹp hơn .
Vâng, niềm tự hào về cha của tôi thật là chính đáng. Vì bằng văn chương cha đã góp phần không nhỏ để nâng giá trị từ một “Tỉnh nhỏ đìu hiu” đã có chỗ đứng trong lòng bạn bè khắp mọi miền đất nước, và trôi theo cùng dòng thời gian nó không ngừng khêu gợi trí tò mò của bao người yêu thơ tìm về để biết Bến My Lăng của Bình Định là nơi nao trong bản đồ hình chữ S.
Là thi sĩ nặng lòng với thế hệ trẻ, bởi cha tôi đã sống, đã chứng kiến những giây phút của cuộc chuyển mình biến đổi đất nước mà thấm thía cái đau thương nhưng rất anh dũng, rất đổi tự hào dân tộc. Ông chứng kiến những giây phút giao thoa biến cố lịch sử và sự đổi thay trên đất nước và quê hương mình, chính vì vậy mà cái triết lý về tình quê cứ theo mãi kiếp tằm khiến tâm hồn thi sĩ của cha day dứt miên man, luôn ao ước truyền được cái tình quê cho hậu thề.
Nhưng nói đi thì cũng cần nói lại. Với sự đóng góp của cha như vậy, nhưng: “Có cái gì đó như thật bất công, khi mà nếu hỏi Yến Lan là ai thì chắc câu trả lời không sẵn có, nhưng nếu bảo rằng đó là tác giả Bến My Lăng thì họ liền "À " thích thú. Phải chăng đó là sự bất công hay nói như Chế Lan Viên: "Có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng" thế nên thi sĩ ấy như một kiếp tằm, rút ruột nhả cho đời những sợi tơ óng ánh để rồi mình lặng im hóa kiếp chẳng ai hay, chỉ biết rằng mình hoàn thành nhiệm vụ " trả nợ dâu" và thanh thản! Yến Lan là thế chăng? Mà suốt gần trọn một thế kỷ dâng hiến cho đời biết bao khúc nhạc lòng mà người đời dường như cố tình hờ hững. Điều đó cho thấy trong suốt một thời gian dài, tên tuổi và sự nghiệp thơ văn của Yến Lan dường như bị lãng quên….
Tuy nhiên, việc nghiên cứu và xuất bản thơ Yến Lan vẫn còn quá ít ỏi chưa xứng với những đóng góp của ông cho thi ca dân tộc. Bởi vậy, nghiên cứu thơ ca Yến Lan để góp phần xác định vị trí vốn có và những đóng góp của ông trong nền thi ca nước nhà là việc làm cần thiết.( Theo nguồn Đồ án. edu.vn).
Bài viết này là nén tâm hương dâng cha vào ngày giỗ Rằm trung thu Quí tỵ năm 2013.
L.B.T
TẠ ƠN
(Gửi đất quê An Nhơn )
Còn đây nguyên vẹn yêu tin
Xin dâng tạ góc trời riêng quê nhà
Xin dâng dàn nhạc chan hòa
Phấn hương nhuộm thắm, thi ca trữ tình
Cảm ơn cha dưỡng, mẹ sinh
Sông Côn giỡn sóng, lầu Thành đón trăng
Con đò đỗ bến My Lăng
Tháp Chàm uống vỡ âm vang cõi lòng
Cảm ơn cây thị chùa Ông
Còng lưng đại thọ tay bồng trái thơm
Ráng tây xuyên thấu mái vòm
Chóp cao nhà xứ nhắc thầm nhớ nhung
Chiều chiều nghe tiếng chuông rung
Không ai vẫn cứ mơ màng nhớ ai
Cảm ơn tiếng trống đêm dài
“Con cơ giả dại” ai hoài nghĩa nhân
Cảm ơn bể ái nguồn ân
Từng trang sách mở thấm dần tư duy
Còi tàu rúc loảng sương khuya
Ngõ sau thị trấn lau che ánh đèn
Đường về quê ngoại nhá nhem
Cảm ơn ngọn lửa Lò Rèn dõi trông
Câu hò giã gạo thôn đông
Nhắn nhe trai gái ra sông gọi đò
Cảm ơn chấp chới cánh cò
Tiếng cu cườm gáy ngẫn ngơ mái đình
Hồn làng ngập cả nắng hanh
Dẫu vàng sơn tạc bóng hình thuở xưa
Khôn ngoan lẫn với dại khờ
Đa mang từ những bao giờ thành si
Thành hội ngộ, thành biệt ly
Bẽ bàng phút đợi, hồ nghi chốn chờ
Cảm ơn thực, cảm ơn mơ
Trở trăn mảnh đất cho thơ nảy mầm
Vườn chùa Yến, nhạn tri âm
Kê đầu đọc sách, tóc dầm gối nghiêng
Từ đêm “Hồn bướm mơ tiên”
Chuyển sang “Đường Tống” bén duyên bạn bè
Cảm ơn giây phút đê mê
Cầm tay em những e dè lỏng tay
Rượu tình ai nhấp mình say
Nợ ân tình, mặc ai vay chẳng đòi
Tháng ngày còn hãy ít oi
Sống nguyền giữ sạch tiếng đời ký sinh
Với bao gió nghĩa, trăng tình
Chưa phai phẩm ngọc xin dành lớp sau
Kìa trời nhấp nháy đầy sao
YẾN LAN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|