Truyện ngắn
Con đường Vạn Kiếp từ ngã ba Nguyễn Hoàng chạy ven theo cái hồ cùng tên Vạn Kiếp rồi rẽ quặt ôm theo triền đồi vàng rực hoa dã quỳ.
Nhà tôi bên phải đường, ngó lên là những biệt thự cổ, mái ngói rêu phong buồn bã trong rừng thông già âm u.
Ba mẹ tôi từ miền Trung vào Đà Lạt lập nghiệp, ba gác dang cho một tu viện, mẹ làm mướn cho những chủ vườn ở khu Hà Đông. Hàng ngày tôi 5 tuổi ở nhà với chị Hai 11 tuổi, anh Ba 9 tuổi và thằng em mới hơn một tuổi. Nhờ Đức ông chủ tu viện nên ba tôi được ở một nửa căn nhà cổ của Pháp, nửa kia là nhà ông cảnh sát trưởng tên Lý. Hai gia đình đều ở tầng trệt, bên trên có gác gỗ bỏ trống. Mỗi tuần ba tôi chỉ về nhà được một buổi rồi lại tất tả đạp xe trở về với công việc ở tu viện. Ba thường kể Đức ông người Y - Pha - Nho (Tây Ban Nha) - chủ nhân của ba chỉ ăn trái cây, bánh mì, pho mát và uống sữa. Ông ấy bệ vệ, hồng hào và nhân từ như ông già Noel…
Nhà văn LẠI VĂN LONG
Thỉnh thoảng Đức ông cho ba mấy cuốn truyện tranh rất đẹp vẽ các điển tích thiên chúa giáo để làm quà cho chị em tôi. Cũng có lúc cho quần áo cũ, mùng mền, cá hộp… Chị em tôi học ở ký nhi viện Hoa Mai của mấy bà xơ người Pháp, người Việt gần nhà, thường được mấy xơ tặng bánh thánh (như bánh tráng hay bánh đa nhỏ). Ba tôi thỉnh thoảng cũng mang về bánh thánh của Đức ông, nhưng ba mẹ khuyên chúng tôi đừng ăn vì: “Nhà mình đạo Phật, ăn bánh thánh vào sẽ bị Chúa với Phật cùng giành linh hồn, điên điên dại dại…” Chị em tôi vẫn lén ăn vì tò mò…
Buổi tối ba vắng nhà, mấy mẹ con cùng ngủ chung chiếc giường trải bao bố bên dưới chiếu để giữ hơi ấm. Trời lạnh hơn, mẹ lại đốt nồi than để gầm giường. Đêm nào trên gác gỗ cũng có tiếng chân người mang giầy đi lộp cộp. Chị em tôi sợ hãi ôm nhau nín thở, mẹ bảo: “Ông Lý lại lên gác…”. Có hôm chị Hai hỏi lại: “Nhưng cầu thang bên nhà mình, ông Lý lên gác sao được?”… Mẹ quát: “Đừng hỏi nữa, ngủ đi!”. Sau này, khi đã chuyển chỗ ở, mẹ mới kể ngôi nhà đó có ma, đó là oan hồn người bị Tây tra tấn chết…
Những hôm anh Ba giữ em, chị tôi nhỏ bé đội cái nón lá của mẹ trông như cây nấm, lại rủ tôi đi nhặt củi. Hai bên đường Vạn Kiếp toàn những biệt thự của Pháp, nhiều cái bỏ hoang. Chị em tôi thơ thẩn dưới những táng thông già, nhặt những cành khô rụng. Đôi khi chúng tôi vào những căn nhà hoang bốc mùi ẩm mốc, lạnh lẽo, dùng than vẽ bậy lên tường. Vẽ chán, chị lại rủ tôi ra các bụi hoa ngũ sắc để tranh giành hút mật với lũ ong, bướm. Chị dạy tôi dùng mấy ngón tay rút nhụy hoa đưa vào mồm mút rồi nhắm mắt lại tận hưởng vị ngọt ít ỏi trên đầu lưỡi. Chị em tôi lại đi săn những con ốc sên bám trên các móng nhà xây bằng đá phủ rêu xanh. Lấy đầu nhọn trên vỏ hai con ốc ấn vào nhau, ốc nào còn nguyên là thắng, vỡ là thua. Chơi một lát hai tay đầy nhựa ốc, mùi tanh nồng, chị lại đưa tôi ra mép hồ Vạn Kiếp để rửa tay. Ven hồ có cây cỏ lạ, thân dài yếu đuối, trên đầu có bông kết bằng những sợi tơ trắng. Chị ngắt đưa lên mồm thổi, tơ trắng mong manh bay theo gió, tôi thích quá cười ngất. Chị lại moi những bụi cỏ me ra bông vàng thắm. Rễ của nó hình củ cải nhỏ xíu bằng nửa cây bút chì. Chị rửa dưới nước hồ Vạn Kiếp rồi đưa tôi, tôi vừa nhai vừa nhăn mặt vì vị chua chua của nó… Khi đã chơi đùa chán chê, chị mới lấy dây vải buộc mớ củi khô thành bó lớn, bó nhỏ để hai chị em ôm về.
Hôm đó…ông Tây to lớn tóc bạc trắng, hồng hào sang trọng trong cái áo rộng thùng thình trắng tinh đang đứng với ba tôi ở sân nhà. Ba chỉ chúng tôi rồi khoanh tay cung kính với ông ấy:
- Thưa Đức ông đây là hai con của con!
Chị em tôi quăng củi xuống đất, lật đật bắt chước ba khoanh tay ạ ông. Ông Tây xoa đầu tôi, nói bằng tiếng Việt rất dễ nghe :
- Các cháu kiếm củi ở hồ Vạn Kiếp hử ? Hồ thiêng đấy! Lúc ta còn trẻ có lần đi thuyền ngắm hoàng hôn, chợt thấy trong màn sương mờ ảo Đức mẹ hiện lên chói lòa. Mấy chục năm trước hồ này rộng lắm, chung quanh toàn rừng chứ không có nhà cửa như bây giờ.
Chị tôi bé choắt, linh lợi, nón lá hất sau lưng, mặt mũi lem luốc, tròn mắt nghe ông Tây kể chuyện. Bất ngờ chị hỏi lại :
- Con nghe người ta nói dưới hồ có cả làng ma da, ma kéo chân ai tắm dưới hồ nên có nhiều người chết đuối. Cứ kéo được một người xuống là con ma da ấy lại được thành người. Ban đêm ma da rủ nhau đi chơi đàn đàn, lũ lũ trên mặt hồ, còn đùa giỡn ca hát với nhau nữa. Đức mẹ hiện trên mặt hồ có phải là ma da không hở ông ? Ma chúa phải không ông ?
Ba tôi điếng hồn, quắt mắt nhìn chị Hai rồi thưa:
- Xin Đức ông tha thứ cho con trẻ dại mồm…
Đức ông nhìn chị tôi sững sờ, mặt ông đỏ thẫm. Ông làm dấu thánh, lim dim mắt đọc một tràng tiếng gì đó nghe lổn ngổn như ly thủy tinh va cọ vào nhau, sau đó thở phì phì rõ to rồi mới nói bằng thứ ngôn ngữ tôi hiểu được:
- Nơi nào có Chúa thì ma quỷ không thể lộng hành. Nếu tâm hồn các con có niềm tin vào Chúa, ma quỷ không dám đến quấy phá! Ta thường khuyên ba của các con nên sớm cho các con rửa tội, chịu phép thánh là vì vậy…
Nói xong Đức ông quay lưng đi lên mặt đường Vạn Kiếp, tự lái chiếc xe con cóc mui trần, cũng trắng tinh như bộ đồ ông đang mặc, chạy về phía hồ Vạn Kiếp. Mẹ bế em trong nhà bước ra, ba chỉ vào bao gạo dựng trước hiên nhà:
- Đức ông lại cho gạo, vậy mà con bé lại làm ngài giận! Mỗi khi phải đọc kinh bằng tiếng La tinh là ngài đang giận…
Mẹ lắc đầu:
- Mình không vào đạo thì đừng nhận quà của Đức ông!
Ba gãi đầu:
- Mình chịu ơn bề trên… từ chối khó quá!
*
* *
Có một đêm, cả xóm Vạn Kiếp náo loạn với tiếng súng nổ liên hồi chát chúa, tiếng rượt đuổi rầm rập và quát tháo inh ỏi. Cùng lúc đó là tiếng “xì… bụp” của súng bắn hỏa châu. Đêm đó có ba ở nhà, mẹ gọi ba:
- Anh ra xem hỏa châu rớt chỗ nào mai ra nhặt dù của nó về may vỏ mền bông!
Ba mở cửa, tôi cũng theo ra sân đứng ngắm những trái hỏa châu như mặt trời con con lơ lửng, sáng rực giữa trời đêm. Ba reo lên:
- Rơi hết xuống hồ rồi em ạ, giá mà nhà mình có chiếc ghe!
Ba đứng luôn ngoài sân hút thuốc, một lát thì ông cảnh sát trưởng đeo súng lục lủng lẳng, từ ngoài đường bước vào. Thấy ba, ông bảo:
- Cho tao điếu thuốc…
Ông Lý lớn tuổi hơn, lại có phong độ, chức quyền nên thường gọi người sức khỏe kém, không phải đi quân dịch như ba tôi là “chú em”, xưng “tao” ngon lành. Ông rít mấy hơi thuốc làm đầu lửa đỏ lòe trong đêm rồi dậm chân chửi thề bằng giọng Quảng Nam:
- Bọn tao phục ở trường Trần Hưng Đạo để bắt một thằng với một con Việt cộng vào rải truyền đơn xúi học sinh biểu tình. Hai đứa nó bị dí quá nên nhảy xuống hồ Vạn Kiếp. Tao cho bắn tới sáu trái hỏa châu tìm khắp hồ mà không thấy tụi nó đâu. Mấy lần trước cũng bắt hụt tụi nó như vậy. Rồi mấy thằng nghi là Việt cộng ở xóm này tự nhiên biến mất? Không lẽ Việt cộng đào được đường hầm từ đáy hồ vào tận mật khu trong rừng? Ngày mai tao sẽ cho thợ lặn kiểm tra…
Đêm đó ông Lý không lên đồn mà ngủ luôn ở nhà. Đến sáng bên sân nhà ông ồn ào, tôi theo ba lật đật chạy ra thấy rất đông dân vệ, cảnh sát bao quanh tờ giấy trắng to như tờ báo dán trước cửa nhà ông. Ba vô nhà kể với mẹ:
- Việt cộng dán giấy dọa tử hình ông Lý…
Mẹ bâng khuâng:
- Mới tối qua ông Lý còn dí bắt họ, bây giờ lại bị họ dí lại. Chắc họ ở quanh đây… thời buổi này không biết ai là người, ai là ma, ai quốc gia, ai Việt cộng!
Ăn sáng bằng cơm nguội chiên lại xong, ba đạp xe chở tôi về nhà bác Hai để dự đám giỗ. Đám giỗ rất đông, toàn người làng của ba ở Huế vào Đà Lạt sinh sống. Họ tíu tít hỏi nhau đủ chuyện. Khi ba nói đang ở gần hồ Vạn Kiếp, một mệ nhai trầu bỏm bẻm, dặn ba:
- Hồ đó linh lắm nghe con. Mệ nghe người ta nói có con cá thần to như chiếc chiếu đêm nào có trăng lại nổi lên chở Quan Âm Bồ Tát hào quang sáng chói đứng trên lưng. Con đi ngang đó nhớ khấn vái hỉ! Đừng cho mấy đứa nhỏ ra hồ chơi…
Tôi ngồi cạnh ba tự nhiên buột miệng nói:
- Chị con nói hồ đó nhiều ma da lắm mệ!
Mệ cười:
- Nhiều ma nên Quan Âm Bồ Tát mới đến để diệt trừ. Khi mô gặp ma, con cứ nhắm mắt lại, chấp tay trước ngực khấn “Nam mô A di Đà Phật” là ma chạy liền!
Tôi mừng quá, định bụng tối về sẽ bày lại cho chị Hai, anh Ba. Nhưng đêm đó cha con tôi ngủ lại nhà bác. Gần trưa ba mới chở tôi bằng xe đạp trở về. Khi đi ngang hồ Vạn Kiếp, đông người đang đứng trên bờ nên ba dừng xe hỏi thăm chuyện gì. Bác Cậy làm vườn gần đó kể:
- Có thằng học trò tắm hồ chết đuối. Nó là người Thượng (dân tộc thiểu số) ở tận Lạc Dương. Ba mẹ nó nhờ thầy mo đến cúng gọi hồn nó về nhà…
Trên bờ hồ có đông học sinh trung học Trần Hưng Đạo mặc đồng phục quần xanh đen, sơ mi trắng, áo len xanh sậm. Có cả mấy giáo sư (thời đó dạy trung học được gọi là giáo sư) mặc đồ vét, thắt cravat, đeo kính trắng. Tôi chen vào đám đông, nghe hai giáo sư nói chuyện với nhau. Một thầy kể:
- Tôi đọc tài liệu của Pháp nói dưới đáy hồ này có kho báu Chàm (Chămpa) chôn cùng chín trinh nữ và những lời nguyền. Linh hồn các trinh nữ sẽ canh giữ kho báu, ai lặn xuống hồ là xâm phạm kho báu, đều phải chết theo lời nguyền.
Thầy kia nói:
- Tôi sẽ cho ông mượn một tài liệu được dịch từ chữ Nho. Trong đó nói rõ hồ Vạn Kiếp này là một mắt của con rồng khổng lồ mà lưng của nó là dãy núi Lang Biang. Mắt còn lại là hồ Đa Thiện. Là mắt rồng nên dưới đáy hồ chắc chắn phải có “Long Mạch”. Ông nhớ truyện Đinh Bộ Lĩnh không? Đưa được xương cốt của cha vào Long Mạch là thành hoàng đế…
Tai tôi căng ra nghe lén câu chuyện huyền bí của hai giáo sư, mắt thì nhìn không chớp vào ông thầy mo đóng khố, choàng khăn thổ cẩm, tay cầm tù và cong vút hướng ra hồ gọi hồn. Bỗng một bàn tay cứng ngắt nắm chặt cổ tay tôi lôi đi. Ngước lên thấy ba đang giận dữ, quát:
- Ba đi tìm con mệt phờ, lạng quạng rớt xuống hồ là chết!
*
* *
Tết Mậu Thân 1968…
Gia đình tôi về nhà bác Hai ở khu số 4 ăn tết. Sáng mồng một, đại gia đình đang bày mâm cúng trời phật, tổ tiên thì súng nổ dồn dập khắp nơi, tiếng phản lực cơ gào thét trên trời. Bác Hai hô hào con cháu chạy ra con suối sau nhà để ẩn núp. Một lát thì có trực thăng bay đến xả đạn xuống suối, cả nhà tôi lại dắt nhau chạy ngược ra đường Hai Bà Trưng. Ba ôm tôi vào lòng, mẹ bế thằng em, anh Ba chị Hai chạy theo. Cả nhà vừa chui vào ống cống bê tông trước nhà bác Hai thì trực thăng phóng một trái rốc két xuống ngã tư gần đó. Một tiếng nổ như trời sập làm cả khối cống nặng nề chôn dưới đất như muốn nảy lên. Gia đình tôi kinh hoàng khóc thét gọi nhau giữa mịt mù bụi bặm trong ống cống. Chùa Linh Quang, chùa Tuệ Quang ở gần đó đều bị máy bay phản lực ném bom, trực thăng bắn rốc két phá tan tành. Tượng Phật lớn ở chùa Tuệ Quang chỉ còn thân phật lỗ chỗ mảnh bom, vết đạn. Đầu phật gãy đổ cùng chánh điện bốc cháy ngùn ngụt…Khi trên trời đã hết máy bay, tiếng súng cũng im bặt, ba tôi dẫn cả gia đình chạy trở vào nhà bác Hai… Cả nhà bác Hai ai cũng tái mét, ướt sũng, lấm lem bùn đất. Bác Hai mắt đỏ hoe, nghẹn ngào nói với ba:
- Chú đưa gia đình về nhà đi. Ở đây lỡ chết chùm là… hết! Anh em mình phải còn một đứa sống để lo cho con cháu, giỗ chạp cha mạ (mẹ), ôn mệ (ông bà)…
Ba tôi dắt xe đạp thồ chị Hai, anh Ba, tôi và bọc quần áo, mấy dĩa xôi, đòn bánh tét lấy ở nhà bác. Mẹ bồng thằng em lẽo đẽo theo sau. Gia đình tôi hòa vào dòng người gồng gánh lỉnh kỉnh, hớt hải tản cư trên đường. Có những căn nhà đang bốc cháy, mùi lửa đạn khét lẹt giữa nắng xuân se lạnh. Bên hồ Vạn Kiếp cũng vừa xảy ra một trận đánh. Khá đông lính Mỹ đang đóng quân ven hồ, có cả xe thiết giáp lội nước…
Khi ba đẩy xe đạp đến đoạn đường sát mép hồ, chị em tôi thấy có ba xác chết mặc quần đùi, áo đen bị lính Mỹ lôi dưới hồ lên đặt trên đường để lục soát. Gần đó là mấy lính Mỹ bị thương được băng bó nằm trên băng ca. Khi chúng tôi về đến nhà, nhìn ra hồ thấy ba chiếc trực thăng đang hạ xuống chỗ lính Mỹ đóng quân, họ khiêng những người bị thương nằm trên băng ca và cả những ông Mỹ đã chết trong túi vải bạt, đẩy vào trực thăng. Sân nhà tôi cũng đông người, mẹ ôm em bé chen vô, tôi nhảy xuống xe đạp chạy theo mẹ. Vợ con ông Lý quỳ dưới sân gào khóc tức tưởi. Bà Lý hiền, thường cho thằng em tôi cháo tôm khô đựng trong mấy cái chén hàng viện trợ của Mỹ cứng và nặng như đá. Thấy bà là tôi nhớ tới cái chén Mỹ với mùi cháo tôm khô. Mấy người lính, dân vệ, cảnh sát khiêng về một cái băng ca phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Khi lá cờ gấp xuống, hiện ra ông Lý mặc bộ đồ cảnh sát đẫm máu, mặt mũi cũng đầy máu, mắt mở trừng trừng… Người ta đặt một chén cơm đầy vun với một quả trứng luộc có cắm ba cây nhang nghi ngút ở đầu băng ca… Tôi đứng thẫn thờ bên xác ông Lý, nhìn đôi giày trận bê bết bùn đất của ông thò ra dưới lá cờ, tôi chợt thấy mấy cọng cỏ me bông vàng còn dính dưới đế giầy. Loại cỏ ăn vào hết khát nước và trị được táo bón này chỉ có trên triền hồ Vạn Kiếp. Chị Hai đến kéo tay tôi: - “Đi ra hồ nào, ở đó cũng có đám ma”…
Tôi chạy theo chị với anh Ba. Lính Mỹ đã theo trực thăng bay hết lên trời, chiếc xe thiết giáp nổ máy như trời gầm cũng không còn. Bây giờ chỉ toàn những khuôn mặt quen trong xóm Vạn Kiếp vây quanh mấy cái xác mặc quần đùi, áo bà ba đen. Bà Tư thường ngày quẩy gánh đi lang thang khắp xóm rao: “Ai ve chai sắt vụn lông vịt bán khô…ô..ông…” đang ôm một cái xác như thế gào khóc: “Con ơi! là con ơi…” Cũng như ông Lý, trên đầu xác con bà Tư và các xác kia đều có chén cơm đầy vun, quả trứng luộc cắm ba cây nhang nghi ngút khói. Ông Lý được phủ cờ vàng ba sọc đỏ, còn mấy cái xác này đang được bà con bó chiếu mang ra nghĩa trang gần đó chôn. Tôi đứng giữa đám đông ồn ào, nhìn ra mặt hồ Vạn Kiếp gió hiu hiu buồn thảm, ngước thấy chị Hai khóc, tôi cũng sợ hãi khóc theo…
Sau Tết Mậu Thân, gia đình tôi về khu số 4 ở chung với bác Hai, tôi học hết tiểu học ở trường Đa Nghĩa gần nhà bác. Thị xã Đà Lạt giải phóng, ba đưa cả gia đình đi kinh tế mới ở vùng núi R’Chai - Đức Trọng, cách Đà Lạt - thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng hơn 40 cây số. Tôi học xong cấp hai ở trường xã, cấp ba ở trường huyện rồi xuống Sài Gòn học tiếp, Mãi đến năm 1988, tốt nghiệp đại học tôi mới trở lại Đà Lạt, làm việc ở khu Chi Lăng.
*
* *
Đúng hai mươi năm sau kể từ tết Mậu Thân, tôi mới quay lại thăm hồ Vạn Kiếp. Tôi đi bộ từ Chi Lăng xuống đó chừng sáu cây số, vừa đi vừa nghĩ ngợi buồn vui với cái hồ đã gắn bó suốt tuổi thơ. Tôi đi ngay sau giờ tan tầm, định bụng sẽ đứng ngắm hoàng hôn trên mặt hồ sương mù dày đặc, rồi chờ trăng lên. Trong túi xách trên vai, tôi có ổ bánh mì, bình nước trà còn ấm, thuốc lá, hộp quẹt… chẳng còn lo gì nữa!
Tôi bước thoăn thoắt theo sức trai, dưới chân là đôi giầy nhà binh Liên Xô do anh bạn giảng viên học viện lục quân tặng. Đến ngã ba Nguyễn Hoàng - Vạn Kiếp, tôi đứng lại ngắm những bụi hoa dã quỳ lơ thơ, ngắm cây thông già ba cành nhiều kỷ niệm. Hai mươi năm trước nó là cây thông đồ sộ nhất khu này, chị em tôi từng nhặt những cành khô rụng của nó đem về cho mẹ nấu cơm. Ngày nào cũng nhặt nhưng cành rụng cũng như tiếng chim hót lảnh lót trên cây, chẳng bao giờ hết. Trong xương thịt, máu huyết và tâm hồn tôi có một phần công lao của nó. Bây giờ tôi lớn lên, thấy cây bé lại, cả con đường Vạn Kiếp cũng hẹp và ngắn lại… tôi nghĩ như vậy rồi bỗng sợ hãi nếu như lát nữa đây thấy hồ Vạn Kiếp cũng nhỏ lại. Ám ảnh đó làm tôi không dám đi về phía trước, cứ đứng mãi dưới gốc thông. Tôi dằn vặt mình sao nhút nhát quá. Chỉ mới mấy chục phút trước, tôi đã trừng mắt vào gã đàn ông bặm trợn đang đánh một phụ nữ ven đường. Hắn cầm gậy và hung hăng gây sự luôn với tôi. Tôi tự tin với mũi giầy cứng như đá của Liên Xô nên đứng chống nạnh thách thức. Thấy tôi ung dung như võ sĩ dày dạn, hắn chửi thề rồi bỏ đi. Nạn nhân đến cám ơn tôi rồi giải thích: “Chồng cũ của em, li dị rồi mà ổng cứ chặn đánh em…”. Nhớ lại chuyện đó, tôi thấy can đảm hơn nên lê được vài chục bước chân đến nơi mà trong ký ức tôi là mặt hồ. Thế nhưng… tôi tìm mãi chẳng thấy cái hồ mênh mông thuở nào, chỉ có những vườn rau nối tiếp những vườn rau! Tôi nghĩ đến chuyện bị lạc đường, nhưng lạc thế nào khi cây thông ba ngọn còn đây, đường Vạn Kiếp còn đây… Trường Trần Hưng Đạo? Phải rồi trường nằm dọc theo triền hồ bên phải, những dãy phòng học quét vôi màu sáng nổi lên giữa rừng thông ven hồ. Tôi đưa mắt về phía muốn tìm, không có rừng mà cũng chẳng thấy những dãy nhà, chỉ có một quả đồi thấp trơ trụi, vài mảng tường loang lổ đổ nát trong hoàng hôn tím thẫm. Bây giờ thì tôi sợ, thật sự sợ… Vùng này nhiều ma. Không lẽ ma đã biến hóa cả cái hồ to đùng, cả ngôi trường trung học danh tiếng, cả rừng thông thơ mộng… thành hoang vu thảm hại thế này sao? Hay là hồi nhỏ tôi theo đạo Phật lại trót ăn vụng bánh thánh nên Phật với Chúa cùng giành linh hồn, bây giờ điên dại không còn nhìn được sự thật, không còn thấy được điều cần thấy? Tôi cuống lên sợ hãi, tim đập thình thịch và chân muốn khụy xuống…
Có người đàn bà cùng một cậu bé từ phía nhà cũ của tôi đi bộ xuống. Tôi chặn họ lại hỏi về hồ Vạn Kiếp. Chị ta chỉ xuống vườn rau:
- Ở đó!
Tôi hỏi về trường Trần Hưng Đạo, chị chỉ vào nơi đổ nát hoang tàn. Tôi như đang sốt với cái trán nóng hầm, thấy chị ta và đứa bé lơ lửng trên mặt đất nên cố hết sức hỏi thêm một câu nữa:
- Chị có phải là… người không?
Thằng bé há hốc nhìn tôi rồi hét lên:
- Ông này bị điên đó mẹ, chạy đi không ổng cắn!
Thằng bé lôi tay mẹ, bà mẹ hốt hoảng ôm nó. Cả hai nhìn tôi bằng ánh mắt khiếp hãi, đề phòng. Tôi bỗng òa khóc nức nở, họ càng sợ kéo nhau bỏ chạy…
Bóng tối tràn đến từ khi nào, trên con đường Vạn Kiếp, bên cạnh hồ Vạn Kiếp của quá khứ chỉ có mình tôi đứng giữa tối tăm, hoang vu, gió lạnh ù ù. Nơi tôi đứng hai mươi năm trước “bà Tư ve chai” mặc áo vá, đội nón cới ôm xác con trai khóc vật vã. Anh cùng hai đồng đội ngoi lên từ hồ Vạn Kiếp dùng AK-47 tối tân, thi hành án tử hình ông Lý cảnh sát trưởng. Quân hộ vệ ông Lý ôm súng trường cổ lổ tháo chạy. Đồng minh Mỹ phải điều một trung đội cùng thiết giáp, trực thăng đến cứu viện và chịu khá nhiều thương vong trong cuộc đọ sức giữa tiểu liên “Nga sô” lần đầu xuất hiện trên chiến trường Đà Lạt với súng tự động M16 của họ. Máu “cộng sản” của con bà Tư, máu “quốc gia” của ông Lý, máu xa lạ của ngoại nhân… đã cùng hòa vào nước hồ Vạn Kiếp. Tôi cũng từng rửa tay cho hết mùi ốc tanh, rửa mặt cho bớt lem luốc, rửa củ cỏ me trước khi cho vào mồm hưởng chất bổ kỳ lạ của nó, của vùng đất này… bằng nước Vạn Kiếp! Đức mẹ của ông tu sĩ da trắng mang từ Châu Âu sang; Quan âm bồ tát của mệ già nhai trầu thỉnh ngoài cố đô vào; tiếng tù và gọi hồn của ông thầy mo đóng khố thổ cẩm mang về từ Trường Sơn u tịch; ma da tìm người thế thân trong tín ngưỡng hoang sơ của chị tôi… tất cả đều sinh ra trên mặt hồ phẳng lặng mà huyền bí này...
“Đất Vạn Kiếp” còn đây mà “nước Vạn Kiếp” đâu rồi?!
Tôi đứng khóc chán chê rồi ôm đau đớn lếch thếch ra đường Nguyễn Hoàng. Tôi thấy mình kiệt sức, nên phải đón xe ôm để trở về khu tập thể cơ quan ở Chi Lăng.
Tôi ở Đà Lạt thêm hai năm nhưng không một lần dám quay lại hồ Vạn Kiếp. Năm 1990, tôi phờ phạc rời Đà Lạt với chứng trầm cảm lây lan quá nửa ý thức. Tôi muốn mượn sự náo nhiệt của Sài Gòn để chữa trị tâm lý u uất…
*
* *
Hai mươi bốn năm sau, tức mùa hè 2012, tôi là gã trung niên sắp tuổi “tri thiên mệnh” lại về Đà Lạt. Không còn tin vào chính mình nên khi quay lại tìm hồ Vạn Kiếp tôi phải nhờ thêm hai ông bạn thân thời trung học đang sống ở Đà Lạt đi cùng. Tôi cũng không dám đến đó lúc hoàng hôn nên rủ hai bạn đi vào buổi trưa, mặt trời chói chang làm minh bạch tất cả. Chúng tôi đón taxi đến ngã ba Nguyễn Hoàng. Tôi định giới thiệu với hai bạn cây thông ba cành, nhưng hỡi ôi… nó đã không còn! Tôi dẫn hai bạn đi xuống lòng hồ Vạn Kiếp…
Đáy hồ của quá khứ bây giờ nhà cửa chen chúc - nhà dân, nhà trọ, nhà xây lậu, nhà kính trồng rau… Những con đường bụi bặm len lỏi khắp các ngỏ ngách như những mũi kim đang gây đau đớn trên khắp thân tôi. Tôi cố tìm con cá thần to như chiếc chiếu chở phật bà Quan Âm đi cứu khổ; con mắt rồng lung linh hứa hẹn sản sinh minh quân hoàng đế; kho báu Chàm chôn cùng chín số phận trinh nữ tức tưởi hay đường hầm bí mật của cuộc chiến tranh thăm thẳm đau đớn… nhưng tôi chỉ thấy mùi phân heo, phân cá ô nhiễm; mùi thuốc sâu độc địa cùng nỗi thống khổ hay sự tha hóa vì sinh nhai! Tôi mơ đến lời ca của bầy đàn ma da trên mặt hồ tuổi thơ rờn rợn; tiếng tù và rúc gọi hồn thần bí của đại ngàn Tây Nguyên; tiếng gió miệt mài ru rừng thông vi vu và nâng đỡ những sợi tơ mong manh từ bông hoa ước mơ của chị tôi ngày đó… Nhưng quanh tôi bây giờ chỉ có tiếng chó sủa chát chúa, tiếng cãi vả thô tục, tiếng xe máy rú lên tàn nhẫn!
Một bạn tôi rút ra tờ báo có ảnh vị lãnh đạo địa phương tuyên bố sẽ giải tỏa khu dân cư trong lòng hồ Vạn Kiếp, khôi phục lại ba hecta mặt nước làm cảnh quan du lịch. Tôi muốn nói với ông ấy: “Cái hồ này không chỉ là ba hecta, ba mươi, ba trăm hay ba ngàn hecta… nó rất vĩ đại vì dài bằng hành trình hình thành văn hóa đa diện mạo, rộng như ước mơ của nhiều thế hệ đa sắc tộc cộng lại và sâu không đáy như chia ly, mất mát của chiến tranh…”
*
* *
Tôi nhìn lên quả đồi của trường trung học Trần Hưng Đạo ngày nào nay có trường đại học Yersin mới xây dựng bề thế. Đây là trường đại học buồn nhất vì phải phủ định một trường học khác để có chỗ ra đời! Thật đáng sợ khi giáo dục phủ định giáo dục, văn hóa phủ định văn hóa và cái bao tử nhỏ bé của con người nuốt chửng cả thiên nhiên bao la lẫn huyền tích sâu lắng mấy ngàn năm của tôn giáo!
Một người làm vườn vác cái nĩa đất năm răng đang đi tới. Tôi muốn làm quen để hỏi chuyện, bỗng giật mình kinh hãi khi thấy sau lưng người này có một bóng đen to lớn cứ bám chặt lấy ông ta. Tôi quay sang bạn bên trái để hỏi có thấy điều đó không… lại càng kinh hãi hơn khi bạn cũng có một bóng đen như vậy! Lật đật quay sang phải - người đứng cạnh tôi nãy giờ, chơi với tôi suốt mấy chục năm, cũng có bóng đen nhô sau lưng… Bây giờ đang là buổi trưa không thể có ma, cũng không thể là ảo ảnh, bóng đen kỳ dị sau lưng mỗi con người dưới đáy hồ quá khứ này là gì vậy? Đó là thành phần thứ ba ngoài vật chất và ý thức cấu tạo nên con người chăng? Tôi muốn chia sẻ với hai bạn thân phát hiện này, nhưng lại sợ họ nghĩ tôi điên như mẹ con thiếu phụ hai mươi bốn năm trước…
Khi chúng tôi rời khỏi đáy hồ, bóng đen sau lưng hai bạn tôi và những người đi đường mà tôi gặp không còn nữa.
Suốt bảy tiếng đồng hồ ngồi xe đò trở về Sài Gòn, tôi cứ nghĩ miên man về hiện tượng kỳ lạ này. Tôi đã đi vào “nấm mồ văn hóa” của chính mình và nhìn thấy điều huyền bí từ… “Vạn Kiếp”!
Bao giờ “Vạn Kiếp” phục sinh, tuổi già tôi sẽ thủ thỉ hỏi hồ về những bóng đen đeo bám phận người…
Lại Văn Long
(TP.HCM, 24.11.2012)
(nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM ra ngày 1/8/2013)
CÙNG MỘT TÁC GIẢ
LẠI VĂN LONG - Chiến binh khổng lồ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|