14g22 phút ngày 5/10/1998, nhà thơ Yến Lan (1916 - 1998) giã từ cuộc sống, đi vào cõi vĩnh hằng, ở tuổi 82. Ông là người cuối cùng của nhóm Tứ linh ra đi (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn và Yến Lan). Ông có mặt trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân cũng khiêm tốn, nhẹ nhàng như chính cuộc đời và sáng tác của ông.
Vợ chồng nhà thơ Yến Lan cùn g con gái út Lâm Bạch Đàn do nhiếp ảnh gia Phan Sang chụp năm 1972 tại 37 Hàng Quạt (Hà Nội). Ảnh do chị Lâm Bích Thủy - con gái nhà thơ Yến Lan cung cấp
Hoài Thanh có nhận xét : "Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, ôm như những dòng sông, và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định". Quả là vậy. Thơ Yến Lan có khuynh hướng đi về phía tượng trưng. Càng về sau này, ông dồn hết tâm lực, viết nhiều bài thơ theo thể tứ tuyệt. Âm hưởng Đường thi thấm sâu không ít trong những bài thơ ngắn 4 câu, 20 từ của Yến Lan.
Yến Lan được người đọc biết đến nhiều qua Bến My Lăng. Như tác giả nói, không có Bến My Lăng trong hiện thực. Cảm xúc này đọng lại khi ngày còn thơ ấu, ông thường qua lại nơi bến sông Côn, thuộc làng An Ngãi, huyện An Nhơn của quê hương. Từ cái bến thực của dòng sông quê hương, ông đã dựng nên một bến ẩn dụ, ám ảnh nhiều thế hệ người đọc. Một cái bến "vốn trong lòng của những ai từ tuổi thơ đã có diễm phúc được sống bên cạnh một dòng sông... Những ai đã có lần đứng lại đợi một chuyến đò ngang... và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi... để rồi suốt đời chờ đợi... đợi chờ".
Dường như ông đã ký thác rất sớm tâm trạng, cảm xúc của mình, dưới góc nhìn triết học, qua các câu thơ, vần thơ. Và sức sống của Bến My Lăng cũng không nằm ngoài từ trường này. Bài thơ có ba nhân vật: ông lái đò, chàng kỵ mã, vầng trăng vàng. Hai nhân vật là hai thực thể cô đơn. Vầng trăng như một nhân chứng, song nhân chứng ấy cũng rung lên bởi tiếng gọi đò. Bài thơ như thăm thẳm, tạo thành ấn tượng phi - thời - gian - không - gian, hút người đọc về hai chiều, càng đọc càng thấy lạnh. Trăng trong Bến My Lăng dẫu không gào thét như Hàn Mặc Tử: Trăng ! Trăng ! Trăng ! Trăng ! là Trăng, Trăng, Trăng ! hay siêu hình như Chế Lan Viên: Thôi tràn trề ngây ngất những là trăng, nhưng nó cũng tạo nên ám ảnh, đơn độc và bí mật. Người lái đò chẳng buông câu, gối đầu lên sách, thả hồn lên bến trăng sao và trăng thì giát vàng lên khung cảnh. Không biết ông lái đò đã neo thuyền, ngắm trăng nơi bến My Lăng ấy đã bao năm rồi? Bởi vì, một ngày kia có chàng kỵ mã, màu áo ngọc lưu ly, đầy trăng, đã đến bến sông này, gọi đò và cũng đã gọi như thế không biết bao năm rồi, đầy hối hả, làm run rẩy cả ngành trăng.
Nhưng rồi, cuộc trùng phùng, tương ngộ không có. Vì thế :
Bến My Lăng còn lạnh, Bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng
Lại vẫn 3 nhân vật, nhưng lại tiếp tục đợi và chờ. Tiếng gọi đò trong Bến My Lăng làm ta chạnh lòng nhớ đến tiếng gọi đò đầy thao thức của Tú Xương trong Sông Lấp. Có người đã nói đến chút hồn quê, hồn nước, đến sự khắc khoải đợi chờ một đổi thay của vận nước ở nơi Bến My Lăng của thời kỳ trước 1945 (xem Hoài Anh, Nơi giao cảm của những tấm lòng). Đây cũng là tâm sự chung của nhiều nhà thơ thời bấy giờ, như Thế Lữ, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư,...
Yến Lan không phải là con người của đám đông. Ông thường lui về phía sau để suy nghĩ và sáng tác. Ông không tạo dựng cho mình một con đuờng thơ như bạn bè của ông. Ông đi sau, đến muộn, về chậm, không hối hả, chen chúc. Âm thầm, lặng lẽ viết và sống, hai mặt ấy bổ sung cho nhau, làm rõ chân dung của nhà thơ. Thử đọc bài Xuân Muộn:
Vụng sắm cành đào không kịp tết
Ra giêng chợt hé một vài bông
Xuân người lả tả bay đâu hết
Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng.
Ngày trước, những mất - còn, có - không, thi sĩ cũng đã đề cập đến. Ông nói đến chim bạch câu, bay qua bờ giếng loạn với một sáng không hoa, một đêm không trăng và một chiều bỡ ngỡ, nhưng rồi cũng vẫn cánh chim bạch câu, song lại tăng thêm cái vắng vẻ của một mùa thu lạnh.
Sau hoà bình (1954), thơ ông lại nặng về tả, thiên về tình. Những bài thơ như Lại về tỉnh nhỏ, Uống rượu với bạn đồng hương, Bài ca hợp tác thôn tôi... là kết quả của những chuyến đi thực tế ở những vùng của đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây, có một Yến Lan hồn hầu, bình dị, nắm bắt những đổi thay của đất nước, dù nhỏ, cũng đưa vào thơ, với cái nhìn đầy yêu thương và trân trọng. Ông nói nhiều đến bến nước, bờ tre, làng quê, khói ấm...
- Ta đi giữa hội cày hội cấy
Hoa đơn nở đỏ lối ra đồng
(Bài ca hợp tác thôn tôi)
- Mặt trời trẻ buổi chiều
Reo trên mái rạ ...
Lòng đầy tiếng hát
.......
Tôi đi qua trường học
Đầy áo hoa, chắc ông giáo đã bạc đầu
(Lại về tỉnh nhỏ)
Các tập thơ Những ngọn đèn (1957), Tôi đến tôi yêu (1963), Lẳng hoa hồng (1968), Giữa hai chớp lửa (1978), Én đảo (1979) .. là những khúc hát yêu thương về con người và đất nước Việt Nam.
Hình như là thiên hướng ban đầu (nghiêng về tượng trưng, ẩn dụ) có phần nhạt nhòa đi ở các tập thơ nêu trên. Mãi đến sau này, khi chọn quê nhà An Nhơn là điểm dừng cho những năm tháng còn lại của cuộc đời, Yến Lan mới quay về với điểm xuất phát. Những bài thơ tứ tuyệt cô đúc, hàm súc, ẩn chứa chất triết lý phương Đông, đầy trầm tư ... lại được Yến Lan chăm chút, dành nhiều công sức.
Thế giới thơ tứ tuyệt, có đến ngoài 400 bài, phản ánh chút thích thảng tâm hồn của một con người gần như muốn quay về cái nôi của phương Đông, với những nguyên sơ của tự nhiên, như đất trời vốn có, đủ bình tĩnh và ung dung đi qua những ba động của cuộc sống hiện đại. Âu, đây cũng là khuôn mặt lạ trong những năm tháng cuối cùng của thơ ca Việt Nam thế kỷ XX này, trước khi bước sang thiên niên kỷ mới chăng!
Đọc những bài thơ như Đọc Nam hoa kinh, không ai không nghĩ đến con người minh triết ở Yến Lan. Con người ấy từ bỏ chốn đô hội, về một bến sông quê, nơi có những vầng trăng cũ, bình tâm sống và viết.
H.V.H
< Lùi | Tiếp theo > |
---|