Đặc san 60 năm Trung học phổ thông PHAN CHÂU TRINH - Đà Nẵng - * Ông khóc người xưa, tôi khóc trả

Mục lục
Đặc san 60 năm Trung học phổ thông PHAN CHÂU TRINH - Đà Nẵng
* Ông khóc người xưa, tôi khóc trả
* Ánh mắt thầy Hoàng Bích Sơn
Tất cả các trang
 

ÔNG KHÓC NGƯỜI XƯA, TÔI KHÓC TRẢ

(Về 10 bài thơ "Khóc ông Tú Chiểu" của Phan Châu Trinh)

HUỲNH VĂN HOA

Tháng 8-1907, chí sĩ Phan Châu Trinh được Ban giảng huấn Đông Kinh Nghĩa Thục mời ra Hà Nội diễn giảng. Tại đây, ông vừa diễn thuyết vừa viết bài cho một số tờ báo như Đăng cổ tùng báo. Đại Việt,... Cùng thời gian này, phong trào Duy tân nổ ra mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành miền Trung. Ban đầu ở Quảng Nam, sau lan ra nhiều tỉnh. Tháng 03-1908, nhân vụ xin xâu và biểu tình của nhân dân Quảng Nam, chính phủ Nam triều và tòa Khâm sứ Pháp ở Huế vu cho Phan Châu Trinh là chủ mưu và ra lệnh bắt ông.

 

PHAN-CHAU-TRINH-1-R


Tư liệu L.M.Q

Phan Châu Trinh bị bắt và giải về Huế, kết án “Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (Chém nhưng giam lại, đày xa ba ngàn dặm gặp ân xá cũng không cho về). Cuối cùng, ông bị đày ra Côn Đảo. Tháng 4-1908, ông đến đó. Hơn hai năm sau, nhờ có chân trong Hội Nhân quyền và Dân quyền nên Phan được can thiệp và được thả tự do. Phan được phóng thích ngày 24-6-1910 và đưa về quản thúc tại Mỹ Tho.

Những ngày sống tại Mỹ Tho, gặp gỡ và trao đổi với những con người nghĩa khí của Nam bộ, bao âm vang cuộc đời của những Nguyễn Đình Chiểu, Thủ Khoa Huân, Phan Văn Trị,... như còn đâu đây và gợi nên nơi Phan Châu Trinh nhiều cảm kích, mến phục. ông viết nhiều thơ, trong đó có chùm bài Khóc ông Tú Chiểu (Họa vần 10 bài ông Đồ Chiểu khóc Trương Định).

Trên chủ đề Ông khóc người xưa, tôi khóc trả, Phan Châu Trinh đã bộc lộ huyết lệ, gan ruột của một người anh hùng khóc một anh hùng. Lời lẽ rất chân thành, thống thiết.

Mười bài thơ liền một mạch, có chỗ nói lên tấm lòng của cụ Đồ Chiểu đối với Trương Định, có chỗ bày tỏ tâm sự, niềm ưu ái và chí hướng của bản thân.


PCT-1

Bản in năm 1927 tại Sài Gòn. Tư liệu L.M.Q

Mở đầu chùm thơ, Phan Châu Trinh nhắc lại sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ mù đã yêu đất nước đến độ bi thương và cháy bỏng :

Huyết lệ trăm dòng đau Tổ quốc
Văn chương một mạch rạng mi môn
Lòng son còn có non sông tạc
Nét mực chưa đành cỏ bụi chôn...

(Bài I)

Phan Châu Trinh gọi chùm thơ của mình là Mười bài gợi chút nghĩa chiêu hồn. Đúng vậy. Ngày trước, vì yêu tấm lòng trung nghĩa của tướng quân Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu đã khô nước mắt tiếc thương. Giờ đây, sau hơn hai thập kỉ ngày cụ đồ qua đời, một người con xứ Quảng cũng đã thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc tâm sự của cụ:

Mưa máu còn kêu hồn vọng đế
Héo gan vì khóc kẻ trung thần
Anh hùng kết cuộc chưa đành vậy
Chua xót cho ai một chữ truân.

(Bài II)

Hạ chữ truân ở cuối bài, chỉ một từ thôi, lời khóc thật chí tình, chí nghĩa. Ở bài III, nỗi niềm thương cảm, gánh nặng quân thân như tô đậm thêm ở hai câu thực:

Khóc núi, khóc sông sâu lã chã
Lo trời, lo bể dạ bâng khuâng...

Khóc, sầu, lo các trạng thái đó là có thật khi bao cuộc khởi nghĩa yêu nước lần lượt thất bại, đất nước rơi dần vào tay kẻ thù :

Sáu tỉnh cỏ hoa rầy quạnh vắng ...

(Bài III)

Hình như ở đây Phan Châu Trinh cũng cảm khái cho bản thân mình. Mượn ý Đồ Chiểu khóc Trương Định âu đó cũng là gián tiếp nhìn mình và nhìn tình thế hiện tại của đất nước. Nằm trong văn mạch đó, ở bài thứ IV, mở đầu, ông viết ngay :

Gánh nặng quân thân đặng mấy vai?
Biết đem gan ruột gởi vào ai?

Nhưng hai câu thơ cuối mới là gan ruột, giọng thơ vừa xót xa vừa u uẩn, nỗi niềm như không giữ được, cứ tràn ra trên giấy :

Đèn khuya rượu giả ngâm đôi giọng
Giọt lệ câu thi chắp văn dài.

Ở bài V và VI, Phan Châu Trinh hiểu tấm lòng sắt son, cảm phục một tay chống chỏi giữa trương đua của Trương Định, cảm tấm lòng ngậm đá biển đông và cả mấy tiếng kêu trời đối với triều đình, đối với dân với nước khi cuộc thế ngữa nghiêng khi cái nợ non sông quyết gỡ mà chưa xong của người anh hùng đất Gò Công:

Sùi sụt nhớ người càng tưởng cảnh
Lờ mờ bụi lấp dấu Gò Công

(Bài VI)

Phan Châu Trinh hiểu rằng, những người như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định là những ngọn cờ cổ vũ lòng yêu nước chống giặc. Bởi thế, họ mất đi, non sông, trời đất, lòng người sao nguôi được. Trong khi đó, đất nước đã thay ngôi đổi chủ, bao kẻ xu thời xun xoe nịnh bợ kẻ thù:

Cây cỏ ngậm ngùi tình cố thổ
Ngựa xe thay đổi dạng tân quan

Để rồi :

Non sông còn đó có ai toan?

(Bài VII)

Câu hỏi đầy trách nhiệm và cũng đầy đau đớn. Nhớ lại lần vào dự tang Phan Châu Trinh, trong một bài thơ cảm tác về đất và người Gia Định, hiểu chí hướng và tâm sự của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cũng day dứt đặt dấu hỏi:

Hỏi nay con cháu có ai không?

pct-2-Rrjpg


Tư liệu L.M.Q

Thì ra, những trái tim nhiệt thành bao giờ cũng gặp nhau ở nỗi niềm ưu quốc ái dân. Ở bài thơ thứ VIII, Phan Châu Trinh cũng bày tỏ :

Bể sâu mù mịt cây toan lấp
Trời rách toang loang đá sắp khâu...

Bài thơ thứ IX là bài Phan Châu Trinh muốn nói rõ thêm cuộc đời cụ Đồ. Ông mượn tích Viên Sùng Hoán, người cuối đời Minh, chống Mãn Thanh và Đổ Phủ một tấm lòng thương dân thương nước để chiêu hồn Nguyễn Đình Chiểu.

Kết thúc chùm thơ, ở bài X, Phan Châu Trinh hạ hai câu thơ cuối :

Ớ người chín suối thương chăng nhẽ
Một nén tâm hương hãy biết đây.

Quả vậy, đây chính là nén hương lòng Phan Châu Trinh gửi Đồ Chiểu. Những ngày tháng chuẩn bị cho một chuyến đi xa, tìm con đường mới, Phan Châu Trinh đã tìm đến với cụ Đồ và đã tìm thấy nơi đây một lực lượng tinh thần cần thiết cho mình. Câu thơ Một thân nam bắc lại đông tây đã nói điều đó.

Có lẽ, điều dễ thống nhất với nhau rằng, phần đẹp đẽ nhất, cao quý nhất và đáng trân trọng nhất, là qua 10 bài thơ Khóc ông Tú Chiểu, Phan Châu Trinh đã trải tấm lòng mình ta đối với một nhân cách lớn, một trái tim lớn. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh bấy giờ, ý nghĩa lại càng sâu sắc và thấm thía hơn.


H.V.H



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com