THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Ba nhân vật ấn tượng của Duy Xuyên

LÊ MINH QUỐC: Ba nhân vật ấn tượng của Duy Xuyên


xuan-duy-xuyen-RR

Không phải “dĩ hòa vi quý”, nói lấy được, tôi xin thưa rằng, bất kỳ vùng miền nào thuộc non sông gấm vóc nước Việt cũng đều “địa linh nhân kiệt”. Đất hun đúc tài năng, khí phách người. Người làm vẻ vang, rạng danh cho đất. Duy Xuyên là một trong những vùng như thế, và, khi ta đặt trong dịa thế Quảng Nam lại càng thấy có ý nghĩa đặc biệt, không thể quên.

Rằng, trên hành trình mở cõi về phương Nam, hẳn ta phải ghi nhớ sự kiện diễn ra vào năm 1471: Vua Lê Thánh Tông thành lập Thừa tuyên Quảng Nam đạo gồn 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân. Nhà sử học Phan Khoang cho biết:

“Riêng phủ Thăng Hoa gồm có 3 huyện: 1. Huyện Lệ Giang: huyện này đến đời nhà Nguyễn đổi tên là Lễ Dương, rồi về sau sát nhập vào các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình; 2. Huyện Hà Đông: nay là phủ Tam Kỳ, huyện Tiên Phước; 3. Huyện Hi Giang: huyện này đến năm Giáp Thìn, triều Gia Dũ Hoàng đế đổi thành Duy Xuyên. Như vậy, trong đạo Thừa Tuyên Quảng Nam thời ấy, phần đất thuộc về Quảng Nam ngày nay (Quảng Nam, Quảng Tín) chỉ gồm các quận Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình, còn các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc đang còn thuộc vào phần Cực nam của phủ Triệu Phong trong đạo Thừa Tuyên Thuận Hóa” (1).

Mà, những ai là người thuộc lớp đầu tiên “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” của Duy Xuyên? 

Trả lời câu hỏi này, không dễ dàng và khó có thể đầy đủ, đơn giản chỉ vì hậu sinh không có tài liệu. Một trong nhiểu lý do, nó còn do lâu nay, vẫn chưa có nhiều nhà nghiên cứu dành nhiều tâm lực tìm hiểu, sưu tầm về gia phả của các dòng họ/ dòng tộc - nói cách khác chúng ta thường quan tâm đến chính sử/ sử nước nhà hơn là sử của từng địa phương, mà sử địa phương không thể tách rời các gia phả.

Trường hợp của Duy Xuyên có khác gì chăng?

Đến nay, trong sự hiểu biết hạn hẹp, có thể còn thiếu sót là tôi chỉ mới biết đến Cung lục gia phả họ Bùi ở Duy Xuyên qua tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng. Tài liệu này, cho biết: “Ngài thỉ tổ Bùi Đại lang, húy Tấn Diên, ngày xưa từ Hoàn Châu, Nghệ An vào Thăng Hoa phủ, Ba Châu thuộc, sinh ra ngài Cao tổ Bùi Quí công, húy Tấn Trường khai khẩn ra xã hiệu Bình Khương và rạng rỡ thay! Phúc ấm dồi dào, đời đời kế tiếp.

Đến triều Gia Long, xã hiệu Bình Khương đổi thành Bình Thuận (...). Gần đây, xã hiệu Bình Thuận lại được đổi thành Vĩnh Trinh (...). Sự nghiệp của ông cha ta ngày xưa không phải là không to tát.

Cây có cội nước có nguồn. Nay dựa vào những điều mắt thấy tai nghe, xin cung lục các thế thứ ra đây để đời sau được rõ:

Ngài thỉ tổ Bùi Đại lang, húy Tấn Diễn.

Ngài Cao cao tổ Bùi Quí công húy Tấn Trường đến nơi khai khẩn.

Bia ghi: Hiệp táng xứ Đại Tha.

Ngày kị: Mồng 8 tháng 3”.

Ngày nay tại nhà thờ tiên hiền Bùi tộc ở Duy Xuyên, hậu bối có câu đối tưởng niệm ông là thỉ tổ đại tộc họ Bùi:

Trước trăm năm, vượt bể trèo non, dẹp Chiêm Thành nêu cố thổ, lập dân ấp, khẩn hoang nhàn, quản bao dãi gió dầm sương, mở mặt giang sơn tù đất Bắc;

Sau nghìn thuở, dài dòng lớn họ, người khoa hoạn, khách kiếm cung, kẻcông nông, nhà thượng cổ nhuần gội ơn vua lộc nước, vun nền nhân hậu giữa trời Nam” (2).

Thế thì, ngoài nhà doanh điền Bùi Tấn Diên, còn có những ai nữa, dòng họ nào nữa? Câu hỏi này, có thể có người không lướt qua mà dừng lại suy ngẫm chăng, vì rằng, một khi đã yêu lấy vùng đất chôn nhau cắt rốn, như một lẽ tự nhiên, chúng ta tự thấy mình có trách nhiệm phải tìm về dấu vết xa xưa đó. Âu cũng là một cách thể hiện lòng thành biết ơn lẫn hiểu lấy nguồn gốc của tiền nhân trong tâm thức và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Trải theo năm tháng, hẳn chúng ta còn nhớ đến một nhân vật khác, qua ông, ta lại thấy thêm tính cách của người Duy Xuyên: Hồ Trung Lượng (1860-1942). Sinh thời, ông là người hay chữ, thi đậu Tam giáp đồng tiến sĩ năm 1892. Sự nghiệp của ông đáng kể nhất là vào năm 1905 lúc ông làm Đốc học Bình Định.

Trước đây và sau này, lịch sử khoa cử Việt Nam còn phải nhắc đến một sự kiện kỳ thi khảo hạch chuẩn bị thi Hương tại Bình Định, năm đó, các bậc ái quốc Duy tân Quảng Nam đã vung tay múa bút như thể tiếng sét nổ ra giữa trời quang. Đó là lúc các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp trên bước đường Nam du đã dừng chân tại đây, gặp kỳ khảo hạch chuẩn bị thi Hương đã làm bài thơ Chí thành thông thánh, bài phú Danh sơn lương ngọc. Thái độ và hành động cách mạng này, nếu lộ ra ắt Nam triều sẽ không tha tội.

Bấy giờ, ông Hồ Trung Lượng có biết, thừa biết việc làm của các bậc chí sĩ nhưng ông không hé môi, tiết lộ với bất kỳ ai. Việc làm của ông cho thấy một khi biết việc nghĩa, việc cần làm nếu mình không cả gan làm thì hãy để cho người khác làm, âu cũng là một cách biểu lộ sự đồng tình. Mỗi người có cách bày tỏ chính kiến của họ, trường hợp của ông Lượng là thế, đó là tài đức, tư cách của Kẻ sĩ.

Trải theo năm tháng, cho phép tôi nhắc đến một nhân vật khác là nhà báo Bùi Thế Mỹ (1904-1943). Ông là cây bút chiến đấu cự phách một thời cùng thế hệ với nhà báo Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh, Thiếu Sơn, Diệp Văn Kỳ… Ít ai biết nhà báo nổi tiếng Thiếu Sơn khi chân ướt chân ráo bước vào làng báo trong Nam, có hai người Quảng Nam mà ông mang ơn, đó chính là Phan Khôi, “coi như một bực thầy” và người thứ hai “người bạn đồng trang lứa, gần với tôi hơn để an ủi tôi, khuyến khích tôi, nâng đỡ tôi và dạy bảo tôi trong mọi việc. Người đó là ông Bùi Thế Mỹ” (3).

Lâu nay, hầu như tài liệu nghiên cứu về nhà báo như Bùi Thế Mỹ vẫn chưa nhiều, thế nhưng dấu ấn của ông để lại cho nền báo chí miền Nam trong thập niên 1930 lại rõ nét. Một trong những bài học mà Thiếu Sơn đã học ở ông, tôi nghĩ đến nay vẫn chưa lỗi thời, phải chăng đó do tính cách Quảng Nam của con người Duy Xuyên?

Rằng, thuở đó, có kẻ háo danh, tự xưng nhà báo, nhà văn bèn làm giả giấy chứng nhận đã nhận giải thưởng sáng giá ở Pháp. Biết chuyện này, ông Mỹ bèn viết bài phê bình nghiêm khắc: “Trong đời này thiếu gì kẻ cờ gian bạc lận nhưng tôi không tha thứ cho bọn gian lận kiếm ăn trên đại hạt văn chương”.

Từ câu chuyện này, Thiếu Sơn nhận xét: “Anh muốn giữ cho làng văn được trong sạch, giữ cho làng báo được tinh khiết. Anh giữ cho tinh thần anh, tình cảm anh, cây viết của anh lương thiện để những người gần anh cũng học tập được phần nào cái lương thiện của anh. Đó là bài học chánh yếu, tôi tiếp nhận ở anh… Tôi tin rằng, nếu anh được sống thêm thì anh sẽ có thái độ xứng đáng trước những khúc quanh của lịch sử. Anh sẽ không như nhiều kẻ khác thường viết lên những lời khẳng khái, thường lên mặt thầy đời mà đứng trước cuộc kháng chiến của toàn dân thì có thái độ trốn tránh để chờ cơ hội sẽ hợp tác với Tây… Bài học của Bùi Thế Mỹ còn là bài học về tác phong, văn phong và tư cách của con nhà cầm bút”.

Về ba nhân vật của Duy Xuyên, hiện nay tại Đà Nẵng đã có đường mang tên Bùi Tấn Diên, Hồ Trung Lượng; tại TP.HCM có con đường mang tên Bùi Thế Mỹ. Thiết nghĩ, đây là sự ghi nhận thỏa đáng về công nghiệp của họ để lại cho đời. Ước gì trong thời gian tới tại nơi chôn nhau cắt rốn của họ, sẽ có những cuộc hội thảo khoa học về họ, cũng là một cách giáo dục cho thế hệ trẻ về tấm gương sáng của tiền nhân Duy Xuyên: “Sống là tểh phách, còn là tinh anh”.

L.M.Q

(nguồn: Đặc san DUY XUYÊN XUÂN 2022)

Tài liệu tham khảo:

(1) Quảng Nam qua các thời đại, quyển thượng, Cổ học tùng thư XB năm 1974, tr. 51-52.

(2)  Quảng Nam đất nước và nhân vật, NXB Văn Hóa - 1996, tr.116-117.

(3) Những văn nhân, chính khách một thời, NXB Lao Động -1993, tr.195.

(4) Những văn nhân, chính khách một thời, NXB Lao Động -1993, (tr. 202-203.

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com