THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Về nhân vật “lừng danh” tại Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX - THÊM TÀI LIỆU VỀ BÀ BÉ TÝ

LÊ MINH QUỐC: Về nhân vật “lừng danh” tại Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX - THÊM TÀI LIỆU VỀ BÀ BÉ TÝ

 

THEM-TAI-LIEU-V-E-BA-B-TY

Bà Bé Tý là ai?

Một khi nhắc lại Hà Nội của những năm đầu thế kỷ XX, hẳn nhiều người còn nhớ đến bà Tư Hồng và bà Bé Tý. Về bà Tư Hồng, đến nay còn lưu truyền nhiều câu đối tặng với nhiều ngụ ý khác nhau, thậm chí nhà văn Đào Trinh Nhất (1941), Nguyễn Ngọc Tiến (2014) đã xây dựng thành nhân vật của tiểu thuyết. Riêng về bà Bé Tý, lâu nay ít có tài liệu đề cập đến nhân vật “lừng danh” này.

Khi Hà Nội tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công trình Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX (NXB Hà Nội - 2010) của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn được tái bản. Trong bộ sách đồ sộ, giá trị nhiều mặt về Hà Nội xưa, dày 1.160 trang, có những dòng như sau: “Phố Hàng Bạc còn nhắc nhở đến một người đàn bà khá kỳ dị, đó cô Bé Tý Hàng Bạc. Người đàn bà phì nộn này xuất thân là một me Tây, về già chuyên kiếm ăn về nghề chạy chọt công việc và mai mối trong đám Tây thuộc địa cao cấp và có quyền thế. Song lại được nhiều người biết đến do cửa điện khá to và lộng lẫy của nhà này ngay góc ngã tư Hàng Bạc, và cách ăn ở phô trương với người qua đường, nhất là cái chuồng nhốt những “vật lạ” như “gà bốn chân”, “lợn hai mõm”, và cả hai vợ chồng anh lùn, chồng cao 1 mét, vợ 90 phân, gác cửa và làm trò. Đó là những thứ mà những người ở tỉnh xa về Hà Nội kháo nhau là “Vườn Bách thú của cô Bé Tý” và cố bỏ thời giờ đến xem cho được. Về Hà Nội mà chỉ đi Goda, Đồng Xuân, Bách thú trại Hàng Hoa, mà chưa đến nhà cô Bé Tý thì chưa gọi là xem đủ “kỳ quan” của Hà Nội. Bé Tý chết năm 1941” (SĐD, tr. 626).

Nay, ta làm sao có thể hình dung ra “kỳ quan” đó?

Sự hình dung này, không phải tò mò muốn biết cơ ngơi, thú chơi của bà Bé Tý, mà chính là qua đó, ta có thể hình dung ra phần nào sự giàu có của một lớp người Hà Nội xưa. Sinh hoạt đời thường này, thiết tưởng cũng chẳng vô ích lắm. Ít ai biết, nắm 1929, bà Bé Tý cho in Nho lâm tặng cảo (Thơ khen bà Bé Tý) - Phố Hàng Bạc nhà số 52”; tập sách này do Imp. Mac Dinh Tu - Hà Nội ấn hành. Mở đầu, có Lời dẫn, ký tên “Madame Bé Tý”. Nguyên văn như sau:

“Nghĩ phận liễu bồ, gia tư thanh bạch. Nay sinh gặp thời đại thái bình, văn minh tiến bộ. Gần đây có các bậc danh nhân văn sĩ du ngoạn phong cảnh nơi biệt thự của tôi mới sửa lại lại, tuy rằng quy mô không lấy gì làm tráng lệ, song kiểu cách cũng được dễ coi. Các ngài có lưu tặng những bài: nào thơ, nào phú, nào ca khúc, nào tràng thiên cùng là các biển hoành, câu đối vân vân…

Lời lẽ quá khen tôi đâu dám đương, song cảm ơn các ngài đã có hảo tâm, không biết nhường nào mà minh tạ cho xứng đáng. Vậy nên xin chép các nguyên văn in ra đây, để hải nội chư quân tử công lãm phẩm bình.

Đây là cuộc tiêu khiển trong đám rừng nho, vậy xin nhan đề là Nho lâm tặng cảo.

Mấy lời hạ tứ ném châu

Khoảng trên dừng bút mấy câu gọi là”.

Hai câu lục bát này, chứng tỏ cô Bé Tý cũng “không phải dạng vừa đâu”. Đáo để lắm. Có điều trong tập thơ này, không rõ vì lý do gì lại không thấy ghi tên tác giả.

“Số nhà Hàng Bạc 52/ Cơ ngơi rực rỡ lâu đài nguy nga/ Chính mỹ tự là bà Bé Tý/ Dòng họ Cung gia thế trâm anh”; “Duyên kim cải xích thằng sớm buộc/ Tóc tơ se Pháp quốc sánh đôi”. Về Phố Hàng Bạc, thời Pháp có tên Rue des Changeurs: Phố Những người đổi bạc”, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, phố này là nơi sinh trưởng của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên…; nhà cách mạng Ký Con v.v…

Trong nhà cô Bé Tý có gì? “Cửa nhà tài khéo sửa sang/ Nguy nga điện các, trang hoàng động tiên/ Riêng tầng giữa, lầu trên lập điện/ Khám vàng son hiển hiện anh linh/ Hai vòng cửa võng long lanh/ Thếp vàng chạm lộng, tứ linh lượn chầu”. Ta hiểu đây cũng là nơi lập điện thờ Mẫu, do đó, “Họa trên tường đám rước Phủ Giầy”, ngoài ra còn có vô số “Biển hoành, câu đối, nghi môn”; còn có: “Bàn chè, lọ cổ, giá gương/ Ghế tàu mặt đá, sập vàng chạm bong/ Các con giống bằng đồng, bằng đá/ Ảnh truyền thần tranh họa chan chan”; còn có: “Trên thờ đức Thánh Quan chính giữa/ Tượng đồng đen cưỡi ngựa cầm đao/ Đồng đen hai vị tướng chầu/ Bên treo tranh vẽ lũ Tào lạy van”…

Đây là chỗ bà Bé Tý tiếp khách: “Tủ chè khảm bày giàn trước ngự/ Đỉnh đồng vàng, chóe sứ đôi bên/ Giá ngà cao ngất án tiền/ Trâu vàng đôi tượng hai bên đối chầu/ Sạp bày gối kim mâu vân kỷ/ Chỗ bà ngồi nệm quế, bình hoa/ Khay ngà, chén bạc, điếu ngà/ Hai bên ông phỗng chạm hoa thếp vàng/ Năm thanh kiếm, thần quang gác giá/ Sáu cặp ngà vàng lá nạm đầu/ Mang ngà sáu vị phỗng chầu/ Đồi mồi, tê giác, sừng trâu treo nhiều/ Đĩa sứ cổ bày treo lắm kiểu/ Chóe sứ to, lọ, điếu cũng nhiều/ Điện giăng, đèn mắc, màn thêu/ Sao sa sáng quắc, đèn treo cũng nhiều…”. Những câu thơ này đã cho thấy sự giàu sang tột bực của người Hà Nội cthời xa xưa ấy.

Chưa hết, do lập điện thờ nên tại ngôi nhà này, còn có “Hương ngạt ngào, đèn nến sáng trưng/ Có khi đàn sáo vang lừng/ Cung văn tấu nhạc, thanh đồng chầu ban”; hoặc vui chơi, “Máy điện như hội ca Quảng Lạc/ Nhà nhảy đầm vũ nhạc Thái Tây/ Kim ngân châu bái đặt bày…”. Vậy, kẻ hầu người hạ “Cũng không nhiều, mươi đứa mà thôi/ Vú già, vú sữa mấy người/ Bé con, xà ích cùng là bồi xe…” nhưng tính cũng bộn đấy chứ.

Làm nên “thương hiệu” của cô Bé Tý do giàu sang, tất nhiên, nhưng vẫn là ở chỗ nuôi những con vật kỳ quái: “Các giống nuôi sắp đặt từng khu/ Giống hầu dạy biết làm trò/ Khuyển nuôi ba cẳng, gà hồ ba chân/ Giống bạch điểu, giống trăn to đại/ Giống kim quy, gà trống ba mào/ Vẹt rừng, gà trống bạch mao/ Gà tồ sáu cánh bảo sao nghe lời/ Gà tám cựa, gà thời chín cựa/ Chim đại bàng, con gấu, nhím to/ Lạ thay cảnh vật giời cho/ Ngày ngày thiên hạ đổ xô xem nhiều…”. Trong số thiên hạ đến xem, có người về sau rất nổi tiếng: nhạc sĩ Phạm Duy.

Trong hồi ký của mình, ông có kể về bà Bà Bé Tý như sau:

“Cô Bé Tý được coi như ngang hàng với người nổi danh trong làng me Tây là cô Tư Hồng nhưng cô Bé Tý được nhiều người yêu mến vì tính đồng bóng của cô. Trước hết, cô Bé Tý là người rộng rãi, ai xin tiền cô cũng cho. Rồi tới cái ngông của cô là ở ngay giữa thành phố, cô cho xây một Sở Thú (Zoo) nhỏ với một dẫy chuồng nhốt khỉ, gấu và những con thú (cô làm thành quái vật) như gà ba chân và lợn hai mõm…

Vào trong nhà cô là như lạc vào trong truyện vẽ bằng tranh, vào trong truyện thần tiên. Nào là những xác chim, xác hổ được nhồi bông. Nào là những con rắn sống uốn mình quanh chiếc ngai sơn son thếp vàng trên đó có cô Bé Tý ngồi bảnh choẹ và lên đồng thường xuyên giữa một đám đầy tớ toàn là những người lùn. Ai vào nhà Cô thì đều phải gọi Cô là Bà Chúa. Đối với tôi, cô Bé Tý với thế giới gà ba chân, lợn hai mõm, những người lùn, những đồng cô bóng cậu mặc y phục lộng lẫy, múa gươm hay chèo thuyền trong khói nhang nghi ngút, với chiêng trống tưng bừng... giống như chuyện ảo tưởng có thực” (PDC Musical Productions XB năm 1990, tr. 89-90).

Lướt qua đôi nét về tập thơ “độc đáo” chỉ nhằm ca ngợi bà Bé Tý, ta nghĩ gì? Nghĩ rằng, sự giàu có nào nếu kiếm ra đồng tiền bằng công sức lao động, làm ăn lương thiện cũng đều đáng quý. Sự giàu có của bà Bé Tý thế nào? Khó có thể kết luận rõ ràng. Nếu ngày ấy, bà Bé Tý có cái nhìn khác hơn một chút, chẳng hạn, đem tài sản của mình làm việc thiện, vì lợi ích của cộng đồng thì ngày nay, ta nhìn về nhân vật này cũng thiện cảm hơn. Chỉ xin đưa ra một so sánh, nếu so với bà Cả Mọc Hoàng Thị Uyển thì bà Bé Tý giàu hơn bội phần, nhưng lại không làm được một việc mà bà Cả Mọc đã làm: lập Hội Tế Sinh.

Việc làm ý nghĩa nhân văn của bà Cả Mọc, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã ca ngợi trong tác phẩm Trúng số độc đắc: “Anh đã được mục kích hàng trăm trẻ con dưới mười tuổi, con nhà lao động, vô sản, sống một đời công cộng rất có tổ chức, được ăn, học, chơi, tắm, được thay quần áo mỗi ngày hai lần, cứ thế mãi ngày nào cũng vậy, mãi cho đến khi nào bố mẹ chúng sau khi không chết đói nữa thì lại đến xin con đem về nhà mà thôi. Cái công cuộc xã hội ấy đã kích thích rất mạnh vào một tâm hồn giàu tình cảm như của Phúc. Khi trông thấy sự tận tâm rất đáng khen ngợi của một ông giáo học, người thư ký và của những người khác nữa thuộc nhân viên của nhà Hội về sự săn sóc lũ trẻ mà con mắt trưởng giả hẹp hòi của đời có thể coi là bẩn thỉu, khó thương; khi trông thấy những phương pháp của Âu Tây mà bọn trẻ ấy được hưởng từ lúc ăn, lúc học cho đến lúc nô đùa, Phúc cảm động hết sức, kính phục không biết thế nào mà kể. Đến lúc được chào người hội trưởng nữa, thì lòng kính phục của Phúc trở nên một thứ ngưỡng mộ có tính chất tôn giáo của người sùng đạo trước hình tượng đấng Cứu Thế nữa. Anh ta đã phải vui mừng tự hỏi: “Chà! Ở cái xã hội này mà lại có được một người đáng kính trọng đến bậc này sao? Ở cái nước Nam khốn khổ, xấu xa này, mà lại có được một sự tốt đẹp thế này hay sao?”.

Với bà Bé Tý dù đã có hàng chục, hàng trăm thi phú, câu đối nọ kia ngợi in đầy trong cả tập sách Nho lâm tặng cảo nhưng rồi, cái danh ấy cũng tàn rụi theo thời gian. Nếu có chăng cũng chỉ là sự giàu có một thời của một cá nhân. Mà cá nhân đó, lại thừa có điều kiện, cơ hội để tạo ra sự thiện cảm về sau như trường hợp bà Cả Mọc. Kể ra cũng đáng tiếc. Thế mới biết giàu có đã khó, nhưng sử dụng sự giàu có ấy thế nào lại càng khó.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay - số 1099 TÂN NIÊN phát hành tháng 2.2021)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com