Kỳ 1: Tên khai sinh 'định mệnh' do... ghi nhầm
Tính đến nay, toàn bộ các tác phẩm của học giả Vương Hồng Sển đã có tới vài ngàn trang in. Nhiều tập sách của cụ có vị trí đặc biệt với những người chơi cổ ngoạn, cũng như ai muốn tìm về đời sống, lời ăn tiếng nói của người miền Nam xưa. Tuy nhiên, với tập di cảo chưa từng công bố này, còn nhiều bí mật chưa từng ai biết được tiết lộ.
Sau khi qua đời, lần lượt nhiều di cảo của học giả Vương Hồng Sển (1902 - 1996) được ra mắt bạn đọc, có thể kể đến các tập Dỡ mắm, Hậu Giang - Ba Thắc, Cuốn sách và tôi, Chuyện cũ Sốc Trăng… Riêng các quyển loại tạp bút viết từng năm - từ năm 1992 đến năm 1994 cũng đã ấn hành 3 tập như Tạp bút năm Nhâm Thân (1992), Tạp bút năm Quý Dậu (1993), Tạp bút năm Giáp Tuất (1994).
"Cảo thơm lần giở…"
Cụ Vương Hồng Sển bệnh, được đưa vào Bệnh viện Nguyễn Trãi ngày 24.6.1996. Từ đây, có một người là học trò của cụ Sển đã dành nhiều thời gian lo cơm nước, chăm sóc chu đáo cho cụ, đó là nhà sưu tập đồ cổ Phạm Hy Tùng. Vốn là người chân thành ngưỡng mộ, muốn sở hữu nét chữ của cụ và cũng theo yêu cầu của cụ, ông Tùng đã mua tập vở học trò đặt tại giường bệnh. Khi có giấy, có bút, những lúc khỏe trong người thì cụ Sển lại viết nhẩn nha mỗi ngày. Viết theo lối tùy hứng chuyện nọ xọ chuyện kia, không theo chủ đề cố định, nhớ đâu chép đó.
Cứ thế, trong thời gian nằm bệnh, cụ viết cả 7 tập với nhiều màu mực, nét chữ và sửa chữa chi chít, có thể nói rất khó đọc. Điều khiến tôi hết sức kinh ngạc là không thể hiểu vì sao ngoài 90 xuân, ở bệnh viện không có sách để tham khảo, nhờ đâu cụ có thể nhớ như in, nhớ chính xác từng sự việc và cột mốc thời gian?
Trong quá trình viết, ngày 28.7.1996, cụ Sển tâm tình: "Nói riêng với Tùng, tôi cần viết như tằm nhả tơ, thi đua với thần chết, tôi muốn để lại cho Tùng với phu nhân 3 cuốn (nay là 4). Cảm tưởng của tôi vẫn chẳng hay ho gì gọi là để tỏ lòng tri ân và hễ là tằm nhả tơ thì phải thay lá dâu cho kịp tằm xơi…". Thời gian sau, cụ cũng đồng ý giao hết cho ông Tùng cả 7 tập đã viết, trong đó có một tập cụ đã viết dở đem theo từ nhà vào bệnh viện, ngay trang đầu có bức ký họa ghi dòng chữ: "Văn Dương Thành luôn nhớ và yêu quý ông. Tặng ông Vương Hồng Sển".
Không những thế, cụ Sển còn giao cho ông Tùng hai di cảo chưa in: Một là Tạp lục 89/90 - Kỷ niệm cửu tuần đại khánh hỷ 27.9 Canh Ngọ. Ngoài bìa, phía trên góc trái còn ghi dòng: "Hai lần chín chục, đổi cục xôi khao. Mai kia dù có thế nào"; phía dưới ghi nhan đề các tác phẩm: "Mất: Bùi Kiệm giặm. Xí được: Nguyệt Nga kêu oan cho Bùi Kiệm, Bùi Kiệm kiện Võ Phi Loan, Vân Tiên cờ bạc, Bảy Tài, Các thím đánh bài giờ, Tế sống V.H.S, Khóc Nam Sa Đéc, Thơ Tết". Hai là di cảo khảo cứu cổ học Tô Mãn họa đình tùng - số 1271 VHS viết năm 1988. Cả hai tập di cảo này, hiện nay ông Phạm Hy Tùng đang sở hữu bản gốc.
Từ Vương Hồng Thạnh ra… Vương Hồng Sển
Nhờ đó, về ngày tháng năm sinh, ta biết từ bút tích của cụ: "Vương Hồng Sển tức Thịnh (giọng Bắc), Thạnh (giọng Nam, Sài Gòn). Cha là Vương Kim Hưng nên con là Hồng Thạnh. Sinh ngày 27.9 Nhâm Dần 1902, không rõ ngày sinh theo Dương lịch. Sanh 4 giờ sáng có lẽ giờ Dần. Theo tục người Trung Hoa (tổ tiên tôi quê Phúc Kiến), tên con khi sinh sẽ coi tử vi trước, vì vậy, Ba tôi cho chữ "hồng" bộ thủy vì mạng tôi thiếu thủy". Dù vậy, trong giấy tờ lại ghi cụ Sển sinh ngày 4.1.1904 năm Giáp Thìn.
Lúc làm khai sinh, cụ có tên là Vương Hồng Thạnh, nhưng người giữ sổ lục bộ người Hoa lại ghi Sển (theo cách phát âm tiếng Triều Châu). Cái tên "Sển" nghe không hay lắm, vì thế năm 1915, thân phụ của cụ muốn làm khai sinh lại trước tòa đổi qua tên khác và có hỏi ý kiến, cụ cho biết: "Tôi nhứt định không đổi. Cha mẹ đặt tên làm sao tôi xin để y làm vậy. Mẹ tôi biết tôi với tên này, thì xin để vậy để dễ nhìn dưới Huỳnh tuyền". Thuở ấu thơ, cụ còn được gọi tên là Fóc-Lóc-Chảy (tức phiên âm Phước Lộc Nhi theo tiếng Quảng Đông).
Lớn lên, do gia đình có điều kiện kinh tế, cụ học ở Chasseloup-Laubat (nay là Trường Lê Quý Đôn) từ năm 1919 - 1923. Sau khi thi đậu Brevet Elementaire ngày 18.6.1923, cụ tiếp tục dự thi và trúng tuyển khoa thi chọn người làm thư ký cho chính phủ. Cuộc đời công chức của cụ kéo dài đến năm 1943. Sau đó, từ năm 1947 - 1964 cụ làm Quyền quản thủ thư viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn.
Học giả Vương Hồng Sển xuất hiện trên trường văn trận bút khá chậm, từ năm 1947, lúc bấy giờ đã ngoài 40 xuân. Nhưng, với sự từng trải và kiến thức tích lũy, cụ đã viết nhiều tác phẩm có tiếng vang tốt trong dư luận. Để hiểu miền Nam mến yêu của nước Việt thì một trong những cuốn sách chắc chắn phải đọc là của Vương Hồng Sển.
Một trong những đóng góp lớn nhất trong văn hóa nước nhà của cụ là đã giữ được bản sắc lời ăn tiếng nói của người miền Nam. Lối hành văn, sử dụng ngôn từ của cụ tươi rói như sức sống bền bỉ của con người ở vùng đất phương Nam, chúng ta khó có thể tìm thấy ở đó tì vết của sự "pha tạp". Nếu có ai đó nhẫn nại, đọc lại toàn bộ tác phẩm của cụ (kể cả các di cảo chưa in này) để chọn lọc lại từ ngữ, tiếng nói miền Nam, hẳn có lẽ đó sẽ là một việc làm hữu ích. Có thể khẳng định, cho đến hiện nay, ít nhà văn nào có được vốn từ phong phú, đa dạng và bề bộn như cụ.
Tác phẩm đầu tiên của học giả Vương Hồng Sển là Sài gòn năm xưa in năm 1960 đến nay đã tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách biên khảo công phu với tài liệu dồi dào nhắc lại công lao của tổ tiên những người đi mở đất một cách cảm động... (còn tiếp)
Kỳ 2: Ngộ phùng tri kỷ trong... bệnh viện
Với 7 tập vở học trò, ngoài những gì cụ viết ở Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), điều thú vị là bên cạnh các trang di cảo đó còn có thư của nhiều người đến thăm cụ, có lẽ lúc đó cụ đang làm thuốc hoặc đang ngủ, không thể trò chuyện nên họ đã ghi thông tin để lại.
Chẳng hạn, có dòng chữ hỏi: "Thưa, ngày xưa ông thầy Tàu cho cụ đôi câu đối 72 tuổi ra sao?". Ngày 6.7.1996, cụ viết ở trang bên cạnh: "Phú quý song toàn hiềm đoản thọ/Bình sanh tích đức chuyển thời cơ". Năm 72 tuổi, bại liệt hết số. Rồi từ đó tôi chuyên tích đức, các chuyện gì tôi đều giải quyết dễ dàng, không hại ai, giúp được gì thì giúp".
Cụ Sển còn kể thêm, hồi nhỏ, có ông thầy bói người Tàu sau khi xem lá tử vi của cụ, nói:
- Thằng nhỏ này có lộc ăn của bá tánh.
Ba của cụ không mừng mà trả lời:
- Thế là tôi sinh ra thằng ăn mày.
Nhiều chi tiết thú vị như thế đã được cụ thể hiện tản mát trong các tập vở.
Về nghiệp viết văn, ngày 23.6.1996, cụ cho biết: "Năm 1963, tôi đã thuần viết, thỉnh thoảng cũng hết giận lúc nói hỗn nhưng tôi may chọn hai thú dưỡng nhàn: 1. Thú chơi sách, vui với thú lựa chọn, phân biệt bộ nào xuất bản đầy đủ như tác giả đã viết; 2. Phân tích đưa đồ chơi cổ ngoạn lên một bực cao. Đâu là thú vui, đâu là nghệ thuật, vật nào nên sắm, vật xưa nào nên quý. Cả hai thú, nếu tôi viết kịp và hoàn tất là mỹ mãn, nhắm mắt cũng vừa".
Với tâm nguyện này, xét ra cụ Sển đã hoàn thành một cách xuất sắc.
"Con tạo khéo éo le…"
Thời gian cụ Sển nằm bệnh có nhiều người đến vấn an, thăm hỏi, trả nhuận bút cho cụ. Trong số những người đó, tôi đặc biệt chú ý đến sự quan tâm và vai trò của ông Trần Bạch Đằng, bởi thỉnh thoảng cụ lại nhắc đến và kể lại nhiều việc mà tác giả Ván bài lật ngửa đã dành cho cụ. Từ việc ông Trần Bạch Đằng cho cụ chuyển phòng bình thường sang phòng có máy lạnh, đầy đủ tiện nghi; từ việc gửi gắm các bác sĩ chăm sóc cụ chu đáo đến việc chuyển bản thảo Khám lớn Sài Gòn của cụ đến nhà xuất bản v.v…
Thời gian này, qua các ghi chép tỉ mỉ, ta thấy có khá nhiều người đến thăm cụ như ông Lê Hoàng bấy giờ là Giám đốc NXB Trẻ, nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, ông Bảy Câu Võ Ngọc An …
Ngày 5.7.1996, nhà nghiên cứu Hán học Cao Tự Thanh cùng nhà sử học Dương Trung Quốc vào thăm, sau đó ông Thanh vào gửi tặng cụ "chiếc ca từ trường đựng nước uống hằng ngày chữa bệnh đau dây thần kinh". Cụ viết trong sổ tay ngày 30.7.1996: "Muôn tạ ơn lòng. Thân già lão mọi vào đây được nhiều người chiếu cố, tiền chuyển hay ơn mới thêm nặng lòng. Tôi viết 3 tập nhựt ký tại đây gọi ơn "cỏ nước" cho ngựa già đứng mỏi. Xin nguyện và hứa Thanh một ngày gặp tại tệ xá".
Thật thú vị, có một nghệ sĩ rất nổi tiếng, cùng thời với cụ cũng đến thăm: NSND Phùng Há. Cụ Sển viết: "Con tạo khéo éo le, dành cho tôi một bất ngờ. Một năm đã xa xôi, không nhớ rõ năm nào tôi đã nằm viện này với tư cách eczema, bác sĩ điều trị là Mai Bạch Vân trẻ trung vui tánh, bỗng một sáng nọ, gặp dịp là ngày "thầy thuốc", tôi là bịnh nhân có bổn phận đến làm lễ mừng. Thình lình, bác sĩ tuyên bố: Trong phòng này có hai tân khách. Đây là bà Phùng Há, đây là ông Vương Hồng Sển.
Tôi chưa kịp lánh mặt thì bà Phùng Há đã đứng phắt dậy hỏi lớn:
- Anh Sển! Anh đã đến đây, tại sao anh không đến chào tôi?
Buộc lòng tôi phải đứng dậy lễ phép nói:
- Thưa cô Bảy, Năm Sa Đéc bảo tôi phải đi chào bà bầu nhưng tôi đã cãi lời, rằng chờ lành bệnh sẽ đi, không dè nay gặp nhau tại đây, vậy tôi xin Bảy tha thứ.
Xin nhắc lại là năm nào? Duy nhớ tôi còn lành mạnh độ sáu, bảy mươi tuổi dâu. Hôm nay 27.7.1996, tôi đã 94 tuổi tây, 95 tuổi ta, ông bác sĩ người phốp pháp mạnh dạng, phương phi diện mạo, ôn tồn vào phòng, kéo ghế ngồi và tôi đang nằm chờ khám bịnh. Bác sĩ hỏi:
- Ông có biết ông nằm phòng cũ của ai không?
- Dạ, tôi biết phòng trước đây là phòng của bà Phùng Há.
- Ai cho ông biết?
- Dạ, ông Trần Bạch Đằng và cô Phùng Há. Hôm qua cô Phùng Há có đến chào tôi trước khi rời chốn này.
Câu chuyện xúc tiến tôi mới rõ lại vị bác sĩ đang chẩn mạch đúng là ông Mai Bạch Vân, tôi đã mang ơn năm trước nên có bài này gọi là "Ngộ phùng tri kỷ". Trái đất cứ quay tròn, mặt trời di chiếu thế mà bình lãng gặp nhau".
Thời gian cụ Sển nằm Bệnh viện Nguyễn Trãi từ ngày 24.6.1996 đến ngày 23.8.1996. Ngày xuất viện, cụ viết dặn dò trong tập vở: "Em Tùng. Bữa nay tôi được cho về nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, Gia Định, vì quá gấp không kịp cho cụ Bạch Đằng hay và nhờ Tùng đến báo lên cụ". Thế nhưng vài tháng sau, ngày 8.12.1996 cụ Sển lại quay trở vào đây cấp cứu, và mất lúc 8 giờ 30 sáng ngày 9.12.1996 tại bệnh viện.
Cảm động thay, ước nguyện cuối cùng của cụ: "Khi tôi chết, xin đừng kèn trống đưa đám rùm beng. Xác chở về Sốc Trăng, chôn dưới chân cha sanh mẹ đẻ". Trong sổ tang, nhà sử học, GS Trần Văn Giàu và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết: "Vô cùng thương tiếc bạn già, người có công lớn đối với văn hóa dân tộc. Mong cụ vui ở thế giới bên kia".
Dòng chữ này có lẽ cũng "thay lời muốn nói" cho tấm lòng nhiều người khi tưởng nhớ đến học giả Vương Hồng Sển.
(còn tiếp)
Kỳ 3: 'Trà dư tửu hậu' bạn tâm giao văn chương
Về những nhân vật hoạt động văn hóa cùng thời, thỉnh thoảng trong các bài viết, cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến họ với nhiều tâm tình, lẫn kỷ niệm riêng tư.
Cụ cho biết bạn gốc Bắc có các cụ Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê; bạn gốc Nam có Lê Ngọc Trụ, Lê Thọ Xuân... Họ là những bạn tâm giao mà cụ đã có nhiều lần hàn huyên, trao đổi cùng nhau lúc "trà dư tửu hậu".
Tuy nhiên, qua tài liệu này, lần đầu tiên tôi được đọc vài nhận xét của cụ về nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn. So về tuổi tác, cụ Sển sinh năm 1902, cụ Hãn sinh năm 1906. Chắc chắn cả hai chưa hề gặp mặt nhau nhưng lời nhận xét của cụ Sển chan chứa cảm tình: "Theo tôi chỉ có Hoàng Xuân Hãn mới đúng là người có học. Đất Bắc có diễm phúc bị Pháp chiếm đoạt trễ, từ 1884, cho nên người Bắc có thời gian học chữ Hán và nhà nào dư dả cho con học đủ ngành. Ông Hoàng Xuân Hãn lão thông chữ Hán, có sách Hán Nôm cũ do nhà để lại, học toán, học nghệ, học văn Pháp do thầy cao học truyền bá nên học giả hoàn toàn" (viết ngày 21.7.1996).
Nhận xét này đúng, bởi như chúng ta đã biết, cụ Hoàng Xuân Hãn đã trở thành một nhân vật lỗi lạc ở nhiều lĩnh vực, "hiện thân của bộ óc bách khoa Việt Nam ở thế kỷ XX này" (Những gương mặt trí thức - NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội, 1998). Sau khi cụ mất, việc xuất bản bộ sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (3 tập - NXB Giáo dục 1998) được báo chí VN ghi nhận là một trong những sự kiện quan trọng của đời sống văn hóa năm 1998.
Còn có một người bạn thân thiết khác với cụ Sển, cũng sinh ngoài Bắc, là học giả Nguyễn Thiệu Lâu. Cụ Lâu là nhân viên của Đông Dương Bác cổ học viện, làm việc dưới sự hướng dẫn của cụ Nguyễn Văn Tố, là tác giả bộ sách Quốc sử tạp lục rất có giá trị. Hồi ký của nhà văn Sơn Nam cũng dành nhiều tình cảm quý mến cụ Lâu.
Tác giả Hương rừng Cà Mau kể vào năm 1963, lần nọ gặp cụ Lâu đang ngồi nhậu ba xị đế ở quán Tân Cúc Mai tại Ngã bảy Lý Thái Tổ: "Ông Lâu mang kiếng cận, mặc quần áo ka ki vàng, ống chân bó túm lại như người đang đi điền dã. Tôi tự giới thiệu, ông chạy lại ôm tôi. Hỏi nhờ chuyện gì, tôi bảo là theo chân ông để học "lóm" về sử địa nước nhà". Câu nói của Sơn Nam chứng tỏ cụ Lâu bấy giờ đã là nhân vật tên tuổi, có vị trí học thuật ở trong Nam.
Khi đọc di cảo của cụ Sển, tôi thật bất ngờ khi biết mối quan hệ giữa cụ Sển và cụ Lâu có kỷ niệm thật tức cười. Cụ Sển viết:
"Nguyễn Thiệu Lâu (đã mất) học ở Sorbonne Paris về, tánh kỳ, coi trời bằng nắp vung, hý hỡn bị cụ Nguyễn Văn Tố sửa lưng hoài mà không chịu tỡn. Vào Nam bất đắc chí, chơi thân với tôi. Nhà tôi có một chai Rhum Mana góc vuông, khi chai cạn, Lâu và tôi đi dự cocktail tòa sứ Pháp, Lâu lúc gọi tôi "thằng này thằng kia, toi toi moi moi". Ngà ngà say, tôi nói lớn:
- Lâu à, sinh viên trong Nam có tánh lấc khấc cao ngạo, ta nên dè dặt.
Lâu đáp:
- Vâng.
Tôi nói:
- Tôi trong Nam, gọi tôi "cụ Nam" và tôi gọi Lâu "cụ Bắc".
Lâu ưng chịu, giây lát cầm ly rượu hô to:
- Sển, tao trả lại cho mày, không làm "cụ Bắc".
Cụ Nguyễn Thiệu Lâu bị mắc lỡm bởi cụ Sển trổ ngón nghề nói lái - vốn là sở trường của cụ trong cách chơi chữ.
Với nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê - hiệu Lộc Đình, cụ Sển đã viết khá dài về người bạn vong niên này. Trong Tạp lục 89/90, cụ tâm tình: "Anh Lộc Đình xuất thân trường Bưởi, qua học tiếp nơi trường Cao đẳng Hà Nội, ngạch công chánh, ra trường, được bổ vào làm việc đo mực nước khắp vùng Đồng Tháp và nhiều tỉnh thuộc Hậu Giang, anh có vốn chữ Nho, vì là con dòng, anh tự học thêm chữ Anh đủ đọc và hiểu sách Ăng-lê, anh mất năm 1984, để lại hơn trăm bộ sách thẩy đều soạn kỹ, nay tôi lấy ra đọc mà bắt giựt mình, anh Lê tài học tôi kém xa, tài viết vừa gọn vừa không dư chữ, tôi theo không kịp, vậy mà tôi cũng được ngồi chung một chiếu, nghĩ mà tự thẹn nỗi mình.
Anh Hiến Lê tự vạch một nhân sinh quan và cứ theo đó mà mạnh bước trên đường viết lách. Trái lại tôi không biết nhân sinh quan là gì, sở dĩ tôi viết vì bụng đói, và có nhiều tật, muốn có nhiều tiền để thỏa mãn hai tính tham, tham đồ cổ và cũng để di dưỡng tâm tình, mê sách cũ, để học thêm và để thưởng thức học hỏi".
Nhận xét của cụ Sển về cụ Lê, tôi cho rằng, không phải khiêm tốn mà cụ nói thật lòng mình. Và cụ Lê cũng thân thiết với cụ Sển nên trong hồi ký của mình có đôi dòng khái quát về tính cách của nhà chơi cổ ngoạn uyên bác bậc nhất, cụ Lê viết: "Ông rất quý thời gian, nên có người tưởng lầm là ông khó tính; thực ra với bạn văn đứng đắn thì luôn luôn vui vẻ tiếp đãi, bỏ cả buổi để cho coi đồ cổ và giảng về thời đại, giá trị của mỗi món. Mỗi cuốn sách, mỗi món đồ của ông đều đánh số, ghi số và có thẻ riêng". Phải thân thiết, lui tới thăm nhau nhiều lần thì mới có thể viết cặn kẽ từng chi tiết.
Cụ Nguyễn Hiến Lê còn cho biết: "Vương Hồng Sển bạn thân của Lê Ngọc Trụ, cũng là một học giả nổi tiếng". Di cảo chưa công bố của cụ Sển có đoạn: "Anh Lê Ngọc Trụ, người ở Chợ Lớn, miền Nam. Anh để lại bộ Chánh tả Việt ngữ, tôi cần dùng mỗi ngày". Được biết, di cảo Tầm nguyên Việt Nam tự điển của học giả Lê Ngọc Trụ được in sau khi mất, người viết lời giới thiệu là cụ Vương Hồng Sển.
(còn tiếp)
Kỳ 4: Thói ăn nết ở của người miền Nam xưa
Lời ca khúc Ngẫu hứng lý qua cầu của Trần Tiến có đoạn: "Về đây người quê chỉ có tấm lòng. Có chiếc xuồng ba lá để yêu em". Vậy, xin tò mò thế nào là "xuồng ba lá", tên gọi này do đâu?
Tờ báo Thông loại khóa trình do cụ Trương Vĩnh Ký chủ trương, số 3 phát hành vào tháng 6.1888, cho biết ở miền Nam có loại ghe tam bản là do nói trại từ "sam" thành "tam": "Sam bản là loại như ván thông, dùng mà đóng xuồng nhỏ nhỏ". Cách giải thích này, đã chuẩn nhưng vẫn cắc cớ hỏi thêm "sam/sam bản" do đâu mà ra?
Với kiến thức hạn hẹp, tôi cho rằng trong di cảo chưa in Mãn họa tùng đình của cụ Vương Hồng Sển lý giải thuyết phục hơn cả, lưu ý, cụ ghi tam bảng: "Các thuyền xuồng và ghe nhỏ gọi là tam bảng (Pháp gọi sapan, mượn của tiếng Tàu Quảng Đông)".
Các ghe xuồng này đậu dọc bến sông chuyên chở gạo, củi, lá lợp nhà, trái cây, heo cúi, gà qué, nước mắm… đi giao khắp nơi tạo nên cảnh sầm uất, nhộn nhịp "trên thuyền dưới bến". Còn nhà cửa người miền Nam thuở xa xưa ấy, xây cất như thế nào?
Cụ Vương Hồng Sển tiết lộ hầu hết "vẫn là nhà nhỏ thấp hẹp. Lợp tranh vách lá hoặc vách đất, bện phên tre hoặc chỉ một căn khá rộng, hoặc chỉ một căn lớn một căn nhỏ gọi "nhà một mẹ bồng con" hoặc ba căn (khá giả). Cách chưng dọn nhà nào cũng như nhà nấy, nơi gian giữa đặt một giường thờ, tức là một cái chõng, cao hơn giường nằm, nhà khá thì đóng ván tư, ván ba, nhà nghèo thì chõng tre, trên lót vạt tre (Bắc gọi giát), trên chõng trải chiếu, đệm để đồ vật hay bày biện theo khả năng của chủ nhà: đèn dầu, ấm nước, nhang bánh trái cây đơm quải cúng kiếng ông bà, nay còn danh từ "gường thờ, bát nước" và câu xưa:
Ngày đơm tháng quải ông bà
Dầu dưa đĩa muối gần xa cũng về
Hai bên chái thì lót giường nằm cho chủ nhà và nơi kệ vách chứa vật dụng; đàn bà, con gái thì ở riêng, có buồng kín đáo nơi phía sau gian nhà giữa. Ban đêm, việc đồng áng xong xuôi, có vài ngọn đèn dầu phộng, dầu mỡ cá, chong leo lét hoặc trên thếp sành, có tim cỏ bấc (tim bức), tim vải làm ngọn, mờ tỏ cũng bất chấp, ông bà con cháu tụ lại, trẻ học, người lớn nói thơ, thiệt là ấm cúng… Khi dầu đã hao tim đã lụn, thì chế thêm dầu và khơi tim đèn lên, với đóm lửa nhỏ, cả nhà ngồi quanh bóng đèn, nhai trầu, nói chuyện, cóc cần giàu sang".
Về nhà cửa của người miền Nam xưa là thế, còn cách ăn mặc thế nào? Xin tóm tắt, đại khái, cụ Vương Hồng Sển cho biết đàn ông mặc "quần đùi áo cánh", may bằng vải to, nhuộm màu vỏ cây, vỏ cây dà, vỏ cây cóc; đàn bà mặc như đàn ông nhưng vạt dài hơn, nhuộm màu măng cụt, nơi ngực che thêm tấm yếm gọi là"quần vận yếm mang".
Đến chi tiết này mới thật sự lạ mà trước đây tôi chưa đọc được ở đâu: "Đàn ông, trưởng thành, kẻ khá có ăn, nơi lưng có một dây con để chứa trầu cau, thuốc hút, ngay từ thời Tây chiếm, chứa thêm tấm giấy thuế thân (giấy căn cước, giấy thông hành ngày nay), đeo xệ xệ lững chững trước bụng, có khi sa xuống nơi chỗ "đồ kín", trông thật buồn cười, dãy ấy gọi là "cái tẫu phệ", "cái hầu bao", "hồ bao"… Người nghèo thì lưng trần, quần đủ che "bộ đồ", có đâu tiền sắm hồ bao, dư một cắc bạc hay đồng tiền hoẻn (tiền kẽm mỏng) thì nhét lỗ tai, mép tai, đầu tóc, đủ vinh…".
Suy luận rằng, cái "hồ bao" từ xửa từ xưa ấy, ngày nay vẫn còn với tên gọi cái "bao tử" mà người ta cũng đeo xệ xệ ngay thắt lưng quần, tất nhiên mẫu mã đẹp hơn, kể cả trên miệng của nó còn có "phẹt-mơ-tuya" mở khép dễ dàng!
"Còn đàn bà thì buột vào lưng một dãy dài (y như cái bọng xe ngày nay), may bằng vải chắc, gọi là "ruột ngựa", trong chứa trầu cau, thuốc xỉa, tiền kẽm, bạc cắc, xu con, có người kỹ lưỡng còn may thêm một cái bọc nho nhỏ kẹp vào ruột ngựa, và lộn tiền bạc vào trong, rồi lận vào lưng quần cho khỏi bị móc túi giựt tiền". Suy luận rằng, cái "ruột ngựa" này đã hoàn toàn biến mất, thay thế vào đó là cái túi xách với vô vàn mẫu mã, chất liệu khác nhau.
"Đất có lề, quê có thói"
Về miền Nam thuở ban đầu, lưu dân từ miền Ngũ Quảng vào đây khai hoang, lập vườn, dựng nhà, ngoài những "dưới sông cá lội, trên rừng cọp um" cụ Sển cho biết thêm nỗi khổ của thiếu nước ngọt.
Xin chép lại một giai thoại do cụ kể lại để ta có thể hình dung ra sinh hoạt một thời nước ngọt còn quý hơn vàng: "Một người Triều Châu làm ruộng muối ở Bạc Liêu, khách phương xa đến nhà, đãi cơm đãi rượu mà không đãi nước uống, khách lạ hỏi, họ nói tiếng Việt cứng và cộc lốc: "Nước mưa không đủ để rửa dái (ngoại thận), có đâu nước ngọt cho "lứ" uống! Xin khách đừng giận, người Tiều ăn nói làm vậy nhưng bụng dạ rất tốt, tình thật nơi ruộng muối, người lao động gánh muối trưa nắng, hơi muối bay lên đóng vào chỗ lắt léo… làm nứt da nứt thịt làm nhức nhối vô cùng".
Vậy phải làm sao? "Thuốc trị vốn là chiều chiều lấy nước mưa chấm bông gòn rửa sạch muối đóng và thoa chút dầu dừa, dầu phộng là êm ái chỗ da nứt". Cụ Sển kết luận: "Lời họ tuy thô nhưng tỏ được nỗi lòng trọng nước uống hơn thức ăn".
Câu chuyện về sinh hoạt của người Nam xưa còn nhiều, tôi tạm dừng ở đây, hoàn hoàn đồng tình với quan điểm của cụ Vương Hồng Sển: "Theo ý riêng tôi, chúng ta ngày nay bước vào con đường văn minh, tân tiến, nhưng cần giữ lại đất lề quê thói ngày xưa… để hiểu cách ăn lối sống cổ nhân… Mặc dầu những dấu tích ấy đã không còn, miễn danh từ cũ còn lại là văn hóa còn". (còn tiếp)
Kỳ 5: Từ nói lái tới... cãi
Một trong những điều hấp dẫn, lôi cuốn khi đọc văn của cụ Vương Hồng Sển, ngoài kiến thức về chuyên môn, ta phải "chịu" văn phong rặt ròng tiếng nói của người miền Nam, được viết theo lối "cà kê dê ngỗng", "chuyện nọ xọ chuyện kia" và có lúc tùy hứng chêm vào vài câu "nói lái".
Có lẽ vì vậy mà nghệ thuật viết của cụ tạo nên phong cách không "đụng hàng" và càng đọc càng bị cuốn hút.
Mở đầu di cảo chưa xuất bản là Tạp lục 89/90, học giả Vương Hồng Sển bông lơn: "Thơ thơ thẩn thẩn, thẩn thơ, thơ thẩn", cụ tự trào: "Xính xáo, xịch xoạc chín mươi tuổi. Ngày thường ổng thích ăn "mắm đuôi" tức con mắm, ổng dành phần đuôi, nhiều thịt, duy từ ngày mắm đuôi cũng cao giá mua không nổi, con dâu dọn một dĩa, có nắp đậy, ông dở ra, chỉ thấy "muối hột đâm nhỏ", ông nổi quạu, hỏi: "Mắm đuôi mà không còn nữa, hẻ?", con dâu trả lời: "Mắm đuôi ăn hoài, ngán quá, nay con dọn món muối đâm, Ba là người thích nói lái, như vậy, trở bữa, không ăn mắm đuôi thì tạm "muối đâm" và xin ba tạm dùng, lấy thảo".
Đọc xong, ắt ta phải tủm tỉm cười.
Về nghệ thuật nói lái, trên Báo Thanh Niên số ra ngày 14.10.2017, trong bài Thú nói lái của người Việt, nhà báo Lê Công Sơn từng dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên: "Từ sơ khai, nói lái đã phối hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố: kỹ thuật lái và cái tục. Yếu tố "tục" trong nói lái của cả ông Cống Quỳnh lẫn bà Hồ Xuân Hương đã gieo rắc một ảnh hưởng rất lớn và đến nay đã biến thành nét đặc trưng cố hữu của nói lái". "Hiện tượng nói lái phát tích từ Bắc Trung bộ đã theo bước chân nam tiến về phương Nam". Điều này, ta còn có thể nhìn qua thơ tự trào của cụ Sển, tôi chọn lấy bài thơ mà cụ "tự ví mình như gậy cù nèo, sống vô ích, chật đất":
Lòi phèo nhớ trực chổng khu reo,
Xếch xác chín mươi cóc sợ nghèo.
Nước chẳng có chưn, sao "nước đứng"?
Dưa không có cẳng, vẫn "dưa leo".
Trai ham du ngỏng đi cà nhắc,
Gái thích đu tiên, mới lộn lèo.
Chờ tiệc cửu tuần thi xướng họa,
Câu thanh vần tục đếm liền đeo.
Cụ viết tiếp: "Tưởng mình "lái dủm" một chợ, văn hữu Trung Nam họa vận, duy Tế Nhị sửa lưng cho hai bài đáng bực làm thầy". Nay, tôi chọn một:
Tùng phèo mưa gió đếm đừng neo,
Còn sức còn đi đứng chẳng nghèo.
Nghe chuyện dâm thần tai mắt thính,
Nhìn tranh Tố Nữ nhãn không nheo.
Hơn thua trối kệ Âu đùa Á
Xô xát làm chi chó giỡn mèo.
Mừng tuổi cửu tuần xâu chuỗi hạt,
Trăm năm tròn tối đếm ngày đeo.
Khi cụ Vương Hồng Sển… cãi
Không chỉ "nói lái", thỉnh thoảng ta lại thấy cụ Sển "cãi" những điều mà lâu nay ít ai để ý đến. Trong di cảo Tạp lục 89/90, cụ có bàn về hai câu thơ trong Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Hiện nay, các bản in đều ghi rành rành:
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Tuy nhiên theo cụ, câu này phải là "Giữ răn việc trước, lánh dè thân sau" với lập luận: "Chớ quên kể về nhạc điệu "lành dè thân sau" bốn chữ bình ai có đọc, hát bể cuống họng, và chúng tôi trong này quen nghe "giữ răn" và "lánh dè" và nhớ lại nếu ai biết điệu đờn cò, cầm cây rung, thọc dài tới trước, được chữ "lánh" và kéo trịch lại được chữ "dè", nó khỏe ru bà rù, mà bất ngờ lại được một khúc nhạc vừa êm tai, vừa khỏe giọng và không gò bó".
Ý kiến này chắc chắn sẽ có người cãi lại, vì xét theo phép đối xứng thì "dữ" đối với "lành", "trước" đối với "sau" mới hợp lý. Văn hay chữ tốt, học thức uyên thâm, kiến thức sâu rộng như cụ Đồ ắt thừa biết điều này, chứ làm gì có chuyện dùng từ "giữ" và "lánh"? Ban đầu tôi cũng nghĩ là thế, nhưng muốn nói gì thì cũng phải căn cứ vào văn bản của tác phẩm này đã được in sớm nhất.
Với suy nghĩ này, tôi tìm lại quyển Les poèmes de l'annam - Lục Vân Tiên ca diễn do Abel des Michels in tại Pháp năm 1883, là bản in đầu tiên ngay lúc cụ Đồ còn sống, trang 27 ghi câu thơ này đúng như cụ Sển vừa phân tích: "Giữ răn việc trước, lánh dè thân sau". Rồi những bản in ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20 cũng in như vậy.
Với nhân vật trong Lục Vân Tiên, năm 1919 tại Sài Gòn có in bản thơ Bùi Kiệm dặm của tác giả Nguyễn Văn Tròn. Theo cụ Sển, thể loại này nếu viết đúng chính tả phải là "giặm". Ở đây, cụ ghi lại lời kể của ông "Nguyễn Văn Thêu, sanh ở cầu Rạch Bần, nay đường Cô Bắc" vào năm 1926, là người hát giặm kiếm cơm độ nhật. Người này cho biết khi ca Bùi Kiệm dặm: "Riêng tôi thấy trong bản có nhiều câu trặc họng, khó ngâm cho êm tai êm giọng, nên tôi có giặm, có chêm vào nhiều chữ do tôi chế biến thêm, bồi bổ thêm cho hợp với giọng phù trầm của câu hát, tôi bất chấp luật lệ văn chương, tôi chỉ biết hát ca theo tấm lòng bình dân của tôi… Tỷ dụ câu đầu: "Thốt thôi anh Bùi Kiệm bước vào nhà", đúng ra nguyên văn chỉ có 6 chữ "Thốt thôi Bùi Kiệm vào nhà" và chêm thêm tiếng "anh" và tiếng "bước" thì đã là "giặm" rồi".
Từ giải thích này, cụ Sển kết luận: "Giặm, tôi hiểu là "thêm mắm thêm muối" cho món ăn được thêm đậm đà, mặn mòi, vừa khẩu, hợp miệng". Cách giải thích này, về "nghiên cứu học thuật" liệu có đúng? Khi đọc Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập, NXB Khoa học Xã hội, 1963), ta thấy đồng tác giả là GS Nguyễn Đổng Chi, nhà nghiên cứu Ninh Viết cũng khẳng định "hát giặm", chứ không phải "hát dặm" và lý giải tương tự cách hiểu trên:
"Tiếng "giặm" có nghĩa là đem vào một vật gì thêm vào, điền vào, đệm vào, chắp vào một cái gì còn khuyết, vào một nơi nào đó còn có thể chứa được… Thường trong khi đặt một bài hát, người ta bắt buộc phải xen vào "câu láy" (hay "câu điệp"), vì thế mà gọi là "hát giặm".
Cách hiểu thứ hai lại xuất phát từ chỗ "hát giặm" thường phải chắp vần. Thường trong lối hát đối đáp, chữ vần của câu đầu bài phải chắp cùng vần với câu cuối của bài hỏi. Ví dụ: Hỏi: "Tui hỏi mự mấy lời/Xin mự tường cho tỏ". Đáp: "Lời cậu vừa nói đó/Xui dạ thiếp âu sầu". Việc chắp vần hay hát chắp vào vần ấy tức là giặm, cũng gọi là "bắt xắp". Bởi vậy, "hát giặm" cũng có nơi gọi là "hát xắp" (hay hát luồn) như một số người gần đây quen gọi" (tr.14-15).
(còn tiếp)
Kỳ 6: Trận lụt kinh hoàng năm 1904
Đầu thế kỷ 20, ở miền Nam xảy ra trận lũ lụt khủng khiếp, đến nay vẫn còn là đề tài mà nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tiếp tục tìm hiểu.
Với học giả Vương Hồng Sển trong di cảo chưa in Tô Mãn họa tùng đình, cụ đã dành nhiều trang viết về sự việc này. Trước hết, căn cứ vào tài liệu của nhà viết sử ở Gò Công là Việt Cúc, cụ đã tường thuật lại và có lời bình xác đáng, hết sức lôi cuốn. Tuy nhiên, đó vẫn chưa là "hàng độc", đáng chú ý nhất, với chúng ta vẫn là những gì lâu nay chưa thấy ai đề cập đến: Lời kể của thân mẫu học giả Vương Hồng Sển.
Cụ bà tên Hứa Thị Hảo (1878 - 1913), gốc gác người làng Tài Sum, tục danh làng Xoài Cả Nả ở Sốc Trăng, là người mà cụ Sển luôn nhớ đến với lòng yêu thương da diết nhất, cụ kể: "Khi mẹ tôi mất, trong nhà cuộc làm ăn đang phấn chấn bỗng bị ngưng trệ, trong nhà vắng bóng người quán xuyến, buồn bã vô cùng. Tôi say mê tiểu thuyết truyện Tàu, lại có ý nghĩ viển vông muốn tự tử để theo mẹ. Cái buồn vu vơ nảy sinh từ đây".
Lúc xảy ra cơn bão lụt năm 1904 tàn phá cả miền Nam, bà mẹ của cụ Sển bấy giờ đã 26 tuổi. Những gì đã chứng kiến, lúc hai mẹ con hủ hỉ cùng nhau, bà lại kể cho con nghe. Trong di cảo này, cụ Sển ghi chép nhiều thông tin, thiết tưởng nay chúng ta cũng cần biết để thấy suy nghĩ của người miền Nam thuở ấy trước đại họa trời đất nổi giận, chẳng hạn: "Cái đuôi con rồng Giáp Thìn (1904) từ Gò Công quét luôn dọc miền duyên hải Nam Kỳ, các tỉnh Tiền Giang từ Mỹ Tho qua Hậu Giang (Sốc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…) đều chịu ảnh hưởng, ông già bà cả thuở ấy mộc mạc, tin nhiều nơi truyện Tàu và lập luận kiểu xưa, cho rằng có rồng thực sự, năm nào có chữ "thìn" đều có mưa to gió lớn, duy năm Giáp Thìn này (1904) là tai hại nhứt. Bão tố cuồng phong thì gọi "rồng đi", "rồng dậy"…".
Theo mạch cảm hứng của câu chuyện, cụ Vương Hồng Sển kể tiếp: "Năm ấy, tôi vừa được ba tuổi ta, nào biết gì, nhờ mẹ tôi sau đó kể lại, rằng trận bão trọn đêm, gió dậy đùn đùn, mưa ào ào thổi, nằm in trong mùng, nghe như có tiếng súng lớn nổ đùng đùng. Ghê sợ nhứt là gió không thổi một chiều và day qua day lại, cây cối to cách mấy cũng chịu không nổi với bạo phong, hàng me trước nhà cũ của ba mẹ tôi đều trốc gốc, cây me trước nhà, gốc lớn cả ôm, ngã đè trọn trên mái, may nhờ nhà mới cất, nóc phong tô vững chắc nên chịu đựng nổi sức nặng của cây me. Sáng ngày sở tạo tác trường tiền sai người thạo việc cắt từng nhánh và có xe chở gốc me đi, đại lộ trước nhà, tên cũ gọi là "hàng me" sau đổi lại "đường hàng sao" rồi là "đường Đại Ngãi".
Đó là chuyện ở làng Đại Ngãi (Sốc Trăng), còn tại Gò Công thì sao?
Căn cứ vào tài liệu của Việt Cúc, cụ Sển thuật lại lời kể của một cụ già đã chứng kiến: "Ngày rằm tháng ba, mưa gió từ trưa đến chiều, càng lúc càng mưa to gió lớn… Cha tôi thấy gió phương Đông rất mạnh, đập vào vách và tung cửa gẫy sập, mái lá tung bay, cha tôi rất sợ, hạ bộ ván lấy từ tấm ván đem chống chỏi bộ cửa lại, ràng rịt rất kỹ nhưng gió cứ thổi tới, ban đầu tung xiêu gẫy vách, xiêu vẹo cột nhà, đến một luồng gió lốc tốc tới, bay hết nửa mái nhà, còn nửa mái kia thì sập và đè lên vựa lúa. Trong cơn hoảng hốt, lại nghe nhiều tiếng kêu la inh ỏi trên phía đầu xóm: "Nước tràn rồi! Trời ôi! Chạy ngã nào?".
Toàn bộ diễn biến kinh khiếp ngay sau đó là nhiều trang tường thuật tỉ mỉ, ở đây, tôi chỉ trích đoạn kể qua ngày hôm sau: "Chiều ngày 16, những người còn sống sót, hiệp đoàn đi tìm thân nhơn. Mực nước còn đọng trên đầu gối, xác người và súc vật nổi lều bều, đồ đạc nằm bừa bãi, đầy đồng, những xóm đông nhà, nay chỉ còn trơ ít cây cột…
Sáng ngày 17, nước rút cạn đi nhiều, người ta đi khắp đó đây để lật kiếm những xác chết, để tìm vợ con, thân nhơn, cha mẹ, anh em. Có gia đình đều chết hết, không sót người nào. Thây nằm rải rác khắp nơi. Mãi đến ngày 19 mới tổ chức đi chôn xác, gặp đâu thì chôn luôn tại đó. Có bài thơ như vầy xin chép luôn:
Rủ nhau dập xác cho liền
Gặp đâu chôn đó chớ hề ai khiêng
Thân chôn chết đã nào yên
Còn người sống sót, gạo tiền đâu ăn?"
Trở lại câu chuyện mẹ cụ Sển kể, ta biết căn nhà thơ ấu của cụ trên đường Đại Ngãi, nay là đường Hai Bà Trưng. Cụ Sển cho biết đầu thế kỷ 20: "Con đường này chạy thẳng ra vàm Đại Ngãi, có cầu tàu "lục bình" từ Mỹ Tho đưa công văn thơ tín gọi "trạm thơ" của nhà nước từ Sài Gòn và các nơi khác gửi lại, nay những danh từ "xe kiếng, xe tờ", người đánh xe gọi xà ích (do tiếng saïs của Pháp mượn chữ của người Ả Rập, người dắt lừa, người đánh xe ngựa), các trẽ hậu sinh và những người mới, đâu còn hiểu nghĩa là gì, và cần phải biết để đọc các văn xưa và tiểu thuyết xưa trong này".
Cụ Sển nói đúng lắm, lời tiếng nói của người miền Nam kể về trận lụt năm 1904, với chúng ta có những từ mà nay chắc gì ta đã hiểu. Chẳng hạn, lúc ấy: "Chết rồi phải chôn tức tốc, tục gọi "Chết tức thì, chôn tức linh". Có câu:
Tháng ba chết bão dập dùa
Tháng năm chết nhộn không thua kém gì.
Vì thân nhơn không được làm ma chay báo hiếu, nên có lời phiền trách như vậy… Ngày nay, tại Gò Công còn giữ tục lệ tháng ba âm lịch, ngày 16 có giỗ bão, qua tháng năm, vẫn có người kỵ cơm về chết nhộn (thuật theo Việt Cúc)".
Vậy, ta hiểu thế nào cho đúng?
Theo cụ Sển: "Tìm trong tự vị Huình Tịnh Của, tự điển Lê Văn Đức cũng như trong bộ từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) cũng không thấy chữ "nhộn" để nói về sự chết. Vậy tiện đây tôi đề nghị thêm nghĩa này vào tiếng của ta, cho thêm phong phú. Đại phàm về bịnh đau, xưa nay ta có tục kiêng cữ đã quen. Tỷ dụ mắc bệnh đậu mà thì dùng danh từ nhẹ "lên trái" và "trái tốt" là đã nhẹ. Chết thì gọi "chết rồi", "đã đi rồi"… Đến như bệnh dịch, bệnh thiên thời (peste, choléra), để tránh tiếng "ngay tẩy" nghe rùng rợn quá nên trong này dùng tiếng "chết nhộn" với nghĩa "trái chứng, khác thường". Dám mong các hiền nhân thông qua". (còn tiếp).
KỲ 7: Tích xưa về Từ Dũ thái hậu
Tương truyền, sau khi bà Từ Dũ (Dụ) ra đời thì vùng đất thuộc Giồng Quy Sơn ngày càng nổi cao lên như mô rùa, giếng nước nơi ấy càng trong vắt và cây trái xum xuê hơn trước.
Nhìn chung, về văn học miền Nam giai đoạn bình minh của chữ Quốc ngữ, hiện nay vẫn còn nhiều tác giả mà các nghiên cứu đã bỏ sót, chưa đề cập đến thấu đáo; hoặc dù biết nhưng vẫn chưa tường tận về tác phẩm của họ. Trong số này, tôi muốn nhắc đến nhà thơ Nguyễn Liên Phong, gần đây bộ sách Điếu cổ hạ kim thi tập, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của ông đã được tại tái bản, góp phần giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về phong tục tập quán, lịch sử, nhân vật của miền Nam xưa.
Tuy nhiên, trong di cảo chưa in Tô Mãn họa đình tùng của cụ Vương Hồng Sển còn nhắc đến một tác phẩm khác của ông Nguyễn Liên Phong là Từ Dũ hoàng thái hậu, xuất bản năm 1913. Căn cứ vào tập sách này, cụ Sển đã tường thuật lại cuộc đời của bà Từ Dũ, chúng tôi xét thấy có chi tiết lý thú. Theo đó, ngày xưa ở Gò Công - nơi chôn nhau cắt rốn của bà Từ Dũ có lưu truyền câu đối:
Lệ thủy trinh tường thoại
Quy khâu trúc phước cơ
(Nước ngọt trổ điềm lành
Gò rùa vùng đất phước).
Câu này ứng vào sự kiện diễn ra tại Gò Công vào năm 1810, ngày 19.5 âm lịch bà phu nhân Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng sinh một con gái, đặt tên Phạm Thị Hằng, về sau trở thành Từ Dũ Hoàng thái hậu, là vợ của vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, mất vào năm 1902, đời vua Thành Thái, thọ 92 xuân. Bà Từ Dũ là người miền Nam thứ hai làm hoàng hậu dưới triều Nguyễn: trước đó là bà Hồ Thị Hoa - vợ vua Minh Mạng; sau đó là hoàng hậu Nam Phương - vợ vua Bảo Đại.
Năm bà Từ Dũ lên 12 tuổi, mẹ bị bệnh, bà hầu hạ thuốc men ngày đêm không quản khó nhọc. Đến ngày mẹ mất, bà than khóc mãi không thôi. Tiếng lành về bà ngày càng đồn xa. Tại kinh đô, bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu - tức bà Trần Thị Đang, vợ của vua Gia Long, mẹ của vua Minh Mạng - cũng nghe tiếng.
Một hôm Cao hoàng hậu cho gọi Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng vào chầu và nói: "Ta nghe tiếng đồn tốt lành về con gái của khanh. Ta cho phép khanh dẫn vào cung cho ta xem mặt".
Bấy giờ, năm 1824, con gái của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân là Lệnh Phi cũng được gọi vào cung. Cả hai nhan sắc này đều có cơ may lọt vào sự lựa chọn của nhà vua để sau đó, sẽ trở thành người "nâng khăn sửa túi" cho hoàng trưởng tử Miên Tông. Giữa hai giai nhân, vừa có tài vừa có đức hạnh thì vua Minh Mạng sẽ chọn ai và chọn như thế nào? Có một hôm, vua Minh Mạng ban cho mỗi người một áo sa, cổ thêu hoa vàng. Đến khi từ bái, bà Cao hoàng hậu lại ban cho mỗi người một chiếc cúc áo bằng vàng, một thứ chạm hình con phượng, một thứ chạm cành hoa, nhưng phong giấy kín và khấn trời rằng: "Ai được chạm hình phượng thì có con trước".
Rồi sai nữ quan đến ban cho, bảo mỗi người chọn lấy một phong, nhưng không được mở ra, cứ để nguyên phong tiến lên. Bà nhường Lệnh Phi lấy trước, khi mở gói ra thì được chiếc cúc chạm hoa; còn bà nhận được cúc chạm phượng. Nhờ vậy, bà trở thành người "đầu ấp tay gối" của hoàng trưởng tử Miên Tông. Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu Thiệu Trị.
Di cảo của cụ Sển có đoạn nhận xét: "Vua Thiệu Trị là một ông vua tốt, hiềm vì không được thọ, giữ ngôi báu chỉ được bảy năm. Tính hiền nhưng nóng, ngoại sử nói ngài rất thích đồ sứ chế tạo theo nghi thức phương Tây, ưa đồ lục giác, bát giác, hộp đựng bút viết ký kiểu hộp đựng xà-bong của Pháp (đĩa có chưn bát giác), bình điếu hút thuốc lào chấm chín rồng; đến khi binh Tây phá của Thuận An, ngài đùng đùng nổi giận, sai đập phá đồ sứ kiểu thức Tây phương, giận cá chém thớt, uổng thay cho những vật vô tri quý giá".
Chi tiết thú vị này, ít nhiều phản ánh tâm lý của người Việt "trung quân ái quốc" thời ấy, như ta biết, sau này, khi Nam kỳ mất vào tay thực dân Pháp, tương truyền cụ Đồ Chiểu ghét giặc đến nỗi thầy không dùng xà phòng của Pháp mà chỉ dùng theo cách dân gian xưa nay là lấy nước tro để giặt quần áo, không đi trên đường nhựa do Pháp làm...
Từ Dũ Thái hậu thanh danh lưu hậu thế
Học giả Vương Hồng Sển viết tiếp: "Về chuyện tích của bà Từ Dũ, xin kể rằng: Vua Thiệu Trị có tánh đọc sách sử, có đêm đọc đến nửa đêm mà chưa nghỉ, bà vẫn chầu chực bên vua, có khi nghe tiếng gà gáy sáng bà mới được dùng bữa cơm tối… Tánh bà thông minh nhậm lẹ, và hay nhớ dai (cường ký). Những bao nhiêu chuyện cũ, tích xưa, thi cổ bà đều thuộc nằm lòng. (Vua Tự Đức văn hay, các quan khoa bảng đều sợ tài vua, có lẽ nhờ thọ ẩm của bà truyền lại)".
Xin kể một chi tiết nhân dịp lễ ngũ tuần đại khánh của vua Tự Đức: "Thái hậu Từ Dũ truyền ban ngự yến, trong tiệc có món rau sống mắm sống, lịnh bà ban cho vua một cây gấm và một viên ngọc". Về món "rau sống mắm sống" có trên bàn ăn đại tiệc cao lương mỹ vị mới thú vị làm sao. Chính vì thế, cụ Sển mới "Xin trích lại câu "dụ" của bà: "Đồ ăn mẹ dạy nấu cho tinh khiết, mỗi món đều nóng sốt thơm mùi, song sợ trẻ yếu mình chưa đẹp miệng. Rau mắm, mẹ nghĩ là một tiện dụng, người ta thẩy thơm tho thích ý, may khi con nhơn lạ ngự nhiều cơm". Chi tiết này chứng tỏ, bà Từ Dũ vẫn chưa quên món ăn quen thuộc, hợp khẩu của lưu dân vùng Ngũ Quảng khi vào khai hoang, lập ấp tại miền Nam.
Đánh giá về bà Từ Dũ, học giả Vương Hồng Sển nhận định: "Nước Nga có hoàng hậu Catherine II la Grande de Russie (1729 - 1796), nước Anh có hậu Elisabeth Ière (1533 - 1603), Thanh triều Trung Quốc có Từ Hi thái hậu, cả thẩy đều có tai tiếng nhưng tai nhiều hơn tiếng, nước Nam ta có bà Từ Dũ thái hậu thanh danh lưu hậu thế, tiếng có mà tai không, thiệt là hiếm lạ".
Một trong những điều "hiếm lạ" đối với hậu thế chúng ta là bà luôn nhắc nhở: "Xa xỉ ấy là triệu nghèo, kiệm cần là nguồn phước". Lời răn dạy này lúc nào cũng hợp thời và luôn luôn mang tính thời sự.
Hiện nay, TP.HCM có một bệnh viện phụ sản được vinh dự mang tên Từ Dũ Hoàng thái hậu.
(còn nữa)
Kỳ 8: 'Ăn không ngon, ngủ không yên' vì nhớ... tô quý
Xưa nay, sưu tập đồ cổ ngoạn đến cỡ như học giả Vương Hồng Sển có lẽ hiếm có người thứ hai. Đối với cụ, đã chơi đồ cổ thì không bao giờ bán. Cũng không ham rẻ mà mua đồ ăn cắp, cụ quan niệm: "Người bất nghĩa bất giao, của bất nghĩa bất thủ".
Nói về cụ Vương Hồng Sển, không thể quên những bộ sách khảo cứu giá trị như Thú chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, Cảnh Đức trấn đào lục, Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ men lam Huế... với vài ngàn trang giải thích chân tơ kẽ tóc của từng món cổ ngoạn.
Đến nay trong giới sưu tập, những ai tâm huyết giữ gìn cổ vật vẫn còn truyền tụng về niềm say mê lạ lùng của cụ Sển. Họ thường tâm đắc nhắc lại tâm tình của cụ: "Bình sinh tôi mê thích đồ cổ còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài. Mua được một món lạ, tôi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng quốc chí, người ta mau chán ngán. Chỉ riêng tôi, với món đồ mới sắm, tôi có thể mân mê suốt ngày, không ăn cũng đủ no. Nói ra không sợ ai cười, tôi có thể trở nên một thằng điên "khúc khích mình cười, nói chuyện một mình" rồi tôi sung sướng khoan khoái trong lòng, khi ấy tự mình thấy trẻ trung, nhỏ xuống mấy tuổi, vì lẽ ấy không trách vì sao tôi cứ mua đồ cổ. Tiền mua đồ cổ, dẫu tốn bao nhiêu, tôi không sợ".
Với cụ Sển, đồ cổ ngoạn không phải là vật vô tri vô giác mà là mỹ nhân, giai nhân tuyệt sắc có thể trò chuyện, sờ ngắm được. Nói như ngôn ngữ nhà Phật thì do cơ duyên, nên cụ đã sưu tập được nhiều đồ cổ ngoạn loại quý hiếm. Hầu hết các cổ vật khi vào tay mình, cụ đều phân tích về nét độc đáo, cái hay, cái đẹp trong nhiều tập sách. Duy nhất khi sở hữu được cổ vật là cái tô "Mãn họa tùng đình", cụ viết cả quyển sách về báu vật này và đặt ký hiệu 1271 VHS.
Tên của cái tô này, chính là tên nhan đề di cảo chưa in của học giả Vương Hồng Sển.
Ta hãy nghe cụ Sển kể về cái "duyên" nhìn thấy cái tô: "Xin thú thật, lần tôi ghé nhà ông chủ trước của cái tô, tôi vẫn lé mắt vì nhà ấy còn quá nhiều vật quý lạ mà tôi chưa có, và tuy nay tuổi gần kề lỗ (còn hai tuổi nữa tròn chín chục), thế mà lòng si mê đồ cổ vẫn chưa mòn chút nào. Nhiều khi không nhịn được, tôi làm gan nài hỏi, chủ nhân vẫn tươi cười, rằng: "Hiện còn muốn để chơi và đinh ninh hứa khi nào hết muốn chơi sẽ để lại, không vội chi đâu xin đừng buồn". Lời nói thiết tha, chơn thực nhưng hàm chứa một thâm ý cao siêu, chủ nhân trẻ hơn tôi nhiều nhưng kể về nghề biết giá là gả bán cổ vật".
Với ai thì tôi không rõ, chứ một người mê cổ ngoạn như cụ Sển thì những ngày kế tiếp ắt cụ trằn trọc lắm đây. Nói như thế, vì ta nhớ lại vụ năm 1965 cụ hụt mua tại Huế cái tô xưa - chế tạo năm 1868, còn gọi là tô Đặng Huy Trứ. Người bán ra giá 6 ngàn đồng, cụ chê mắc không mua. Về đến Sài Gòn, ăn không ngon ngủ không yên vì... nhớ cái tô quá, cụ viết thư nhờ ông bạn dò xét giùm. Qua năm 1966, cụ ra Huế lần nữa thì biết cái tô đã bán cho một người Pháp ở Đà Nẵng, lúc ấy, cụ chết điếng người, than thở: "Chẳng khác nào bị giựt vợ". Tiếc quá là tiếc, bằng mọi cách, cụ dò cho ra manh mối và mua lại với giá... gần gấp đôi là 10 ngàn đồng.
Còn cái tô lần này thì sao?
Dù chưa thể sở hữu nhưng cụ vẫn âm thầm theo dõi mọi động tĩnh. Rồi nó qua tay chủ khác, cho đến một ngày: "Nay gặp lại và biết chắc nó còn nguyên vẹn và căn do gốc gác đúng là cái tô ở giồng Sơn Quy nơi thích lý họ Phạm, bên ngoại vua Tự Đức, tôi không dễ gì bỏ qua. Nhưng tôi lại không có tiền sẵn. Ban đầu hỏi giá, y nói y đã mua vật ấy năm chỉ vàng, tôi đánh bạo bày ra việc đổi chác: "Nay tôi còn sách chuyên môn Pháp văn về cổ ngoạn mà vì tuổi già, tôi không đọc nữa, nếu bằng lòng thì xin đến nhà lựa sách nhưng hãy châm chước cho tôi và tính giá cái tô chừng ba hay bốn chỉ vàng là cùng". Câu chuyện trả giá đến đây bỏ lửng...".
Cụ kể tiếp, sau thỏa thuận trên: "Bỗng rạng sáng Chủ nhật 4.9.1988, chủ nhân cái tô tự lái honda đưa một thân nhân đến nhà, ông này tay ôm một gói lộn xộn, khi vào nhà mở ra là cái tô Sơn Quy, men trắng vẽ Lam Hồi, sáng chói cả vuông phòng và chiếm trọn một mặt bàn đá Địa Lý cổ. Cách chở tô như vậy vừa gọn vừa tiện... Tôi vừa mừng vừa lo, nhưng chủ cái tô không để mất thì giờ, bèn lại tủ sách, lục một mớ sách chuyên khảo có giá trị và nay không dễ gì tìm mua được".
Cụ thể là các quyển sách nào? Cụ Sển không cho biết chi tiết, vì "thêm đau lòng", "vì mê cái tô quý phái mà đành từ giã số sách quý, ôi hay, cái nghiệp mê cổ vật hơn sách xưa". Cụ chỉ kể "hai quyển sách lớn mà tôi rất thích và tưng tiu hơn vàng, nay đành để qua tay chủ khác, đó là:
Sách chụp ảnh năm 1900 của nhiếp ảnh Dieulefils gồm 33 bức ảnh 24 x 32 phong cảnh Đế Thiên - Đế Thích. Sách xuất bản rất ít, ảnh còn làu làu như mới, giá trị vô ngần, vì tài liệu này lúc đó chỉ in riêng cho Phủ Toàn quyền Pháp và tư gia không có.
Một quyển album khác, cùng một khổ 24 x 32 gồm 38 ảnh chụp năm 1900 phong cảnh vịnh Hạ Long và danh thắng miền Bắc, Thành nội Huế luôn cả đám tang bà Thái hậu Từ Dũ cũng của Dieulefils sáng tác và đây là một chứng tích quý vô giá về thành trì cũ miền Trung và cung điện xưa".
Với cụ Sển, sách cổ và đồ cổ cũng đều quý như nhau, đều "cưng như trứng, hứng như hoa", qua trường hợp đổi chác này cụ tự nhủ: "Âu cứ nhận định theo lối xưa "duyên may tiền định", "quý vật tìm quý nhơn"...
Vậy, cái tô này quý, lạ đến cỡ nào mà cụ Vương Hồng Sển phải viết cả quyển sách khảo cứu Tô Mãn họa tùng đình?
(còn tiếp)
Kỳ 9: Tiết lộ về Tô Mãn họa tùng đình
Viết cả một cuốn sách về một món đồ cổ, kể ra cũng là hết sức thú vị, mà muốn thế, trước hết nhà nghiên cứu phải cực kỳ mê món ấy và phải là món quý. Đó là trường hợp được trình bày trong di cảo chưa từng công bố Tô Mãn họa tùng đình của học giả Vương Hồng Sển.
Sở dĩ mê và quý cổ vật đó, cụ Sển cho biết là nó đã trải qua những giai đoạn như "nắn khó, hầm (nung) khó và khó giữ gìn không tì không vết nên tôi cho là hy hữu, tô lại từng ở cung vua bên Tàu, qua tay vua Nam triều nhiều đời, lọt vào chốn cao sang họ Phạm…" để cuối cùng: "Tôi vả chăng là một tên nọi giữ của, cha mẹ là hàng dân dã, làm thợ đầu tắt mặt tối, ăn chắc mặc dày, thế mà tôi nay dám sắm món này, quả là vượt bực, cóc đòi mang guốc, trưởng giả học làm sang, nói càng thêm thẹn". Nói thì nói thế, chỉ riêng một món mà viết cả một cuốn sách về nó, thế mới biết cụ quý cỡ nào?
Trước hết, xin hỏi "Mãn họa tùng đình" có nghĩa là gì?
Học giả Vương Hồng Sển giải thích: "Vì chỉ vẽ toàn cây lá và phong cảnh, chỉ có "tùng" (cây lá) và "đình" (lâu đài, thủy tạ), không vẽ một con thú dữ (hùm beo) cũng không chấm một con chim, con bướm nào trên không trung, chứng tỏ đây là một cảnh "lâm viên", "lâm tuyền" một buổi thái bình trời quang mây tịnh…
Xin nhớ đây không phải là cảnh rừng sâu núi độc nhưng vẫn cổ thụ, chờ khách tao đàn đến ngâm thi vịnh cảnh. Cũng không thấy vẽ một chữ nào, đáy không hiệu đề, mặt tô vẫn không một câu thơ khiêu gợn hay một chữ điển tích, tỷ dụ "Bạch lộc động" hay "Nhứt sắc"… Và tôi tạm kết luận tô lớn này, là vật ngự chế dành thướng (thưởng) võ quan, đại tướng chớ không phải dành riêng cho văn nhơn đại thần nào khác, tể tướng, thái sư…".
Kích cỡ cụ thể ra làm sao? "Bề đứng: Cao đúng 2 tấc Tây (cao 0 mét 20); Kính tâm nơi đáy: 26 phân Tây (0 mét 26); Trực kính nơi miệng: 46 phân Tây (0 mét 46)".
Toàn bộ cảnh vẽ trong tô này, cụ Sển dành nhiều trang miêu tả tỉ mỉ với nhiều chi tiết sinh động, cuối cùng cụ tóm gọn: "Nhờ có chút năng khiếu về thú chơi đồ cổ và nhờ chút kinh nghiệm tuổi già, tôi đã khéo lựa và chọn đúng bước hướng dẫn đến nơi kỳ hội của 6 cảnh, nay xin tóm tắt lại:
Cảnh 1: Một lão trượng tay xách gậy, cùng đi với một thanh niên ôm đàn; Cảnh 2: Gặp trên đường một văn nhân đi bộ, có thơ đồng quẩy sách theo sau; Cảnh 3: Diễn lại một cảnh nhàn hạ, một khang trại và hai thủy tạ cách nhau một dòng nước bạc; Cảnh 4: Một khách cỡi lừa và một hề đồng gánh níp; Cảnh 5: Hai khách hành thuyền, sắp cập bến; Cảnh 6: Một già một trẻ sắp bước vào khang trại nguy nga, đồ sộ".
Tại sao người xưa lại chế tạo ra cái tô có kích cỡ to đến như vậy? Để làm gì và có ý nghĩa gì? Với câu hỏi này, cụ Sển dẫn chứng nhiều tài liệu về sử, địa, khảo cổ, rồi kết luận: "Ngày xưa các vua chúa Đông như Tây đều thích cụ thể hóa quyền lực của mình bằng những tứ khí vật dụng hay ngoạn hảo, càng to chừng nào càng quý chừng nấy…".
Có điều không riêng gì người sưu tập cổ ngoạn, ngay cả những người "ngoại đạo" như chúng ta cũng đều thắc mắc khi biết tô này "đáy không hiệu đề", vậy làm sao biết chế tạo từ năm nào, triều đại nào?
Bằng kinh nghiệm lão luyện, uyên bác của nhà một nhà nghiên cứu, sau khi phân tích nước men, tranh vẽ vóc dáng, trang phục, đầu tóc của nhân vật… cụ đã nêu ra chi tiết mà ít người am tường, kể cả những ai "chơi" đồ cổ: "Tôi định cái tô này làm vào đầu đời Thanh và do thợ thiện nghệ của nhà Đại Minh còn sót lại, cũng như nói một tỷ dụ cho dễ hiểu, ngày nay ta có thể thấy một món trang sơn mài do thợ cũ sót lại và chế tác năm gần đây, để niên hiệu mới thì ngỡ ngàng, để niên hiệu cũ thì cũng không ai cho và cũng không được nên thà không để niên hiệu nào cả và bỏ trống không đề năm chế tạo là "lưỡng toàn kỳ mỹ", giai đoạn chế tạo đời Mạt Minh, Sơ Thanh, sách gọi "période de transition" (giai đoạn nối tiếp) tức hiệu bỏ trống, không đề niên hiệu năm chế tạo là vì vậy".
Hiện vật này, khi sở hữu, được thỏa thích mân mê, sờ mó, nâng niu, cụ nhận xét, đại khái cái tô còn y nguyên, được nắn tròn trịa, không vênh, không móp méo, vẽ vời bút họa xuất thần, màu lam còn tươi rói… Vì thế, một lần nữa cụ khẳng định: "Tô này ắt chế tạo lò Giang Tây "Cảnh đức trấn" Trung Hoa và ắt là vật "cống phẩm" trao đổi nhau đời trước hoặc Minh triều hoặc Thanh triều…". Nói cách khác, cái tô "Mãn họa tùng đình" là sản phẩm ngoại giao giữa hai nước với nhau, chứ không sản xuất đại trà, bày bán rộng rãi.
Thế nhưng tại sao nó lại có mặt tại nước Nam? Cụ Sển suy luận biết đâu "Có thể do sứ đoàn Nam mua nhưng làm sao đem về với chánh sách gắt gao kiểm tra của Tàu nơi ranh giới (một mũi kim, một hột mẻ cũng không đem qua lọt), vì vậy tôi lại định ắt do một hoàng đế Trung Quốc đời Gia Khánh (1796-1820) cho lại theo cống phẩm, tặng lại cho vua nước Nam hoặc triều Gia Long hoặc tặng trả lễ vua Minh Mạng".
Sau khi sang nước Nam, cái tô quý đóng vai trò "Đây là một cổ vật "ngự dụng" trong nội các, hoặc vật quý từ trong ấy ban ra, cấp ra dành cho các nhà tướng công thần và đúng tô giồng Sơn Quy này là của riêng bên ngoại vua Tự Đức, thích lý Phạm thị)", cụ thể "lọt vào tay Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng ở Gò Công". Cụ Sển hoàn toàn có lý khi cho rằng tô này "Thường để chưng bày hơn là đem vào việc công ích, người nào chơi đồ cổ, sang cũng như hèn, vua chúa như phàm phi đều đồng ý như vậy, và chơi cổ ngoạn chung quy là ta làm mọi săn sóc tưng tiu cho nó hơn là có giúp ích ta chút nào, một khi vì rủi ro vật bị mất cắp hay bị sứt bể, lại đem khổ đau rầu buồn là khác".
Kết thúc di cảo Tô Mãn họa tùng đình, học giả Vương Hồng Sển "rút ruột rút gan" nói về kinh nghiệm của mình là dù khôn ngoan, lịch lãm, từng trải, lão luyện trong nghề cỡ nào đi nữa thì "Phải có ít nữa bốn điều: gặp may, có biệt tài, linh nhỡn, gặp thời cơ thuận tiện". Trường hợp sở hữu cổ vật này, với cụ, đúng là thế.
L.M.Q
(nguồn: báo Thanh Niên từ ngày 8.5.2023 đến ngày 16.5.2023)
Add comment