THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Vài tài liệu Bình dân học vụ thời kháng Pháp

LÊ MINH QUỐC: Vài tài liệu Bình dân học vụ thời kháng Pháp

 

TAILIEU-BINHDAN-HOC-VU

 

Tìm lại tài liệu giảng dạy trong phong trào Bình dân học vụ (BDHV) chẳng khác gì mò kim đáy biển. Ngay sau ngày nước nhà giành được độc lập, trong phiên  họp đầu tiên ngày 3.9.1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách, trong đó, có chiến dịch chống nạn mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, với lời kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết chữ”.

 

Vậy, thời đó, tài liệu được biên soạn thế nào? Trả lời câu hỏi này, phải là công trình nghiên cứu cấp Nhà nước. Trong phạm vi bài viết này tôi xin đưa ra một hai tài liệu do gia đình học sĩ Mạnh Quỳnh cung cấp. Trong đó, họa sĩ Mạnh Quỳnh đã góp phần thực hiện các ấn bản này.

 

Về họa sĩ Mạnh Quỳnh, ta biết ông họ Ngô sinh năm 1917 tại Hà Nội, mất ngày 2.4.1991; học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1932-1942, tốt nghiệp Khoa Sơn mài và có lẽ, chính ông thuộc thế hệ đầu tiên rất có công khi truyền cảm hứng cho trẻ em yêu thích hội họa.

 

Sinh thời ông đã cho in bộ sách Học vẽ phổ thông (6 tập). Thú vị ở bìa 4 của tập sách cho biết, không chỉ học sách mà các em còn có thể học theo lối hàm thụ - tức là gửi các tranh đã vẽ về cho ông tại địa chỉ 29 Hàng Trống (Hà Nội). Sau đó, ông sẽ có nhận xét, góp ý sửa chữa.

 

Sau này, khi tham gia kháng chiến chống Pháp, ông đã đem tài năng hội họa của mình phục vụ cho phong trào BDHV. Theo hồi ức của ông Ngô Đình Châu - em của ông: “Lúc đó Sở Bình dân học vụ Liên Khu 10 do ông Vương Kim Toàn làm giám đốc tìm đến gặp anh tôi bàn về vẽ và in sách cho Sở BDHV Liên Khu và cho cả toàn quốc theo ý ông Nguyễn Công Mỹ là Giám Đốc BDHV toàn quốc. Sách được Sở BDHV đặt in đầu tiên là cuốn Vần Quốc ngữ tiếp theo là Lịch sử nước Việt Nam Địa lý nước Việt Nam. Sách do anh tôi vẽ và khắc cùng chịu trách nhiệm in, lúc kháng chiến thì đâu có máy in, anh tôi phải tổ chức in tay, in mỗi thứ cả hai ba chục ngàn cuốn. Tổ chức in tay, khắc gỗ những tài liệu đó phải mất nhiều công phu, như là phải tìm mua gỗ, mà gỗ dùng để khắc chỉ có hai loại dùng được là gỗ thừng mực hay gọi là lòng mức, loại tốt thì phải dùng gỗ của cây thị ăn trái, vì các loại gỗ này nó dẻo, dai mới khắc được và giữ được nét khắc. Xong phải đi tìm mua mực in, loại mực dùng cho máy in là loại mực Lorieux của Pháp mới in được, vì in trên giấy gió, nếu mực xấu nó lem và hằn sang mặt sau”.

 

Những tập sách này, may quá, họa sĩ Ngô Quỳnh Dũng - con trai Mạnh Quỳnh có gửi tặng bản photo cho tôi. Trước hết có thể kể đến quyển i t đoàn kết do Ty Bình dân học vụ Yên Bái xuất bản, in xong vào ngày 15.12.1947 tại Chiến khu 14, gồm 16 trang, phần trên mỗi trang là tranh của họa sĩ Mạnh Quỳnh, phần dưới là nội dung câu chuyện; ngoài bìa vẽ bức tranh ngộ nghĩnh chú mèo trắng ôm vào lòng chú chuột đen đang mở tập vở, dặn dò: 

 

I t cố học cho ngoan

 

Để sau gánh vác lo toan việc đời

 

Trang cuối là bốn câu thơ:

 

I t đoàn kết

 

Diệt hết giặc ngu

 

Hết nạn “thẻ mù”

 

Đời vui tươi đẹp”

 

Nội dung câu chuyện là anh Mèo đã dạy cho các em Chuột biết chữ, đọc thông viết thạo. Tin lành đồn xa. “Thế là các chim chóc cũng lũ lượt kéo tới học chú Mèo. Thực là sụ đoàn kết chưa thấy… Việc này đồn tới tai bác Cọp già. Cọp bảo chú khỉ: “Ta nghe nói ở làng bên, Mèo thường hội họp với các giống. Có lẽ hắn định chiêu binh để đánh ta chăng? Chú hãy dò la xem”.Khi chú Khỉ sang đến nơi tìm hiểu, chú Mèo đã nhờ gửi tặng cho bác Cọp già cuốn i t. Khổ nổi Cop không biết chữ, do đó, phải nhờ các thú khác dạy cho. Từ đó, các muôn thú trong rừng đều biết chữ.

 

Ngày kia, chú Khỉ đọc được cáo thị của giặc Pháp cho biết sẽ đốt cả khu rừng, chú liền thông báo cho các bạn rừng biết để kịp thời tản cư. Kết quả là: “Chỉ vì biết đọc nên các giống rừng thoát chết. Bấy giờ mới rõ thêm sự học là quý, hết thảy đều cảm động và vui mừng quây quầy quanh Mèo để ca khúc: Toàn thắng giặc dốt”. Câu chuyện ngắn gọn nhưng dễ nhớ và tạo ra ấn tượng sâu sắc về ích lợi khi biết đọc chữ.

 

Với quyển Địa lý nước Việt Nam do Bình dân học Vụ Liên khu 10 ấn hành năm 1948 in khổ to và cũng họa sĩ “Mạnh Quỳnh soạn, vẽ, và in tay”. Sách chỉ có 12 trang gồm các bài học: Quả đất - phương hướng; Danh từ địa lý; Hình thể; Công nghệ và thương mại; Nước Việt Nam và các nước lân cận; Dân cư; Các tỉnh; Đường giao thông; Sản vật. Mỗi trang đều có nhiều hình minh họa, không nhiều chữ. Hầu hết, các bai học đều liên hệ tới thời sự, chẳng hạn bài về Đường giao thông: “Hiện nay vì công cuộc kháng chiến, ta phá hoại các đường bộ và cắm kè các đường thủy. Nhưng một khi giành được Độc lập, Chính phủ sẽ sửa chữa lại, mở mang thêm và tổ chức lại giao thông với ngoại quốc bằng đường bể và đường không” v.v…

 

Nhìn chung vẫn là nét vẽ độc đáo của một họa sĩ nhuần nhuyễn tinh thần, cá tính, tính cách của người Việt, không lẫn lộn vào đâu được. Nhân  đây, về họa sĩ Mãnh Quỳnh, tài năng của ông, ta còn có thể thấy qua tập sách Lên tám, do Éditions Alexandre de Rhodes ấn hành từ năm 1944. Thi sĩ Tản Đà không thể biết được về sau tập thơ thiếu nhi của mình đã tái bản với tranh minh họa tuyệt vời đến thế. Tôi vẫn thích bức tranh vẽ người nông dân gác cuốc ngồi trên bờ cỏ, đứng cạnh là đứa trẻ, cụ già, phụ nữ cũng chăm chú đọc sách, minh họa cho câu thơ: “Học thường là phổ thông/ Gây thành tư cách chung/ Dẫu biết chưa là mấy/ Có học hơn người không”.

 

Không chỉ ngụ ngôn La Fontaine mà ngay cả Qui-Li-ve du ký  sang nước Li-li-bút và nước khổng lồ do Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ Les voyages de Gulliver a Lilliput & A Brobdingnag (in năm 1944) - dù nhân vật châu Âu nhưng nét mặt, trang phục lại rất Việt Nam. Âu đó cũng là một cách khiến trẻ em cảm thấy gần gũi hơn, chứ không hẳn đang đọc truyện dịch. Rồi với các tập khác như Trẻ con hát, trẻ con chơi (in 1943), Làng quê Việt Nam cũ và mới (in 1945), họa sĩ Mạnh Quỳnh cũng giữ lấy bút pháp ấy.

 

Chính điều đó, ta thấy được cốt cách tâm hồn của một họa sĩ tài hoa, dù sử dụng nhiều thể loại sơn mài, điêu khắc, tranh khắc gồm tranh thủy mặc… nhưng đã vẽ minh họa thì dứt khoát phải thể hiện được diện mạo người Việt trên từng nét mặt… Âu cũng là một trong những nét độc đáo của họa sĩ Mạnh Quỳnh.

 

Và khi biên soạn các sách cho phong trào BDHV, ông cũng thể hiện theo phong cách độc đáo này. Từ các ấn bản nêu trên, dẫu ít ỏi nhưng đã hoàn toàn thuyết phục chúng ta rằng, trong công cuộc kháng Pháp, vấn đề xóa nạn mù chữ đã được Chính phủ duy trì bền bĩ; và đã ấn hành nhiều sách phục vụ cho phong trào. Tiếc thay, các tài liệu quý hiếm này hiện nay không còn lưu giữ được nhiều, mà cũng phải thôi, thời đó chỉ in khắc ván trên giấy xấu, số lượng không nhiều, lại chiến tranh, tản cư… nên sự mất mát, thất lạc cũng là điều dễ hiểu.


L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay - số 1100 ngày 1.3.2021)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com