Kỳ 1: Logo riêng đặc biệt của hoàng hậu
Sách Hoàng hậu Nam Phương - qua một số tư liệu chưa công bố (tác giả Phạm Hy Tùng, NXB Tổng hợp TP.HCM) đang được dư luận chú ý.
Về nhân vật lịch sử này, đến nay đã có vài tập sách nghiên cứu chuyên sâu, Nam Phương hoàng hậu cùng vua Bảo Đại được nhiều nhà nghiên cứu soi rọi dưới nhiều góc độ, nhưng sức hấp dẫn của tác phẩm mới đến từ những tư liệu độc đáo và lạ, chưa từng được nhắc đến.
Trước hết, xin nói rõ tài liệu thuộc dạng "quý hiếm" và "độc lạ" này do nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng sở hữu. Các bức thư, từ hơn 20 năm trước, ông Tùng đã chuyển cho đại tá, nhà văn Lê Kim - một người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có tác phẩm thơ in li-tô Đời cứ tươi được nhà thơ Xuân Diệu khen ngợi "hóm hỉnh mà lại trữ tình". Chính ông Lê Kim thẩm định giá trị của tài liệu này trước nhất và đề nghị ông Tùng sớm công bố.
"Chúng tôi công bố 7 thư được viết tại Pháp hoặc Sài Gòn, trong đó 6 thư của bà Charles (mẹ nuôi Bảo Đại, vợ Khâm sứ Trung kỳ Charles), bà Agnès (chị ruột Nam Phương hoàng hậu), bà Nam Phương và một thư của thuộc hạ từ Pháp gửi cựu hoàng Bảo Đại trong thời gian ông ở Hồng Kông khoảng từ tháng 8.1946 đến năm 1948, hơn 80 thư còn lại được viết tại Pháp là của các nhân vật này và một vài người khác gửi cho ông ở VN từ năm 1949 đến năm 1954", ông Phạm Hy Tùng cho biết.
Qua tài liệu này, điều bất ngờ lâu nay các nhà nghiên cứu chưa hề đề cập, đó là việc Nam Phương hoàng hậu có sử dụng logo riêng, dùng để đóng trên thư từ. Logo này có từ bao giờ và ai là người chế tác? Dù chưa tìm ra lý giải nào cụ thể nhưng căn cứ vào nội dung thư của Nam Phương hoàng hậu viết ngày 18.1.1952 gửi cựu hoàng Bảo Đại, nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng khẳng định đây là thư đầu tiên bà viết trên giấy có in sẵn logo cá nhân.
Trang trí theo mỹ thuật triều Nguyễn
Về ý nghĩa của logo này, ông Phạm Hy Tùng giải thích: "Về tổng thể, logo đặc biệt của hoàng hậu đóng trên thư được trang trí theo phong cách mỹ thuật triều Nguyễn. Bên trong có hình phượng hoàng nhưng đã được cách điệu, thay vì ngậm dây lụa buộc cổ đồ, được thay thế bằng cành ô liu - xuất phát từ truyền thống ghi chép trong Kinh thánh về con thuyền của Noah trong trận đại hồng thủy, sau khi nước rút ông Noah đã thả chim bồ câu. Nam Phương theo đạo Thiên Chúa, mà logo của bà được thiết kế theo dạng phù điêu với đường viền xung quanh hình rồng, là biểu trưng của ngôi vị đế vương. Tuy nhiên, điều vô cùng độc đáo là hình chim phượng hoàng ở logo được làm cách điệu thành hình chim phượng rất VN. Sự cách điệu này hoàn toàn hợp lý, vì phía trên đỉnh logo có 4 Hán tự Nam Phương hoàng hậu".
Từ đó, theo tác giả cuốn sách: "Nam Phương - người con gái Việt Nguyễn Hữu Thị Lan có tên thánh Marie-Thérèse có thể muốn thể hiện những tâm sự riêng tư sâu kín: Thứ nhất, bản thân bà luôn đinh ninh về ngôi vị hoàng hậu của mình. Thứ hai, trong tâm khảm bà luôn chan chứa tình yêu quê hương đất nước, nên đã bộc lộ khát vọng mong muốn hòa bình qua hình ảnh chim phượng hoàng ngậm cành ô liu. Và điều thứ ba, phản ánh bà vừa là con chiên ngoan đạo, một người vợ thủy chung vẹn toàn luôn dành tình yêu nồng nàn cho chồng, một người mẹ đêm ngày mang hết tâm lực dành cho các con".
Về năm sinh của bà Nam Phương hoàng hậu, trước đây nhiều tài liệu cho rằng bà sinh năm 1914. Thật ra không đúng. Căn cứ vào thư viết ngày 17.1.1953, trong lúc bà tâm tình cùng Bảo Đại: "Em đang cần 35.000 fr, nếu Mình có thể tặng em số tiền này, coi như quà mừng sinh nhật em vào cuối năm nay khi em tròn 40 tuổi thì em sẽ rất hài lòng". Chi tiết nhỏ trong thư đã minh chứng năm 1913 là năm sinh của hoàng hậu.
Vậy Nam Phương hoàng hậu sinh ngày, tháng nào? Câu hỏi này chưa dễ trả lời, vì trước nay chưa một tài liệu nào công bố chính xác. Bí mật này, trong thư gửi cho Bảo Đại, bà Nam Phương hé lộ: "Ngoài Mẫu hậu, chị Agnès và Mình, thì không ai biết sinh nhật của em ngày nào".
Nay chúng ta đã biết, vì trong thư viết ngày 17.11.1951, Nam Phương hoàng hậu kể cho chồng sự việc diễn ra ngày hôm đó: "Nhờ Mẫu hậu và Mình nên hôm nay ngay bà hầu phòng của em cũng bất ngờ làm cho em một chiếc bánh ngọt có chocolate, gắn những cây nến màu vàng và màu đỏ. Agnès thì sai con trai mang đến biếu em 6 bông hồng cũng màu vàng và đỏ. Em vui sướng như một đứa trẻ lên mười". (còn tiếp)
Kỳ 2:
"Em chỉ sống vì mình và cácc con thôi"
Lúc chồng ở xa, sự nhớ nhung, yêu thương Bảo Đại luôn được Nam Phương hoàng hậu thể hiện nồng nàn qua từng trang thư. Hầu như mọi việc xảy ra trong ngày, bà đều cẩn thận kể lại, nhất là chuyện học hành, sức khỏe của các con, ngay cả việc liên quan đến giấy tờ nhà cửa, ngân hàng, giấy kết hôn của vợ chồng.
Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố thông tin về cha mẹ của Nam Phương hoàng hậu, đó là ông bà Marie Lê Thị Bình và Pierre Nguyễn Hữu Hào. Năm 1913, ông bà sinh ra Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào - sau này trở thành Nam Phương hoàng hậu. Bà Nam Phương còn có tên VN Nguyễn Hữu Thị Lan và tên thánh là Marie Thérèse. Chi tiết này đã lý giải cho việc dưới các thư viết cho Bảo Đại, bà chỉ ký Mariette hoặc Thérèse.
Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương Pasquier và vợ chồng Khâm sứ Trung kỳ Jean FranVois Charles dàn xếp cho vua Bảo Đại gặp Jeanne Mariette xinh đẹp trong một bữa tiệc tại khách sạn Langbian (Đà Lạt). Sau này Bảo Đại từng kể lại giây phút "định mệnh" ấy như sau: "Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy tôi đã chọn một từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng" (hồi ký Le Dragon d'Annam, NXB Plon, Pháp, 1980, bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân).
Thư viết ngày 15.8.1951, bà kể lại chuyện không vui với mẹ chồng Từ Cung: "Mẫu hậu vừa viết thư gửi cho em một lá thư dài, trách móc về tội em đã công bố trích ngang tờ giấy chứng nhận kết hôn và những tờ khai sinh của các con và nói em phải hiểu rằng "cuộc hôn nhân của vua chúa không phải như của thường dân, chỉ cần khai báo trong hoàng tộc là đủ rồi". Và rằng em là một hoàng hậu và đã sinh ra một thái tử nối dõi tông đường. Mẫu hậu nói như vậy là không hợp thời".
Chi tiết này phần nào cho thấy quan niệm về công nhận kết hôn của vua chúa dưới triều Nguyễn. Vốn là người Tây học, bà Nam Phương không thuận tình bởi sự thừa nhận ấy có tính chất nội bộ hơn là về pháp lý được nhà nước công nhận, bà trình bày thẳng thắn với cựu hoàng Bảo Đại: "Em thấy cần phải nói thẳng với Mình là, em muốn có một bản trích lục từ sổ sách của Tôn Nhơn phủ xác nhận ngày chúng ta kết hôn, trên văn bản đặc biệt này có chữ ký và dấu đóng của Chủ tịch Hội đồng Tôn Nhơn phủ và của Khâm sứ Trung kỳ".
Ngày Bảo Đại về nước tham gia chính trị, thư khác bà viết: "Các con rất buồn vì không được báo trước khi nào máy bay của Mình ngang qua bầu trời trên mái nhà của bọn mình. Nhưng khi Bambinette (tức công chúa Phương Liên) tình cờ nhìn qua cửa sổ cũng là lúc có tiếng động cơ máy bay. Em thấy con vừa khóc vừa quay mặt vào nhà. Cả hai mẹ con đều chung nỗi buồn nặng trĩu… Em hôn Mình với tất cả trái tim và giây phút nào cũng cầu nguyện cho Mình bằng tất cả tình cảm mặn nồng của em… Em chỉ sống vì Mình và các con mà thôi" (thư ngày 26.4.1949). "Về phía Mình thì đã có trọn vẹn tình yêu nồng thắm của em, do vậy em nghĩ không cần phải hứa hẹn với Mình điều gì cả. Tất cả cuộc đời em thuộc về Mình…" (thư ngày 3.5.1949).
Những gì diễn ra trong thời gian xa cách, bà đều kể lại chi tiết bằng ngữ điệu tâm tình nhẹ nhàng: "Hôm Mình ra đi, một tờ báo ở Paris có đăng bài nói về em, nói em đã thật sự là một trong những "Hoàng hậu xứ Cannes"… Bài báo này còn viết: "Hoàng hậu thích mặc đồ màu trắng và màu xanh nước biển, chồng của hoàng hậu là ông vua hộp đêm. Hoàng hậu rất mê đồ nữ trang và các công trình nghệ thuật…". Thật là đáng buồn về những câu chuyện kiểu ngồi lê đôi mách ấy" (thư ngày 13.5.1949).
Trong công việc của Bảo Đại, bà đều tỏ ra có sự quan tâm và tin cậy: "Em mong bên đó không quá nóng và Mình có thể chịu đựng được. Bao giờ Mình xuống Sài Gòn? Khi nào rời Đà Lạt, xin Mình hãy vì em mà đặt bông hoa lên mộ ba em và cho người tổ chức một lễ cầu nguyện cho vong linh của ba em. Em ở xa quá không lo liệu được việc này" (thư ngày 30.5.1949).
"Em nghĩ mình đang trải qua một chặng đường dài vô tận. Biết đến bao giờ em mới thấy được cảnh lưu đày này và sự xa cách của chúng ta chấm dứt?" (thư ngày 19.10.1951).
Được biết, bố vợ của Bảo Đại là Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, mất ngày 13.9.1937 được an táng gần thác Cam Ly. Lăng của ông nay hầu như còn nguyên vẹn và đang trở thành điểm "check in" lý tưởng của khách du lịch khi lên Đà Lạt.
(còn tiếp)
Kỳ 3:
'Bí ẩn' cán bộ Việt Minh từng tìm cách tiếp cận Bảo Đại
Con đường chính trị của Bảo Đại rẽ bước ngoặt đầu tiên vào tháng 3.1946. Khi đó, ông được Chính phủ Liên hiệp lâm thời cử đi cùng phái đoàn sang Trùng Khánh thực hiện chính sách giao hảo với Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, nhưng ông lại tự ý đi Hồng Kông, không quay về nước.
Từ những tài liệu mới trong sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố của NXB Tổng hợp TP.HCM, lần đầu tiên chúng ta mới biết đến việc có một cán bộ Việt Minh đã tìm cách tiếp cận cựu hoàng Bảo Đại, lúc ông quay về Đà Lạt.
Bằng cách nào? Một lá thư tay viết bằng chữ quốc ngữ trên 5 tờ giấy mỏng, bằng mực tím, ngoài bìa ghi tên người gửi là "cậu vợ" của Bảo Đại "để tránh sự kiểm duyệt" như chính người viết thư nói rõ trong thư.
Thư này được người của Bảo Đại tiếp nhận nhưng trước khi đệ trình, họ đã kiểm duyệt và ghi bằng bút chì màu đỏ trên góc trái hai từ viết tắt "V.M" - ngầm ý cho biết thư của Việt Minh.
"Tôi ở bộ tham mưu khu 7"
Trong thư này, người viết không gọi Bảo Đại bằng từ "quốc trưởng" hoặc "cựu hoàng" mà "Kính gửi ông Vĩnh Thụy" ngay phía dưới dòng chữ "Việt Nam - Dân chủ -Cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".
Lá thư này có đoạn: "Tôi không tin rằng một người, được hưởng một nền giáo dục cao quý, một hòn máu của những đại hoàng đế Thành Thái, Duy Tân, một thanh niên đã có một nền học vấn uyên thâm, đã đặt chân đến nhiều xứ lạ đã hái ở đấy bao kinh nghiệm, bao học hỏi lại có thể dị đoan được như ông.
Ông định đem lại hạnh phúc cho dân chúng đấy ư?
Ông định đem lại độc lập cho Tổ quốc đấy ư?
Đáng quý thật!
Nhưng định mà không làm được hay làm hỏng cũng đều ân hận cả.
Vậy ta hãy tránh những việc có thể tránh.
Ông hãy thử hỏi xem người Pháp có biết giao trả tự do cho dân tộc nào không đánh họ không?".
Sau khi phân tích tình hình các nước Ma Rốc, Tunisia đã thất bại vì chỉ đấu tranh bằng chính trị để cuối cùng "chỉ nhận được... nước bọt và chữ ký bằng mực đen trên giấy trắng", tác giả bức thư khẳng định chỉ có thể đấu tranh bằng võ lực. Trong thư này còn cho biết quân đội kháng chiến chống Pháp của ta: "Đã có tới 68 chi đội chính quy và hằng hà sa số… binh tự động với võ khí thô sơ hay thiếu thốn. Mỗi chi đội có 986 tay súng. Vậy thì kể trung bình Nam bộ VN có tới 70.000 tay súng… Ta có thể nói đấy là một đạo binh khổng lồ. Vì một xứ có 4 triệu dân mà có tới bấy nhiêu binh lính không phải nhỏ. Tình trạng này nếu cứ kéo dài mãi thì chỉ hai năm nữa quân đội Pháp sẽ hoàn toàn bất lực và tự để bị hắt ra khỏi VN. Về mặt Pháp, ông hẳn cũng thấy họ kiệt sức lắm rồi".
Không chỉ lớn mạnh về lực lượng, bức thư còn nêu một số thông tin tối mật của quân đội VN, có Ban võ khí: "Chỉ có 12 người với những dụng cụ thô sơ họ cũng có thể sản xuất mỗi ngày 100 viên đạn và một cây súng tiểu liên thanh… Họ có một sức sản xuất đáng sợ cho Pháp. Và mỗi khu lại có một xưởng võ khí lớn có thể đúc trọng pháo.
Tóm lại sự tranh thủ bằng võ lực đã tới chỗ thành công".
Người viết khẳng định công dân Vĩnh Thụy: "Hiểu rộng và thiết tha yêu giống nòi, ông đã có ý cách mạng từ khi còn là một hoàng đế… Tuy xa VN nhưng trên đường vô định (đúng với hành vi của ông) ông vẫn dùng chánh trị để gây thiện cảm cho Tổ quốc… Những kẻ mà ông gặp ở Hồng Kông hay Đà Lạt mà họ tự mang danh là chính khách chỉ là một hạng người không liêm sỉ".
Cuối bức thư này là dòng chữ "Bình đẳng chào ông".
Không rõ vì lý do gì, người viết không ghi cụ thể ngày tháng viết thư, dù có "ký tên không rõ" nên ta không thể có tên chính xác. Tuy nhiên, qua chi tiết "tái bút", ta biết bấy giờ Bảo Đại đang ở Đà Lạt và người viết thư hé lộ: "Tôi ở Bộ Tham mưu khu 7".
Với lời lẽ thẳng thắn, bộc trực trong thư, lại ở cương vị có thẩm quyền "thanh toán công vụ (tức thưởng phạt tướng quân)", chúng tôi đồ rằng người viết thư này gửi cho Bảo Đại chỉ có thể là Khu trưởng Khu 7, Tư lệnh bộ đội Nam bộ là trung tướng Nguyễn Bình. Hoặc ít ra lá thư này được viết theo chỉ đạo của ông. Những ai nghiên cứu kỹ cuộc đời binh nghiệp dữ dội, những hoạt động táo bạo của trung tướng Nguyễn Bình hẳn có thể nêu ra phát kiến gì thêm. (còn tiếp)
Kỳ 4:
Ai cung cấp thông tin mật cho Bảo Đại?
Sau khi lưu vong, cuộc đời chính trị của Bảo Đại lọt vào "tầm ngắm" của các thế lực khác nhau. Chính vì vậy, vị cựu hoàng được tiếp nhận thông tin mật từ nhiều phía để có điều kiện cân nhắc đưa ra các quyết sách cho phù hợp với từng giai đoạn và thời cuộc, theo suy nghĩ của Bảo Đại.
Về lá thư tay do một cán bộ "V.M" (Việt Minh) gửi "công dân Vĩnh Thụy" nhằm thức tỉnh ông suy nghĩ lại về vai trò của mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở tác phẩm Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), cuối thư có câu: "Nếu quả thật ông không hiểu hay ông đã nghi ngờ địa vị của ông hôm nay xin ông đúng 15 Juin rời Đà Lạt vào Sài Gòn tôi sẽ ráng tìm cách lại thăm ông và cùng ông giải quyết sự rắc rối ấy".
Tiếp đó, căn cứ vào "Thư của một người không rõ họ tên viết ngày 23.11.1947 gửi cựu hoàng Bảo Đại ở Hồng Kông" do một người gửi từ Paris (Pháp), mở đầu bằng cách xưng tôn kính "Tâu bệ hạ" thì chúng ta biết thêm chi tiết khác. Chẳng hạn: "Ở đây người ta cho rằng Bệ hạ là nhân vật duy nhất có thể thỏa mãn vấn đề giải pháp chính trị tiếp theo các hoạt động quân sự. Vấn đề phải tạo cho Ngài các điều kiện cần thiết".
Một trong những điều kiện đó, bên cạnh vai trò của các chính khách Pháp, còn là "Việc tôi phải làm trong lúc này là nắm bắt tình hình cụ thể để tâu trình với Bệ hạ và để hoạt động trong luồng dư luận. Cần phải có những người An Nam để làm những việc này".
Tác giả bức thư đề xuất: "Ở đây Bửu Lộc đang làm luật sư tại tòa hoạt động rất tốt. Tốt hơn nữa còn có Đỗ Hương đã nhiều năm làm việc ở Bangkok mà Ngài từng gặp gỡ ở Đà Lạt. Tôi đoán hình như ông ta sắp đi làm việc ở Liên hiệp quốc thì phải. Đối với tôi, tầm cỡ hai người này khác với số đông những người xung quanh Bệ hạ ở Hồng Kông mà tôi từng gặp".
Từ nhận định này, cho thấy nhóm chính trị từ VN sang Hồng Kông tìm gặp Bảo Đại trùng với nhận định mà cán bộ Việt Minh đã viết trong thư: "Những kẻ mà ông gặp ở Hồng Kông hay Đà Lạt mà họ tự mang danh là chính khách chỉ là một hạng người không liêm sỉ".
Còn phía các chính khách người Pháp thì sao? Lá thư này có đoạn: "Latala không phải là tồi nhưng ông ta quá nghiêng về Đảng Xã hội và bộc lộ rõ rệt là đang muốn giữ một vai trò. Trong số những người Pháp, tôi nghĩ đến Paul đang làm việc cho Ngài cũng như vậy, Jean Ramadier thì rất khen ngợi Ngô Đình Diệm. Tuy Jean Ramadier có vẻ như ủng hộ Ngài, nhưng tôi nghĩ đây không phải là nhân tố vững chắc".
Dù danh tính người cung cấp thông tin này cho cựu hoàng Bảo Đại vẫn còn bí ẩn, nhưng chúng ta lại có thể biết cụ thể về một trường hợp khác. Đó là "Thư của Nguyễn Đắc Vinh viết ngày 13.9.1949". Trong thư, ông Vinh xưng hô "Thưa hoàng đế" và cho biết mình là "Cố vấn chính trị ủy ban Mường - Lương Sơn": "Lấy tư cách là một nhân viên của một nhóm thanh niên, gồm nhiều giới trong và ngoài khu chiếm đóng, trân trọng kính dâng ngài một vài tài liệu nhân dịp ngài ra Hà Nội".
Tài liệu 1 là văn bản của ông Võ Hoàng - Ban Chỉ huy Chi đội 6 Mặt trận Hà Nội ký ngày 4.7.1946; tài liệu 2 do ba người ký tên "Gửi anh Chi Nam" báo cáo về việc "Chính phủ Bảo Đại đã thành lập ngày 1.7.1949".
Tài liệu này có đoạn nhận định: "Theo lối bình luận của các nhóm chính trị thì chính phủ này vừa thành lập sẽ từ chức trong một ngày rất gần vì Pháp không muốn Vĩnh Thụy chấp chính một cách trực tiếp và Nguyễn Phan Long thì lại là người của Mỹ (Hoa Kỳ) nên chắc chắn sẽ gặp nhiều trở lực do Pháp gây ra".
Đặc biệt, về hành trình của Bảo Đại khi ra Hà Nội, văn bản này cho biết chi tiết: "Ra Bắc, Bảo Đại ở lâu đài Puginier (Toàn quyền cũ), ở sân bay Gia Lâm về, Bảo Đại về Nhà hát Lớn rồi về thẳng lâu đài Puginier (qua phố P.Bert, B.Derbord, ra thẳng đường Puginier). Ngày hôm sau sẽ ra dinh Thủ tướng Xuân bây giờ tức là Thống sứ cũ và nhà thị chính rồi từ ngày 4 sẽ đi vi hành từng phố".
Rõ ràng, phía lực lượng kháng chiến của ta đã nắm rõ đường đi nước bước của Bảo Đại.
Do tầm quan trọng thông tin, dưới văn bản này, Nguyễn Đắc Vinh còn ghi thêm: "Hai tờ mật thư này đã đưa ra "bưng" hồi 1g ngày 3.7.1949. Sao 2 bản: 1 đưa ông Nguyễn Đệ, 1 đưa cho Hoàng thân Bửu Lộc…
Yêu cầu: Xin chớ cho Bureau hay Sureté biết tên tôi và tài liệu này vì rất nguy hại cho tôi - trong cơ sở ấy rất nhiều Việt Minh lẩn vào. Nếu Hoàng đế muốn, xin chuyển lệnh, chúng tôi có thể bắt thủ phạm tại chỗ và các tổ trưởng Việt Minh trong Hà Nội".
Bằng các tài liệu mật này, ta thấy Bảo Đại có được thông tin từ rất nhiều phía... (còn tiếp)
Kỳ 5:
Nỗi lòng xa xứ của Nam Phương hoàng hậu
"Mình đang có nhiều trọng trách phải đảm nhiệm bằng lòng dũng cảm và sự sáng suốt. Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên cạnh Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh. Em tin tưởng như vậy và tin vào tương lai", thư gửi cho Bảo Đại ngày 3.5.1949, hoàng hậu Nam Phương trải lòng.
Về các thư từ của Bảo Đại, nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng, tác giả của sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành), cho biết: "Một trong những điều khoản của Thỏa ước Elyseés Pháp ký với cựu hoàng có quy định về phía Pháp sẽ chịu chi phí vận chuyển và đảm bảo bí mật thư tín qua lại giữa cựu hoàng ở VN và vợ con ở Pháp gửi qua hệ thống bưu chính Pháp nên mới được gọi là "đường dây bưu chính nghi thức" - tức công việc thuộc lãnh vực ngoại giao".
Tuy nhiên những gì xảy ra trong thực tế lại khác, không dưới một lần bà Nam Phương than phiền: "Bức thư Mình viết cho em đã bị người ta bóc ra để kiểm duyệt. Thật là ngán ngẩm cho những kẻ soi mói vào cả đường dây bưu chính nghi thức dành cho chúng ta" (thư ngày 19.5.1949). Dù vậy, khi trao đổi với chồng, bà vẫn không ngần ngại trình bày chính kiến về nhiều vấn đề liên quan đến Bảo Đại.
"Mình đang có nhiều trọng trách phải đảm nhiệm bằng lòng dũng cảm và sự sáng suốt. Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên cạnh Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh. Em tin tưởng như vậy và tin vào tương lai. Em tin chắc Thượng đế sẽ phù hộ độ trì cho đôi ta chung nhau sự hy sinh này. Nước nhà được hợp nhất thì đó là cuộc kết hôn cộng đồng đẹp đẽ cũng giống như cuộc hôn nhân vì tình yêu mà đôi ta đang thực hiện. Có thể so sánh ví von như vậy một chút Mình ạ. Trong một đất nước nói chung, cũng như trong một gia đình nói riêng thì sự đoàn kết phải được siết chặt và không ai được vị kỷ, có như vậy thì mới bền vững trước mọi thử thách và mưu toan phá hoại" (thư ngày 3.5.1949).
Lưu ý rằng, lá thư này viết vào năm 1949 là thời điểm người Pháp còn đóng vai trò nhất định trong vùng tạm chiếm với âm mưu xâm lược, chia cắt nước ta lần nữa.
Vậy câu "Nước nhà được hợp nhất" là bà hướng tới mong muốn bãi bỏ hẳn ràng buộc của Hòa ước Paternot (Hòa ước Giáp Thân 1884), trong đó quy định ranh giới ba miền Bắc, Trung, Nam - mà sau này Viện Sử học VN đánh giá: "Hiệp ước này mang ý nghĩa một bản khai tử đối với chủ quyền đối ngoại của vua nước Nam".
Vậy, thời điểm năm 1949, Bảo Đại đã làm được những gì? Sử sách đã ghi, nay không nhắc lại. Từ Pháp, Nam Phương hoàng hậu luôn quan tâm đến mọi hoạt động chính trị của chồng. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý, theo chúng tôi, vẫn là từ những gì người chồng đã làm, đang làm bà đã nghĩ đến số phận của người nghèo hèn, bất hạnh với niềm cảm thông sâu sắc, không dễ gì có được ở người đàn bà "lá ngọc cành vàng" nếu thiếu lòng nhân.
"Em đọc báo thấy có đăng một người đàn bà ôm con đang quỳ khóc dưới chân Mình. Thật là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh và rất xúc động. Liệu Mình có thể nhận đứa bé đó làm con nuôi không? Em đang nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi cha. Người ta sẽ làm gì với tất cả những đứa trẻ này?" (thư ngày 20.7.1949).
Làm thế nào để cứu vớt cuộc đời của người bất hạnh nói chung? Đã có lần bà tỉ mỉ tính toán việc học đánh banh tennis của Bảo Đại đã "tốn kém như thế nào". Rồi bà viết tiếp: "Mình đừng nên tiêu phí phạm như vậy. Số tiền này có thể chi tiêu vào nhiều việc có ích hơn thế. Hơn nữa em đang muốn giúp đỡ các sinh viên của ta không được ở ký túc xá mà phải thuê nhà ở ngoài nên lại bị bọn chủ nhà trọ bóc lột tàn tệ…" (thư ngày 17.1.1953).
Tấm lòng của bà, Bảo Đại có thấu cảm? Ta không thể biết vì ở ngoài cuộc, nhưng qua tâm sự trong những lá thư gởi chồng, ta nhận thấy nỗi lòng của bà luôn đau đáu về người nghèo, về đất nước.
"Em đau khổ khi phải cứ bứt rứt khi nghĩ tới đồng bào ta sống trong cảnh bất an đang phải chịu đựng những tội ác gây ra từ nhiều phương diện khác nhau. Mình lại sắp nói rằng có thể em bị bệnh. Có thể đúng đó là sự thật và vì thế em muốn nín lặng hơn là than vãn vì sẽ làm trầm trọng thêm những lo lắng vốn đã nặng trĩu trong lòng. Vì vậy Mình đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng em không viết cho Mình. Em muốn như một con thú rừng bị thương đang chui vào đáy hang để lặng lẽ đau đớn một mình" (thư ngày 20.9.1949).
Năm 1950, khi Hội Chữ thập đỏ Pháp muốn chia sẻ công việc với Hội Chữ thập đỏ VN tại Sài Gòn, hoàng hậu Nam Phương được mời làm hội viên danh dự. Nhưng khi tham gia vào hoạt động ấy rồi, lúc tâm tình qua thư với Bảo Đại, nguyện vọng của bà thì hội phải "thành tâm nhằm cải thiện tình hình y tế trong những vùng nông thôn, cũng như đối đãi với các tù nhân, không phân biệt chủng tộc và không tôn giáo" (thư viết ngày 19.4.1950). (còn tiếp)
Kỳ 6:
Hoàng hậu Nam Phương và tình yêu văn hóa Việt
Hoàng hậu Nam Phương thuộc người của Tây học. Dù được đào tạo theo ngôn ngữ và văn minh Pháp, nhưng có một điều ngạc nhiên là khi đọc thư từ của bà gửi cựu hoàng Bảo Đại, bàng bạc trong đó khá nhiều suy nghĩ, niềm yêu thích đối với tiếng Việt và văn hóa Việt.
Năm 1926, bà được gia đình cho du học Pháp, tại Trường Dòng Couvent des Oiseaux - một trường danh tiếng bậc nhất ở Paris - do các nữ tu giảng dạy. Năm 1932, bà tốt nghiệp tú tài và trở về nước.
Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành) cho biết: Dù đã được thưởng thức nhiều món ngon phương Tây, nhưng bà luôn nhớ về những món ăn cực kỳ dân dã nơi quê nhà. Thú vị hơn, là có những từ trong các bức thư gửi cho chồng là cựu hoàng Bảo Đại, bà sử dụng tiếng Việt chứ không dùng từ tương đương có thể tìm thấy trong tiếng Pháp.
"Nếu Mình xuống Sài Gòn, xin Mình nói giúp với bà Hữu đặt làm cho em một ít bánh tráng khoai và bánh hỏi phơi khô vì các con thích ăn những thứ bánh này lắm" (thư ngày 3.7.1949); "Mình nhớ gửi vài chai nước mắm và gạo sang đây cho em bằng đường biển từ Sài Gòn" (thư ngày 6.2.1950); "Bính đã chuyển tới em mắm và gạo của bà Hữu ở Paris gửi biếu. Có cả nem và lạp xưởng và em đã thưởng thức ngay trong sáng nay" (thư ngày 13.12.1950); "Họ mang đến cho em bánh Trung thu, nước mắm của Mẫu hậu nhờ chuyển và cả chả lụa nữa" (thư ngày 1.9.1950)…
Một trong những nội dung trao đổi với cựu hoàng Bảo Đại, ta thấy nhiều lần bà nhắc đến việc học hành của các con. Có lúc bà than phiền: "Tiếng Việt ở đây không được dạy đều đặn" (thư ngày 19.10.1951).
Do đó, "Mình đã làm em vô cùng sung sướng khi giao Long khôi phục lại tủ sách Việt ngữ cho em, gồm cả thơ, tiểu thuyết, truyện sử v.v… và tất cả những cuốn sách em có trong cung An Định đã bị những kẻ hầu hạ Mẫu hậu lấy hết rồi. Em hoài vọng về nền văn học của nước nhà. Xin Mình hãy giúp em mua lại những tủ sách của các quan chức thuộc địa cũ nhằm khôi phục lại bộ sách của em bao gồm tất cả các sách nói về Đông Dương" (thư ngày 1.11.1951).
Ở lá thư này còn thú vị ở chỗ hé lộ cho chúng ta biết Nam Phương hoàng hậu rất ham thích đọc sách.
Chính nhờ hay đọc sách nên có lần bà đã phát hiện ra những chi tiết không đúng viết về Nam kỳ in trong sách giáo khoa phát hành ở Pháp: "Đó là cuốn Thế giới toàn cảnh của tác giả Renaud de Jouvenel do nhà xuất bản ở địa chỉ 33 André des Arts, Quận 6, Paris ấn hành ngày 15.6.1949 tại xí nghiệp in Chaise số 20 Bergère, Paris. Hãy đọc trang 240 viết về Nam kỳ, và điều đó được giảng dạy trong một số trường học công. Em rất bực mình và đã gửi thông báo cho Đệ để ông ta làm văn bản kháng nghị lên Bộ Các nước liên kết đòi rút tài liệu này ra khỏi các trường học" (thư ngày 18.1.1952).
Lời lẽ trong thư quyết liệt và các cứ liệu rõ ràng, đầy đủ, "nói có sách, mách có chứng", chứng tỏ dù sống xa đất nước nhưng trong lòng bà vẫn hướng về cố hương và có mối quan tâm sâu sắc.
Sống nơi đất khách quê người, tất nhiên 5 người con của bà đều học theo lối giáo dục của văn hóa Pháp, nhưng lúc nào bà cũng đau đáu: "Con của chúng ta đang cần một thầy phụ đạo xứng đáng có kiến thức văn hóa như Trần Trọng Kim vậy để giảng dạy cho nó về nền văn hóa Việt - Hoa và có thể đi ra ngoài phố mà không bị sự khinh rẻ của đồng hương".
Nam Phương hoàng hậu tha thiết: "Xin Mình cho biết liệu em có thể gọi Lê Thành Ý đến dạy Việt ngữ cho con trai lớn chúng ta được không?" (thư ngày 23.3.1954). Được biết, ông Lê Thành Ý có người con trai về sau trở thành nhà sử học, nhà khoa học xuất sắc Lê Thành Khôi, gần đây bộ sách giá trị Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của ông Khôi đã được dịch và phát hành tại VN.
Nhắc lại điều này, để thấy Nam Phương hoàng hậu luôn tự hào và rất ý thức bảo tồn về văn hóa Việt nên bằng mọi cách bà quyết tìm đúng người tài để dạy Việt ngữ cho con của mình.
(còn tiếp)
Kỳ 7:
Biến cố lớn nhà Bảo Đại
Âm mưu bắt cóc hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Bảo Long không chỉ ở thời điểm này, mà trước đó đã từng diễn ra như chính Nam Phương hoàng hậu cho biết: "Em chỉ cầu xin Mẫu hậu ban cho em lòng tin của Mình về em và đừng quá lo lắng, bởi vì hình như em đã chứng tỏ với Mẫu hậu về sự nhanh trí của em từ bốn năm về trước rồi".
Thời gian Bảo Đại về nước tham gia chính trị, đối với Nam Phương hoàng hậu cô đơn nơi xứ người, đó là ngày tháng "Không có Mình bên cạnh, ngôi nhà này đối với mẹ con em trống trải rộng lớn vô cùng" (thư viết ngày 26.4.1949).
Tại VN, có một tin đồn khiến bà vô cùng hoang mang: "Mẫu hậu chắc là đang ở bên cạnh Mình? Bà viết thư cho em nói là Bà ngã bệnh khi nghe tin đồn về âm mưu bắt cóc Bino" (thư viết ngày 16.3.1950).
Bino là tên thường gọi của Hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh năm 1936. Trước thông tin đáng âu lo này, bà đã viết hai lá thư gửi mẹ chồng và chồng "Trình bày những lý do đã buộc em phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho Bino một cách chắn chắn nhất… Xin Mình hãy tâu lên Mẫu hậu là em phải có những hành động đúng đắn vì lợi ích của con trai của Mình, bất chấp mọi tổn hại về hạnh phúc và sự an nguy cho bản thân em".
Âm mưu bắt cóc này không chỉ ở thời điểm này, mà trước đó đã từng diễn ra như chính bà cho biết: "Em chỉ cầu xin Mẫu hậu ban cho em lòng tin của Mình về em và đừng quá lo lắng, bởi vì hình như em đã chứng tỏ với Mẫu hậu về sự nhanh trí của em từ bốn năm về trước rồi".
Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành) đã công bố các bức thư khiến ta thấy Nam Phương hoàng hậu phải âu lo, cảnh giác trước mọi động tĩnh liên quan đến con cái:
"Hôm qua vào khoảng 6 giờ chiều, Bino cùng Bina (tức công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai) đang đùa chơi trong bể bơi lớn ở công viên, em đi xuống để trông các con và cùng chơi với Bé Bé (tức hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Thăng) bên chiếc ca nô nhỏ thì bỗng nhiên một chiếc ô tô đỗ xịch ngay trước mặt". Chuyện gì đã xảy ra? Đôi nam nữ trên chiếc ô tô sau khi quan sát, rồi đến lúc nhìn thấy các con của bà rời cuộc chơi quay về nhà thì chúng lẳng lặng phóng đi. Có phải động thái này chỉ là "Ông ta dừng xe lại để ngắm nhìn má cháu đấy mà" - như Bé Bé lên 7 tuổi nhận xét?
Về các con của vợ chồng Nam Phương hoàng hậu, lâu nay sử sách ghi chép đó là Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và Bảo Thăng. Tuy nhiên, thật bất ngờ qua lá thư gửi chồng, chúng ta biết bà đã "bật mí" với mẹ chồng: "Để không làm bà phật lòng và buộc tội em đã giữ bí mật không tâu trình về việc chúng mình sắp có thêm con" (thư viết ngày 13.12.1950).
Sự mong mỏi có thêm đứa con, đối với bà trong hoàn cảnh như thế nào? Bà viết tiếp: "Em xin Mình hãy thử ở vào địa vị của em một chút… một thân một mình tựa như một người đàn bà bị bỏ rơi, tứ phía chồng chất những lo toan, mà xung quanh thì không khí của mùa lễ hội đang trùm lên vạn vật. Mình phải ở xa, một mình em đơn độc nơi đất khách quê người đã đặt em vào tình trạng bối rối, đến nỗi không dám kể hết với Mình những lo lắng của em…".
Qua đó, niềm mong mỏi tột bậc của bà cũng như bất kỳ mọi người đàn bà bình thường khác: "Trong vụ Hè tới, Mình có thể về đây giúp em qua giờ phút vượt cạn được không?".
Nỗi đau mất con
Ngày 14.12, bà "cảm thấy đau hai bên thận và rỉ nhẹ mấy giọt máu", nhiệt độ 37 độ, mạch tim 72. Chiều 15.12 bà bị sốt "thân nhiệt đã lên tới 39,9 độ, mạch tim 100". Chiều 16.12, bà bị "xuất huyết nặng" và ngay trong đêm người nhà nhanh chóng chuyển vào Bệnh viện đa khoa ở Cannes. Tại đây, lúc 8 giờ 30 sáng chủ nhật 17.12, bà được giải phẫu khẩn cấp - người trực tiếp mổ là bác sĩ Monchotte. Thông tin này, cựu hoàng Bảo Đại chỉ biết qua thư ngày 18.12.1950 do chị vợ là Agnès viết cấp tốc gửi ông - ngoài ra còn có chi tiết: "Tâu Bệ hạ. Sau khi mổ xong, chính giáo sư cũng gọi dây nói cho tôi là tất cả mọi việc đã được tiến hành kịp thời vào lúc bào thai đã chết… Mariette không phạm vào sự bất cẩn nào cả nhưng tinh thần xuống rất thấp trước khi mổ".
Qua mất mát lớn này, phải mười ngày sau, khi sức khỏe ổn định, ngày 27.12.1950 bà mới bình tâm viết lá thư gửi kể lại rất chi tiết mọi chuyện đã xảy ra. Và đây là thư dài nhất trong các thư bà đã gửi cho chồng. Qua đó, ta biết nếu bà không được giải phẫu kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng: "Chỉ 24 tiếng đồng hồ nữa thôi, trái tim em có thể ngưng đập". Thật xúc động, lúc ấy bà còn lo lắng nghĩ tới chồng: "Em cũng dặn chị Angès cấp báo cho Mình để Mình không bị choáng đột ngột nếu xảy ra việc gì xấu đối với em. Và em đã khóc một mình".
Sau khi mổ xong, "Em tỉnh dậy thấy trong người xao động, đau đớn vì những co thắt đến nghẹt thở, khát nước và có cảm giác như đang bị trôi xuống vực. Em đã cố vẫy vùng trồi lên với cuộc sống".
Từ nỗi lo về con bị bắt cóc đến nỗi đau sẩy thai, kể cả sau này qua đời, bà phải một mình gánh chịu, chứ những thời điểm đó không có sự hiện diện của Bảo Đại. Từ đó, trong tháng ngày sống xa xứ, mãi mãi không bao giờ bà đạt được ước mơ: "Và nếu là đứa con trai của đàn con của chúng ta thì em mong muốn nó sẽ là một vì sao bé nhỏ nhưng lại là niềm tin lớn lao trong trái tim của mỗi chúng ta. Và nó sẽ trở thành báu vật bảo lãnh cho tổ ấm của chúng ta, một tổ ấm mới tìm lại được nhịp sống sau những ngày chia ly cay đắng", Nam Phương hoàng hậu trút bầu tâm sự với cựu hoàng Bảo Đại. (còn tiếp).
Kỳ 8:
Cuộc sống ẩn dật và khó
Không phải ngẫu nhiên, mẹ nuôi cựu hoàng Bảo Đại là bà Charles đã viết thư thông báo với con mình, rằng: "Con trai lớn thân yêu của má (...) Thiếu vắng con, trong hoàn cảnh như hiện nay quả là một thử thách gay go đối với Mariette". Mariette là tên thánh của Nam Phương hoàng hậu.
Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM) hé lộ nhiều chi tiết cho biết cựu hoàng Bảo Đại vốn "lơ tơ mơ", ít quan tâm đến chuyện quản lý tài sản, tiền bạc. Đôi lần bà Charles đã nói điều này với bà Agnès - chị vợ của cựu hoàng về việc thúc giục ông ký xác nhận tài sản: "Chắc chắn là V chẳng bao giờ ký, vì con biết đấy. V rất vô tư với vấn đề về tiền bạc mua bán" (thư ngày 18.9.1946). V là viết tắt tên thật Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy mà bà gọi con nuôi của mình khi ông du học tại Pháp.
Khác với những gì trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi lưu vong, cuộc sống cựu hoàng Bảo Đại cực kỳ túng thiếu, phải sống nhờ vào tiền bạc của tình nhân, thật ra "của chìm của nổi" của ông còn rất nhiều. Trong khi đó, với Nam Phương hoàng hậu lúc xa xứ phải đơn thân, một mình nuôi 5 con nên thiếu trước hụt sau là điều dễ hiểu, mọi thứ chi tiêu đều trông chờ vào trợ giúp của chồng.
Sự túng thiếu này có thể thấy rõ qua nhiều chi tiết trong thư bà viết gửi chồng: Ngày 25.6.1948 lúc Bảo Đại đang ở Hồng Kông, Hoàng hậu Nam Phương tâm sự: "Em quên bẵng đi mất, không đưa cho Mình tờ hóa đơn đặt làm những tấm thảm trải sàn nhà".
Thư viết ngày 26.4.1949, lúc Bảo Đại đã về VN: "Sau hôm Mình rời khỏi nhà, em nhận tới tấp một loạt hóa đơn đòi thanh toán các khoản tiền thuê ga để ô tô, tiền chụp ảnh, tiền thuê phòng, nhà nghỉ… vân vân… nhiều lắm". Đã thế, "Tài khoản của em đang bắt đầu cạn dần. Từ ngày Mình trở lại người đứng đầu của nhà nước thì các hóa đơn đòi thanh toán các khoản cũng tăng theo".
Còn các việc khác, Nam Phương hoàng hậu đều trông chờ vào khối tài sản của chồng. Khi mua ngôi biệt thự tại Rabat, bà viết trong thư ngày 30.11.1950: "Em không còn tiền, số tiền Mình đưa cho em khi ra đi đã cạn vì làm những việc như lợp mái, sửa chữa những gian phòng bị thấm nước, cũng như những việc phải tu bổ ở Valberg".
Hết sức bất ngờ, khi chúng ta biết thêm một chi tiết oái oăm, rằng, con trai trưởng Bino (tức Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long) lái chiếc xe Jaguar đã cũ mèm, trong lần đang chạy xe đã tông vào ụ đá chất đống ở bên đường, "chiếc xe bị hư vỏ bọc và hai bánh xe bên trái". Thư ngày 23.1.1954, bà than tiếp với chồng: "Hiện nay em đang chờ những chiếc bánh ô tô từ Italy gửi sang để lắp vào chiếc xe Jaguar cho đồng bộ… Trong thời gian chờ sửa xe, Bino dùng tạm chiếc Bentley hoặc chiếc Muntj của Ba để thử đi…".
Tuy nhiên, sự tằn tiện, "liệu cơm gắp mắm" của Nam Phương hoàng hậu nơi xứ người hầu như không được Bảo Đại quan tâm lắm, bằng chứng là trong thư ngày 22.10.1951, bà cho rằng mình rất ngạc nhiên: "Em không ngờ Mình lại tậu những hai chiếc máy bay. Mình thật đáng yêu vì đã nghĩ đến việc dành một chiếc cho em". Rồi từ thực tế của cuộc sống hằng ngày tại Pháp, bà đâm ra đắn đo, tính toán: "Nhưng nếu dùng máy bay này của Mình để đi Paris thì cứ mỗi cây số bay em sẽ phải trả một khoản tiền bằng chi phí có thể bằng cả một tháng tiêu xài thoải mái ở nơi này, nếu đi bằng xe lửa. Đi máy bay thì rất tiện nghi nhưng em không hề muốn sử dụng một chiếc nào cho riêng em". Sự lựa chọn này, hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh của bà và các con nơi đất khách quê người.
Năm tháng sống nơi xứ người, Nam Phương hoàng hậu xác định: "Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh" (thư ngày 3.5.1949).
Cuối cùng, Bảo Đại đã không hoàn thành sứ mệnh như bà mong muốn: Ngày 23.10.1955, tại miền Nam diễn ra cái gọi là cuộc "trưng cầu dân ý", qua đó, Thủ tướng Ngô Đình Diệm giữ chức Quốc trưởng thay thế Bảo Đại bị truất phế. Ngày 16.12.1957, ông Ngô Đình Diệm ký Dụ 17/57 tịch thu tất cả tài sản của vợ chồng Bảo Đại và một số người thân tín.
Vài chi tiết còn tranh cãi trên mộ
Từ năm 1958 đến khoảng thời gian còn lại cuối đời, Nam Phương hoàng hậu chọn cuộc sống ẩn dật, xa lánh mọi mối quan hệ. Bà mua một trang trại tại làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze, cách thủ đô Paris 450 cây số. Hiện nay, biệt thự của bà ở số 4 rue de la Basse Perche, phía trước cổng vào vẫn còn tấm bảng đồng ghi dòng chữ "Domaine de la Perche" (tạm dịch: Biệt thự hoa đào).
Bà qua đời vào đêm 14.9.1963, được an táng tại nghĩa trang Chabrignac. Ngôi mộ của bà đơn giản như biết bao nơi yên nghỉ bình thường của những người khác. Phía trước mộ có tấm bia đá ghi dòng chữ Hán: "Đại Nam Nam Phương hoàng hậu chi lăng", mặt mộ phẳng, đắp nổi cây thánh giá, kế tiếp có dựng tấm bảng nhỏ bằng xi măng ghi dòng chữ:
"Ici repose l'impératrice Nam Phuong née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao 14.11.1913 - 15.9.1963" (dịch nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của hoàng hậu tên Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao 14.11.1913 - 15.9.1963).
Về thông tin tấm bảng trên mộ có hai chi tiết còn chưa thống nhất: Một là ngày sinh của bà, nếu đúng phải ghi là ngày 17.11.1913 (mộ ghi ngày 14.11.1913).
Chi tiết thứ hai: Về ngày mất của Nam Phương hoàng hậu, có 3 nguồn tài liệu hiện nay khác nhau: có báo điện tử thông tin bà mất ngày 16.9, trong khi tấm bảng trên mộ bà lại ghi ngày 15.9.1963, còn tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là ngày 14.9.1963. Nay, rất cần xác định lại cho rõ và thống nhất.
LÊ MINH QUỐC
(nguồn Báo Thanh Niên từ ngày 24.3.2023 đến ngày 31.3.2023)
Add comment