THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Đồi thông hai mộ - Thật hay hư cấu về một chuyện tình?

LÊ MINH QUỐC: Đồi thông hai mộ - Thật hay hư cấu về một chuyện tình?

 

doi-thong-2-mo-co-that-hay-hu-cau

 

Anh Đinh Lăng, giờ đây đâu nhỉ?

Anh của em yêu qúy nhất đời

Anh đi mù mịt xa khơi

Phượng hoàng tung cánh phương trời mãi bay

Nỗi niềm em, anh hay chăng nhỉ?

Vẫn chờ anh bóng lẻ phòng không

Xa trông mây nước mịt mùng

Lệ sầu thấm ố chăn hồng đêm đông

Trước hết, phải nói rằng Đồi thông hai mộ đã có một thời rất nổi tiếng, khắp nơi khắp chốn đều nhắc đến. Tập thơ viết về chuyện tình của Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung. Cứ như theo bài báo trên Kiến Thức Ngày Nay số 1052 - ra ngày 1.11.2019):, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn cho biết truyện thơ này: “vua Bảo Đại truyền lệnh qua Bí thư Phạm Bích tặng thưởng ngân phiếu”.

Không những thế, trong tập thơ này (bản in năm 1962), ta biết sau khi Hội Khai Trí Tiến Đức hợp nhất với Hội Văn Miếu Văn Học thành Việt Nam Văn Hóa Hiệp Hội thì ngày 10.10.1950, tại đền Ngọc Sơn - trụ sở của Hội, ông Hội phó Ngô Bằng Giực đã trao phần thưởng Danh dự cho nhà thơ Tùng Giang - tác giả tập thơ tấm ngân phiếu trị giá 1.000 đồng với lời khen ngợi: “Mong tác giả sẽ có một tiền đồ vẽ vang sau này về văn chương” (tr.5). Ngoài ra các bậc trí thức như Hoàng Huân Trung, Ngô Thúc Địch, Nguyễn Tường Phượng, Như Băng nữ sĩ… cũng nồng nhiệt biểu dương chất lượng của tập thơ.

Hai mộ tại vị trí nào?

Trong bản in đang có trong tay, chúng tôi đọc kỹ Mấy dòng tản cư - Mấy trang tình sử bi hùng của nhà thơ Tùng Giang, theo đó, Đồi Thông Hai Mộ nằm ở gần Chợ Châu (sau gọi Chợ Đồn), cách tỉnh lỵ Hòa Bình trên dưới 40 cây số. “Đồi cao, bóng cả dưới gốc thông già, trên thảm cỏ mượt, khách bộ hành mỏi mệt nghỉ ngơi”. Và “Mỗi lần tôi đi Chợ Đồn là bắt buộc qua con đường độc đạo lượn quanh trên bờ Suối Ngang, chảy vòng theo dưới chân Đồi Thông cao rộng”. Những ngày đó, Tùng Giang cho biết đã chứng kiến hai ngôi mộ, thậm chí, còn thấy hai dòng đại tự khắc:

“Đinh Lăng - Trưởng vệ vị quốc quyên khu

Quách Mỵ Dung vị phu tử tiết” (tr.21).

Sở dĩ có truyện thơ này là do tác giả may mắn gặp được một ông cụ thuật chuyện về Đồi Thông Hai Mộ. Sau đó, có cụ đưa cho xem cuốn truyện viết bằng tiếng Mường, tiếng Thổ của của tác giả Chế Quang Tuyển - vốn là bạn thâm giao của Đinh Lăng. Tùng Giang viết: “Tôi hồi họp vì cụ bắt đầu đọc từng câu trong cuốn truyện. Đọc hết mỗi đoạn ngắn, cụ ngừng hẳn lại để giảng thành tiếng Kinh, nghe đến đâu tôi chép phân minh đến đấy”; “Tôi hứa với lão nhân sẽ theo sát lý nghĩa cao siêu của cốt truyện biên soạn thành nguyên âm vận văn Quốc âm Việt ngữ biểu dương đầy đủ tinh thần “Ái quốc chung tình, kiên trinh thủ tín”  (tr.27).

Không những thế, về ngôi mộ, theo Tùng Giang. ông cụ còn kể: “Hồi đó, tôi mới nhớn lên, tôi nhớ lắm một hôm tổ phụ tôi cùng các bô lão và các viên chức có địa vị trong nhân dân Ba Trại (Trại Trong, Trại Mít và Trại Cỏ) được lệnh lên Châu có việc. Khi về, tôi được nghe chuyện lạ lùng: Một “cô nàng” giống Thái trắng xinh đẹp lắm vận áo tu hành Xiêm quốc, nhờ Quan lang chuyển giao dân Ba Trại  số tiền 500 nén bạc. Với số tiền này, nàng thiết tha sở cầu ba việc:

- Hai mộ đất, cỏ đắp thành gò u, trên đỉnh đồi thông xây lại thật kiên cố bằng đá. Dựng một miếu tôn nghiêm để thờ hai linh hồn bất tử, hai thể phách cao siêu, hai từ tâm hãn hữu. Hai việc hoàn thành, tiền thừa bao nhiêu sẽ chi hết vào công cuộc phá vỡ thêm đồi, khai khẩn thêm nương, giồng cây, cấy lúa lấy hoa lợi, mua hương đăng, lễ vật tiến cúng ngày mồng một và ngày rằm tháng mỗi tháng.

Theo lệnh trên, lòng tôn kính hai linh hồn trong trắng khác thường, nhân dân Ba Trại đã làm đầy đủ sứ mệnh bề trên giao phó. Sau ngày đám tang rực rỡ từ xa ngàn dặm rước linh cửu Đinh Tướng Công về an tánh cạnh bà Quách phu nhân trinh nữ, cảnh Đồi Thông bỗng nổi danh “Kỳ nhân thắng cảnh”. Cách đó nửa năm, hai ngôi mộ mới, miếu đá hoàn thành, sùng kinh uy linh; xa gần thiện nam tín nữ vãng aai, chiêm bái càng ngày càng tấp nập (tr.36-37).

Nếu thông tin này có thật, tại sao đoàn du khảo của các ông Nguyễn Hữu Sơn lại không tìm thấy dấu vết? Trong bài này của ông Sơn có cho biết chi tiết, họ được chị Bảy cư dân địa phương dẫn đến thắp nhang tại ngôi mộ cổ: “Chỉ nghe các cụ truyền rằng đây là mộ của đôi trai gái không lấy được nhau, đưa nhau lên đây ăn lá ngón cùng chết. Vẫn cứ gọi là mộ Bụt, vì có lẽ mộ ở đầu nguồn Khe Bụt”.

Sự việc đến đây, ta thấy gì?

Chuyện trai gái không lấy được nhau, rủ nhau cùng về chín suối là có thật, nhưng rồi, từ đây, nhà thơ Tùng Giang mới hư cấu thêm, đặt nhân vật trong hoàn cảnh nước nhà đang binh lửa, nàng trung trinh, chàng là tướng quân để mối tình có “tầm vóc” hơn, có ý nghĩa với cộng đồng, chứ không đơn giản chỉ chết vì tình.

Trai, tín nghĩa anh tài trang liệt

Gái, thuận hiền tiết liệt hiếu trinh

Thật là rạng vẻ Quách - Đinh

Hai hồn, hai mộ, thác vinh lắm rồi

Song Thần Miếu đời đời còn mãi

Để cứu người dầu dãi sầu thương

Cứu người oan trái tình trường

Cứu người thất thế trên đường ép duyên

Do tập thơ quá hay, du dương dễ nhớ nên đã được truyền tụng rồi diễn thành kịch, từ đó, thiên hạ tin là chuyện n ày có thật. Liệu ý kiến chủ quan này có là suy diễn? Nếu thế, ta phải xét về nội dung của nó.

Nội dung của Đồi Thông Hai Mộ thế nào?

Tập thơ này chia làm 4 phần: Huyết thư nhòa lệ; Tâm vọng phi thường; Hồn mơ công lý. Có thể tóm tắt như sau, Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung là bạn học cùng lớp, họ yêu nhau, hứa hẹn se duyên cầm sắt thế nhưng song thân của cô Dung không đồng ý. Bấy giờ, Đinh Lăng đang có chí lớn muốn ra đi thỏa chí nam nhi báo đền nợ nước, họ cùng hẹn gặp nhau lần cuối ở Đồi Thông. Sau đó, chàng ra đi, ở nhà mòn mỏi chờ đợi nhưng bặt tăm tin cá, nàng đã quyên sinh về thế giới khác.

Thế là đành, thế là thôi

Người về chưa thấy, hoa rơi đã tàn

Đinh Lăng hỡi, muôn vàn thê thảm

Về đi thôi, can đảm quay về

Viếng mồ người cũ, gọi chia chút tình

Thời gian này, Đinh Lăng sang Nhật Bản học “Y khoa viện Đông Kinh” vẫn luôn nhớ về Dung. Vì thế, chàng khước từ lời tỏ tình của cô gái xứ Hoa Anh Đào là Thiên Hương. Cũng như Dung, Thiên Hương đã chọn lấy kết thúc:

Rồi một ngày vọng cuồng thất vọng

Nàng Thiên Hương xúc động vô ngần

Sẳn dao, nàng kết liễu thân

Một tin kinh khủng xa gần xôn xao

Đinh Lăng bị nhà cầm quyền bỏ tù vì nghi ngờ đến án mạng này. May thay, nhân dịp Thiên Hoàng thắng ngoại xâm nên ngài ân xá cho tội nhân, nhờ thế, chàng mới còn có cơ hội về nước và biết hung tin về Dung.

Thế là cả giấc mơ tan vỡ

Thế là thôi, tình vỡ mộng tan

Thế là trâm gẫy, gương tan

Đoạn trường cùng gánh suối oan cùng đò

Lúc này, non sông nước Việt đang binh đao, chàng gác nỗi buồn riêng, lên đường nhập ngũ, nhờ lập nhiều chiến công nên được thăng chức Trưởng vệ. Trước tin vui này, vị quan đứng đầu Châu, gọi là Châu úy đã muốn gả Bích Liên cho chàng. Chàng khước từ. Khổ nỗi, trong khi đó, Lồ Kỳ Lân cầu hôn mấy lần nhưng Bích Liên từ chối. Nghĩ rằng do Đinh Lăng mà người đẹp không thèm đoái hoài tới mình, vì thế Lân tìm cách giết chàng. Đó là dịp ba quân thắng trận trở về, trên đường đi bỗng một tên cắm phập vào ngực Đinh Lăng. Thi hài chàng được an táng gần mộ của Quách Mỵ Dung.

Biết thủ phạm là Lân, Bích Liên dùng mưu kết bắt Lân để rửa hờn cho người nơi chín suối. Sau khi hoàn thành chuyện này, Bích Liên xuống tóc đi tu và chính là người đã đem 500 nén bạc về Đồi Thông để xây mộ nguy nga hơn - như đoạn trên nhà thơ Tùng Giang đã kể.

Xét từ câu chuyện này, rõ ràng gần như hư cấu của tiểu thuyết hơn có thật, vì các tình tiết ấy xẩy ra trong khoảng thời gian nào? Không rõ. Có hay không chức Trưởng vệ, nếu có thì thời nào? Không rõ. Ngay cả Mấy dòng tản cư - Mấy trang tình sử bi hùng, theo tôi có thể chỉ là bước “dọn đường” thêm phần ly kỳ, cứ “như thật” khi tung ra tác phẩm này, vì tên tuổi của người đã kể cho Tùng Giang nghe chuyện tình Đinh Lăng - Mỵ Dung, tác giả chỉ ghi “lão nhân” hoặc “cụ” rất đỗi mơ hồ…

Trong bài “Hai ngày về nguồn Đồi thông hai mộ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đã có “ba thu hoạch” sau chuyến đi tìm mộ Đinh Lăng - Mỵ Dung: “là một trường hợp còn cần tiếp tục được thảo luận, xem xét, lý giải…”, xin không nhắc lại.. Tôi chỉ trộm nghĩ thêm, còn có thể thấy thêm một điều thú vị khác, đại khái, qua áng thơ, các thi nhân có thể “bịa chuyện” y như thật để cuối cùng thiên hạ cứ tưởng là thật. Muốn thế, điều kiện trước nhất ngoài thời điểm ra mắt phù hợp thì dứt khoát… thơ phải hay, có sức tác động sâu đậm lòng người…

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay - số 1060 ngày 20.1.2020)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com