THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thú vui sưu tập

LÊ MINH QUỐC: Thú vui sưu tập

 

 

Sống trên đời mỗi người chọn cho mình một thú vui để thư giản. Sưu tập cũng là một thú vui như thế, nhưng hơn cả thế, qua đó, người sưu tập còn có thể tự học được nhiều điều mà đôi khi ở trường lớp thầy cô không đề cập đến.

GK-2R

Sưu tập của L.M.Q

Ở Việt Nam, xưa nay đã có nhiều người “thành danh” là nhờ bắt đầu từ ý thức sưu tập. Thế kỷ XVIII, thư sinh Phan Huy Chú trong thời gian đi học có ham mê là sưu tập sách cũ từ đời xưa còn truyền lại. Sau này, ròng rã trong mười năm trời, ông đã vận dụng kiến thức từ những trang sách ấy để viết nên bộ Lịch triều hiến chương loại chí - bộ bách khoa toàn thư của Việt Nam. Ở thế kỷ XIX cũng có nho sinh Lê Nguyên Trung được đời sau biết đến là nhờ ý thức sưu tập tủ sách riêng cho gia đình và dòng họ mình. Bài Lê thị tích thư ký của ông nổi tiếng trong văn học sử, có những câu mà người đời sau không thể không chia sẻ sự đồng cảm: “Dẫu biết, chứa sách không bằng tích lũy việc làm điều thiện. Đáng tiếc ta chưa tích lũy được nhiều điều thiện. Tuy nhiên, trung hiếu là báu vật của nhà nho, kinh sử là ruộng nương của nhà nho. Con cháu ta biết việc học hành, cấy lúa là cần thiết thì phải gắng sức học tập. Biết đọc sách thì phải biết giữ sách, không để thất lạc, ngõ hầu không bỏ hoang ruộng của mình, không bỏ rơi báu vật của mình, gắng sức tiến lên làm điều thiện. Như thế thì không phụ lòng sưu tập sách của ta”.

Gk-3R

Sưu tập của L.M.Q

 

Và đầu thế kỷ XX, ta không thể không nhắc đến nho sinh Cao Xuân Dục nổi tiếng với Thư viện Long Cương -  hễ sưu tập được tài liệu, sách vở quý thì cụ sao ra làm nhiều bản để con cháu có thể giữ đọc. Nhờ vậy, sau này con trai của cụ là Cao Xuân Huy đã tự học từ kho sách ấy để trở thành “Nhà đạo học của thế kỷ XX”; hoặc Mộng Thương thư trai của nho sinh Nguyễn Hiệt Chi với một nhà sách khổng lồ mà sau này trở thành nòng cốt của tủ sách Hán Nôm Việt Nam... Có một điều ít nguời biết, một trong 8 của xã Trường Lưu (nay thuộc huyện Can Lộc - Hà Tĩnh) được văn nhân tài tử thế kỷ XVIII chọn, đó là... Phúc Giang thư viện. Thư viện này do Nguyễn Huy Oánh sáng lập. Tôi ngờ rằng, cũng chính từ tủ sách này mà con trai trai ông là Nguyễn Huy Tự được hun đúc tấm lòng yêu văn chương để làm nên tác phẩm Hoa tiên rất nổi tiếng.

Nói về lợi ích của công việc sưu tập sách thì nhiều. Chỉ xin trích dẫn lời phát biểu của một thi sĩ nước Ý là Pétrarque: “Tôi có bằng hữu đủ hạng người và thuộc đủ các nước. Bạn không khi nào phiền nhiễu tôi, và một khi tôi hỏi han điều gì, vẫn có câu trả lời túc trực. Có bạn nhắc tôi những dĩ vãng êm đềm năm cũ, có bạn chỉ tôi những huyền diệu trong vũ trụ hiện thời. Bạn dạy tôi sống cho phải đường, bạn dạy tôi chết cho phải cách. Trong những bước đời éo le bối rối, tôi đều có thể trông cậy vào bạn, người bạn quý ấy, chỉ cầu xin có một chỗ yên tĩnh, nhỏ gọn trong vuông phòng thanh nhã của tôi là đủ”.

Như đã nói ở trên, thú vui sưu tập có nhiều loại - tùy vào sự lựa chọn của mỗi người. Sống cùng thời đại của chúng ta, có cụ Vương Hồng Sển. Trở thành nhà sưu tập, nhà nghiên cứu cổ ngoạn bậc nhất ở Việt Nam trong thế kỷ XX, cụ Sển đã “lập nghiệp” từ những bước đi của một cậu học trò ban đầu chỉ thích được ngắm nhìn cổ vật. Lãnh vực sưu tập tranh, trẻ tuổi nhất trong các nhà sưu tập hiện nay là anh Trần Hậu Tuấn. Để trở thành người sưu tập tranh của danh họa Bùi Xuân Phái nhiều nhất Việt Nam, anh cho biết ban đầu chỉ là cậu bé thích có...những bức tranh nhiều màu sắc dán lên tường nhà cho đẹp mắt! Ngoài ra, ta còn có thể kể đến những nhà sưu tập nổi tiếng khác như Đức Minh, Lâm toét v.v... Bộ sưu tập của họ đã góp phần làm phong phú cho kho tàng mỹ thuật nước nhà.

Đối với các nhà sưu tập chuyên nghiệp thì bước đầu họ chỉ nghĩ đơn giản là... chơi mà thôi! Nhưng trong “cuộc chơi” này, dần dần họ học được nhiều điều và nâng chuyện chơi ấy thành ý thức tự giác. Chúng ta không thể quên được cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ - nhà gia phả học hiện nay có tầm vóc nhất của Việt Nam, cụ Toan Ánh - nhà nghiên cứu uy tín về phong tục Việt Nam hoặc nhà văn Sơn Nam - được người đời xưng tụng là “nhà Nam bộ học” v.v... cũng là những người từ thời đi học đã thích sưu tập theo mỗi một chuyên đề mà họ yêu thích và cuối cùng suốt đời họ chỉ... đeo đuổi chuyên đề ấy. Gần đây, ta còn thấy “nổi lên” những nhà sưu tập khác như nhà báo Trần Thanh Phương với kho tàng đồ sộ là cắt lại các bài báo theo từng chuyên đề rất công phu; nhà báo Phan Kim Thịnh chuyên tâm sưu tập những tài liệu về tình hình chính trị xã hội thời Sài Gòn cũ để viết nên nhiều tập sách thú vị v.v...

gk-5R

Sưu tập của L.M.Q

Dù đã biết, ban đầu chuyện sưu tập này chỉ là chuyện “chơi cho vui”, chứ chưa ý thức để sau này vận dụng vào những công trình nghiên cứu có ích cho đời, nhưng nếu chẳng may ta bị bệnh ngặt nghèo nào đó thì có thể thành người sưu tập không ? Câu trả lời tất nhiên là có. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Lê Ngọc Trụ là một thí dụ. Lúc còn đi học, cụ đau tai và bị mổ xương mép tai trái nên đau yếu luôn, đến lúc vào đời thì bệnh cũ tái phát nên chỉ nằm nhà đọc sách. Thời gian này, cụ có thú vui là sưu tập sách về ngôn ngữ học trong và nước để khuây khỏa. Từ chỗ có nhiều sách, cụ đọc và tự học để sau này có được những tác phẩm nghiên cứu rất có giá trị như Tầm nguyên từ điển Việt Nam, Việt ngữ chính tả tự vị...

Còn bạn, sao bạn không thử chọn cho mình một chuyên đề nào đó để thư giãn “chơi cho vui” ? Tôi tin chắc rằng, qua đó, bạn sẽ bắt đầu tự học được nhiều điều rất thú vị... Rồi sau này, sẽ có lúc bạn hăm hở kể lại cho người những cảm nhận thú vị ấy qua bộ sưu tập của mình cho mọi người cùng biết. Như thế, bạn đã trở thành nhà sưu tập chuyên nghiệp rồi đó!

L.M.Q

(nguồn: Báo Mực Tím)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com