THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Nguyễn Văn Tú - Người Việt Nam đầu tiên chế tạo đồng hồ máy

LÊ MINH QUỐC: Nguyễn Văn Tú - Người Việt Nam đầu tiên chế tạo đồng hồ máy

 

Trong bộ Lịch sử Việt Nam (tập 1) do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn năm 1976, trang 410 có viết: “Nguyễn Văn Tú (người Quảng Trị) đã chế tạo được đồng hồ máy và ống nhòm theo kiểu phương Tây”. Trước hết, xin được đề cập đến loại đồng hồ trước đó đã xuất hiện ở nước ta để thấy tầm quan trọng của sáng chế này.

thoi-vua-le-chua-trinh

 

Đầu tiên có thể người ta ước định thời gian bằng cách đo bóng nắng. Họ nhìn mặt trời lên “một con sào” hay lên “đỉnh đầu” để biết “đứng bóng” hoặc “tròn bóng” hoặc “xế bóng” mà định thời khắc trong ngày. Về sau, họ biết bắt chước theo kiểu đồng hồ “lậu khắc” từ bên Tàu truyền sang. Trên báo Tuần san SGGP số ra ngày 2-5-1998, ông Hoàng Anh giải thích như sau: “Trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều có câu:

Mắt chưa nhắp, đồng hồ đã cạn

Cảnh tiêu điều ngao ngán dường kia

Đồng hồ trong hai câu thơ trên dùng để đo thời gian, nhưng hoàn toàn không giống đồng hồ ngày nay. Đó là một cái bình (chữ Hán hồ có nghĩa là bình) bằng đồng, trên thành bình khắc mười hai khắc tương đương với 12 “giờ” (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) của một ngày một đêm. Ở đáy bình có một lỗ nhỏ. Bình chứa đầy nước. Nước rỉ ra theo lỗ nhỏ, cạn dần, cạn tới mức nào đó thì tính ra giờ tương ứng với mức đó. Loại đồng hồ này còn gọi là lậu hồ (lậu có nghĩa là nhỏ giọt, rỉ ra).

Đồng hồ trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng là loại lậu hồ này.

Đêm thu khắc lậu canh tàn

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương

Có nơi dùng cát mịn thay cho nước gọi là sa lậu (sa nghĩa là cát). Sa lậu gồm có hai bình bằng thủy tinh chồng lên, thông với nhau bằng một lỗ nhỏ. Cát mịn từ bình A (ở trên) từ từ chảy xuống bình B (ở dưới) qua lỗ nhỏ. Căn cứ vào mực cát khắc trên thành bình mà người ta tính được giờ. Khi cát ở bình A chảy hết, người ta lật ngược sa lậu, đến lượt cát ở bình B (ở trên) chảy dần xuống bình A (ở dưới)…".

Nghĩ ra “kỹ thuật” của đồng hồ kiểu này trong Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: “Sơ học ký chép: “Việc làm ra lậu khắc có từ đời Hoàng Đế, truyền đến đời Hạ, đời Thương”. Cái lậu khắc ấy dùng để xem giờ có 3 tầng tròn, đường kính đều một thước, để trên cái thùng hứng nước hình vuông, có con rùa vàng miệng phun nước vào thùng, nước chảy ngang dọc lại chảy xuống đồ chứa nước để ngang ở dưới gọi là cái cừ. trên cái cừ này có đặt hình nhân đúc bằng vàng gọi là quan tư thần, mặc áo, đội mũ, tay có cầm hai cái tên. Ấy là cái lậu khắc do Ân Quỳ chế ra”. Đọc như vầy, ta hiểu là khi nước chảy ngập đến khắc nào của cái tên (hay cái thẻ) mà quan tư thần đang cầm, thì người ta biết được thời khắc lúc ấy. Ngoài ra còn có loại đồng hồ khác do Lý Lan chế ra mà Lê Quý Đôn miêu tả: “Lấy đồng đúc một con quạ khát nước, gọi là khát ô, hình thù như một cái móc câu uốn khúc, dẫn nước vào miệng con rồng bạc cho phun vào chậu, cứ nước chảy xuống được một thưng, trọng lượng hai cân là một khắc”.

Theo Đại Nam thực lục (tiền biên) thì đời chúa Nguyễn Phúc Chu, những người thợ ở Đàng Trong đã chế được loại đồng hồ tự động đánh chuông gọi là Tự minh chung. Loại đồng hồ này có điểm đặc biệt là nó chia làm 24 giờ. Thời gian này, các cố đạo trên đường đi tìm nơi rao giảng đạo, họ đến nước ta và dĩ nhiên phải làm mọi cách để lấy lòng chính quyền nước sở tại. Một trong những cách lấy lòng ấy là họ đã tặng quà bằng những chiếc đồng hồ chạy bằng máy móc, gọn nhẹ và chính xác. Chiếc đồng hồ do cha cố tặng cho chúa Nguyễn Phúc Chu một ngày nọ bị hỏng hóc, chạy cà rịch cà tang, Chúa bực mình lắm, bèn giao cho một người thợ Tây (tên dịch là Từ Tâm Bá) và một người thợ Tàu là Tài Phú đem về sửa. Hai người này mày mò mãi mà vẫn không sửa được. Còn các quan lại của ta thì dĩ nhiên là bó tay “chào thua” trước chiếc đồng hồ sản xuất theo kỹ thuật tiên tiến của phương Tây.

Cuối cùng những người dân ở vùng Thuận Hóa mới giới thiệu cho Chúa một cụ già 74 tuổi. Cụ tên là Nguyễn Văn Tú, người xã Đại Hòa, huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Hải - Bình Trị Thiên). Đến gặp Chúa, cụ thưa:

- Gia đình chúng tôi xin nhận sửa chiếc đồng hồ này. Có lẽ cũng không khó lắm.

Chúa Nguyễn Phúc Chu ngạc nhiên:

- Gia đình à? Sao lại là gia đình?

Cụ Tú cúi đầu từ tốn đáp:

- Bẩm Chúa, đúng như vậy ạ!

Thế là cụ cầm chiếc đồng hồ đem về sửa. Chỉ hai ngày sau, công việc hoàn thành. Đem trả lại đồng hồ Chúa lúc bấy giờ là cả một đoàn người, có người em cụ là Nguyễn Văn Thi, người con là Nguyễn Văn Duy, người con rể là Lương Văn Dũng. Cụ trình với Chúa:

- Tất cả gia đình chúng tôi đều biết sửa và chế tạo ra đồng hồ.

Để chứng minh cho lời nói của mình, ngoài chiếc đồng hồ cũ của Chúa đã sửa hòan chỉnh, cụ còn tặng thêm một chiếc đồng hồ mới! Đặc biệt chiếc đồng hồ do gia đình cụ chế tạo, ngoài việc đánh chuông báo giờ thì nó còn báo từng ngày trong tháng. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn có nói rõ: “Hễ gặp ngày nào thì hai bên hiện chữ ra, hết vòng thì trở lại, thật là tuyệt diệu”.

Câu ca dao hiếm hoi có hình ảnh chiếc đồng hồ:

Đồng hồ sai bởi dây thiều

Xa anh vì bởi sợi chỉ điều se lơi

Có lẽ xuất hiện thời này chăng? Một phát minh quan trọng như thế vậy mà lại không được những nhà làm sử lưu tâm ghi chép trình bày đầy đủ chi tiết kỹ thuật.

Đáng tiếc thay!

 

L.M.Q

(1999)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com