Từ ngày 1-10-1995 đã có chị thị của Chính phủ nghiêm cấm việc tiếp đãi rượu bia và tặng... bì thư khi tiếp khách. Thật ra những tiêu cực này đã được nhân dân phê phán bằng những nụ cười trào phúng và hóm hỉnh. Ở đây xin tạm bàn luận về cái gọi là phong bì vậy.
Từ thời xa xưa, trong ca dao đã nói đến cái phong bì như vầy:
“Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò xanh
Gửi nhhà Bưu điện, nhớ tới anh đêm ngày”
Đó là lúc sau ngày 1-1-1864. Chứ thật ra, ngay từ lúc mới khánh thành Bưu Điện Sài Gòn vào ngày 13-1-1863 thì nó chỉ dành riêng cho Nhà nước vận tải công văn, truyền bá mệnh lệnh. Còn thư tín của cá nhân, tư nhân phải chờ ai đó đi đâu thì nhờ người ta đem theo nhờ, tôi tạm gọi là lối “gửi thư tay”. Vậy thời xưa đó mới có câu:
“Buồn tình ơi hỡi buồn tình
Không ai đi Huế cho mình gửi thư”
Thông thường thì trong thư người ta ghi những lời thăm hỏi, hoặc thông báo một thông tin nào đó. Bước sang thế kỷ XX, cách đây vài năm, tôi nghe người ta khái quát thành câu:
“Mực Cửu Long ghi dòng chữ thắm
Bút Trường Sơn ghi đậm tình thâm”
Lẽ dĩ nhiên, thư gửi đi thì phải dán tem. Có một cô gái do thiếu tiền mua tem nên mới ghi trên bìa thư:
“Xa xôi tình cảm dạt dào
Nhờ ông bưu điện gửi vào tận tay”
Ông bưu điện vốn là người hài hước nên trả lui lá thư đó và không quên ghi rằng:
“Thế thì ông để lại đây
Để xem tình cảm chúng mày ra sao?”
Tình cảm ra sao thì chỉ có... trời mới biết! Có một nhà thơ nọ đã viết thư kể chuyện quê mình cho một cô bạn gái:
Đêm nay
Trăng sao lủng lẳng
Anh nằm thẳng cẳng
Viết thư thăm em
Đoạn “mào đầu” nghe cũng có duyên đấy nhỉ? Ngày xưa, thuở còn trẻ trung phơi phới yêu đời, ông thi sĩ Bùi Giáng có đến Huế. Đến đó ông cảm tác rằng:
Dạ thưa, xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự trên bờ sông Hương
Hai câu này đã được ông Hoàng Phủ Ngọc Tường xếp vào hạng “tuyệt hay” – vì nó đã nhận xét xứ Huế rất tự nhiên mà... trúng phóc! Còn tôi, có lần được bạn từ Huế gửi thư, kể rằng:
Huế bây giờ nỏ có chi
Chỉ còn lăng miếu hiếu kỳ coi chơi!
Sông Hương nước lững lờ trôi
Như bao sông khác quê người quê ta
Huế vừa xây chợ Đông Ba
Chỉ là cái chỗ người ra người vào
Huế ta rất đỗi tự hào
Thừa văn thừa chữ “mệ” nào cũng... mần thơ!
Đã đời chưa? Phải đọc chậm thôi thì mới hiểu hết thâm ý! Thông thường khi có người đi xa thì ta thường viết thư gửi gắm. Có lần khi biết tôi sắp đi công tác, một người bạn đã gửi lá thư có nội dung rất... vui:
Ra Hà Nội gặp Phạn Tuân
Nhờ bạn mua hộ cái quần Liên Xô!
Khi đến Hà Nội, tôi có đến thăm anh hùng Phạm Tuân. Khi nghe nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cao hứng đọc hai câu này, Phạm Tuân đã cười ngặt nghẽo. Đấy! Thơ dân gian đem lại những tiếng cười như thế này thì tuyệt quá chứ. Tôi có thằng bạn khoái đi du lịch, khi đến Thanh Hóa, hắn đã ghi thư cho tôi và dặn dò: “Gái Thanh Hóa, khóa Virô”. Đấy! Có sức khỏe bằng trời cũng đừng hòng mà mở được “cái khóa” này. Ghê chưa? Khi đến Nha Trang, không rõ trời xui đất khiến thế nào mà hắn lại hạ bút... mần thơ! Để làm gì? Để vịnh cái đồng hồ:
Ngự trên cao vút uy nghi
Sắm đồng hồ lớn làm gì vậy ta?
Đồng hồ đặt ở sân ga
Trừ quỷ trừ tà thay kính chiếu yêu
Kim đứng từ sáng tới chiều
Chuông không thèm báo dây thiều không quay
Đồng hồ mua tận bên Tây
Cốt để trình bày ra vẻ giàu sang
Đồng hồ ở chốn Nha Trang
Vừa chạy vừa đứng vô can sự đời!
Hồi mới đầu giải phóng, bạn tôi đến Đà Nẵng. Ấn tượng để lại trong đầu của hắn là cảnh đẹp gì? Với câu hỏi ấy, hắn viết thư trả lời:
Cho dù bão táp mưa sa
Khách lạ đến nhà phải báo công an.
Đúng quá! Đây là hai câu khẩu hiệu mà hồi đó được viết đầy tường ở Đà Nẵng. Bạn đã đi Côn Đảo chưa? Chưa à? Tiếc quá nhỉ! Thú thật tôi cũng chưa đến, nhưng vẫn biết nơi đó có một đặc sản ngon tuyệt là ốc vú nàng. Đây là loại động vật không xương sống, thuộc lớp chân bụng, ngành Thân mềm. Ốc có vỏ cứng bằng đá vôi, tạo thành ống rỗng, cuộn vòng quanh một trục chính thành các vòng xoắn đặc trưng, thường theo chiều thuận (chiều kim đồng hồ). Sở dĩ phải giải thích dài dòng như thế để bạn đọc khỏi hiểu lầm mấy “câu thơ” của một người bạn gửi tôi “tiếp thị” về đặc sản này:
Ai về Đất Thắm Bãi Bàng
Hỏi thăm Ông Đụng vú nàng lớn chưa?
Chàng hỏi thì nàng xin thưa
Vú nàng đã lớn nhưng chưa ai mò
Còn khi tôi đến Huế trong mùa thi... thơ “dành cho các cây bút trẻ”, nên đến bây giờ còn nhớ như vầy:
Cố đô giải thưởng tỉnh nhà
Đố cô biết được đó là giải chi?
Đó là giải thưởng tỉnh nhà
Cố tranh nhau giải để mà lấy đô
Đố cô: Ai ở Cố đô
Vừa thi vừa chấm vừa... vồ giải luôn?
Tuyệt chưa? Xin bật mí còn vài câu thơ dí dỏm nữa. Nhưng lúc này chưa thể... kể tiếp. Ủa đang nói chuyện gửi thư mà lại nhảy sang chuyện thi thơ! Dứt khoát là lạc đề rồi. Vậy xin lái lại chuyện gửi thư nhé! Lại nhớ rằng đã có lần tôi viết thư ra Hà Nội hỏi thăm một ông bạn có máu... hài hước: “Vì sao nhà thơ nổi tiếng Bút Tre về hưu?”. Tôi cho rằng, nếu trả lời được câu hỏi này tức là đã đóng góp một phần không nhỏ cho... văn học sử! Ai đời một nhà thơ nổi tiếng cỡ:
Kể từ khi có Bút Tre
Câu thơ nó cứ tréo ngoe cẳng ngồng
Ngày nay trên cõi tiếu lâm
Mấy ai nổi tiếng hơn ông Bút Trè?
Vậy tại sao ông về hưu thì không biết lý do? Vô lý quá! Tôi bèn nghiên cứu “đề tài” này để thực hiện một “tiểu luận”! Vài ngày sau từ Hà Nội, bạn tôi đã ghi thư trả lời như sau: “ông Bút Tre quyết tâm xin về hưu vì đã gặp một hậu sinh khả úy. Hậu sinh này có lắm tài. Tài thứ nhất là tài... thuyết trình trước công chúng. Có thơ Bút Tre ca ngợi như vầy:
Hoan hô đồng chí Trần Minh
Khố Chuối lên bục... thuyết trình rất hay!
Hội trường yên ắng ngủ say
Thuyết trình vùa dứt... Vỗ tay ra về.
Ngoài tài thuyết trình thì hậu sinh này còn có tài làm thơ! Chắc chắn là thơ hay hơn... Bút Tre - nên sau khi thù tạc ngâm vịnh với nhau thì Bút Tre thấy mình “lép vế” đành xin... về hưu!”
Có thật không nhỉ! Hay chỉ là chuyện bạn tôi bịa ra? Tôi bèn ghi thư hỏi lại cho chu đáo, vài ngày sau bạn tôi lại hồi ârn như sau: “Đó là chuyện có thật 100% vì theo tư liệu tìm được thì Bút Tre có làm bài thơ để... chứng minh cho lý do về hưu của mình. Thơ rằng:
Nhà thơ nổi tiếng Bút Tre
Gặp ông Khố Chuối xuống xe vái chào
Khố Chuối mới hỏi: “Tại sao?”
Rằng: “Tôi đã được ngó vào thơ anh!
Làm thơ từ thuở tóc xanh
Đọc thơ anh thấy phải đành... về hưu”
Lại xin kể tiếp rằng:
Bạn tôi là một nhà báo. Đã là nhà báo thì tất nhiên phải... đi họp. Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, bạn tôi đã viết thư kể rằng: đi họp sướng nhất là những lúc:
“Một đi có vé máy bay
Hai đi có cái cầm tay đem về
Ba đi khách sạn đề huề
Bốn đi em út ngồi kề một bên.”
Cái khoản thứ bốn chắc là lúc đi “thực tế” viết bài về tình hình karaoke hiện nay chăng? Còn khi mới bước vào phòng họp thì sao? Này nhé:
“Kính thưa, kính gửi, kính mời
Trong ba kính ấy anh xơi kính nào?”
Nếu ai đặt câu hỏi đó thì bạn tôi không ngần ngại gì mà giấu giếm: .
“Kính thưa là chuyện tào lao
Kính mời, kính biếu, kính nào cũng xơi!”
Thông thường sau những lời “kính” như thế thì trong các buổi họp thường có thêm... phong bì. Những cái phong bì như thế là cực kỳ quan trọng đấy nhé! Có một giám đốc xí nghiệp X đã đúc kết thành “kinh nghiệm” khi đối phó với cơ quan thanh tra như sau:
Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì
Hễ có phong bì thì lại “thank you”!
Để biết tầm quan trọng của phong bì xin mời bạn “tham khảo” lời tâm sự của bạn tôi:
“Phong lan, phong cấp, phong bì
Trong ba thứ ấy phong gì là hơn?”
Nếu bạn đặt câu hỏi như thế thì sẽ được nghe lời phân tích rất rành mạch và đầy... thuyết phục:
“Phong lan chơi mãi cũng buồn
Phong cấp thì phải cúi luồn cấp trên
Phong bì như cánh hoa sen
Mở ra thơm phức vợ khen con cười!”
Phong bì gì mà lạ thế nhỉ? Vậy mới có chuyện tản mạn này chứ!./.
(trích: Nụ cười dân gian hiện đại, bản in năm 1997. Về sau khi tái bản, đổi tựa Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam).
Cùng một chủ đề:
< Lùi | Tiếp theo > |
---|