THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Học Lạc - thi sĩ trào phúng của miền Nam nước Việt

LÊ MINH QUỐC: Học Lạc - thi sĩ trào phúng của miền Nam nước Việt

 

104AlbertKahnR


Tìm về văn học trào phúng miền Nam, ta thường nghe nhắc đến một vài tên tuổi quen thuộc. Nhưng để biết rõ sự nghiệp của họ thì không dễ đàng, bởi tài liệu để lại không nhiều. Trong số những nhân vật này, có thi sĩ Học Lạc. Lâu nay, ta chỉ biết loáng thoáng rằng, Học Lạc tên thật Nguyễn Lạc, hiệu Sầm Giang, quê Mỹ Tho. Thuở nhỏ, ông thông minh, được vào học trường quan Đốc học nên mọi người thường gọi Học sanh Lạc, về sau gọi gọn “Học Lạc”. Căn cứ vào một bài ca trù do nhiều nhà nho ở Gò Công truyền tụng, đời sau đã đoán năm sinh của Học Lạc. Bài ca trù như sau:

Năm Kỷ sửu tuổi vừa bốn tám

Lấy gương soi ngẫm lại luống cười thầm

Tóc tơ đã nhuốm điểm hoa râm

Nhỏ rồi lớn, lớn rồi già, già trối kệ

Thân hạt lúa nổi chìm trên mặt bể

Cánh chim hồng cao thấp dưới chân trời

Thôi từ đây đến năm mươi, sáu, bảy, tám, chín mười mươi

Già một kiếp cũng tàn cho mãn kiếp
...

Nếu đúng bài này của Học Lạc, ta lấy năm ông mất là năm 1915 rồi tính ngược lại thì biết năm sinh của ông Nhâm dần, 1842. Tôi ngờ rằng, đây là một thông tin đáng tin cậy. Ở bài ca trù này còn cho thấy một tính cách rất Học Lạc:

Say dựa gối ngâm thơ cho vợ ngủ

Buồn chong đèn đánh kiệu với con chơi

Gia đình này sẵn có thú vui

Phải là người lạc quan, tếu táo mới có thể hạ những câu nhẹ nhàng, ấm áp như thế. Về tiểu sử của ông, có lẽ ông Nguyễn Liên Phong là người viết trước nhất. Do sống cùng thời với Học Lạc và có mối quan hệ thân tình nên ông Phong nhận xét:

Thầy Học tính vui vẻ
 

Hình dung xem nhỏ nhẹ
 

Tiếng nói rảng như chuông

Giọng ngâm ngân quá ghẹ

Đầu thang, thuốc nổi danh

Bói dịch, nghề hay quẻ

Thi phú giọng hơi cao

Kim tranh phi ngón lẹ

Văn minh nay đổi dời

Tập tục ngày khác lẽ

Sống dai mệt xác phàm

Thác trước con ma khỏe

Cố nhân mất đã lâu

Linh săng hay chăng lẽ

Còn tôi với Nhiêu Phong

Bạn tác xưa mấy kẻ?

Qua bài thơ này, ta thấy Học Lạc là người tài hoa “cầm kỳ thi họa”, bóc thuốc, xem quẻ là tay già dặn. Cũng trong tập Điếu cổ hạ kim thi tập (in tại Sài Gòn năm 1915), ông Phong viết: “Ngài học hành uyên súc lắm, chuyên trị nghề y dược, cứu bịnh người ta lành mạnh đặng nhiều. Ngài hình trạng nhỏ thó, nước da trắng, thấp người, không râu, tiếng nói rổn rảng như chuông. Nghề bói diệc cũng là sở trường... Thú cầm kỳ thi họa, ngài đều biết đủ; luận theo sức văn học tài bộ thì sâm si (tức sấp sỉ, tương đương - L.M.Q) với ông Đồ Chiểu và ông Cử Trị. Ngài sau tị nạn binh lửa dời lên chợ Thuộc Nhiêu, cất ba căn nhà lá dạy trẻ học trò chữ Nho và chuyên y đạo cứu nhơn độ thế rất nhiều, tánh lại ruột gan khí khái, trượng nghĩa sơ tài”.

Thơ trào phúng của Học Lạc để lại không nhiều, do thất lạc. Nay nhiều người vẫn còn nhớ đến những bài thơ tiêu biểu, đặc sắc nhất của ông. Bài thơ “Ngồi trăng”, ông làm trong lúc bị bắt đóng nọc. Bị bắt vì có một hôm, gặp sòng bong vụ, ông chỉ đứng xem chơi nhưng cũng bị “hốt” chung với tay Khách trú làm cái. Bài viết theo bằng trắc rất độc đáo:

Hóa An Nam, lứ khách trú,

Trăng trối lăng xăng nhau một lũ.

Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc, Nam;

Trong tai cắc cớ xui đoàn tụ.

Bợm làng chẳng vị sĩ năm kinh,

Ông Bổn không thương người bảy phủ.

Phạt tạ xong rồi trở lộn về,

Hóa thời hốt thuốc, lứ bong vụ.

Xin giải thích “hóa”: tôi; “lứ”: anh (tiếng Triều Châu); “trong tai”: trong lúc gặp tai nạn; sĩ năm kinh: học trò giỏi hay thầy ngồi dạy học; “bong vụ”: đánh thò lò.

Bài thơ này, Phan Khôi - nhà báo sừng sỏ, lẫy lừng nhất thập niên 1930, trong tập Chương Dân thi thoại đã nhận xét xác đáng: “Bài này chẳng những hay vì vần trắc, mà lại có cái hay khác nữa. Cái hay ấy tại nơi ý kín mà rõ. Theo người không lành nghề, khi làm bài này thì đã chăm chăm kể những sự oan ức của mình, sao không đánh mà lại bị bắt. Như vậy thì ra có bao nhiêu trong ruột đem tuôn ra hết,  nông nổi quá mà vụng về quá. Nhà phê bình sẽ cho là “thiếu sự hàm xúc”. Ông Học Lạc ở đây chẳng nói nửa lời về sự oan của mình, chỉ tỏ ý ra trong câu 3 - 4 và câu kết mà thôi. Phạt tạ xong rồi, trở về, một đằng cứ việc hốt thuốc, một đằng cứ việc bong vụ, thì biết rằng trước khi ấy một đằng cũng vẫn bong vụ, một đằng cũng vẫn hốt thuốc. Hai đàng vốn không dính dấp gì nhau mà vẫn bị bắt làm một, thế là bắt tầm bậy. Đại ý này, ông Học Lạc muốn nói gì? Ông chỉ muốn tỏ ra cho chúng ta biết người cầm quyền bắt bớ lúc bấy giờ là tầm bậy đó thôi”. Rõ ràng, nghệ thuật trào phúng của Học Lạc đã đạt đến độ điêu luyện.

Thơ trào phúng có giá trị là ở chỗ nó gắn với thời sự. Nhưng oái oăm cũng là chỗ này, vì khi thời sự đã đi qua thì bài thơ ấy có còn “đứng” được trong trí nhớ người đọc của thế hệ sau? Những tên tuổi lẫy lừng như Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thiện Kế, Cử Trị, Tú Mỡ... đã có những bài thơ trào phúng về cái thời sự đang diễn ra, nhưng sau đó bài thơ đó vẫn được nhắc đến như một bài thơ “độc lập” mà thời nào, hoàn cảnh nào người đọc cũng có thể tâm đắc. Đó là cái tài, tài tình của nhà thơ. Với Học Lạc, ta cũng thấy ở ông cũng có những bài thơ như thế. Bài thơ “Ông làng hát bội” là một thí dụ:

Chi chi trong khám sắp ngang hàng,

Nghĩ lại thì ra các bợm làng.

Trong bụng trống trơn mang giữa cổ,

Trên đầu trọc lóc bít khăn ngang.

Vào buồng gọi tổ, châu đầu lạy;

Ra rạp rằng con, nịt nách mang.

Dám hỏi hàm ân người lớp trước,

Hay là một lũ những quân hoang?

Bài thơ còn ở chỗ nó đa nghĩa. Dưới câu chữ đang hiện diện, người đọc còn tìm thấy ở đó một tầng nghĩa khác. Bài thơ này thuộc dạng đó. Cũng như bài thơ “Con tôm” thật xuất sắc:

Chẳng phải vương tôn chẳng phải hầu,

Học đòi đai kiếm lại mang râu.

Khoe khoang mắt đỏ trong dòng bích,

Chẳng biết mình va cứt lộn đầu.

Có lẽ, một trong những bài thơ của Học Lạc mà nhiều nguời con truyền tụng là bài “Tạ hương đảng” cũng làm theo thể thơ vần trắc một cách lắt léo, trúc trắc:

Vành mâm xôi, đề “Thằng Lạc”

Nghĩ mình ty tiểu không đài các.

Văn chương có phải đứa mèo quào,

Danh phận không ra cái cóc rác.

Bởi rứa bơ thờ thẹn núi sông,

Dám đâu láu táu ngạo cô bác?

Việc này như có thấu cùng chăng,

Trong thời ông thần, ngoài cặp hạc.        

Theo Phan Khôi: “Ngày xưa trong dân gian ta, nhiều làng có tục “cúng xôi”. Hễ  đến ngày làng kỳ yên thì viên quan, chức sắc trong làng mỗi người đem một cỗ xôi ra đình cúng thần... Học Lạc là chân Học sanh ngày xưa, chức sắc trong làng, nên cũng theo lệ ấy. Mà ông là người hay ngạo đời, có một lần, trên mâm xôi ông đem ra đình, ông đề hai chữ “Thằng Lạc” thay vì chức tước và tên họ. Trong đám làng cũng có nhiều người vai trên, lấy cớ mà trách ông sao có xấc xược. Ông Học Lạc bèn làm bài thơ này”.

Thử tưởng tượng, trong lúc ai nấy đều đang chỉnh tề, đi đi đứng đứng, nói năng nhỏ nhẹ, này thưa ngài, nọ thưa cụ... bởi không khí trang nghiêm quá, sang trọng quá thì lúc ấy có người xuất hiện tự xưng “Thằng Lạc”! Cái chữ “thằng” mới ti tiện, bình dân, hạ cấp gì đâu! Đó là thái độ gì? Là thái độ phá đám, bởi dám nhổ toẹt vào cái “tôn ti trật tự” ấy! Thơ trào phúng của Học Lạc hay là chỗ đó. Không nói gì về hiện tượng đang diễn ra, mà thật ra từng câu chữ ngầm bày tỏ một thái độ rất quyết liệt. Ngầm nói cái lệ “cúng xôi” của quý ngài, thằng này có xem nó ra cái gì đâu! Ngạo đời đến thế là cùng.

Như đã nói, thơ trào phúng còn có cái hay ở chỗ là nó gắn với thời sự. Cứ nhìn Tú Xương thì rõ. Thơ của ông Tú rất thời sự, bám sát thời sự bằng sự quan sát của một nhà báo chuyên nghiệp. Nhờ vậy nay đọc lại, ta thấy như hiện lên trước mắt cái xô bồ, nhố nhăng của xã hội đương thời. Với Học Lạc cũng thế. Ông cũng có nhiều thơ rất thời sự. Nhờ vậy, nay đọc lại, ta thấy như một nguồn tư liệu quý. Tôi muốn nói đến bài thơ “Mỹ Tho tức cảnh”, nhưng trước hết xin được lan man qua... nghệ thuật cải lương trước đã.

Về lịch sử cải lương, trong tác phẩm khảo cứu Nghệ thuật sân khấu cải lương, nhà nghiên cứu Trần Văn Khải có viết những nét chính - mà ngay cả học giả Vương Hồng Sển cũng phải trích lại trong Hồi ký 50 năm mê hát và khẳng định “rành rẽ, đầy đủ, không ai chối cãi được”. Theo đó, cải lương ra đời vào năm 1917: “Trước kia ở rải rác trong các tỉnh Nam phần có những ban tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư gia tân hôn, thăng quan giỗ quải v.v…Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng... Qua lối năm 1910, ở Mỹ Tho có ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều tục gọi Tư Triều (đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca). Ban tài tử này đờn ca rất hay vì phần đông đã được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp mới về. Kế năm 1911, tài tử Nguyễn Tống Triều muốn đưa ca nhạc ra trước công chúng, nên thương lượng với chủ nhà hàng “Minh Tân khách sạn” ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho- Sài Gòn để ban tài tử đờn ca giúp vui, thực khách đến nghe càng ngày càng đông. Nhận thấy sáng kiến này có kết quả khả quan, Thầy Hộ - chủ rạp hát bóng Casino phía sau chợ Mỹ Tho - muốn cho rạp hát mình đông khán giả bèn mời ban tài tử Tư Triều đến trình bày tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, trước khi chiếu bóng. Lối ca trên sân khấu được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt” (tr.83).

Nhưng cái thuở ban đầu ấy, ban nhạc tài tử xuất hiện trước sân khấu chỉ ngồi trên bộ ván, mặc quốc phục và cất tiếng ca mùi mẫn. Ít lâu sau, khoảng năm 1915-1916 có một khách tài tử mê cầm ca là ông Phó Mười Hai, (tức Tống Hữu Định) ở Vĩnh Long đến Mỹ Tho thưởng thức. Sau khi nghe cô Ba Đắc ca rất ngọt những bài cổ điển, ông có sáng kiến là nghệ sĩ phải đứng trên sân khấu vừa ca, vừa diễn xuất thì mới thật sự hấp dẫn. Lối diễn này gọi là “ca ra bộ”. Với sáng kiến quan trọng này, từ nay nghệ sĩ không còn không còn ngồi đờn ca đơn thuần mà phải có động tác phù hợp với lời ca. Điều này đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, không những nghe giọng hát hay mà họ còn được xem trình độ diễn xuất của nghệ sĩ. Và cũng qua diễn xuất, người nghệ sĩ mới có thể diễn đạt hết cái hay, cái đẹp trong ca từ. Rõ ràng, nó đã đặt nghệ sĩ vào một tình thế chủ động hơn, không chỉ rèn luyện về thanh âm mà còn phải nỗ lực trong cách biểu cảm của hành động. Có thể nói, “ca ra bộ”là hình thức của trình diễn sân khấu, là gạch nối của hình thái âm nhạc chuyển dần sang hình thái sân khấu.

Thế thì, với tư cách là nhà thơ trào phúng, luôn nhanh nhạy trước các thời sự đang diễn ra, thi sĩ Học Lạc của chúng ta đã cảm nhận không khí “đàn ca hát xướng” của Mỹ Tho - cái nôi nuôi dưỡng nghệ thuật cải lương thuở mới ra đời - như thế nào? Ông viết:

Trên Sài Gòn dưới Mỹ Tho,

Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho.

Lớn ròng chung rạch chia đôi ngã,

Cũ mới phân nhau cũng một đò.

Phố cất vẽ vời xanh tựa lục,

Buồm dong lên xuống trắng như cò.

Đắc tình trạo tử quên mưa nắng,

Dắn dỏi đua nhau tiếng hát hò.

Quả là “thi trung hữu họa”. Phong cảnh Mỹ Tho trong những thập niên 1910 của thế kỷ XX như hiện ra trước mắt. Câu kết vô tình lại là lời bình xác đáng, thú vị cho các bài viết của nhà ngiên cứu Trần Văn Khải, Vương Hồng Sển về không khí sinh họa cải lương thuở ấy.

 

LÊ MINH QUỐC

(Nguồn: Tạp chí Đương Thời - 2008)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com